DÊ HÓA CHÓ
Thuở xưa, có một tu sĩ Bà La Môn ra chợ mua dê về tế thần. Nhìn con dê béo tốt, một bọn lưu manh rắp tâm đánh cắp. Sau một hồi bàn tính, một tên bước ra, giả bộ ngạc nhiên hỏi ông Bà La Môn:
- Sao ngài cõng chó lên lưng mà đi như thế kia? Nó bị đau chân hả?
Tu sĩ nổi cáu quát:
- Mắt với mũi, dê mà mi dám bảo là chó à?
Tên lưu manh bỏ đi sau cái nhún vai bất cần. Lát sau, một tên khác lại chặn đường hỏi tu sĩ:
- Thưa ông Bà La Môn, chó là một con vật khả ố, sao ông lại để nước miếng nó dây vào người thế kia?
Tu sĩ cãi:
- Này cậu, đây là dê chớ không phải là chó.
Gã lưu manh lắc đầu, mỉm cười bỏ đi. Ông Bà La Môn bắt đầu nao núng, đặt con dê xuống đất buộc vào cổ nó rồi kéo đi. Tên lưu manh thứ ba bước đến hỏi:
- Thưa ngài, chắc ngài chuẩn bị dắt chó đi săn?
Vị tu sĩ cãi:
- Ðây là con dê mà!
Gã lưu manh bỏ đi sau một chuỗi cười ròn rã. Ông Bà La Môn ngơ ngẩn đứng dụi mắt hồi lâu vẫn nom thấy rõ ràng là mình đang dắt một con dê.
Tên lưu manh thứ tư lại đến, chào ông và hỏi:
- Ngài mua con chó này giá bao nhiêu thế?
Vị tu sĩ vô cùng hoang mang nghĩ bụng:
- Có lẽ đây là con chó thật. Tên lái buôn phù thủy đã làm mù mắt ta.
Một vị Bà La Môn cao cả như ta mà dắt chó đi thì còn ra cái thể thống gì. Ông bèn quăng dây, thả rong con dê và bươn bả đi tìm gã lái buôn để ăn thua đủ. Gặp cơ hội bằng vàng, bọn lưu manh tóm lấy con dê và chuồn mất.
Bạn thân mến!
Sự giả dối được lặp đi lặp lại nhiều lần lại hóa thật. Ông Bà La Môn trên đây bị lừa mất con dê là tại vì “quý lỗ tai mà khinh con mắt”. Mà nào có mỗi mình ông ta đâu! Tôi và bạn cùng tất cả những ai trên thế gian này đều bị lừa, tự lừa và lừa gạt lẫn nhau cả.
Từ cái “bản lai vô ngã”, nghĩa là trong những lúc ở một mình, quán chiếu lại mình, ta thấy rõ ràng, thân và tâm ta đều là những tổ hợp nhân duyên tạm bợ, rất đỗi mong manh và vô thường. Không có cái gì là ta, thường tồn, bất biến… vậy mà, vừa gặp mặt nhau, chúng ta đã tay bắt mặt mừng:
- Ồ, sao lúc này bạn đẹp ra thế? Trẻ hơn lúc trước nhiều (trong khi sự thật thì càng ngày càng già càng xấu thì có!).
Có lẽ vì thế mà kinh điển thường ca tụng chữ TÍN: “Tín là cội nguồn và đạo, là cha mẹ chư Phật!”. Tín đây là niềm tin vững chắc nơi mình, không bị những trò giả dối của trần cảnh lường gạt đến độ “thấy dê hóa chó” đó bạn ạ!
Nghiệp ác chưa thuần thục
Người ngu tưởng ngọt ngon
Nghiệp ác đã thuần thục
Người ngu chịu khổ sầu.
(Pháp Cú 69)
Team Uống Trà Thôi sưu tầm