Từ Bi Hồng là một cái tên được nhiều người biết đến trong bản đồ nghệ thuật hội họa Trung Hoa cận đại. Nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của ông có lẽ là loạt tranh thủy mặc chủ đề ngựa. Tuy nhiên ít người biết rằng ông là một họa sĩ Trung Hoa sớm theo học vẽ sơn dầu phương Tây và đạt được những kỹ thuật vẽ sơn dầu của bậc thầy.
Sự nghiệp và những trải nghiệm cá nhân của Từ Bi Hồng gắn bó mật thiết với lịch sử Trung Quốc. Zhu Qingsheng, giáo sư nghệ thuật ở Đại học Bắc Kinh, cho biết: “Dựa vào những hiểu biết sâu sắc của mình và tiếp thu có cân nhắc các truyền thống hội họa phương Tây, Từ Bi Hồng đã đưa chủ nghĩa Hiện thực vào mỹ thuật Trung Hoa. Ông đóng vai trò quan trọng trong quá trình chấn hưng nền mỹ thuật hiện đại Trung Quốc”.
Sinh ra ở tỉnh Giang Tô năm 1895, Từ Bi Hồng trưởng thành trong một gia đình nghệ thuật và bộc lộ tài năng ngay từ lúc còn nhỏ. Khi mới 6 tuổi, ông đã được cha mình truyền dạy về thư pháp và cả kỹ thuật vẽ thủy mặc… Năm 1915, Từ Bi Hồng tới Thượng Hải học và gặp gỡ học giả kiêm nhà cải cách Khang Hữu Vi (1858-1927), người đã trở thành “sư phụ” của ông. Khang Hữu Vi tạo ảnh hưởng sâu đậm tới Từ Bi Hồng về việc phải dung hòa các ý niệm và sự thực tế của phương Tây vào nghệ thuật Trung Hoa. “Từ Bi Hồng nhận thấy nghệ thuật truyền thống Trung Hoa đã trở nên đơn thuần chỉ là sự sao chép của nhiều họa phẩm khác, xa rời thiên nhiên và hiện thực xã hội. Ông không phải là người đầu tiên đề ra ý tưởng này nhưng là một trong những người tiên phong tìm ra giải pháp và phương hướng. Từ Bi Hồng sử dụng chính xác những tỷ lệ kết cấu và dung hòa các cách tiếp cận của phương Tây, như thuật phối cảnh, trong tranh của mình”, giáo sư Huang Xiaoming thuộc Viện Mỹ thuật Trung ương Trung Quốc nhận định.
Năm 1917, Từ Bi Hồng tới Tokyo (Nhật Bản) để nghiên cứu mỹ thuật. Năm 1918, khi trở về Trung Quốc, ông giảng dạy tại khoa Mỹ thuật của Đại học Bắc Kinh. Từ Bi Hồng trở thành một trong những nhân vật chính của trào lưu Tân văn hóa năm 1919. Cũng năm đó, ông tới Paris (Pháp) để nghiên cứu tranh sơn dầu và phác họa tại Ecole Nationale Superieure Des Beaux-Arts. Họa sĩ đã quan sát và học hỏi được nhiều kỹ thuật vẽ của phương Tây nhờ các chuyến chu du khắp Tây Âu. Ông không quan tâm tới chủ nghĩa Biểu hiện và Siêu thực mà theo đuổi trường phái Hiện thực. “Từ Bi Hồng muốn mọi người phải hiểu được các bức tranh của mình và đó chính là lý do tại sao ông theo đuổi trường phái Hiện thực trong suốt cuộc đời”, giáo sư Zhu giải thích.
Năm 1927, Từ Bi Hồng có 9 họa phẩm được chọn trưng bày tại Salon Des Artistes Francais và đã gây ấn tượng mạnh tới khung cảnh nghệ thuật Pháp thời đó. Trong cuối những năm 1930, ông đã tổ chức triển lãm hội họa Trung Hoa hiện đại tại Pháp, Đức, Bỉ, Italia và Liên Xô (cũ). Trong Thế chiến II, Từ Bi Hồng giới thiệu tranh của mình ở Singapore và Ấn Độ. Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949, Từ Bi Hồng trở thành viện trưởng đầu tiên của Viện Mỹ thuật Trung ương. Ông qua đời sau một cơn đột quỵ tại nhà riêng ở Bắc Kinh năm 1953.
Ngay từ đầu thế kỷ 20, tầm ảnh hưởng của Từ Bi Hồng đã vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc. Hiện nay, tranh của ông vẫn gây tiếng vang cả ở trong lẫn ngoài nước. Tháng 10/2006, họa phẩm Người nô lệ và sư tử đã được mua với giá 53,88 triệu HKD (6,9 triệu USD) tại cuộc đấu giá của hãng Christie’s. Tháng 4/2007, bức Hãy bỏ roi xuống đạt giá 72 triệu HKD.
Thị trường vẫn xuất hiện các bức tranh vẽ ngựa “nhái” Từ Bi Hồng, tuy nhiên con trai ông khẳng định rằng dù sự sao chép có tinh vi đến đâu thì vẫn dễ dàng bị nhận ra vì “hầu hết những người chép tranh đều không thể mô tả được ngựa theo các yêu cầu nghiêm ngặt về kết cấu và phối cảnh như trong những họa phẩm của cha tôi”.
Mời độc giả cùng xem thêm một vài bức vẽ tiêu biểu của danh họa tài ba này:
Uống Trà Thôi
Theo dkn