Trà là thức uống phổ biến thứ hai trên thế giới chỉ sau nước lọc và trở thành một nguyên liệu thiết yếu trong đời sống thường ngày của chúng ta. Có nhiều loại hương vị trà và cũng có nhiều cách thưởng trà khác nhau. Từ xa xưa đã có tục khách đến nhà thì mời trà để tỏ lòng mến khách, truyền thống này là sự kết tinh ngàn đời của văn hoá phương Đông.
Khái niệm cơ bản về trà
Trà (chè) là thức uống phổ biến thứ 2 trên thế giới, chỉ sau nước. Tất cả các loại trà trên thế giới đều được làm từ một loại cây, gọi là cây trà (Cemellia Senensis), mọc trên các cao nguyên vùng nhiệt đới. Mặc dù là loài thân gỗ nhưng khi canh tác người ta thường trồng trà thành luống và liên tục đốn cắt để cây chỉ thấp ngang bụng, dễ thu hoạch búp và cho năng suất cao.
Cây trà thường mọc tự nhiên ở hầu hết các khu vực châu Á và được trồng theo nhiều phương thức và quy mô khác nhau. Từ những khu vườn nhỏ của nhiều gia đình đến những điền trang khổng lồ rộng hàng nghìn mẫu. Loại trà tốt nhất thường được trồng ở địa hình cao, và thường là ở các sườn dốc.
Thế giới về trà rất rộng lớn. Mỗi quốc gia, địa phương hay vùng lãnh thổ lại có phương pháp và nghi thức khác nhau để pha một tách trà.
Chọn đúng loại trà
Có hàng ngàn loại trà nhưng chắc chắn không phải tất cả đều được chế biến hay tạo ra như nhau. Tuỳ vào cấp độ oxy hoá khác nhau mà trà được phân thành 3 nhóm chính với hương sắc vị khác nhau.
Trà xanh: không oxy hoá
Trà Ô Long: oxy hoá một phần
Trà đen: oxy hoá hoàn toàn
Ngoài ra cũng có một số loại trà được xếp riêng vì được chế biến theo một số cách đặc biệt như: Trà trắng (chỉ phơi khô dưới ánh nắng), Trà Phổ Nhĩ (lưu ủ cho trà lên men trong nhiều năm), trà hoa (trà hương)…
Sự khách nhau về giống trà, nơi trồng, mùa hái, phương pháp thực hiện các bước chế biến sẽ tạo ra hàng nghìn loại trà cụ thể khác nhau với các mùi vị cực kỳ phong phú. Chọn một loại trà phù hợp để có một trải nghiệm thú vị khi thưởng trà.
Nhiệt độ thích hợp
Mỗi loại trà đều có đặc trưng riêng, sắc thái hương vị của chúng khác nhau và được giải phóng vào những thời điểm ủ khác nhau.
Mỗi loại trà sẽ có một mức nhiệt độ “chuẩn”. Nước nóng giúp các chất như tanin, axit amin và các hợp chất hương vị trong lá trà được giải phóng. Một số loại trà cần ít nhiệt hơn, trong khi những loại khác lại cần nhiều hơn để tối đa hóa các đặc tính đặc biệt của chúng. Sử dụng nước ở nhiệt độ tối ưu cho mỗi loại trà cho phép các hợp chất được giải phóng một cách cân bằng và dẫn đến trà hương vị tuyệt vời.
Mỗi loại trà sẽ có mức nhiệt khác nhau để khi pha không bị mất đi hương sắc vị tinh tế của từng loại trà.
Trà trắng: Là loại trà được làm nên từ những búp lá non của cây chè (trà). Đối với trà trắng, nhiệt độ nước dùng để pha là khoảng 75 độ C. Vậy nên, sau khi nước được đun sôi hoàn toàn, nên để nguội khoảng 8 - 10 phút rồi hãy pha trà. Vì nếu pha trà với nhiệt độ quá nóng sẽ làm nát lá trà và khiến trà nồng hơn.
Đặc biệt trà trắng càng dễ bị cháy khi tiếp xúc với nước nóng. Một phương pháp để tránh gây sốc cho trà là rửa lá trà trong nước lạnh trước khi pha hoặc đổ nước nóng lên thành ấm, cốc pha trà, tránh tiếp xúc trực tiếp với lá.
Trà xanh: Trà xanh được hái và chế biến từ những lá trà bánh tẻ của cây. Vì là loại bánh tẻ nên sẽ cần một nhiệt độ cao hơn, thích hợp nhất là từ 80 - 82 độ C. Do đó, nước đun sôi ở 100 độ C bạn có thể để nguội khoảng 6 - 7 phút rồi hẳn pha chế. Hoặc là đun nước đến lúc thấy bóng nước nổi nên khoảng 4 - 5 mm ở mép bình là nước vừa chín đủ để sử dụng pha trà xanh. Đối với những loại trà xanh được ướp hương hoa cũng được pha ở nhiệt độ này. Tuy nhiên, đối với trà xanh matcha Nhật Bản thì nhiệt độ nước lý tưởng để pha chế thấp hơn một chút, khoảng 65 - 80 độ.
Trà ô long: Đối với trà ô long, thường có hình dạng cuộn lại thành từng viên. Để có thể làm mềm và mở lá trà ô long tốt nhất thì nên sử dụng nhiệt độ pha trà từ 90 - 92 độ C. Có nghĩa là nước vừa sôi già, bạn có thể canh nhiệt độ nước bằng cách theo dõi những bong bóng nước lớn khoảng 5mm bắt đầu nổi lên bề mặt. Hoặc bạn có thể đun nước thật sôi rồi để nguội khoảng 5 phút trước khi pha
Trà đen: Đối với trà đen hay còn được gọi là hồng trà thì cần sử dụng nhiệt độ sôi hoàn toàn. Ở mức 100 độ C có thể giúp trà đen tỏa ra hết hương thơm và mùi vị vốn có của nó. Tuy nhiên một số loại trà cao cấp như Darjeeling được khuyến khích pha với nhiệt độ thấp hơn, khoảng 80 - 90 độ C.
Trà thảo mộc: Là loại trà được chế biến từ các loại thảo mộc khác nhau. Ngoài lá cây, thì trà thảo mộc còn là sự kết hợp của nụ hoa, hạt quả, thân cây... Phần lớn các loại trà thảo mộc nên được pha với nước sôi già 100 độ C và hãm trong thời gian 10-30 phút tùy thuộc thành phần để có được hiệu quả tốt nhất.
Thậm chí, nhiều loại còn phát triển hương vị qua nhiều lần uống và khoảng thời gian khác nhau. Do đó, có nhiều sự sang tạo và thử nghiệm, tùy thuộc vào phong cách trà bạn đang dung và số lần nước bạn pha.
Uống Trà Thôi
Theo đời sống tiêu dùng