/Uống trà thôi
Tải ứng dụng
Trang chủ / Chia sẻ

‘Thanh Minh thượng hà đồ’: Điều gì ẩn sau một kiệt tác hội họa?

2256 08:38, 31/10/2022
Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC

( từ)

‘Thanh Minh thượng hà đồ’: Điều gì ẩn sau một kiệt tác hội họa?Nguồn: Wikipedia
“Thanh minh thượng hà đồ” là một tác phẩm tranh khổ rộng được vẽ bởi họa sĩ Trương Trạch Đoan của thời Bắc Tống, thông qua cách miêu tả truyền thần về hơn 810 nhân vật với nhiều màu sắc khác nhau, đã ghi lại được hình ảnh về cuộc sống thành thị của Trung Quốc vào thế kỷ 12 một cách sống động, đây được xem là tác phẩm hội họa được lưu truyền nhiều đời và mang giá trị vô giá trên nhiều phương diện…

Nhưng có phải bức tranh này chỉ thể hiện cuộc sống thành thị phồn hoa của Biện Kinh vào thời Bắc Tống thôi không? Nội dung chính “Thanh minh thượng hà đồ” là gì? Cách đây không lâu, nghiên cứu viên Từ Huy của Bảo tàng Cố Cung đi đến Trung Âu dự buổi hội thảo “thủ chính xuất tân, chính đạo trí viễn”, đã chia sẻ với mọi người về cách lý giải độc đáo của mình đối với bức tranh này:

Rất nhiều người đã từng xem qua “Thanh minh thượng hà đồ” đều cho rằng cảnh đẹp của Biện Kinh phồn hoa chính là chủ đề của bức tranh này. Tuy nhiên, nếu như theo họa sĩ Trương Trạch Đoan xuyên việt đến Biện Kinh của hơn 900 năm trước, có lẽ những gì chúng ta nhìn thấy sẽ là một cảnh tượng rất khác.

- Quê quán của Trương Trạch Đoan ở đâu?

Phần lớn mọi người đều biết Trương Trạch Đoan là họa sĩ cung đình của Bắc Tống, sở trường giới họa (một cách vẽ của tranh TQ, dùng thước kẻ để vẽ các đường nét của kiến trúc nhà cửa, lầu các…). Thông tin duy nhất liên quan đến Trương Trạch Đoan mà người xưa để lại cho chúng ta chính là phần bạt văn của Trương Trước: “Hàn lâm Trương Trạch Đoan, tự Chính Đạo, là người Đông Võ. Từ nhỏ đọc sách, du học tại kinh sư, sau đó học vẽ tranh. Công việc chính là giới họa, đặc biệt thích vẽ thuyền bè, nhà cửa cây cảnh, cầu đường phố xá, tự tạo thành phong cách riêng. Theo “Vân thị bình luận đồ họa ký” nói: “Tây Hồ tranh tiêu đồ và Thanh minh thượng hà đồ được chọn vào thần phẩm”. Năm Bính Ngọ Đại Định (năm 1186), sau tiết Thanh minh một ngày, Yến Sơn Trương Trước viết”.

Đoạn tái bút này của Trương Trước đã miêu tả sơ lược về cuộc đời của Trương Trạch Đoan, từ đó có thể biết được bối cảnh gia đình và những trải nghiệm tại Biện Kinh của Trương Trạch Đoan.

Đầu tiên có nhắc đến “hàn lâm”, hàn lâm này không phải là quan văn trong viện học sĩ hàn lâm, mà là họa sĩ trong viện họa đồ hàn lâm. Năm Ung Hy thứ nhất (năm 984 CN), Tống Thái Tông – Triệu Quang Nghĩa thiết lập viện họa đồ hàn lâm, tập trung các họa sĩ chân dung, họa sĩ giới họa và họa sĩ tôn giáo nổi tiếng.

Trương Trạch Đoan, tự là Chính Đạo. Trong “Lễ ký, yến nghi” có viết: “thượng tất minh chính đạo dĩ đạo dân”, tên và tự của ông mang đậm dấu ấn của tư tưởng Nho giáo, có thể thấy cha ông rất tôn sùng quan niệm đạo đức của Nho giáo.

“Đông Võ” chính là Chư Thành thuộc tỉnh Sơn Đông ngày nay, rất gần với quê của Khổng Tử. Học trò tâm đắc và con rể Công Dã Trưởng của Khổng Tử đã khai sáng gốc rễ Nho học tại Chư Thành. Vào thời kỳ Bắc Tống, Chư Thành đã hình thành một nền văn hóa tôn sùng kinh điển Nho giáo, có ảnh hưởng tích cực đối với triều đình.

“Từ nhỏ đọc sách, du học tại kinh sư”. Không còn nghi ngờ gì, sách mà lúc nhỏ Trương Trạch Đoan đọc chắc chắn là tác phẩm kinh điển của Nho giáo. Thời kỳ Bắc Tống chú trọng giáo dục trẻ em hơn bất cứ thời kỳ nào, triều đình thiết lập “Đồng tử khoa”, tuyển chọn những người có thiên phú về kinh sách và làm thơ dưới 15 tuổi của địa phương để thi tiến sĩ.

Trương Trạch Đoan du học tại kinh sinh, học thi phú luận sách trước, sau đó mới có thể tham gia thi tiến sĩ. Sau khi đậu tiến sĩ thì sẽ được làm một chức quan trong triều đình. Trong “Thanh minh thượng hà đồ”, có vẽ hình dáng của những người du học tại kinh sư, giống như phần cuối vẽ một chiêu bài, trên đó viết “ở lâu trong nhà Vương viên ngoài”, thông qua cửa sổ trên lầu, có thể nhìn thấy có một thư sinh đang đọc sách… Đây thật ra chính là một đoạn miêu tả về cuộc sống của Trương Trạch Đoan khi mới đến Biện Kinh.

Chúng ta có thể suy đoán rằng, Trương Trạch Đoan đến từ quê hương Nho giáo có lẽ không thích ứng với biến hóa của cuộc thi khoa cử lúc đó, thất bại trong khoa thi, cho nên mới buộc phải nửa chừng chuyển sang học vẽ tranh giới họa.

Giới họa là một loại hội họa dùng thước kẻ để vẽ kiến trúc, có rất nhiều cách vẽ khác nhau. Lúc vẽ tranh, buộc một miếng gỗ nhỏ ở phía dưới thân bút, có miếng gỗ nhỏ này, bút vẽ có thể di chuyển theo cây thước, dựa theo ý đồ của họa sĩ mà vẽ ra các đường thẳng dài ngắn khác nhau. Cách vẽ giới họa dễ dàng mang lại hiệu quả rất cao, chỉ cần sử dụng công cụ thành thạo, vẽ được tinh tế chính xác là sẽ có được sự tán dương của người ngắm tranh, vì vậy họa sĩ sẽ dễ kiếm sống hơn.

“Công việc chính là giới họa, đặc biệt thích vẽ thuyền bè, nhà cửa cây cảnh, cầu đường phố xá, tự tạo thành phong cách riêng”. Mọi người đều cho rằng Trương Trạch Đoan vẽ đẹp nhất và tinh tế nhất là thuyền bè, thông qua những nét mực đen vẽ ra được nét đẹp của tàu thuyền và các tòa kiến trúc, tự tạo thành một phong cách riêng biệt cho mình.

- “Thanh minh thượng hà đồ” vẽ vào thời gian nào?

Sở dĩ bức tranh “Thanh minh thượng hà đồ” của Trương Trạch Đoan thành công như vậy, là vì sử dụng rất nhiều loại nghệ thuật khác nhau của các họa sĩ đời trước để làm cơ sở, đến lúc đó mới hình thành một đỉnh cao nghệ thuật. Ví dụ, chúng ta nhìn thấy không gian ở trong tranh rất rộng lớn, đó là mượn khung cảnh rộng lớn của hội họa tôn giáo. Không gian rộng ra, nhưng kích thước của bức tranh vẫn không thay đổi, độ cao chỉ có gần 25cm, độ dài cũng chỉ hơn 5m, cái này lấy từ nghệ thuật “vi họa” khá phát triển vào thời Bắc Tống.

Vậy “Thanh minh thượng hà đồ” được vẽ vào thời điểm nào của Bắc Tống? Đầu tiên, chúng ta phải nhìn vào quần áo và trang sức của các nhân vật trong tranh. Quần áo trang sức của nữ giới thay đổi nhanh nhất, chúng ta nhìn thấy trong tranh có khoảng bảy tám phụ nữ, quần áo của họ đều là đoạn bối tử (áo khoác ngoài) kiểu to rộng. Theo như ghi chép trong “Tẫn Dư Lục” của Từ Đại Trác vào thời Nam Tống, kiểu trang phục nữ này xuất hiện vào những năm Sùng Ninh và Đại Quán. Đến những năm Tuyên Hòa, Thiệu Hưng thì loại trang phục này không còn được thịnh hành nữa. Còn có một chỗ, chúng ta nhìn thấy trong tranh có hai người đang đẩy xe, một chiếc ở ngoài đường lớn, một chiếc ở trong hẻm nhỏ, phía trên xe dùng một miếng vải che lớn đậy lại, trên tấm vải che có viết những chữ thảo rất lớn. Rõ ràng chúng vốn dĩ là tác phẩm thư pháp được dán lên bình phong. Tác phẩm đẹp như vậy bị xé bỏ đem làm vải che, chắc chắn là người viết những chữ này đã xảy ra chuyện rồi. Điều này không khỏi khiến người ta nghĩ đến cuộc tranh chấp giữa các phe phái mới và cũ trong triều đình Bắc Tống vào những năm đầu Sùng Ninh, người của phe phái cũ như Tô Thức, Hoàng Đình Kiên bị Tống Huy Tông phế truất, triều đình còn yêu cầu hủy bỏ toàn bộ sách và chữ viết của họ.

Nhìn xuống phía dưới, trong tranh có ghi rõ giá cả của thịt dê: “mỗi cân sáu mươi tròn”, khảo chứng về giá cả này cũng hoàn toàn trùng hợp vào vào những năm đầu Sùng Ninh. Chúng ta nhìn thấy rất nhiều sự kiện và sự vật trong tranh đều có liên quan đến thời kỳ Sùng Ninh của Bắc Tống. Vì vậy, bức tranh này rất có thể được vẽ trong những năm Sùng Ninh (1102-1106) của Bắc Tống.

Rất nhiều người không hiểu hai chữ “thượng hồ”, chữ “thượng” ở đây thực chất là một động từ, vì vậy “Thanh minh thượng hồ” có nghĩa là vào tiết Thanh minh, mọi người đều đi ra bờ hồ, đi lên cầu để ngắm cảnh đẹp của mùa xuân.

Các chuyên gia và học giả khắp nơi cho rằng “Thanh Minh thượng hà đồ” vẽ kinh thành Biện Kinh của Bắc Tống (nay là Khai Phong, Hà Nam). Là một thành phố lớn nhất trên thế giới tại thời điểm đó, thành phố Biện Kinh cũ và mới tổng cộng có 8 khu 120 phường, nhân khẩu lên đến 100.000 hộ. Trước đây mọi người đều nói bức tranh này vẽ cảnh tượng khu Đông Thủy Minh ở góc Đông Nam của thành Biện Kinh, nhưng thông qua sự quan sát tỉ mỉ, chúng tôi mới phát hiện không phải như vậy. Vì để làm rõ “Thanh minh thượng hà đồ” miêu tả đường xá phố phường nào, tôi dựa theo “Thanh minh thượng hà đồ” để vẽ tra bản đồ thành phố từ trên cao, sau đó đem đối chiếu với bản đồ của thành phố Biện Kinh, kết quả cho ra một phát hiện vô cùng kinh ngạc.

- Thì ra nơi mà tác giả vẽ lại là một nơi không có tên.

Đầu tiên chúng ta nhìn cửa thành. Phóng to tấm biển của cửa thành ra xem, trên đó chỉ viết một chữ “môn”, phía trước chữ môn có vài dấu chấm, chứng tỏ tác giả cố ý muốn né tránh không viết cụ thể tên của cửa thành.

Điều này có phải là trùng hợp không? Chúng ta lại xem tiếp, trong tranh có một ngôi miếu, trên cánh cổng của ngôi miếu có gắn đinh cửa (loại đinh tròn rất to bằng đồng thường được gắn lên các cánh cửa của các kiến trúc TQ cổ xưa), chứng tỏ đẳng cấp rất cao, chắc là miếu tự của hoàng gia, thì chắc chắn trên biển miếu phải có viết tên, nhưng xem kỹ lại, trên tấm biển cũng chỉ chấm vài chấm. Còn có cây cầu trong tranh, trong Biện Kinh có tổng cộng 13 cây cầu giống như vậy, rốt cuộc họa sĩ vẽ cây nào hả? trên thân cầu cũng không có tên cầu.

Vậy có phải là do họa sĩ không tinh mắt, viết không rõ hay không? Chắc chắn không phải vậy rồi. Bởi vì các biểu chiêu bài, quảng cáo ở trong tranh, bất luận là chữ nhỏ đến mấy, tác giả đều viết rất rõ ràng.

Vì vậy có thể thấy, họa sĩ vốn dĩ không muốn vẽ cụ thể một nơi nào, mà chỉ là muốn miêu tả khái quát một số chuyện đã xảy ra ở khắp nơi trong Biện Kinh, rồi tập hợp chúng vào trong một bức tranh. Cũng có nghĩa là “Thanh minh thượng hà đồ” vẽ về tình hình cuộc sống của Biện Kinh, chứ không phải là cảnh thật.

- Nội dung chính của bức tranh là gì?

Một người thấm nhuần tư tưởng Nho giáo như Trương Trạch Đoan chẳng lẽ chỉ muốn thông qua bức tranh này để nói lên phong tục xã hội của thời bấy giờ, và khoe kỹ thuật vẽ tranh của mình thôi sao? Chắc chắn không phải như vậy.

Chúng ta cùng xem phần đầu của bức tranh, có một đội người ngựa đang trở về sau chuyến du ngoạn, quan nhân cưỡi ngựa, vợ quan ngồi kiệu, rất dễ chịu thoải mái, trong đó có một người vác hai con gà rừng do săn bắn được, nhưng tại thời điểm đó săn bắn là phạm vào luật trời. Đầu thời kỳ Bắc Tống có thánh chỉ, từ tháng 2 đến tháng 9 hàng năm đang là thời kỳ động vật sinh sản và nuôi con, không cho phép săn bắn.

Nhìn tiếp xuống phía dưới thì là chợ, dọc con đường có các quán trà và quán cơm, mà trong đội ngũ quan nhân không biết sợ hãi là gì, có một con ngựa bị hoảng sợ, đang phi thẳng vào trong chợ, tiếng ngựa hoảng sợ vừa chạy vừa hí làm kinh động những bá tánh đang ngồi trong quán trà uống trà, mọi người đều ngước nhìn ra bên ngoài…

Mạnh Nguyên Lão viết trong quyển ba “Đông Kinh Mộng Hoa Lục” như sau: Kinh sư xây vọng hỏa lâu ở trên cao, trên lầu có người quan sát, bên dưới có mấy chục căn nhà quan, còn có quân lính canh giữ ở bên trong, một khi phát hiện hỏa hoạn, lập tức thực hiện chữa cháy. Mà toàn bộ “Thanh minh thượng hà đồ” vẽ con phố dài mười dặm, mà không có một vọng hỏa lâu nào cả. Chỉ nhìn thấy có một đài cao được xây bằng gạch, vốn dĩ chính là một vọng hỏa lâu, hiện nay lại biến thành một tọa lượng đình, trở thành nơi yên tĩnh cho mọi người nghỉ ngơi. Hai hàng doanh phòng ở phía dưới biến thành quán ăn, thậm chí ngay đến quân tuần bổ (trạm cứu hỏa) ở trong thành vào ngày lễ cũng bị biến thành “trạm vận chuyển rượu” luôn rồi.

Đi tiếp về phía trước, chúng ta nhìn thấy một kiến trúc giống như nha môn của quan phủ, ở trước cửa có bảy tám binh sĩ nằm dọc ngang lộn xộn. Bên cạnh họ có hai thùng đựng văn kiện, xem ra đây là hai đám người ngựa, một đám đi đưa văn kiện, một đám đi bắt người, bây giờ thì nằm ở đây ngủ, ngơ ngác. Từ đây có thể nhìn ra được hiện trạng “nhũng quan, nhũng binh, nhũng phí” tồi tệ của Bắc Tống, tức là quan viên thừa thãi, binh lính thừa thãi, dẫn đến tài chính của quốc gia thu vào không đủ chi ra. Bộ máy quan chức của Bắc Tống bị bành trướng nghiêm trọng, người nhiều hơn việc, binh lính khắp nơi đều là trạng thái tiêu cực, vô cùng lười biếng.

Đi tiếp về phía trước, có rất nhiều thuyền vận chuyển lương thực đang đậu trên sông Biện Hà. Có người nói, những chiếc thuyền này thể hiện sự phồn hoa của Biện Kinh thời bấy giờ. Thật ra, đằng sau sự phồn hoa lại là ẩn chứa nguy cơ rất lớn. Những chiếc thuyền này đều là thuyền lương thực của tư nhân, không phải của quan phủ. Thật ra vào thời Tống Thái Tông của Bắc Tông đã lập ra quy định, tại khu vực trọng yếu của kinh đô, lương thực phải do triều đình kiểm soát, lương thực của tư nhân không được đưa vào. Mà ở đây lại có rất nhiều thuyền chở lương thực đổ vào, chuẩn bị vận chuyển vào kho dự trữ. Chưa đến bảy tám năm sau, giá lương thực của thành Biện Kinh đã tăng lên gấp bốn lần. Có người hỏi, làm sao biết những thuyền này là lương thực của tư nhân? Bởi vì lương thực của triều đình thì chắc chắn phải có quan viên tại đó, còn có binh lính canh giữ bảo vệ. Mà ở xung quanh những chiếc thuyền này không có bất cứ một quan viên hay binh lính nào canh giữ.

Nhìn tiếp lên phía trước một chút, là đi đến nơi có cầu vòm. Đây là cao trào của những mâu thuẫn xã hội được miêu tả trong tranh. Có một chiếc thuyền chở đầy khách, đột nhiên xảy ra tình huống rất nguy cấp, cột buồm của chiếc thuyền sắp đâm vào cầu. Tại sao lại xảy ra tình huống nguy hiểm như vậy? Theo lý mà nói, khi cách cầu vòm ở một khoảng cách nhất định, chắc chắn phải có người chuyên canh giữ cầu nhắc nhở người trên thuyền dừng kéo buồm và hạ cột buồm xuống, để tránh cột buồm đụng vào thân cầu. Nhưng trong tranh không có người canh giữ trên cầu, vì vậy thuyền phu cắm đầu kéo buồm mà không hay biết là thuyền đã đi sát đến chỗ cầu vòm, đến khi những người trên thuyền phát hiện thì đã không còn kịp nữa rồi.

Chuyện này chưa yên đã xảy ra chuyện khác, ở trên cầu còn nguy hiểm hơn. Trên cầu có một đám đông chen lấn, hoàn toàn là vì những người buôn bán ở hai bên cầu lấn chiếm đường mà tạo thành, khiến cho con cầu rộng rãi trở nên hẹp đi rất nhiều. Ở hai đầu cầu có hai đội quan văn và quan võ đi tới, những hộ vệ đi cùng bọn họ tranh cãi với nhau, không ai nhường ai, tạo thành một cảnh tượng hỗn loạn trên cầu.

Họa sĩ đem những mâu thuẫn xã hội của thời bấy giờ đan xen ở dưới cầu và trên cầu, phản ánh vấn đề xã hội gay gắt của cuối thời kỳ Bắc Kinh, các quan viên bất lực và không làm tròn chức trách.

Ngoài ra, họa sĩ còn miêu tả sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc trong thời nhà Tống. Những người đói khát và những người nho nhã thanh cao tụ tập bên trong tửu lâu, thuyền phu và những người giàu có ngồi trong kiệu và những quan nhân cưỡi ngựa, hình thành sự đối lập tươi mới. Còn có những cửa tiệm hương liệu cao cấp, các tiệm thuốc cao cấp, và những người nghèo đói khát hình thành sự tương phản mãnh liệt.

Trương Trạch Đoan còn thiết kế một kết cục khiến người ta phải nhìn ngắm kỹ càng ở phần cuối của bức tranh, đó là ba cảnh tượng hỏi y, hỏi đạo, hỏi mệnh. Đặt câu hỏi ở phần cuối của một bức tranh khổ rộng là thủ pháp thường được các họa sĩ ngày xưa sử dụng, Trương Trạch Đoan dùng tranh của mình để nói lên tiếng lòng của mình: Những vấn đề này của quốc gia, cần phải có người giải quyết rồi!

- Tại sao Trương Trạch Đoan lại vẽ như vậy

Có người hỏi: Tại sao Trương Trạch Đoan lại vẽ hiện trạng xã hội của triều đình Tống Huy Tông, chẳng lẽ ông không sợ bị xử trí sao?

Nhà Tống từ thời Thái Tổ đã thực thi chính sách tuyển dụng quan văn để trị nước, chế định các biện pháp khích lệ văn nhân nói lên suy nghĩ của mình, đặc biệt là lập ra giới luật “không được giết người đưa ra lời khuyên”. Vì vậy, trong thời kỳ Bắc Tống có rất nhiều hình thức lên tiếng, bắt đầu từ hình thức “văn gián” nói lên sự thật qua sách, mở rộng đến các hình thức nghệ thuật như “họa gián”, “nghệ gián” và “thi gián”, người tham gia vào các hoạt động nói lên suy nghĩ của mình cũng càng ngày càng nhiều. Trương Trạch Đoan là một họa sĩ cung đình có tư tưởng Nho giáo ngay từ khi còn nhỏ, nên đã mượn tranh vẽ để nói lên suy nghĩ của mình, thể hiện được trách nhiệm của ông đối với xã hội.

Tống Huy Tông nhìn thấy “Thanh minh thượng hà đồ”, cho dù là khen không ngớt lời, nhưng vì trong bức tranh không có vẻ đẹp hài hòa mà ông muốn nhìn thấy, cho rằng bức tranh này không cát tường, vì vậy đích thân đề năm chữ “Thanh minh thượng hà đồ”, và sau khi đóng con dấu song long lên bức tranh, đã đem bức tranh này tặng lại cho họ hàng bên ngoại là Hướng Thị.

“Thanh minh thượng hà đồ” vẫn luôn được bảo quản trong nhà của Hướng Thị. Khi quân nhà Kim đánh xuống phía nam, cháu trai của Hướng Thị là Hướng Tử Thiều đóng quân của Hoài Dương cương quyết không đầu hàng, nên cả nhà bị quân Kim giết chết, bức tranh “Thanh minh thượng hà đồ” luôn được cất giấu trong Hướng phủ từ đó bị rơi vào trong tay của người Kim, Sau này bức tranh này bị luân chuyển vào trong cung rồi lại lưu lạc ngoài dân gian, đến năm 1951 được cất giữ tại Bảo tàng Cố Cung.

Từ dấu vết đóng khung cắt may và phần giải thích về bức tranh cho thấy, “Thanh minh thượng hà đồ” đã mất đi một vài phần bạt văn, nhưng nội dung của tranh thì vẫn hoàn chỉnh.

Chúng tôi rất bất ngờ khi phát hiện ra rằng, thật ra người xưa vào khoảng 800 năm trước đã hiểu được ý nghĩa bức tranh “Thanh minh thượng hà đồ” của Trương Trạch Đoan rồi. Từ nhà Kim, nhà Nguyên, nhà Minh đến nay, tư tưởng Nho giáo của Trương Trạch Đoan nhận được sự khẳng định của các văn nhân học sĩ, điều này có thể nhìn thấy ở trong các bạt văn của các đời sau.

Lý Kỷ, người đề cử nho học Giang Triết của nhà Nguyên cho rằng, bức tranh này “giống như có ý khuyên rằng cần phải cẩn trọng và tỉnh táo để nhìn rõ tình thế trước mắt”, được sánh với “Vô dật đồ” của nhà Đường dùng để khuyên Hoàng đế. Con cháu đời thứ năm của Lý Kỷ là Lý Đông Dương viết trong một bạt văn là: “Một mình từ vui buồn cảm nhận hưng suy”, đem tranh này ví như “Lưu dân đồ” của Bắc Tống. Bạt văn của học giả Thiệu Bảo thời nhà Minh viết về tranh này: “Ý chí lo nghĩ nguy cơ trong lúc hưng thịnh, dám nghĩ mà không dám nói, dùng ý không lời để vẽ thành tranh. Khiến người ta xem đi xem lại, nhìn bằng mắt nhưng cảm nhận bằng tâm”.

Tóm lại, bức tranh “Thanh minh thượng hà đồ” không chỉ là tác phẩm tuyệt đẹp lưu truyền trong nhân gian, mà còn là một tuyệt tác dùng Nho giáo quan tâm xã hội, quan tâm tư tưởng của người dân để làm cơ sở cho sáng tác, ý thức lo nghĩ cho con người và xã hội cùng với thái độ sáng tác của chủ nghĩa hiện thực, đã khắc họa rõ nét tình trạng xã hội của triều đình Tống Huy Tông vào cuối thời kỳ Bắc Tống, đáng để người đời sau kính ngưỡng và ca tụng.

Uống Trà Thôi
Theo dkn
‘Thanh Minh thượng hà đồ’: Điều gì ẩn sau một kiệt tác hội họa?Nguồn: Wikipedia
‘Thanh Minh thượng hà đồ’: Điều gì ẩn sau một kiệt tác hội họa?Nguồn: Wikipedia
‘Thanh Minh thượng hà đồ’: Điều gì ẩn sau một kiệt tác hội họa?Nguồn: Wikipedia
‘Thanh Minh thượng hà đồ’: Điều gì ẩn sau một kiệt tác hội họa?Nguồn: Wikipedia
0 0 6,401 0.0
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết

Có thể bạn quan tâm

Hội hoạ Truyền thống phương Đông (P2): Tại sao chủ đề hội hoạ luôn xoay quanh tu luyện và tín ngưỡng
Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC
3039 14:00, 30/11/2023
1 0 2,690 0.0
Nền nghệ thuật chính thống của Tây phương, dù là hội hoạ cũng vậy, điêu khắc hay âm nhạc cũng vậy, đều liên quan tới các chủ đề về tôn giáo hay tín ngưỡng: là triển hiện của Thần hoặc Phật tính, Thần tính. Ở Đông phương cũng vậy...

Phần 1 đã khái quát về quá trình phát triển của lối vẽ tả ý hoạ, ...
Hội hoạ Truyền thống phương Đông (P1): Bút pháp 'tả ý' và 'văn nhân'
Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC
3031 13:00, 27/11/2023
1 0 3,031 0.0
Nương theo dòng chảy của lịch sử, ta thử tìm hiểu xem, thực chất nền hội hoạ xưa kia ra sao, có đáng để hậu nhân phải tôn trọng và gìn giữ hay không? Và cũng là thêm một bước nhìn thử bức tranh tổng thể về nền mỹ thuật phương Đông.

- Lời nói đầu

Nếu nói những toà điện đài tráng lệ đã đặt nên ...
Guernica – bức tranh phản chiến kinh điển của Picasso
Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC
3027 09:04, 23/11/2023
0 0 3,030 0.0
Nếu Pablo Picasso (1881 – 1973) được suy tôn là họa sỹ vĩ đại nhất của thế kỷ 20, thì kiệt tác Guernica của ông có thể được coi là bức tranh kỳ diệu nhất thế kỷ cho đến tận giờ.

Guernica là bức vẽ nổi tiếng vẽ về đề tài chống chiến tranh. Tác phẩm được giới mỹ thuật đánh giá là một đỉnh cao trong ...
Vào cõi tranh Thiền
Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC
3003 19:00, 17/11/2023
2 0 3,015 0.0
Trong môn họa truyền thống của Trung Quốc (thường được gọi là Quốc Họa) ta thường bắt gặp những chủ đề ước lệ quen thuộc được thể hiện với màu sắc đậm nhạt thích mắt, thậm chí những màu tươi vui sặc sỡ.Vô Lượng Thọ Phật (tranh Tề Bạch Thạch)Các chủ đề này lặp đi lặp lại đây đó đến mức ...
Tìm Hiểu Về Giấy Xuyến Chỉ, Giấy Tuyên
Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC
3002 19:00, 16/11/2023
1 0 3,848 0.0
Nguồn gốc giấy xuyếnGiấy tuyên 宣纸, ở Việt Nam thường gọi là giấy xuyến , một số người còn gọi là giấy xuyến chỉ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Có thuyết cho rằng từ đời Tùy, Đường đã có loại giấy tuyên chỉ. Từ đời Đường về sau nhiều nơi ở trung quốc đã phát triển mạnh nghề làm giấy như ...
GIỚI THIỆU CÁC TRÀ QUÁN
Giúp Uống Trà Thôi tốt hơn mỗi ngày
×
Uống Trà Thôi
Chỉ 30s tải app cực nhẹ và trải nghiệm!