Mỹ nghệ Phù Khê
“Nghĩa Lập bánh đúc cháo kê Tiến bào nung ngói, Phù Khê trạm rồng” Thuộc xã Phù Khê (Phù Khê, Thị xã Từ Sơn, TP Bắc Ninh) nằm cách Hà Nội 20km về hướng Nam, đã từ lâu sự nổi tiếng của người thợ Phù Khê đã đi vào trong ca dao, đời sống của người dân khắp miền Bắc. Mảnh đất Phù Khê từ lâu đã là nơi phát sinh ra nghề mộc nổi tiếng, cụ Tổ làng nghề là cụ Lỗ Ban và cụ Nguyễn An. Chính vì vậy đất Phù Khê là đất mộc, nơi đây đã sản sinh ra rất nhiều nghệ nhân nổi tiếng, đã xây dựng nhiều công trình nổi tiếng như chùa Bút Tháp, chùa tây Phương, đình Đình Bảng, đình Diễm Xá...
Xã Phù Khê được thành lập từ thời An Dương Vương xây thành Cổ Loa, thịnh vượng đến đời Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long. Triều đình có nhu cầu xây dựng cung điện, thành quách nên đã tuyển chọn những nghệ nhân tài hoa Phù Khê về chạm khắc rồng trong cung điện, lăng tẩm của Vua, tượng trưng cho quyền lực tối cao, sau này rồng còn được chạm khắc trong nhiều đình, miếu và cả đồ thờ cúng tổ tiên.
Truyền rằng, Tổ nghề mộc là ông Lỗ Ban và từ xưa đến nay nhân dân vẫn giữ tục thờ Tổ nghề. Hàng năm, trước ngày 7 tháng Giêng, Ban Quan khánh Phường Thợ đã họp bàn để chuẩn bị cho công việc tế lễ. Lễ vật gồm: xôi, gà, rượu, hoa quả, hương đăng. Tất cả các gia đình người thợ trong phường thợ đều phải có trách nhiệm đóng góp. Vào ngày 7, Ban Quan khánh Phường Thợ có trách nhiệm tế lễ Tổ nghề. Tục thờ cúng Tổ nghề của người thợ Phù Khê không những biết ơn người đã dạy nghề, mà còn củng cố mối đoàn kết cộng đồng, động viên nhau giữ vững và phát triển nghề trên con đường mưu sinh. Cách truyền nghề ở Phù Khê là “Cha truyền con nối” từ đời này sang đời khác và đã có nhiều thế hệ nghệ nhân, thợ lành nghề nổi tiếng trong nước và nước ngoài.
Nói đến nghề chạm khắc ở Phù Khê Thượng hôm nay, hẳn từ trẻ nhỏ cho đến người già ai ai cũng đều biết đến gia đình Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Kim. Nhắc đến Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Kim, những người yêu nghệ thuật chạm khắc gỗ không thể quên các tác phẩm để đời có ý nghĩa chính trị, lịch sử rất to lớn của ông, như tác phẩm: Chân dung đồng chí Nguyễn Văn Cừ, chân dung danh tướng Lý Thường Kiệt… Mặc dù sức khỏe không cho phép nghệ nhân nhân dân Nguyễn Kim tiếp tục làm việc cống hiến, nhưng những tâm huyết và ý tưởng của ông về gìn giữ phát huy nghề chạm khắc vẫn đang được thế hệ trẻ tại Phù Khê tiếp bước. Bằng chứng là hầu hết tại các cơ sở làng nghề đều có lớp truyền nghề theo hình thức vừa học, vừa làm. Ở mỗi cơ sở, 300 thợ cả do ông là những người đứng ra thành lập cơ sở và chịu trách nhiệm kèm và dạy nghề cho các bạn trẻ.
Nghề mộc Phù Khê không những có từ lâu đời mà còn đa dạng phong phú đạt đến trình độ tinh xảo, nghệ thuật: Từ việc dựng nhà ở, làm đình chùa, làm đồ gia dụng, làm đồ thờ tự cho đến sáng tác ra những tác phẩm nghệ thuật như: Tượng, tranh với nhiều thể loại và đề tài. Đến thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII, XVIII) nghề mộc chạm khắc của Phù Khê phát triển mạnh mẽ và còn để lại những công trình nổi tiếng như: Đình Đình Bảng, đình Diềm, chùa Bút Tháp, chùa Tây Phương, chùa Vĩnh Nghiêm… Sản phẩm của người Phù Khê luôn có sự khác biệt, đó là sự cầu kỳ trong từng đường nét, vóc dáng sản phẩm, sự tỉ mỷ, khắt khe từ khâu chọn gỗ, phát dáng, tạo hình đã tạo nên những sản phẩm vô cùng tinh tế. Nổi lên rõ rệt nhất là dòng sản phẩm đồ nội thất như giường, tủ, bàn ghế và dòng sản phẩm chạm khắc tranh tượng.
Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp và thời kỳ “hợp tác hoá” của thế kỷ trước, nghề mộc chạm khắc của Phù Khê có bị trùng xuống. Song bước vào thời kỳ đất nước đổi mới từ những năm 1990 đến nay, thì nghề mộc chạm khắc Phù Khê đã phát triển rực rỡ. 50 năm trước, từ cái cảnh cả làng Phù Khê Thượng, có truyền thống ngót 2000 năm nhưng gần như không còn ai biết đục, biết gọt, thì ngày nay, nhờ có bàn tay khối óc và sự đoàn kết nghề chạm khắc gỗ tại Phù Khê đã được khôi phục lại và phát triển rất đa dạng. Các sản phẩm không chỉ bao gồm những mặt hàng cổ truyền như chạm rồng, tượng chân dung… Trước những nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng, sản phẩm gỗ mỹ nghệ ở Phù Khê không chỉ đổi mới, phát triển những sản phẩm chạm khắc truyền thống mà còn mở rộng sang sản xuất những sản phẩm gỗ mỹ nghệ cao cấp như: Bàn, ghế, giường, tủ, các sản phẩm gỗ mỹ nghệ khác... để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Qua ngàn năm lưu truyền, giữ gìn và phát triển, tác phẩm chạm khắc của người Phù Khê không chỉ hiện diện trong những công trình kiến trúc Việt Nam, trên bàn thờ tổ tiên người Việt mà đồ gỗ mỹ nghệ Phù Khê còn rất được thị trường nước ngoài ưa chuộng, nhất là hình tượng con rồng qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân còn chiếm được cảm tình của người Trung Quốc khó tính.
Khoảng 10 năm trở lại đây sản xuất hàng gỗ mỹ nghệ của Phù Khê phát triển rất mạnh. Toàn xã có hơn 2.000 hộ dân (trong đó 22 hộ thành lập doanh nghiệp) hầu hết đều tham gia làm nghề mộc truyền thống, chế tác, sản xuất sản phẩm gia dụng, mỹ nghệ liên quan đến nhiều loại gỗ; riêng thôn Phù Khê Thượng đã có hơn 500 hộ làm nghề nên nhu cầu về nguồn nguyên liệu gỗ phục vụ cho làng nghề là rất lớn. Nhiều gia đình không chỉ dựa vào nghề để sống mà còn vươn lên làm giàu, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Giai đoạn trước, đa phần các hộ đóng đồ đều phải mua nguyên liệu từ những cơ sở kinh doanh gỗ ở trong và ngoài xã, thậm chí là mua ở các tỉnh, thành lân cận nên thường bị tư thương ép giá, gây khó khăn cho sản xuất. Do đứng trước những yêu cầu cấp bách về nguồn nguyên liệu gỗ, mới đây, làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Phù Khê Thượng đã khánh thành khu chợ gỗ rộng hơn 10.000m2, với hệ thống ki ốt tiện nghi, hiện đại. Chợ Phù Khê Thượng khác với các chợ dân sinh thuần túy, chợ mở ra chỉ có gỗ là mặt hàng trao đổi, mua bán duy nhất. Vào chợ gỗ “độc nhất vô nhị” này, khách hàng có thể tìm mua được nhiều loại gỗ mình cần theo yêu cầu sản xuất của mỗi gia đình, nhu cầu của khách hàng đặt như: Đinh, lim, sến, táu, gỗ hương, gỗ trắc, mít, thông… với mọi kích thước.
Cùng với việc gìn giữ, để lại những giá trị văn hóa lâu dài trên quê hương, đất nước, những người thợ chạm Phù Khê đang thiết thực làm giàu hơn, đẹp hơn quê hương của họ. Con rồng người thợ Phù Khê chạm khắc trên gỗ nay đã và đang trở thành con rồng hiện hữu, biểu tượng cho sự giàu có, trù phú của một làng quê. Phát huy truyền thống và các tiềm năng, thế mạnh làng nghề, trong công cuộc đẩy mạnh phát triển kinh tế hôm nay, Phù Khê đề ra mục tiêu đến năm 2015, phấn đấu có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 16%/năm, thu nhập bình quân đầu người 50 triệu đồng/năm; phấn đấu tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 0,7% và xây dựng Phù Khê trở thành phường mạnh ở thị xã Từ Sơn. … xứng đáng là quê hương Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.
P/s: Hình tượng rồng khỏe khoắn, có thần được tạo nên bởi bàn tay nghệ nhân Phù Khê.
Trần Hồng Chinh