NHÀ GIẢ KIM - GIẢI MÃ MÔ HÌNH BIỂU TƯỢNG CON NGƯỜI TRONG XÃ HỘI.
Đàn cừu: Đàn cừu là một biểu tượng xuất hiện dày đặc trong tác phẩm (15 lần, 9 lần trong lúc Santiago nhụt chí). Trong truyện, Santiago sở hữu một đàn cừu, và về sau, nó trở thành phương tiện trao đổi để phục vụ cho nhu cầu đi đây đi đó, đi đến Kim Tự Tháp của Santiago. Tuy nhiên, ý nghĩa của đàn cừu không chỉ dừng lại ở đó.
Đàn cừu còn biểu trưng cho một nhóm người trong xã hội, đó là những người ù lì, lười biếng, ngại thay đổi, không chịu sống đúng nghĩa. Đó là những người lúc nào cũng ngoan ngoãn, tuân thủ theo một loạt những quy tắc, định nghĩa nào đó do người khác nghĩ ra mà không chịu suy nghĩ, phản biện. Với những người này, chỉ cần tuân thủ và có được miếng ăn thì đã được xem như là đang sống rồi. Đàn cừu thực chất là tổng hòa của các yếu tố: sống không mục đích, không suy nghĩ, không hành động. Nhìn như vậy, trông đàn cừu thật chẳng khác nào một đàn zombie đói khát quanh năm chỉ nghĩ đến việc làm sao cho no bụng.
Trong Nhà giả kim, Santiago cực lực lên án lũ cừu:
“Nếu bất chợt mình biến thành một kẻ hung ác, giết hết con này đến con khác thì chắc khi cả lũ chết gần hết rồi chúng mới biết. Vì chúng mù quáng tin vào mình, chứ không còn tin ở bản năng của chúng nữa. Chỉ bởi mình là kẻ dẫn chúng đến những đồng cỏ xanh và nguồn nước mát.”
“Chúng không nhận ra rằng ngày này chúng đi đường mới. Chúng không biết đồng cỏ khác nhau và bốn mùa thay đổi, vì chúng chỉ lo mỗi chuyện ăn và uống. Nhưng biết đâu con người cũng y như thế.”
Tức là, có thể hiểu rằng, những ai chỉ biết nghĩ đến mỗi chuyện ăn và uống, thỏa mãn những ham muốn tầm thường thì chỉ là những con cừu bị động phó thác số mệnh cho kẻ chăn chiên.
Tiếp theo, chúng ta sẽ đến với những biểu tượng về hai mẫu hình người được xây dựng sóng đôi với nhau:
Đầu tiên là Người chăn cừu và anh chàng đọc sách. Người chăn cừu ở đây là Santiago. Ngay từ đầu, Santiago đã được biết đến là một anh chàng chăn cừu ham đọc sách. Sự khác biệt giữa việc đọc của Santiago và của anh chàng người Anh đang trên con đường tầm sư học giả kim là ở chỗ Santiago còn chú ý vào trải nghiệm thực tế. Cậu đi đây đi đó, vừa đi vừa học hỏi dọc đường, trong khi anh chàng kia chỉ chúi mũi vào sách và chỉ biết đến sách vở. Cách học của người chăn cừu là chủ động, vừa đọc sách, vừa liên hệ với thực tế cuộc sống, vừa thực hành những gì đã đọc được. Thậm chí, Santiago học được từ những trải nghiệm trong chuyến phiêu lưu còn nhiều hơn những gì cậu học được qua mấy trang sách viết vội.
Ở ngoài đời, chúng ta gặp nhiều anh chàng người Anh hơn là những cậu bé chăn cừu chủ động săn tìm kiến thức ở cả trong sách và ngoài cuộc sống. Chúng ta gặp những tay suốt ngày nói đến lí thuyết nọ lí thuyết kia, nhưng không bao giờ áp dụng được mớ lí thuyết đó vào thực tế, cũng thất bại luôn trong việc dùng lí thuyết để giải quyết vấn đề. Chúng ta gặp những tay mở mồm ra là sách vở, nhưng kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế luôn bằng 0. Mẫu người lí thuyết ấy ngày nay xuất hiện nhiều trong những người trẻ. Họ săn tìm tri thức được ghi trên giấy, cắm mặt vào sách, nhưng đọc mà không hiểu, để rồi tụng lại như một con vẹt, mà quên mất là tri thức tồn tại ngay trong chính cuộc sống, và tất cả những gì cần thiết là quẳng hết đống lí thuyết suông đi và trải nghiệm cuộc sống này.
Như vậy, hai mô hình người trong xã hội: Người chăn cừu – Người đọc sách được đẩy về hai thái cực đối nghịch nhau rõ rệt. Từ đó mới làm nổi bật lên được sự vô ích của việc đọc mà không hiểu, để lí thuyết làm chủ chứ không được là làm chủ lí thuyết.
Thứ hai là mô hình kiểu Người bán kem và Ông chủ cửa hàng pha lê. Người bán kem trong truyện là người thích đi đây đi đó và quyết định trở thành người bán kem để kiếm đủ tiền sang châu Phi chơi một tháng. Tuy nhiên, thời gian trôi qua, người bán kem vẫn chỉ là người bán kem. Anh ta không đi được đâu, cũng không sang châu Phi chơi được.
Trong thực tế, người bán kem đại diện cho những người có ước mơ, có mục đích riêng, nhưng lại bị phân tâm, xao nhãng đến mức quên đi mục đích ban đầu đã đặt ra. Việc quên đi này có thể được lí giải bằng nhiều lí do, nhưng một trong những lí do có thể kể đến là sự tiện lợi. Việc mục đích không được thực hiện vốn không phải do có thử thách gì quá khó khăn, mà chỉ là người ta cảm thấy trạng thái hiện có tiện lợi hơn, vì tiện hơn nên mới dẫn đến việc quên đi ý tưởng ban đầu.
Chủ cửa hàng pha lê lại là kiểu người đối ngược với người bán kem. Ông mở cửa hàng để có kiếm tiền chi trả cho chuyến hành hương đến Mekka – Thánh địa của những người theo đạo Hồi. Cuộc hành hương đó lúc nào cũng ở trong tâm trí ông, song dù kiếm đủ tiền rồi ông vẫn quyết không đến Mekka. Không giống với người bán kem bị xao lãng và quên đi mục đích của mình, ông chủ cửa hàng pha lê lại là người nhớ rất rõ và liên tục nhắc nhở chính mình về mục đích cuộc đời: Hành hương đến Mekka.
Ông chủ cửa hàng pha lê tiêu biểu cho những người biết, nhớ mục đích nhưng không chịu làm vì sợ làm xong rồi thì không còn mục đích gì để sống nữa. Đây là những người coi mục đích là yếu tố trung tâm của cuộc sống, và họ không thể sống nếu thiếu mục đích. Chính vì thế, họ cố gắng duy trì việc hướng đến nó, chứ không cố gắng thực hiện nó.
Hai mẫu hình còn lại là Đám quân lính trên sa mạc và Bọn cướp. Đám quân lính trên sa mạc không tin vào nhà giả kim và Santiago, yêu cầu Santiago phải chứng minh sức mạnh của cậu. Khi tận mắt nhìn thấy cơn bão cát, họ đã tin và thả Santiago.
Đây là những người đặt sự hoài nghi lên trên tất cả, tuy nhiên, sự hoài nghi của họ là có căn cứ, và khi được chứng minh hợp lí, họ tin. Từ hoài nghi đến yêu cầu xác minh thông tin, họ đại diện cho một nhóm người trong xã hội ngày nay: Những người luôn đặt câu hỏi, luôn hoài nghi, và luôn sẵn sàng phản biện. Họ là những người thực tế vừa đủ, để khi điều họ hoài nghi được chứng minh, họ sẵn sàng tin tưởng.
Bọn cướp lại khác hẳn. Bọn cướp xuất hiện ở cuối truyện. Chúng cười nhạo Santiago và hành động chạy theo giấc mơ của cậu. Tên thủ lĩnh thậm chí còn khuyên Santiago không nên tin vào những thứ hão huyền như giấc mơ.
Ở ngoài đời, bọn cướp chính là những con người sống thực tế đến mức thực dụng. Họ không tin vào ước mơ, không có mục đích, cũng không hề có ý định trở thành những người phản biện xã hội. Công việc của những kẻ thực dụng là chọn những việc dễ làm, nhanh chóng thu được lợi nhuận (chọn làm cướp, thay vì thử du hành tìm kho báu). Chính vì thực dụng như vậy nên những người đó không làm được gì có giá trị, không cống hiến được gì cho xã hội bởi cướp bóc không tạo ra thêm được giá trị gì cho nhân loại. Những gì họ nhận được cũng chỉ là những gì tủn mủn, không đáng kể, và chắc chắn, những thứ ấy vĩnh viễn không bao giờ sánh được với “kho báu” mà Santiago tìm thấy.
Cùng là những người thực tế, nhưng nếu đám quân lính được chứng kiến những “điều kỳ diệu” từ Santiago và nhà giả kim bởi họ đã bỏ công đặt ra nghi vấn và có ý thức đi tìm lời giải đáp cho những thông tin còn đang mập mờ, thì toán cướp chỉ gặp toàn những nỗi thất vọng. Thực tế là tốt, song nếu thực tế bị đẩy lên thành thực dụng thì mọi thứ sẽ chẳng còn lại gì ngoài sự cô độc và tuyệt vọng. Sai lầm của những người thực dụng khi hành động đó là họ nghĩ rằng họ sẽ có tất cả. Tuy nhiên, sự thật là họ không có được bất cứ thứ gì.
Trích dẫn từ: Spiderum.com.