HOA SALA SẼ RƠI VÀO TAY AI?
- ai thời đã miên mật ngồi xuống
giữ một thiên đàng bung vô tỷ đóa sala –
Đời tôi đôi lúc cô đơn, lắm chiều buồn tẻ, nghĩ ngợi hoài mà cũng day dứt mãi. Tôi đã từng một mình đi đến Thái Lan, Miến Điện, Nepal hay Ấn Độ chỉ để ngồi Thiền trong nhiều ngày với một hy vọng duy nhất có thể chiến thắng nỗi cô đơn cùng cực trong lòng mình.
Trong một thời gian dài, tôi tin rằng Tâm Linh chính là chỗ dựa vững chắc nhất cho chính mình để đương đầu với Ông Thần Lớn mang tên Loneliness. Rất nhiều lần, những dòng cảm xúc, sự cô đơn và lo lắng bùng lên trong tôi trong những giờ Ngồi Yên khiến tôi tuyệt vọng cùng cực, muốn ngay lập tức vạch ra một cái hố thoát và nhảy hẳn vào trong đó.
Sau nhiều năm trải nghiệm, tôi có thể khẳng định với chính bản thân mình rằng: Con người ta không thể trốn tránh hay đánh vào sự cô đơn mà đến cuối cùng hãy sống bình an với nó và thương nó. Thay vì tuyệt vọng, bạn hãy cùng tôi một lần đứng lên, tìm một nơi an tĩnh, dám một lần coi thử Trời còn sao sáng lúc bình minh.
Tôi đến cuối cùng cũng hiểu rằng thân xác bình thường này không thể trốn tránh sự cô đơn được — và như Đức Phật dạy, chúng sinh cũng không nên chán ghét hay chạy trốn khỏi bất cứ cảm thọ nào cả. Đức Phật đã nói, giống như tất cả những cảm giác khác mà chúng ta sẽ gặp phải trong suốt hành trình đời sống của mình, sự cô đơn sẽ đến rồi đi. Thay vì lo sợ, mình hãy học cách giữ nguyên cảm xúc của mình, bất kể chúng có thể là gì và quan sát chúng với sự bình thản.
Ban yêu quý, tôi hiểu bạn, và tôi cũng hiểu sâu sắc rằng bình tĩnh chính là chỗ dựa cho bản thân mỗi khi tôi cảm thấy bị choáng ngợp.
Ở Nepal, tôi đã tham dự một khóa tu thiền trong rừng, kỹ thuật này yêu cầu người tham gia làm mọi thứ trong chuyển động chậm để ta có thể quan sát tất cả những điều xảy ra trong cơ thể và tâm trí của mình. Bắt đầu từ 4 giờ sáng và kéo dài cho đến lúc 8 giờ tối, mọi người đi bộ, ăn uống và thậm chí tắm rừng cũng một cách chậm rãi và yên lặng.
Trong suốt quá trình thực hành này, chúng tôi đã không đắm chìm trong bất cứ cảm xúc nào gì hơn là cho phép bản thân mình có mặt. Mặc dù chỉ là trải nghiệm thoáng qua nó, nhưng có những lúc tôi quên mất rằng mình đang cô đơn đến thế. Thay vào đó, tôi có thể quan sát vẻ ngoài và cảm giác của sự cô đơn - như thể nó là một thực thể hoàn toàn tách biệt với tôi.
Giờ đây, mỗi khi cô đơn ghé thăm, tôi thôi không thiết nỗi bàn thiên hạ, đổ lỗi cho bản thân và hoàn cảnh, mà tôi đã quen với việc coi sự cô đơn như một thứ gì đó nằm ngoài bản thân nhưng vẫn là một phần của tôi. Nó là tôi, mà nó cũng không phải là tôi.
Nếu không trải qua sự quyết tâm và kỷ luật miên mật của một khóa tu Phật giáo, tôi sẽ không thể hiểu được nỗi cô đơn một cách sâu sắc như vậy. Mặc dù tôi thừa nhận rằng tôi đã cố gắng trốn chạy nhiều lần và rất nhiều lần cầu xin thầy cô cho tôi đi, nhưng điều duy nhất khiến tôi bị trói buộc là chứng kiến bạn đồng tu xung quanh tôi vẫn một lòng kiên định. Đôi lúc ta bị thả ở giữa lưng chừng, để thử lòng mình có đủ lực để bước kinh qua.
Đối với tôi, quan điểm của Phật giáo về việc quan sát cảm xúc và cảm giác của một người một cách bình thản đã cho tôi một công cụ để neo giữ bản thân mình mỗi khi tâm trí tôi trở nên choáng ngợp. Mỗi khi tôi cảm thấy cô đơn, lo lắng hoặc bị cô lập, tôi biết ơn vì mình đã tìm thấy phương cách sống hòa bình để tôi được thoát khỏi chông chênh, thôi vương duyên chuyện trong đục.
Nếu bạn cũng đang có cảm giác một mình ôm lấy sự cô đơn mà đi trong màn sương đêm như chính tôi ngày trước, hãy tự mình tìm hiểu và cảm nhận cách hiện diện song song với mọi cảm giác. Tôi chắc rằng bạn cũng sẽ có một trải nghiệm khai sáng mà bạn sẽ không bao giờ quên được.
Nhiều lần mình vụng về lúng túng, muốn mượn người – tay khéo – đỡ giùm ta nhưng ngay cả Đức Phật cũng không thể giúp mình, mình phải tự bước đi.
- Người ta đứng trong cái bóng của chính mình và tự hỏi sao hôm nay Trời tối quá –
- ZenKI -