“Đức giả bổn dã, tài giả mạt dã, ngoại bổn nội mạt, tranh dân thi đoạt. Thị cố tài tụ tắc dân tán, tài tán tắc dân tụ.
Tạm dịch: Đức là cái gốc, của là cái ngọn. Để cái gốc ra ngoài (coi thường cái đức) để cái ngọn vào trong (coi trọng của cải) thì sẽ phải tranh dân đoạt lợi.”
Đã là người quân tử phải tỏ đức sáng ngày càng rộng, càng cao. Muốn làm được điều đó, người quân tử phải luôn phấn đấu theo 8 bậc thang:
1. Cách vật: luôn tiếp xúc, nghiên cứu kỹ sự vật, sự việc để nhận rõ thực chất, phải trái.
2. Trí tri: luôn ngẫm nghĩ để thấu hiểu điều mình đã nhận thức được.
3. Thành ý: luôn chân thật, không dối người và cũng không dối mình.
4. Chính tâm: luôn suy nghĩ, hành động ngay thẳng, chính trực và làm chủ bản thân mình.
5. Tu thân: luôn nghiêm khắc với bản thân mình, sửa chữa những thiếu sót, không bảo thủ để nhận rõ sai sót nhằm hoàn thiện bản thân.
6. Tề gia: làm cho gia đình mình tốt đẹp, tề chỉnh, có nề nếp, gia phong.
7. Trị xã tắc: lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiện hạ, cống hiến cho muôn dân.
8. Bình thiên hạ: khiến cho thiên hạ thái bình, lòng người an nhiên.
Khổng Tử nói: Người quân tử có ba điều phải răn ngừa: Lúc còn trẻ, huyết khí chưa ổn định, cần răn ngừa về nữ sắc. Tới khi tráng niên, huyết khí đang mạnh, cần răn ngừa về ham tranh đấu, hạ thấp cái tôi, bao dung với thiên hạ. Tới lúc già, huyết khí đã suy, cần răn ngừa về ham được hơn người. Người quân tử làm việc vì thiên hạ mà làm, nhìn xa và rộng hơn thiên hạ, không nhất định phải như thế này mới được hoặc như thế kia là không được, cứ hợp đạo nghĩa mà làm. Tư duy của người quân tử tuyệt nhiên không tầm thường đúng sai, được mất theo lẽ thông thường.
Làm người quân tử thật không dễ, nhưng nếu làm được há chẳng phải ta đang tu tập hay sao?
Sự vật thiên hạ thiên biến vạn hóa khôn lường, hôm nay ta có thể ở trên người, nhưng không có nghĩa ngày mai vẫn sẽ là như vậy. Chỉ khi một người biết rõ mình đang may mắn được lộc được phước gì, vì sao mà mình có được vị trí, kiến thức, tài đức hiện tại, mình cần phải làm gì và không nên làm gì mới có thể tạo ra lợi ích cho bản thân và cho chúng sinh, xóa bỏ kẻ thù, nắm bắt cuộc chơi, cuộc đời, nhẹ nhàng cao cờ thu phục nhân tâm.
Người quân tử nói ít, quan sát nhiều hơn để tìm tòi ra nút thắt ở trong mọi vấn đề. Coi trọng thực tiễn, bắt tay hành động, phân biệt rõ tính chất nặng nhẹ của vấn đề, có lối tư duy chính chính xác, không nghi ngờ, không chấp nhặt chuyện nhỏ, đấy là tính khiêm cung và cao thượng của những người làm nên sự nghiệp cho riêng mình, là đức tính cần có của bậc đại nhân, đại trí, đại dũng, của NGƯỜI đi trên con đường tu tập.
Người quân tử bản tính trầm tĩnh an hòa, ung dung mà không kiêu căng, kẻ tiểu nhân phập phồng âu lo, kiêu căng, nghi ngờ và phán xét. Người quân tử chẳng lo không có địa vị, chỉ lo sao không đủ tài đức để được địa vị đó. Người quân tử cũng chẳng lo không ai biết tới, chỉ mong làm thế nào đáng cho người đời biết tới.
Người quân tử chuộng Nghĩa. Đức “Nghĩa” là một phạm trù đạo đức quan trọng của người quân tử, và của người quân tử đang trên con đường tu tập, là một yếu tố cấu thành “ngũ thường”. Mạnh Tử xem “Nghĩa” là con đường to lớn hơn hết trong thiên hạ mà người quân tử, bậc đại trượng phu phải đi theo. Khổng Tử đánh giá rất cao đức Nghĩa, nên giảng rằng: “Người quân tử đối với mọi việc trong thiên hạ, không quy định phải làm như thế nào, cũng không quy định không được làm như thế nào, chỉ xét hợp nghĩa thì làm” (Quân tử chi ư thiên hạ giã, vô thích giã, vô mịch giã, nghĩa chi dữ tỷ).
Người quân tử khi ở nhà giữ gìn thái độ ung dung; khi ra làm việc thi hành một cách kính cẩn; khi giao thiệp với người, giữ lòng thương yêu và vị tha. Dẫu hành hương về Đất Phật hay lặn lội chốn chợ đông ba cũng chẳng bỏ ba đức hạnh ung dung, kính cẩn và vị tha ấy, như vậy là người có đức nhân. Đức năng thắng số nằm trong tay bậc quân tử.
“Tử Cống thưa rằng: Thầy có câu châm ngôn nào để suốt đời làm theo chăng?
“Khổng Tử nói: Ðó là chữ ‘lượng thứ’ chăng? Ðiều gì mình không muốn người khác làm cho mình thì mình đừng làm cho người khác” [Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân].
- Team Uống Trà Thôi -