Văn nhân trong tác phẩm. Ảnh: The Value
Tranh cây thông, ngọn núi của Đường Bá Hổ thời Minh có giá gần 51,2 triệu nhân dân tệ (7,4 triệu USD).Theo The Value, tác phẩm Tùng Cương được nhiều nhà sưu tầm quan tâm khi xuất hiện ở phiên đấu giá do hãng Poly Bắc Kinh tổ chức hồi cuối tháng 2. Phần lớn tranh, thư pháp của Đường Bá Hổ (Đường Dần) được lưu giữ trong các bảo tàng, đây là một trong số bức tranh sơn thủy hiếm hoi của danh họa được đấu giá. Tùng Cương từng xuất hiện trên thị trường năm 2008, bấy giờ đạt mức 8,6 triệu HKD (gần 1,1 triệu USD).
Tùng Cương miêu tả hàng thông trên sườn đồi nhấp nhô. Bức tranh đặc biệt khi có bút tích của các văn nhân nức tiếng đương thời. Bạn thân của Đường Bá Hổ, họa sĩ Văn Trưng Minh, viết hai chữ Tùng Cương bằng chữ Khải. Tiếp đó là phần tranh của Đường Bá Hổ. Phần cuối là thư pháp của Chúc Chi Sơn, Vương Sủng, Tạ Thừa Cử, Dương Trân.
Bức vẽ thực hiện khi Đường Bá Hổ khoảng 40 tới 42 tuổi, miêu tả những mỏm đá, dãy núi phía xa. Trên sườn núi, một người mặc trang phục đỏ ngồi trong mái đình. Xung quanh là bóng cây thông bao bọc.
Qua các đoạn thư pháp trên bức tranh, các nhà nghiên cứu cho rằng người trong tranh họ Dương, một người học cao, kiến thức uyên bác. Tùng Cương là biệt hiệu của ông, cũng có thể là tên nơi ở của ông. Tác phẩm được đánh giá cao nhờ bút pháp độc đáo của Đường Bá Hổ. Ông sáng tạo lối vẽ mỏm đá riêng, mang đậm dấu ấn cá nhân.
Bức tranh từng nằm trong bộ sưu tập của nhiều quan lớn thời Minh, Thanh, trong đó có Lương Thanh Tiêu (1620-1691) - quan cuối thời Minh, đầu nhà Thanh đồng thời là nhà sưu tầm cổ vật quan trọng thời kỳ này.
Đường Dần, tự Bá Hổ, là nhân vật văn hóa kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc. Ông quê ở Tô Châu, bộc lộ tư chất thông minh từ nhỏ. Năm 16 tuổi, Đường Bá Hổ thi đỗ tú tài với điểm cao nhất, vang danh khắp Tô Châu. Từ sau 20 tuổi, cuộc đời Đường Bá Hổ nhiều lận đận.
Năm 25 tuổi, cha mẹ, vợ và em gái Đường Bá Hổ lần lượt qua đời. Nhờ được bạn thân Chúc Chi Sơn khích lệ, Bá Hổ dồn tâm huyết dùi mài kinh sử. Nhưng kết thúc kỳ thi, Đường Bá Hổ bị tố cáo gian lận thi cử, bị tống giam. Sau hơn một năm ngồi tù, Bá Hổ được thả nhưng thanh danh hoen ố, con đường khoa cử, làm quan chấm dứt.
Vết nhơ ngồi tù khiến Đường Bá Hổ biến thành con người khác. Ông sa ngã, phóng túng, thường tới lầu xanh, kỹ viện, rượu chè bê tha. Đường Bá Hổ từng cùng một số bạn thân - trong đó có Chúc Chi Sơn - đóng giả ăn mày, tiền thu được đều dùng uống rượu. Họa sĩ qua đời trong cảnh nghèo túng.
Uống Trà Thôi
Theo vnexpress