Tinh thần tích cực cùng lối sống lành mạnh có thể giúp bạn có được một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc. Ở phương Tây, nhiều người thường chọn thiền định hay luyện tập yoga để thực hành tu dưỡng. Nhưng trong văn hóa Nhật Bản, sự tu dưỡng của một người có thể thực hành ở bất kỳ phương diện nào, cho dù là nấu ăn, dùng bữa, tắm hay uống trà.v.v
Dưới đây là 4 tập tục phổ biến ở Nhật Bản mà bạn có thể dễ dàng áp dụng vào cuộc sống của chính mình, giúp rèn luyện sức khỏe cũng như tu dưỡng tâm tính.
I/ Shojin ryori – Nét đẹp của sự chay tịnh
Shojin ryori là truyền thống nấu ăn chay với các nguyên tắc sống đơn giản và hài hòa qua nhiều thế kỷ. Shojin ryori được phát triển bởi các nhà sư Phật giáo. Sho có nghĩa là “tập trung”, “jin” nghĩa là “tiến” trong tiến lên, đi về phía trước. Ryori dịch đơn giản có nghĩa là “nấu nướng” hay “ẩm thực”. Shojin là quá trình liên tục tẩy tịnh, gạt bỏ mọi suy nghĩ trần tục của con người; để đạt đến trạng thái giác ngộ vô lậu chấp trước.
Đối với các nhà sư trong các ngôi chùa, việc chuẩn bị thức ăn và tư thế ngồi ăn cũng được coi là một phương thức để tĩnh tâm. Còn đối với những người không phải tu sĩ, với quy trình chế biến đơn giản, shojin ryori đã trở thành món ăn chay phổ biến trong nhà bếp của người Nhật Bản.
Nghi thức shojin ryori:
1. Chuẩn bị các loại thực phẩm có đủ dưỡng chất hữu cơ và phù hợp theo mùa.
2. Khi nấu nên đổ nhiều nước để hạn chế chất béo.
3. Khi ăn, đừng xem điện thoại, sách hay TV. Hãy tập trung thưởng thức các món ăn.
4. Nhai chậm và ngồi ngay ngắn khi ăn.
II/ Hara Hachi Bu – Triết lý “ăn tám phần no” của người Nhật
Hara hachi bu được biết đến là triết lý sống trường thọ của người Nhật. Không phải tự dưng mà Okinawa lại được mệnh danh là “thánh địa bất tử”, bởi đây là nơi tập trung nhiều người sống thọ nhất trên thế giới. Khái niệm này có nguồn gốc từ Nho giáo, khuyên chúng ta rằng hãy ngừng ăn nếu bạn cảm thấy đã no đến 80%.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, áp dụng nguyên tắc hara hachi bu giúp đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, như tăng cường hệ tiêu hóa, duy trì cân nặng khỏe mạnh và giảm chứng trào ngược axit cũng như các vấn đề về đường tiêu hóa và rối loạn chuyển hóa khác.
Việc ăn quá nhiều buộc hệ thống tiêu hóa của bạn cần mất nhiều thời gian hơn để chuyển hóa thức ăn. Điều này làm tăng quá trình oxy hóa tế bào, gây ra lão hóa nhanh hơn.
Trong nhiều thế kỷ qua, người dân Okinawa đã áp dụng nguyên lý hara hachi bu vào cuộc sống, kết quả xét nghiệm cho biết, lượng gốc tự do trong máu của họ đạt chỉ số thấp nhất, điều đó có nghĩa là họ ít có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư và các bệnh liên quan đến vấn đề tuổi tác.
Các nguyên tắc khi áp dụng hara hachi bu:
1. Tập cho dạ dày quen với việc dung nạp lượng đồ ăn ít hơn bình thường. Có thể mất khoảng 15 đến 20 bữa ăn mới có thể làm cho dạ dày trở thành thói quen.
2. Ăn chậm, nhai kỹ. Điều này sẽ giúp bạn có cảm giác no lâu.
3. Nên bày thức ăn ra nhiều đĩa nhỏ. Việc này sẽ khiến bạn có cảm giác ăn nhiều hơn là chỉ có một đĩa lớn.
4. Tránh để quá đói, vì khi bản thân quá đói sẽ dễ dẫn đến việc ăn nhiều hơn và lựa chọn thực phẩm kém chất lượng cho bữa ăn.
III/ Chado – Trà đạo
Nghi lễ uống trà là một phần quan trọng trong văn hóa Nhật Bản ngày nay. Nó bắt nguồn từ Thiền tông và đã chính thức được đưa vào thực hành tại Nhật Bản khoảng hơn 400 năm qua.
Nhìn bề ngoài, nghi thức thưởng trà (chado) khá đơn giản; chỉ cần đun sôi nước, pha trà, mời khách và cuối cùng là tự mình nhâm nhi tách trà đã pha. Tuy nhiên, người Nhật đã cải biến tập tục uống trà lên một tầm cao hơn nữa, trở thành nghệ thuật sống của chính dân tộc mình.
Trà đạo không chỉ đơn thuần là con đường, là phép tắc uống trà mà nó đã trở thành một nghi thức giúp thanh lọc thân tâm. Người thưởng thức trà có thể bước ra khỏi thế giới trần tục, hòa mình với thiên nhiên, để từ đây tu sửa tâm tính và có được một tinh thần an nhiên.
Nghi thức trà đạo diễn ra như thế nào?
1. Để có một buổi trà đạo chính thức, bạn không nhất thiết phải tuân theo các nguyên tắc nghiêm ngặt, ví dụ như ngồi khoanh chân. Mà chỉ đơn giản là hãy dành riêng cho mình 15 phút mỗi ngày, ngồi chậm rãi thưởng thức tách trà nóng, suy ngẫm và tận hưởng thú vui nho nhỏ này.
2. Thực hành thói quen này mỗi ngày, sẽ giúp bạn có được một khoảng thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn tâm hồn; sau đó sẽ tập trung làm các công việc còn lại trong ngày hiệu quả hơn.
3. Hãy chọn một không gian đặc biệt trong nhà để thưởng thức trà đạo. Có thể là một góc ấm cúng, bàn bếp, một nơi nào đó có tầm nhìn tốt hay cũng có thể là ngồi trên chiếc ghế bành yêu thích của bạn.
4. Hãy chọn những lá trà chất lượng để pha; bỏ đi những túi trà chế biến sẵn giá rẻ để có thể tận hưởng đúng hương vị đậm đà của trà nguyên chất. Lá trà cũng không phải là quá đắt tiền; một số loại trà mua với số lượng lớn thậm chí còn rẻ hơn trà túi vì không có bao bì hay đã qua chế biến.
5. Hãy quên đi chiếc điện thoại thông minh. Tập trung thưởng thức mùi vị của tách trà thơm ngon với một tấm lòng biết ơn.
VI/ Ofuro, bồn tắm truyền thống của người Nhật
Người Nhật rất chú trọng đến việc có một bồn tắm tốt. Tắm bồn (Ofuro) là phong tục có từ rất xa xưa của Nhật Bản. Đối với người dân Nhật, không có một nghi thức thiêng liêng nào hạnh phúc hơn là từ từ ngâm mình trong bồn nước nóng thư giãn, sau một ngày dài làm việc hay học hành vất vả.
Ở Nhật Bản, bạn phải tự làm sạch mình trước khi bước vào bồn tắm. Truyền thống ofuro không phải đơn giản chỉ là vệ sinh cá nhân; mà đó còn là quá trình ngâm mình để gội rửa cơ thể và thanh lọc tâm trí; buông bỏ mọi phiền muộn, chữa lành vết thương và thư giãn tinh thần.
Ngâm mình trong làn nước ấm cũng là khoảng thời gian tĩnh lặng để tận hưởng mọi cảm giác trong bồn tắm. Nhiệt độ trên da, hơi nước thơm lan tỏa trong không khí, cơ thể nhẹ nhàng. Phương pháp này giúp cơ thể và tâm trí được thư giãn, đạt đến trạng thái hạnh phúc sâu lắng.
Phong cách tắm truyền thống của người Nhật
1. Ngâm mình lâu trong nước
Hãy dành thêm vài phút để ngâm mình lâu trong nước nóng. Thay vì tắm 5 phút, hãy ngâm mình trong 20 phút. Sử dụng tất cả các giác quan của bạn để tận hưởng khoảnh khắc thư giãn hoàn toàn trong bồn tắm.
2. Thêm một ít muối biển vào bồn tắm
Có nhiều khoáng chất và các yếu tố trong muối biển có thể giúp giảm nồng độ axit trong cơ thể và cân bằng nồng độ pH. Cho hai cốc muối đầy vào nước để đảm bảo hàm lượng muối đủ cao, giúp cơ thể của bạn nhận được đầy đủ các khoáng chất cần thiết.
3. Thêm một chút thảo dược vào bồn tắm
Khuynh diệp mở phổi và giúp bạn thở dễ dàng hơn. Hoa oải hương làm dịu thần kinh của bạn. Hoa cam giúp thư giãn và hạ huyết áp. Cánh hoa hồng thư giãn cơ thể của bạn sau một ngày dài. Cây ngải đắng ngăn ngừa đau cơ khớp sau buổi tập luyện. Hãy lựa chọn một trong những thảo dược phù hợp với ngày dài hoạt động của bạn.
4. Tạo một môi trường dễ chịu
Thắp một ngọn nến hoặc cho một vài giọt tinh dầu khuếch tán trong không khí làm không gian của bạn trở nên thiêng liêng hơn, liệu pháp mùi hương cũng rất tốt cho sức khỏe.
5. Tắm xong nên bù nước
Uống một tách trà hay một ly nước lọc để bù nước cho bản thân, và đừng quên giữ ẩm cho làn da của bạn, vì nước ấm sẽ đẩy dầu ra trong quá trình ngâm cơ thể.
Liên tục thực hiện những thay đổi nhỏ sẽ có tác động lớn theo thời gian. Duy trì những thói quen đơn giản này, không chỉ giúp chúng ta có được một cơ thể khỏe mạnh mà còn có khoảng thời gian thư giãn tâm hồn tìm về những giá trị của cuộc sống.
Theo Magnifissance
Team Uống Trà Thôi sưu tầm