Tranh thủy mặc hay tranh thủy mạc, là một loại tranh hội họa khởi nguồn từ Trung Hoa. Nó được coi là Quốc họa Trung Hoa thời xưa. Sự kết hợp hài hòa đạt trình độ tinh vi và tao nhã nhất bởi 2 yếu tố; “Thủy” (水) là nước, “mặc” (墨) là mực nên tranh thủy mặc chủ yếu chỉ là mực mài ra, pha với nước, rồi dùng bút lông vẽ trên giấy hoặc lụa nên về sắc thái chỉ có hai màu trắng đen.
Tranh thủy mặc là loại hình phát triển cùng với nghệ thuật thư pháp Trung Hoa. Các chủ đề chính trong tranh thường là cây cối, hoa, phong cảnh, chim thú, người… và thường kèm theo thơ chữ Hán. Đó là một phong cách cổ điển của người phương Đông nói chung. Loại tranh này thời xưa cũng phổ biến ở Nhật Bản, Việt Nam và Triều Tiên.
Tranh thủy mặc sở hữu một phong cách nghệ thuật rất riêng, là sự tổng hợp giữa thơ, thư, họa và triện ấn
Để bức tranh có điểm nhấn thu hút thì bố cục của tranh rất quan trọng, riêng đối với dòng tranh thủy mặc thì bố cục hết sức công phu, tỉ mỉ. Mức độ tụ nhiều ít của chủ cảnh và phối cảnh được phân bố rất khéo léo, thẩm mĩ, được phân bổ vị trí rất phù hợp giữ cho tổng quan của một bức tranh được cân bằng, không quá thưa, không quá dày, không quá tối và không quá sáng.
Đường nét đậm nhạt hay khoảng trống cũng được sử dụng rất hài hòa, tạo cảm giác thanh tao, nhẹ nhàng bay bổng.
Việc tạo bố cục xa gần, đậm hay nhạt làm cho bức họa có chiều sâu trong không gian, và nhấn mạnh cảm xúc của một họa sĩ.
Khi trình bày một bài thơ viết dưới dạng thư pháp trên tranh đòi hỏi người họa sĩ phải cân nhắc rất cẩn thận. Khi nào thì nên đề thơ trong tranh? đó là khi bình diện hơi trống. Lạc khoản và triện ấn được sử dụng bố trí khéo léo sẽ làm cho bức tranh tăng thêm tính nghệ thuật.
Tranh thủy mặc là sự kết hợp hài hòa của: thơ, thư, họa, ấn. Tác giả thường cân nhắc khi nào đề thơ bên cạnh, điểm xuyến thêm dòng thư pháp, đóng một dấu gây ấn tượng.
Trong giới họa sĩ, người ta gọi: ‘‘thơ là hồn của họa, thư pháp là cốt của họa’’ ngụ ý rằng thơ là cả một linh hồn của một bức họa, còn thư pháp là khung xương của bức tranh.
Một nét riêng độc đáo của tranh thủy mặc đó là không nhấn mạnh cảnh vật trong tranh có sát đúng với thực tế hay không mà chú trọng vào thủ pháp được sử dụng: nét vẽ khái quát, khuếch đại, vận dụng tư tưởng mà thổi hồn vào họa, nét cá tính riêng của họa sĩ, tình cảm và tâm trạng được thể hiện, bộc bạch trong bức tranh.
Những tác phẩm dạng như thế này, thường là tức cảnh sinh tình, tùy hứng, nhấn mạnh đường lối bất ngờ. Chính vì vậy mà tác phẩm dạng này không dễ bị sao chép lại.
Trong thể hiện của lối vẽ truyền thống thường có sự kết hợp của thơ từ, lời đề, chữ khắc cổ. Đó chính là hình thức thể hiện sự phối kết hợp nhất quán giữa thơ, thủ pháp tranh họa, in ấn, về cơ bản vẫn là việc sử dụng mực đen hay màu thanh nhạt.
Họa sĩ tranh thủy mặc là người rất kiên trì, coi trọng tu dưỡng tâm thân.
Nguyên tắc ‘‘ngũ tuyệt’’ là một nguyên tắc bất biến, đó là: bút pháp, bố cục, dùng mực, màu sắc và tinh thần. Một họa sĩ tranh thủy mặc thể hiện đẳng cấp của mình qua bức họa bằng cách sử dụng hài hòa và nhuần nhuyễn ‘‘ngũ tuyệt’’. Bút pháp điêu luyện, hình khối sinh động, không gian thoáng đạt, nét bút có hồn, chính là thể hiện của nghệ thuật kết hợp giữa thần và sắc của tác giả, giữa hình thức và nội dung, từ đó mà thổi hồn cho bức họa theo cá tính, tư tưởng nghệ thuật của mình.
Muốn tác phẩm có bề dày và chiều sâu đòi hỏi người họa sĩ phải siêng năng tu dưỡng, không chỉ là kĩ thuật, kĩ xảo tạo hình, quy cách cầm bút, điều chỉnh lực nơi cổ tay, sử dụng các ngón tay mà hơn hết là phải có một tâm thật tĩnh lặng, tự tại thư thái, có tâm hồn cao thượng và nền tảng đạo đức.
Tranh thủy mặc được vẽ bằng bút lông, dùng thuốc nước hoặc mực nho trên giấy xuyến chỉ (loại giấy làm thủ công nhưng rất cao cấp, trắng, mịn, chứ không phải hơi vàng ngà và sần như giấy dó của tranh Đông Hồ), họa sĩ vẽ thủy mặc phải hơn cả một võ sư: tích đủ nội công lại đầy cảm xúc, ý tưởng rồi mới hạ bút, vì đặc điểm của giấy xuyến chỉ là rất thấm mực, bút vẽ nét nào ăn nét ấy, không thể sửa chữa. Sắc màu của mực đậm hay nhạt tùy vào nét bút đưa đường nét và tạo hình thế nào, tạo ra thay đổi bất ngờ.
Khi một họa sĩ đã kết hợp chặt chẽ được giữa phần thần và sắc, giữa tâm tính và thư họa, thì họ đã mang đầy đủ tài năng và tư duy nghệ thuật rất cao thâm mà sáng tác những tác phẩm vừa sống động, tự nhiên trong cảnh vật vừa mang đến cho người xem một cảm xúc sâu sắc về khí chất , cốt cách con người, tư tưởng và kiến thức nghệ thuật cũng như giá trị đạo đức mà ẩn chứa trong bức tranh.
Khổ công rèn luyện, tu dưỡng thân tâm là một việc đặc biệt quan trọng trong thế hệ danh sĩ thời cổ xưa. Với họ, họa không chỉ là đẹp, mà họa còn là thể hiện trí tuệ, tâm tính, cảnh giới tư tưởng của bản thân, do vậy mà trong hoạt động nghệ thuật xưa luôn coi trọng vấn đề tu dưỡng và khổ luyện.
Theo lối vẽ và phong cách hội họa, người ta chia ra làm hai trường phái tranh thủy mặc.
Tranh tả thực (Tề tất họa), tức lối vẽ hết sức chi tiết sát với cảnh thực, ở Việt Nam gọi là công bút. Bút pháp này tế nhị gọn ghẽ với những đường nét giàu sức thể hiện, phác họa nên giàn khung của cảnh vật, trong quá trình này họa sĩ hết sức chú trọng từng bộ phận chi tiết của cảnh vật sau đó tiến hành tô màu. Phẩm màu tươi đậm dùng cho lối hội họa này phần nhiều là các loại chất khoáng vì thế mà qua nhiều năm bảo tồn, màu sắc vẫn tươi rói. Loại tranh này đẹp mắt, hào hoa, có giá trị trang trí, bề thế, nên trong lịch sử Trung Quốc, nhiều danh họa cung đình đều áp dụng lối vẽ này để thể hiện sự quý phái của triều đình.
Tranh thủy mặc ngụ ý (Thô tất họa), đường nét giản đơn, phác họa nên chất liệu và ngụ ý của cảnh vật. Thường vẽ phong cách này là họa sĩ Tề Bạch Thạch (thế kỷ 19), vẽ tôm, cá sống động và họa sĩ Từ Bi Hồng (thế kỷ 20) với những bức vẽ về ngựa trình độ bậc thầy “thiên hạ vô địch”. Cả hai ông đều có bảo tàng cá nhân ở Thủ đô Bắc Kinh.
Khi trở về với nghệ thuật cổ xưa, chúng ta luôn được đắm chìm trong một sắc thái say mê, cuốn hút bởi vẻ đẹp của giá trị đạo đức cao cả và cảnh giới tư tưởng thâm sâu mà các cố danh họa thể hiện qua những tác phẩm, những nét bút để đời. Nghệ thuật chính là sự mô phỏng đỉnh cao của tư tưởng và trí huệ của người nghệ sĩ.
Một bức họa đẹp không chỉ nằm ở màu sắc, cảnh vật hay nét họa điêu luyện, mà cao hơn hết chính là giá trị nghệ thuật ẩn sau mỗi tác phẩm, nó không đơn thuần là yếu tố “mỹ” của góc họa, mà còn là vẻ đẹp vĩnh hằng của một cảnh giới tư tưởng thăng hoa.
Uống Trà Thôi
Theo DKN