Một người có tài thôi chưa đủ, còn phải có nền tảng đạo đức vững chắc và cao thượng, mới có thể làm nên đại sự, tạo dựng nên cơ đồ lớn, vang vọng muôn đời.
Ngụy Văn Hầu, là quân chủ khai quốc sớm nhất trong thời Chiến Quốc, được Tư Mã Quang nhắc đến trong “Tư Trị Thông Giám”. Một lý do quan trọng dẫn đến sự thành công của Ngụy Văn Hầu là khả năng chiêu mộ nhân tài và cao nhân, năng lực “dùng người”, điều đó rất đáng để chúng ta học hỏi.
Ví dụ, câu chuyện về ứng cử viên của Ngụy Văn Hầu được ghi trong “Tư Trị Thông Giám”.
Khi Ngụy Văn Hầu tuyển chọn Tướng Quốc, ông đã khóa hai ứng cử viên: Địch Hoàng và Ngụy Thành Tử. Ngụy Văn Hầu hỏi ý kiến chủa Lý Khôi, xem ai là người phù hợp hơn. Vì Lý Khôi được Địch Hoàng tiến cử với Ngụy Văn Hầu, vì vậy, Lý Khôi nói ông muốn tránh hiềm nghi, không tiện phát biểu ý kiến của mình. Dưới sự khẩn cầu của Ngụy Văn Hầu, Lý Khôi đã đưa ra 5 tiêu chí để lựa chọn tướng quốc.
Dựa vào năm tiêu chuẩn này, Ngụy Văn Hầu nhanh chóng đưa ra quyết định bổ nhiệm Ngụy Thành Tử làm tướng quốc.
Địch Hoàng đã rất tức giận khi biết chuyện này nên đã đến hỏi Lý Khôi tại sao lại không tiến cử mình.
Lý Khôi nói: “Ta không tiến cử ai cả, ta chỉ cho đại vương một phương pháp để lựa chọn, đó là:
“Cư thị kỳ sở thân,
phú thị kỳ sở dữ,
đạt thị kỳ sở cử,
cùng thị kỳ sở bất vi,
bần thị kỳ sở bất thủ”.
Tức là: Xét người thì trong việc cư xử xem họ chơi thân với những ai; trong lúc giàu có xem họ giúp đỡ những ai; khi thành đạt xem họ cất nhắc người nào, lúc cùng khốn xem họ không làm những việc gì, lúc nghèo khó xem họ không chịu nhận những thứ gì.
Ý của đoạn văn này của Lý Khôi là để đánh giá liệu một người có thể đạt được những điều lớn lao, đại sự trong tương lai hay không, người ta chỉ cần xem xét nó từ năm khía cạnh. Đó là:
Đầu tiên, hãy xem anh ta thường kết thân với những người như thế nào. Nếu kết giao với quý nhân thì tương lai tươi sáng, nếu kết giao với kẻ ác thì không còn hy vọng gì.
Thứ hai, hãy nhìn vào cách anh ta tiêu tiền khi anh ta giàu có. Những người chỉ biết thỏa mãn dục vọng ích kỷ của bản thân thì khó có thể phát triển hơn nữa, nhưng nếu họ tự bỏ tiền túi ra để học tập, trau dồi tài năng thì họ sẽ làm được rất nhiều điều.
Thứ ba, hãy xem người anh ta sẽ chọn và bổ nhiệm khi anh ta phát triển, nếu anh ta dùng người chỉ xem xét trên quan hệ thân thiết giữa cá nhân với nhau, thì điều đó là không khả dụng.
Thứ tư, hãy nhìn vào cách anh ấy ứng xử với bản thân khi gặp khó khăn. Nếu có thể kiên trì ý định ban đầu và không làm những điều vi phạm lương tâm, anh ta nhất định sẽ phát triển, ngược lại, không thể khả dụng.
Thứ năm, hãy xem liệu anh ta có thể không lấy của cải bất chính khi anh ta nghèo khó hay không.
Sau khi nghe lời này, Địch Hoàng cảm thấy không phục, liền nói: “Địch Hoàng ta có điều gì mà không thể so sánh với của Ngụy Thành Tử?”
Lý Khôi trả lời: Vậy thì hãy để ta mạn phép nói ra 2 điều:
Trước hết, Ngụy Thành Tử dành chín phần mười tiền lương cho việc học và trau dồi tài năng, một phần mười còn lại dùng để duy trì cuộc sống.
Thứ hai là những nhân tài được Ngụy Thành Tử tiến cử như Tử Hạ và Điền Tử Phương, đều là những nhân tài đức độ dưới thời Khổng Tử, thậm chí nhà vua còn tôn họ làm thầy.
Chỉ hai thứ này, ngươi nghĩ Ngụy Thành Tử hơn ngươi như thế nào?
Địch Hoàng nghe xong lời này cảm thấy vô cùng xấu hổ, khấu tay bái lạy Lý Khôi và nói:
“Ta thật sự không bằng Ngụy Thành Tử! Ta thật sự là trách nhầm người rồi, ta sau này nguyện ý làm đồ đệ của Ngài”.
Có thể nói rằng, thông qua cách chiêu mộ nhân tài của người xưa, chúng ta có thể thấy được trí huệ và tài năng “dùng người” của cổ nhân. Một người có tài thôi chưa đủ, còn phải có nền tảng đạo đức vững chắc và cao thượng, mới có thể làm nên đại sự, tạo dựng nên cơ đồ lớn, vang vọng muôn đời.
Lan Hòa biên dịch
Team Uống Trà Thôi sưu tầm