Người Thổ Nhĩ Kỳ thích nhâm nhi trà từ sáng đến tối, rồi tiếp tục cho tới khi đi ngủ, và ở Thổ Nhĩ Kỳ, không bao giờ có thời điểm nào bị coi là không tốt để uống trà. Mời trà và uống trà là cách thể hiện tình bằng hữu. Tập quán uống trà đã ăn sâu vào văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ, trở thành một mẫu mực của trải nghiệm xã hội và lòng hiếu khách.
Lịch sử trà Thổ Nhĩ Kỳ
Trà không chỉ là một loại đồ uống hay một cảm xúc làm bừng tỉnh các giác quan và thần kinh. Uống trà (“cay” trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ) là điều mà nhiều người dân nước này bắt đầu ngày mới.
So với lịch sử hàng nghìn năm tuổi của trà, đáng ngạc nhiên là trà Thổ Nhĩ Kỳ còn khá mới. Theo một số nguồn tin, người Thổ Nhĩ Kỳ đã buôn bán và tiêu thụ trà từ năm 400 trước Công nguyên. Tuy nhiên, trà chỉ trở nên phổ biến ở Thổ Nhĩ Kỳ từ những năm 1900 trở đi.
Cây trà lần đầu tiên được thử trồng trên đất Thổ Nhĩ Kỳ ở Bursa từ năm 1888 đến 1892. Tuy nhiên, nỗ lực này đã thất bại vì vùng này của Thổ Nhĩ Kỳ không đủ điều kiện để trồng chè. Năm 1924, chè được trồng ở phía đông của vùng Biển Đen. Có những vườn chè quyến rũ dọc theo eo biển Bosphorus, những con phố nhỏ thuôn nhọn của Istanbul cổ kính và tại các điểm du lịch dọc theo biển Aegean.Đáng chú ý, người trồng chè Thổ Nhĩ Kỳ không cần dùng tới thuốc trừ sâu, nhờ vào điều mà họ gọi là phương pháp trị vi khuẩn tự nhiên. Đó là lượng tuyết rơi hàng năm bao phủ các vùng ven Biển Đen. Đặc điểm khí hậu đó khiến khu vực này của Thổ Nhĩ Kỳ trở thành nơi duy nhất trên thế giới có cây chè chịu được nhiệt độ đóng băng.
Ngày nay, hơn 700 triệu m2 đất được sử dụng để trồng cây chè và trà là thức uống được tiêu thụ nhiều thứ hai sau nước ở Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong số 5 quốc gia trồng chè hàng đầu thế giới, sản xuất khoảng 6 đến 10% lượng chè của thế giới. Hầu hết số này được tiêu thụ trong nước. Để pha một tách trà Thổ Nhĩ Kỳ hoàn hảo, cần có Caydanlik. Đây là hai chiếc ấm pha trà được đặt chồng lên nhau. Nước pha trà được để trong chiếc ấm dưới, trong khi lá chè và một ít nước được đổ vào chiếc ấm bên trên. Khi nước ở ấm dưới sôi, người ta pha nước này với lá chè ở ấm trên. Sau đó, người ta rót trà vào ly hình hoa tulip qua lưới lọc sao cho chỉ đầy một nửa và đổ thêm nước đun sôi từ ấm dưới.
Có thể nói trà Thổ Nhĩ Kỳ là một cách sống. Đó là một loại đồ uống đích thực được thưởng thức tại nhà, nơi làm việc và thậm chí ở các chợ Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đó người bán hàng dùng trà để thu hút khách tới mua hàng. Như dân gian Thổ Nhĩ Kỳ nói: “Trò chuyện mà không có tách trà giống như bầu trời đêm không trăng”. Điều này thể hiện cảm giác, bản chất và tình cảm của người Thổ Nhĩ Kỳ gắn liền với trà. Trải qua nhiều năm, trà gắn liền với văn hóa của Thổ Nhĩ Kỳ cũng giống như trăng và sao trên bầu trời đêm. Do đó, người Thổ Nhĩ Kỳ rất coi trọng, dành tình cảm lớn cho loại đồ uống yêu thích này.
Nét đặc sắc trong văn hóa uống trà Thổ Nhĩ Kỳ
Có thể khẳng định trà là một phần không thể thiếu trong văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ và là thức uống nóng phổ biến nhất. Cũng giống như nhiều quốc gia, mời khách uống trà là một nét văn hóa thể hiện lòng hiếu khách của người Thổ Nhĩ Kỳ. Bạn tới thăm nhà ai, bạn vào cửa hàng nào, bạn tham gia cuộc tụ tập ở bất kỳ đâu, thứ mà bạn được mời thưởng thức nhiều nhất sẽ là trà.
Những người không quen thuộc với đất nước Thổ Nhĩ Kỳ có thể cho rằng cà phê mới là thức uống quốc gia, nhưng không phải vậy! Người Thổ Nhĩ Kỳ thích nhâm nhi trà từ sáng đến tối, rồi tiếp tục cho tới khi đi ngủ, và ở Thổ Nhĩ Kỳ, không bao giờ có thời điểm nào bị coi là không tốt để uống trà. Mời trà và uống trà là cách thể hiện tình bằng hữu.
Ở mọi nơi làm việc hoặc nhà riêng, bạn sẽ thấy luôn có sẵn một bình trà để uống hoặc mời khách. Khi tới thăm nhà người Thổ Nhĩ Kỳ, mặc định sẽ là khách luôn được mời trà và phải uống hết ly đầu tiên, có thể bỏ dở ly thứ hai. Còn ở nơi làm việc, theo luật, phải có hai lần nghỉ giải lao trong ngày để nhân viên uống trà. Mời khách ly trà là phong tục và từ chối là điều chưa từng có.
Tập quán uống trà đã ăn sâu vào văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ, trở thành một mẫu mực của trải nghiệm xã hội và lòng hiếu khách. Nhờ đó, khi nói tới thói quen uống trà hàng ngày, chắc chắn rằng người Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ xa người Anh.
Theo truyền thống, người ta không uống trà với sữa hoặc chanh mà chỉ thêm những viên đường nhỏ để tạo nên một loại đồ uống, đôi khi là rất ngọt.Khi khách du lịch ghé vào các cửa hàng và chỉ cần nói “có” khi được mời trà, thì họ ngay lập tức hiểu qua về một trong những truyền thống mạnh mẽ của Thổ Nhĩ Kỳ. Truyền thống này mạnh mẽ tới mức nếu bạn từ chối khi được mời trà, người mời sẽ cảm thấy bị xúc phạm vô cùng.
Một hình ảnh thường thấy ở hầu hết các thị trấn và làng mạc là một vườn trà Thổ Nhĩ Kỳ có tên là Cay Bahcesi. Bạn bè và gia đình thường tụ tập ở đây để trò chuyện về cuộc sống, tận hưởng không khí thân mật, ấm áp cùng nhau trong khi nhâm nhi tách trà.
Mặc dù mọi người đều đến vườn trà, nhưng không mấy khi người ta bắt gặp phụ nữ trong quán trà Thổ Nhĩ Kỳ. Quán trà chủ yếu là một môi trường dành cho nam giới. Làng nào cũng có một quán trà vì nó cũng quan trọng như chợ vậy.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, các chủng loại trà cực kì đa dạng. Người dân nơi đây kết hợp pha, trộn trà với những loại cây thảo dược khác để cho ra những hương vị mới mẻ, phong phú thêm nguồn trà, tránh cho trà “đơn điệu” thêm nhiều lựa chọn cho người uống trà hơn. Được ưa chuộng và sử dụng nhiều nhất phải kể đến những loại trà như trà đen, trà táo, trà chanh, trà lựu... và trà táo là món được yêu thích nhất của người bản xứ. Với thành phần từ táo tự nhiên nên cho ra màu sắc đẹp, hương vị cuốn hút dễ uống và phù hợp với mọi khẩu vị, mọi lứa tuổi từ người già đến trẻ con. Du khách đến đây du lịch thường lựa chọn trà táo để mua về làm quà bởi nó là loại đồ uống nổi tiếng và có mặt khắp nơi, mang đậm phong vị của người Thổ Nhĩ Kỳ.
Uống Trà Thôi
Theo tạp chí kinh tế