/Uống trà thôi
Tải ứng dụng
Trang chủ / Chia sẻ

Gốc tích “Thái Nguyên đệ nhất danh trà”

2832 08:47, 30/08/2023
Team Uống Trà Thôi BÀI VIẾT

( từ)

Gốc tích “Thái Nguyên đệ nhất danh trà”
Vùng đất Thái Nguyên nổi tiếng gần xa với danh hiệu “đệ nhất danh trà”, nhưng không phải ai cũng biết đến ông Nghè Sổ, người được ngợi ca là ông Tổ của nghề trồng chè vùng đất này.

- Đi tìm gốc tích danh trà

Thái Nguyên là vùng đất gắn với cây chè truyền thống. Sản phẩm chè nơi đây được đem đi khắp các vùng miền và cả thị trường nước ngoài, được những người sành chè và nhiều thị trường khó tính chấp nhận. Nhiều người biết đến danh trà Tân Cương thơm ngon với câu nói "Đệ nhất danh trà", nhưng ít ai biết rằng ông tổ của nghề trồng chè tại vùng đất này chính là quan Nghè Sổ.

Tìm về lịch sử, tại xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên xưa có ngôi đình thờ Nguyễn Đình Tuân. Theo sử sách, Nguyễn Đình Tuân là người làng Trâu Lỗ (còn có tên nôm là làng Sổ) thuộc xã Mai Đình huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang, bởi thi đỗ ông Nghè nên thường gọi là ông Nghè Sổ. Tương truyền, Nghè Sổ được người dân vùng chè tôn làm Thành hoàng làng và thờ ông ngay khi ông còn đương chức nhằm ca ngợi công đức của vị quan Tuần phủ hết mực quan tâm đến cuộc sống người dân địa phương.

Ông Bùi Huy Toàn, Trưởng Ban quản lý Khu di tích Lịch sử – Sinh thái ATK Định Hóa, cho biết: Trong tâm thức nhân dân vùng Tân Cương, hình ảnh ông Nghè Sổ đã được tôn vinh là vị Thành hoàng, người đã đem lại cuộc sống ổn định, bình yên cho nhân dân nơi này vào đầu thế kỷ XX, đã được ghi vào sử sách địa phương. Việc này được phản ánh trong cuốn Hương ước làng Tân Cương lập năm 1942. Những tư liệu về sự hình thành và phát triển làng nghề chè Tân Cương đang trưng bày tại Công trình Không gian văn hóa chè phục vụ đón du khách thăm vùng chè Tân Cương và tham dự sự kiện thường niên từ 2-3 năm tổ chức Festival Trà Thái Nguyên theo đề án “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể Trà Thái Nguyên” đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt năm 2013.

Theo những người dân lớn tuổi ở địa phương kể lại, Tân Cương ngày xưa đồi núi hoang vu, người dân khai phá nương rẫy, gieo lúa trồng khoai vất vả mà làm nhiều ăn ít, lắm khi mấy tháng liền không nhìn thấy hạt gạo do thổ nhưỡng không phù hợp. Thấy vậy, ông Nghè Sổ bàn với dân Tân Cương đem giống chè từ vùng Phú Thọ về trồng để bán lấy tiền đổi gạo. Theo chỉ dẫn của ông, một số trai tráng trong vùng và lính trong phủ của ông Nghè đã lặn lội lên vùng Phú Thọ để xin giống. Sau nhiều chuyến đi như thế, cây chè mọc lên ngày một nhiều và chẳng bao lâu, các đồi chè đã phủ màu xanh mướt lên cả vùng Tân Cương.

Lời kể này trùng hợp với các tình tiết trong tự truyện của ông Nghè Sổ, tự truyện viết rằng trên đường đi nhậm chức Giáo thụ tỉnh Yên Bái ông từng nghỉ chân ở nhà ông Cử Đoàn tại Phú Thọ, vốn là bạn đồng khoa thi hương. Vì thế mà ông biết đến cây chè và giá trị của nó. Về làm quan ở Tân Cương, nhận thấy thổ nhưỡng vùng này khá giống với Phú Thọ trong khi người dân trồng khoai trồng lúa không có ăn nên ông cử người về gặp bạn xin giống cây chè, hy vọng con dân trồng cây mới sẽ có cuộc sống no ấm hơn. Ông không hề ngờ tới việc cây chè Phú Thọ trồng ở Tân Cương lại có hương vị thơm ngon đặc biệt hơn cả vị chè nguyên thủy ở Phú Thọ!

Qua các tài liệu nghiên cứu còn lưu trữ ở Không gian văn hoá Trà và Chè Tân Cương, giống chè mang về từ Phú Thọ khi được trồng ở đất Tân Cương lại khác hoàn toàn so với vị gốc ban đầu. Thổ nhưỡng đất đỏ nhưng lại nhiều dinh dưỡng kết hợp cùng khí hậu mát mẻ cho ra mùa chè đầu tiên, khi pha lên có vị ngọt, thanh mát mà chỉ cần nhấp ngụm đầu tiên ai cũng phải tấm tắc. Vụ thu hoạch đầu tiên ấy được người dân bản địa đặt cho cái tên cao sang, tinh tế như chính vị chè là Bạch Hạc.

Cũng theo các tài liệu ghi chép lại, tại cuộc thi Đấu Xảo do chính quyền thực dân Pháp tổ chức vào năm 1935 ở Hà Nội, loại chè Tân Cương ấy đã được trao giải đặc biệt mang thương hiệu Cánh hạc - biểu tượng của nền văn hóa con lạc cháu hồng. Vậy mới đủ thấy cái danh "Đệ nhất danh trà" từ đây mà có. Cũng từ thời điểm ấy, chè Tân Cương cũng dần được nhân giống, phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống người dân khấm phá phát triển hơn nhờ nghề trồng chè.

- Lí giải câu nói “đệ nhất danh trà”

Lý giải cho danh tiếng trà Tân Cương Thái Nguyên đó chính là độ ngon của trà nơi đây. Trong tất cả các vùng trà Thái Nguyên, riêng trà của Tân Cương có vị ngọt thuộc hàng cao nhất. Chè Tân Cương có hương vị khác biệt, chất lượng cao vượt trội hơn hẳn so với những loại chè khác. Sở dĩ được mệnh danh là "Đệ nhất danh trà" là bởi nó mang một hương vị đặc trưng không thể nhầm lẫn. Hương vị ấy là cái vị chát dịu khi uống nhưng ngọt hậu đượm kéo dài, theo người dân bản địa, khi đã quen vị chè rồi dễ sinh thành nghiện cái vị chát nhẹ ấy. Đặc biệt, chè Tân Cương có vương lại mùi hương thơm nồng nàn, lan tỏa ngào ngạt từ lúc pha và đượm mãi đến tận khi uống vào rồi mà vị ngọt vẫn còn đọng lại trên đầu lưỡi, thấm đẫm vị giác. Quan sát màu nước trà khi pha sẽ có màu xanh nhẹ hoà với chút màu vàng trong trẻo, vừa thanh mát vừa tinh tế hấp dẫn người thưởng trà từ ánh nhìn.

Danh trà nức tiếng vang xa, giống chè Tân Cương cũng được nhân giống phát triển mạnh mẽ với nhiều cách thức khác nhau, cho ra nhiều loại trà hương vị đặc trưng. Dù cùng là gốc gác chè Tân Cương nhưng riêng mỗi vùng nguyên liệu, vị trà lại khác biệt rõ rệt. Thừa hưởng tính chất chè đậm đà chát ngọt với hương thơm thoảng sâu quyến rũ của cây chè trung du do vùng đất và khí hậu mang lại, những giống chè của người dân vùng Tân Cương ngày nay còn tạo thêm nét khác biệt riêng cho mình.

Ngày nay, vùng chè Tân Cương không chỉ bó hẹp trong xã Tân Cương mà còn lan rộng ra các xã xung quanh như: Tân Thịnh, Thịnh Đán, Phúc Xuân, Phúc Trìu. Theo thống kê, khoảng 96% dân số trong các xã này trồng và chế biến chè với tổng sản lượng bình quân đạt gần 1.000 tấn chè búp khô mỗi năm. Thái Nguyên được xem là vùng chè trọng điểm của cả nước với diện tích hơn 22 nghìn ha đất trồng chè, sản lượng đạt khoảng 260 nghìn tấn chè búp tươi/năm, doanh thu từ chè sau chế biến đạt 10.400 tỷ đồng. Với nhiều địa phương trong tỉnh, cây chè là cây trồng chủ lực, làm giàu, làm du lịch không thể thiếu của nhiều gia đình nông dân.

Trồng và chế biến chè ở Thái Nguyên hiện đã phát triển thành một ngành sản xuất hàng hóa tạo công ăn, việc làm cho nhiều người. Vùng chè Tân Cương nói riêng và Thái Nguyên nói chung ngày nay đã trở thành vùng quê trù phú, cường thịnh như mong ước xưa thể hiện trên câu đối “Thái Nguyên giàu đẹp muôn muôn thuở/ Tân Cương cường thịnh vạn vạn niên” mà ông Nghè Sổ đã viết tặng cho đình Tân Cương ngày ngôi đình hoàn thành vào năm 1923. Ngôi đình này hiện chỉ còn lại nền và một khung ảnh thờ ông Nghè Sổ do đã bị tiêu hủy trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Theo sử cũ, Nguyễn Đình Tuân (1867-1941), tự là Hữu Mai. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học, lại thêm thông minh thiên bẩm, Nguyễn Đình Tuân đã sớm nổi danh về tài học, công đèn sách cần cù của ông đã được đền đáp xứng đáng bằng việc đã trở thành Đình nguyên khoa thi năm Tân Sửu, Thành Thái thứ 13 (1901) thời Nguyễn. Ông là vị quan thanh liêm, chính trực; được sinh ra, lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học và có nhân cách thanh cao.

Nghè Sổ là vị tiến sĩ thứ 58 của tỉnh Bắc Giang và cũng là vị tiến sĩ cuối cùng của vùng Kinh Bắc trong giai đoạn phong kiến ở nước ta. Trong cuộc đời làm quan, Nguyễn Đình Tuân nổi tiếng là thanh liêm, chính trực, lúc nào cũng giữ nhân cách thanh cao của một nhà nho chân chính. Trong thời gian làm đốc học tỉnh Hà Đông, ông Nghè Sổ có soạn bộ Đại Việt quốc sử cải lương và đã tặng bộ sách này cho viện Viễn Đông Bác cổ. Năm 1954, người Pháp rút quân về nước, bộ sách được đem theo. Năm 1960, khi quan hệ Việt - Pháp cởi mở hơn, phía Pháp đã trao lại cho Việt Nam bộ sách này. Hiện tại, bộ sách được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm với 765 trang chữ Hán.

Ông Nghè Sổ mất năm 1941 tại quê nhà, sau đó con cháu và học trò xây lăng miếu thờ ông tại làng Trâu Lỗ. Lăng còn bảo tồn được nguyên vẹn các yếu tố gốc cho đến ngày nay. Hằng năm, vào ngày 20 tháng 6 Âm lịch, dân làng thường tổ chức lễ giỗ để tưởng nhớ công trạng của ông đối với quê hương, đất nước. Tên thật của ông cũng được đặt cho một con đường tại thành phố Bắc Giang ngày nay.

Uống Trà Thôi
Theo Tạp chí kinh tế
Gốc tích “Thái Nguyên đệ nhất danh trà”Di ảnh cụ Nghè Sổ Nguyễn Đình Tuân, người được xem là ông Tổ nghề trồng chè
Gốc tích “Thái Nguyên đệ nhất danh trà”Di tích lăng mộ cụ Nghè Sổ
1 0 5,402 0.0
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết

Có thể bạn quan tâm

Thành phố hơn 200 năm văn hóa trà
Team Uống Trà Thôi BÀI VIẾT
3517 20:55, 19/10/2024
0 0 1,641 0.0
Bên cạnh một số vùng sản xuất trà nổi tiếng nhất ở Nhật Bản như Kyoto, Shizuoka, Kagoshima…, Matsue - thủ phủ của tỉnh Shimane - cũng được chú ý không kém với văn hóa trà, tập trung vào matcha (trà xanh dạng bột) và wagashi (bánh kẹo truyền thống của Nhật Bản).

Văn hóa trà của Matsue đã trở nên nổi tiếng hơn ...
Khám phá bí mật của enzyme và hương thơm trong trà
Team Uống Trà Thôi BÀI VIẾT
3512 07:05, 17/10/2024
0 0 1,531 0.0
Enzyme trong trà đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo ra hương thơm và hương vị độc đáo. Hiểu về enzyme giúp khám phá những bí mật của trà, từ màu sắc, hương vị đến lợi ích sức khỏe, mang lại trải nghiệm thưởng thức tinh tế hơn.

Trà không chỉ là một thức uống quen thuộc trên khắp thế giới mà còn ...
Teapresso - Cuộc cách mạng trong văn hóa thưởng trà hiện đại
Team Uống Trà Thôi BÀI VIẾT
3503 10:34, 11/10/2024
0 0 1,921 0.0
Trong thế giới đồ uống sôi động, Teapresso nổi lên như một làn gió mới, thổi hồn vào văn hóa thưởng trà truyền thống. Với công nghệ pha chế hiện đại, Teapresso không chỉ đơn thuần là một phương thức pha trà mới mà còn là sự kết hợp tinh tế giữa truyền thống và hiện đại, mang đến những trải nghiệm ...
Lá trà và hồn Việt: Hành trình văn hóa ngàn năm
Team Uống Trà Thôi BÀI VIẾT
3499 08:20, 07/10/2024
0 0 3,594 0.0
Trong dòng chảy lịch sử và văn hóa Việt Nam, thưởng trà không chỉ đơn thuần là một thức uống mà đã trở thành biểu tượng tinh thần, phản ánh phong tục và tính cách của người Việt. Trải qua hàng ngàn năm, trà đã gắn bó mật thiết với đời sống dân tộc, chứa đựng những giá trị văn hóa tinh thần sâu sắc ...
Triết lý nhân sinh sâu sắc từ câu chuyện thưởng trà của 2 người bạn già
Team Uống Trà Thôi BÀI VIẾT
3488 09:05, 30/09/2024
1 0 1,752 0.0
Hai câu chuyện về thưởng trà dưới đây sẽ giúp mỗi người trong chúng ta lĩnh ngộ được những triết lý nhân sinh sâu sắc và ý nghĩa ở đời.

- Ngẫm chuyện pha trà ra triết lý nhân sinh

Trong một lần rảnh rỗi, có hai vị cao nhân ngồi uống trà với nhau. Nhìn bạn trà cặm cụi pha nước, người này hỏi:

"Ngài cảm ...
GIỚI THIỆU CÁC TRÀ QUÁN
GIỚI THIỆU SÁCH HAY
×
Uống Trà Thôi
Chỉ 30s tải app cực nhẹ và trải nghiệm!