Một bức thư pháp được coi là hoàn chỉnh phải hội đủ các yếu tố: Chính văn (phần chính của nội dung cần thể hiện) đề khoản và ấn chương. Những chữ ngoài phần chính văn gọi chung là “Khoản”. Đề khoản còn có khi gọi là Lạc Khoản. Đề khoản chiếm một vị trí tương đối trọng yếu trong một tác phẩm thư pháp. Nếu như phần chính văn được thể hiện tốt mà phần đề khoản lạc lõng rời rạc, hoặc nằm vào vị trí phá hư chương pháp toàn bức thì coi như tác phẩm đã thất bại. Dưới đây là 3 tiêu chuẩn đề khoản.
I. NỘI DUNG ĐỀ KHOẢN
Khoản là nội dung cần phải có để người xem hiểu rõ ràng vể tác phẩm, chữ dùng đề khoản phải giản luyện, súc tích, khoản phân ra thượng khoản và hạ khoản.
Câu đối đề thượng khoản, hạ khoản
1.1. Thượng khoản:
Thượng khoản ghi tên cá nhân hoặc đơn vị nhờ ta viết chữ. Có 2 trường hợp thượng khoản:
Một là: Ta viết tặng hoặc bán chó một người xx nào đó, thượng khoản ghi là: xx + lời xưng hô + khiêm từ.
Thí dụ: “Trần Văn A các hạ nhã chính 陳文阿阁下雅正” Dịch là: Ngài Trần Văn A giữ giúp để tiêu khiển.
Hai là: Ta viết cho một người xx để người đó tặng cho một người yy nào đó. Thượng khoản ghi tên người được tặng trước rồi mới đến tên người tặng, theo thứ tự: yy + xưng hô + lý do tặng (tiệc, lễ...)+ xx + kính tặng (hoặc lời chúc mừng).
Thí dụ: Viết cho một đơn vị tặng một đơn vị (hoặc 1 cá nhân tặng 1 cá nhân hay một đơn vị). Thượng khoản ghi “An Giang Tỉnh, Tân Thị huyện, Mỹ Luông Thần Đình, Kỳ An Tế Tự, Hồ Chí Minh Thị, Bổn Cảnh Thành Hoàng Miếu Quý Tế hội đồng nhân kính cung 安江省,心市縣,美神亭祈安祭祀 – 胡志明市本境城隍廟季祭會仝敬供, dịch là: Nhân dịp lễ cầu an tổ chức tại Đình Thần Mỹ Luông thuộc huyện Chợ Mới, Tỉnh An Giang, toàn thể ban Quý tế của miếu Thành Hoàng, thành phồ Hồ Chí Minh xin kính dâng.
Trên là 2 trường hợp của thượng khoản thường sử dụng.
1.2. Hạ khoản:
Hạ khoản ghi xuất xứ của chính văn, tên họ hoặc tự hiệu của tác giả đặt ra lời văn đó sau cùng là thời gian địa điểm, họ tên hoặc tự hiệu của người viết thư pháp. Trường hợp người viết thư pháp đã già trên bảy mươi tuổi thì ghi thêm số tuổi trước rồi đến tên họ, thí dụ: Thất thập nhị lão nhân Tung Thần Phùng Quốc Tài thư
七十二老人崧臣馮國材書. Dịch là: lão già bảy mươi hai tuổi Phừng Quốc Tài hiệu Tung Thần viết. Trường hợp người viết còn ở độ tuổi thiếu niên nhi đồng cũng phải ghi tuổi vào hạ khoản (ví dụ: Thập tam tuế, thập thất tuế).
Khi chính văn mang nội dung có tính trang nghiêm như kinh Phật; lời nói của các bậc thánh nhân Nho gia; Đạo gia; thì từ, danh cú của vĩ nhân, lãnh tụ... thì ở cuối hạ khoản sau phần tên người viết thư pháp phải ghi là kính thư, kính lục, bái thư 敬書, 記錄, 拜書 thay vì chỉ ghi là chữ “Thư” sau phần tên. Thí dụ: ...Phạm Hoàng Quân kính thư 範黃君敬書 thay vì chỉ ghi là Phạm Hoàng Quân thư 範黃君書. Đối với trường hợp tác phẩm thư pháp được viết để đặt nơi thờ phụng tôn nghiêm như bàn thờ gia tiên, đình, chùa, đền, miếu... thì cũng ghi những chữ kính cẩn như trên; theo tập quán, của người Việt Nam, bức trung đường đặt ở gian thờ chính (ở tư gia cũng như đình miếu) không ghi tên người thực hiện thư pháp, người tặng, người dâng cúng. Nếu là 1 bộ gồm có bức Trung đường (đặt ở giữa), cặp đối liên (câu đối đặt hai bên) và Hoành phi (đặt phía trên cùng) thì thượng khoản và hạ khoản đề vào đối liên hoặc Hoành phi. Tác phẩm thư pháp có khi chỉ có hạ khoản (đó là trường hợp người viết tự sáng tác không theo yêu cầu). Tuy nhiên vẫn nên dành một không gian cho thượng khoản để khi cẩn thiết sẽ điền thêm vào mà không ảnh hưởng dến chương pháp toàn bức.
II. CHỮ DÙNG CHO ĐỀ KHOẢN
Chữ dùng cho một đề khoản có những qui ước riêng được đúc kết từ nhiều đời, từ ngữ rất phong phú, dưới đây là một số từ tiêu biểu thường sử dụng nhất.
2.1. Phần thượng khoản có 3 trường hợp đối với 3 đối tượng:
Trường hợp 1, đối với bậc trưởng thượng hoặc có địa vị danh vọng: Sau họ tên của người đó ghi thêm từ Đồng chí 同志, Tiên sinh 先生, Phương gia 方家, Nữ sĩ 女士, Lão sư 老師, nếu là người trên 70 tuổi thì ghi Lão 老, trên 80 tuổi thì ghi Ông 翁, là nam hoạt động chiến trường thì ghi các hạ 閣下.
Khiêm từ thì dùng các từ: Chỉ chính 指正, pháp chính 法正, giáo chính 教正, nhã chính 雅正, phủ chính 斧正, chính thư 正書. Ý nghĩa của các từ này đại khái có nghĩa là “nhờ xem giúp và chỉ bảo giùm chỗ khiếm khuyết”; nếu người viết thư pháp đưa tặng thì dùng từ Nhã Tồn 雅存, Huệ Tồn 惠存hoặc Huệ Niệm 惠念, nghĩa của các từ này đại khái có nghĩa là “Nhờ giữ giúp cho vật này” hay “giữ giùm vật kỷ niệm này để có khi thưởng thức”.
Thí dụ: Cả câu được ghi là:
- Nguyễn Thanh Bình phương gia nhã tồn 阮清平方家雅存
- Lý Tùng Niên Lão sư phủ chính 李松年老師斧正
Trường hợp 2, đối với người ngang hàng: Sau họ tên ghi thêm từ nhân huynh 仁兄, nhân đệ 仁弟, thư hữu 書友, học hữu 學友, nếu là anh em thi ghi là Bào huynh 胞兄, Bào đệ 胞弟.
Khiêm từ ghi là Tồn niệm 存念lưu niệm 留念 thanh thưởng 清賞 nhã thuộc 雅屬
Trường hợp 3, đối với người nhỏ tuổi hơn: Sau họ tên ghi thêm từ Hiền khế 賢契 hiến diệt 賢侄 ái tôn 愛孫, ái nữ 愛女tùy theo cấp bậc vai vế.
Khiêm từ ghi Minh ký 銘記, mệnh thư 命書, chúc thư 囑書.
2.2. Hạ khoản gồm 2 nội dung:
- Một là, ghi xuất xứ chính văn, thí dụ (Đỗ Mục - Giang Nam Xuân) nếu là những tác phẩm quá nổi tiếng, từng được nhiều người biết đến có thể không cần ghi đầy đủ, chỉ ghi tác giả. Thí dụ: Lý Bạch thi 李白詩, nếu trích câu thì ghi Lý Bạch cú 李白, hoặc chỉ ghi tác phẩm, thí dụ Hoàng Hạc Lâu Thi 黃鶴樓詩. Ngoài ra ở phần này cũng có khi ghi vắn tắt lời bình của người thời trước đối với chính văn hoặc suy nghĩ của người viết thư pháp. Vì mục đích tạo bố cục hoàn chỉnh cho bức thư pháp, phần này có thể dài ngắn khác nhau không nhất thiết phải liệt kê dài dòng.
Lạc khoản của tác phẩm thể thức hình tròn trên viết: Tổ Vịnh Thi (tác giả), Quý Tỵ Niên (thời gian), Vương Á Vĩ thư (tên người viết), ư Thường Châu (tên địa danh nơi viết)
- Hai là, ghi thời gian + địa điểm + tên người viết thư pháp (hoặc tự liệu, hoặc cả hai) + khiêm từ
+ Thời gian: Viết theo trình tự Năm - Tháng - ngày (có thể chỉ ghi năm)
+ Địa điểm: Địa danh lớn - địa chỉ (có thể không ghi)
+ Tên: Hiệu (nếu có) - họ tên
+ Khiêm từ: Khiêm từ + thư (hoặc tả, hoặc bút)
Thí dụ: Một câu đầy đủ như sau: “Tuế thứ Quý Mùi Niên mạnh hạ ư Tây Cống Đồ Nha ký xá Vô gia cư sĩ kính thư 歲次癸未年孟夏于西貢塗鴉寄舍無家居士敬書(một câu vắn tắt chỉ ghi phần có gạch chân, vắn tắt hơn nữa chỉ ghi tên người viết).
Riêng phần ghi thời gian có nhiều cách:
Theo hệ thống lịch pháp truyền thống: can + chi cổ khi mào đầu bằng
các từ: tuế thứ 歲次. thiên vận 天運 long phi 龍飛 là những từ tượng trưng cho thời gian (nay có thể giản lược) kế đến ghi năm, Quý Mùi... mùa hoặc tháng (xem phần phụ lục). Ngày (phụ lục).
Theo hệ thống lịch pháp cổ can chi (xem bảng kê ở phụ lục).
Theo hệ thống lịch pháp Công Nguyên kỷ niên.
Thí dụ: “Công Nguyên Nhị Linh Linh Tam Niên” + tháng + ngày. Đây là cách ghi dơn giản nay được sử dụng phổ biến.
III. CHỌN THỂ CHỮ ĐỀ KHOẢN
Tác phẩm lệ thư dùng hành thư đề lạc khoản
- Chính văn là chữ TRIỆN dùng Triện, Lệ, Khải, Hành đề khoản.
- Chính văn là chữ LỆ dùng Lệ, Khải, Hành đề khoản.
- Chính văn là chữ THẢO dùng Thảo, Hành Thảo đề khoản.
- Chính văn là chữ HÀNH dùng Hành, Hành Thảo đề khoản
- Chính văn là chữ KHẢI dùng Khải, Hành đề khoản.
IV. VỊ TRÍ ĐỀ KHOẢN
Các dạng hình quạt, hình tròn, đề khoản tương tự như Trung đường. Dạng bức quyển đề khoản tương tự như hoành phi khi đề khoản nên lưu ý không để phạm vào phần không gian chính văn. Nên có sự cân đối nội dung nhiều hay ít của lời đề khoản cho phù hợp với chương pháp. Không đề quá sát biên của bức thư pháp.
Nguồn: Sách Thư Pháp Chữ Hán – Lý thuyết và thực hành. Tác giả: Phạm Hoàng Quân