/Uống trà thôi
Tải ứng dụng
Trang chủ / Chia sẻ

Danh Thần Lý Trần Quán

2855 08:07, 11/09/2023
Team Uống Trà Thôi DANH TƯỚNG & NHÂN VẬT VN

( từ)

Danh Thần Lý Trần Quán

Lịch sử Việt Nam cũng như thế giới không có mấy nhân vật thể hiện sự trung nghĩa kỳ lạ như tiến sĩ Lý Trần Quán cuối triều Lê – Trịnh: Khi không cứu được chúa, đã đào mồ tự chôn sống mình.

Cái chết bi tráng của tiến sĩ Lý Trần Quán

Tranh vẽ Lý Trần Quán nhờ người chôn sống

 

Tấm gương trung nghĩa

Câu chuyện xảy ra tháng 6 (âm lịch) năm 1786. Khi đó, quân Tây Sơn của Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ tấn công ra Bắc lần đầu. Sau khi đánh bại quân nhà Lê Trịnh của các tướng Phạm Ngô Cầu, Hoàng Đình Thể tại Phú Xuân, nghe lời khuyên của Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Huệ tiến thẳng ra Bắc để quét sạch quân của chúa Trịnh.

Chúa Trịnh khi đó là Đoan Nam Vương Trịnh Khải (còn có tên Trịnh Tông) sai các tướng giỏi nhất của mình là Đinh Tích Nhưỡng, Hoàng Phùng Cơ cầm quân mà cũng không chống được thế chẻ tre của quân Tây Sơn. Đến ngày 26 tháng 6, từ bến sông Hồng, quân Tây Sơn tràn lên kinh thành Thăng Long, phủ chúa Trịnh bị Nguyễn Huệ chiếm giữ. Trịnh Khải bèn theo cửa ô Yên Phụ chạy trốn lên phía Bắc.

Khi Trịnh Khải chạy đến xã Hạ Lôi, huyện Yên Lãng (Mê Linh, Hà Nội ngày nay), quân sĩ tan tác hết, cùng sang sông chỉ có năm sáu viên quan hoạn trẻ tuổi và con trai người gia thần tên là Nguyễn Noãn đi theo.

Theo bộ sử “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, thì đến đây, chúa Trịnh bỗng gặp Lý Trần Quán, thiêm sai giữ công việc Lại phiên, trước đây vâng lệnh đem tờ hịch đi chiêu mộ nghĩa binh, đang ở đấy. Lý Trần Quán gặp chúa bèn nói dối người học trò của mình là Nguyễn Trang rằng: “Đây là quan tham tụng bọ Bùi đi lánh nạn đến đây, anh hãy hộ vệ đưa ngài đi qua địa giới huyện này”.

Nguyễn Trang trước vốn là một tên tướng cướp, từng có theo học với Lý Trần Quán, lúc đó đang làm tuần huyện. Bằng con mắt tinh tường, Trang biết đấy là chúa Trịnh, bèn cùng đồ đảng bắt giải nộp cho quân Tây Sơn để lấy thưởng.

Lý Trần Quán được tin chúa đã bị bắt, vội vàng chạy đến nơi Trịnh Khải đang bị giam giữ, vừa lạy vừa khóc, nói: “Làm lầm lỗi chúa đến thế này là tội ở tôi”. Lý Trần Quán thử đem nghĩa lớn dụ bảo Trang để Trang tha cho chúa, nhưng Trang đã nói một câu nổi tiếng rằng: “Sợ thầy không bằng sợ giặc, yêu chúa không bằng yêu mình”.

Sau đó Nguyễn Trang bèn giải Trịnh Khải đi. Đến một quán nước ven đường, Trịnh Khải cướp con dao của nhà hàng đâm vào cổ tự tử, hôm đó là ngày 27 tháng 6. Nguyễn Trang đành đem thi thể Trịnh Khải nộp cho quân Tây Sơn. Thấy cái chết cứng cỏi của Trịnh Khải, người từng đứng đầu toàn thể quân dân Bắc Hà, Nguyễn Huệ thương cảm liền sai sắm đủ áo quan khâm liệm theo đúng lễ dành cho vua chúa, rồi dùng kiệu rồng đưa thi hài ra chôn cạnh lăng của người em cùng cha khác mẹ với Trịnh Khải là Cung quốc công Trịnh Cán.

Nhờ công này, Nguyễn Trang được Nguyễn Huệ bổ làm trấn thủ Sơn Tây, phong là Tráng liệt hầu.

Không cứu được chủ, Lý Trần Quán về nhà bảo với học trò rằng: “Ta là bầy tôi mà làm lầm lỡ chúa, tội ta đáng chết. Nếu không chết thì không giãi tỏ lòng này với trời đất được”, rồi sai người đào huyệt, đặt sẵn áo quan, Trần Quán mặc đủ mũ áo, tự nằm vào áo quan, để tự tử.

Bộ tiểu thuyết “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô gia văn phái kể về cái chết của Lý Trần Quán rất chi tiết:

“Người chủ nhà trọ hết sức khuyên giải, nhưng Lý Trần Quán vẫn không nghe, nói rằng:

- Ta đã muốn chết, tự khắc còn có những cách khác, nhà ngươi không thể ngăn nổi đâu. Nếu quả là yêu mến ta, thì cứ để mặc ta làm gì thì làm.

Mấy ngày trôi qua thì Lý Trần Quán càng tỏ ra phẫn uất, bồn chồn, và càng quyết liệt bộc lộ ý muốn quyên sinh. Chủ nhà ngăn ông chẳng được, biết lòng trung của ông không thể lay chuyển, đành phải sắm sửa đầy đủ các thứ theo như lời ông đã bảo.

Lý Trần Quán sai đào huyệt ở ngay vườn sau nơi nhà mình ở, đặt sẵn chiếc quan tài xuống đó. Sau đó, ông lấy vải trắng xé ra làm một chiếc khăn đội đầu và một chiếc dây lưng nhằm để tang chúa. Đội mũ mặc áo chỉnh tề, ông hướng về phía nam lạy hai lạy. Lạy xong, lại bỏ mũ, lấy khăn trắng chít lên đầu, lấy dải lưng trắng thắt ngang lưng; rồi nằm vào trong quan tài, bảo chủ nhà đậy nắp lại rồi cho vùi đất lấp đi…

Nhưng khi đang lấp đất, thì Lý Trần Quán từ trong quan tài còn gọi với ra:

- Hãy còn thiếu một câu nữa, phải nói hết cái đã.

Mọi người nghe thấy thế lại mở nắp quan tài ra và Lý Trần Quán đã liền đọc hai câu thơ:

Tam niên chi hiếu dĩ hoàn/ Thập phần chi trung vị tận (nghĩa là: Đạo hiếu ba năm đã trọn/ Chữ trung mười phần chưa xong).

Rồi ông bảo với chủ nhà:

- Phiền ông đem câu ấy dặn lại con ta, bảo nó sau này dán ở nhà thờ mà thờ ta.

Nói xong câu ấy, lại tiếp luôn:

- Đa tạ ông chủ, ta vĩnh biệt ông từ đây nhé!

Chủ nhà và năm sáu tên đày tớ cùng sụp xuống lạy chào ở trước quan tài, rồi đậy nắp và lấp đất lên. Hôm ấy là ngày 29 tháng 6, năm Bính Ngọ (1786) sau khi chúa chết hai ngày”.

Đây quả là một cái chết hết sức bi tráng, như sự tuẫn tiết của các tướng quân chúa Nguyễn là Võ Tánh và Ngô Tòng Châu, khiến đời sau mãi còn ca ngợi.

Hưởng tước quận công

Sau khi Trần Quán mất, thiên hạ ai cũng kính trọng ông là bậc nghĩa khí.

Khi quân Tây Sơn rút khỏi Bắc Hà, vua Lê Chiêu Thống đã truy tặng quan tước cho Lý Trần Quán và những người trung nghĩa khác theo đẳng cấp khác nhau. Theo “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, Lý Trần Quán được truy tặng hàm Thượng thư bộ Binh, được cho tên thụy là Toàn Trung.

Nguyễn Trang dù được quân Tây Sơn phong chức trấn thủ Sơn Tây, đến lúc này đã bị quân của vua Lê bắt đem phanh thây để tế ở trước mồ Trịnh Khải.

Trong việc truy bắt Trịnh Khải thì ngoài Nguyễn Trang ra còn có Nguyễn Noãn cũng tham dự. Nhưng lúc Noãn đòi thưởng công thì Nguyễn Huệ cho y là kẻ bất nghĩa, đã sai quân lính điệu ra chém đầu ngay.

Lý Trần Quán sinh năm 1735, quê ở xã Vân Canh, huyện Từ Liêm (nay là huyện Hoài Đức, Hà Nội). Nguyên tổ tiên ông mang họ Đặng, bố ông là Đặng Trần Diễm, do cha mẹ cầu tự tại đền Chèm (thờ Lý Ông Trọng) sinh ra Trần Quán đã nên đặt tên cho ông theo họ của thần là Lý Trần.

Đặng Trần Diễm trước thi đỗ Hương cống, sau đã 5 lần đi thi Hội chỉ trúng Tam trường, đến năm 31 tuổi được bổ làm tri huyện Đông Ngàn (bao gồm các huyện Từ Sơn - Bắc Ninh và Gia Lâm, Đông Anh – Hà Nội ngày nay) rồi ốm mất ở huyện nhà năm 1759, thọ 55 tuổi.

Năm Bính Tuất (1766), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 27 đời vua Lê Hiển Tông, Lý Trần Quán thi đỗ tiến sĩ lúc 31 tuổi. Theo văn bia tiến sĩ khoa thi này, thì Lý Trần Quán đỗ thứ nhì, đứng đầu danh sách 10 vị Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân. Người đỗ đầu khoa thi là danh sĩ Ngô Thì Sĩ, được ban học vị Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân.

Lý Trần Quán đương thời có tiếng là hiếu thảo, trung nghĩa. Khi chịu tang mẹ, ông ở nhà mồ luôn ba năm liền; miệng không ăn thịt cá, thân thể gầy rạc, chỉ còn da bọc xương. Ông thường tự nói: “Ta nay đã bốn chục tuổi đầu, nhưng những việc đã làm trong quãng đời vừa qua của ta, chỉ có ba năm chịu tang này là gần với đạo làm người”.

Theo gia phả dòng họ Lý Trần, trong gia đình, Lý Trần Quán là anh cả, tiếp theo là người em cùng mẹ Lý Trần Dự (1740-1777). Người em út là Lý Trần Thản (1746-1810) do người vợ thứ của cha ông sinh ra. Cả ba anh em đều học rất giỏi và đều đỗ tiến sĩ. Sau khi Lý Trần Quán đỗ đồng tiến sĩ năm 1766 thì Lý Trần Dự và Lý Trần Thản cùng “huynh đệ đăng khoa”, đỗ tiến sĩ năm Kỷ Sửu (1769).

Tuy nhiên, văn bia tiến sĩ khoa thi Kỷ Sửu (1769), dù có tên cả Lý Trần Thản và Lý Trần Dự, nhưng chỉ ghi tên Tiến sĩ Lý Trần Dự người xã Vân Canh, huyện Từ Liêm, với chú thích “nguyên họ Đặng”, giống ở tên Lý Trần Quán trong văn bia kỳ thi năm Bính Tuất, còn tên Tiến sĩ Lý Trần Thản lại ghi “quê xã Lê Xá, huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam hiện nay)”. Có giả thuyết nói rằng Lý Trần Thản sống ở quê mẹ, tuy nhiên một số tài liệu viết ông sinh năm 1721 và mất năm 1776, tức sinh trước Lý Trần Quán tới 14 năm, điều này chưa được kiểm chứng.

Sau khi thi đỗ, Lý Trần Quán từng giữ các chức quan từ Thiêm sai Lại phiên, Hiến sát sứ Hải Dương, Đốc đồng Cao Bằng, Hiệp trấn Sơn Tây, Đông các Đại học sĩ, Quốc tử giám Tư nghiệp.

Do tuẫn tiết, ngoài việc được truy phong tước Quận công, Lý Trần Quán còn được phong làm phúc thần. Đời sau có đôi câu đối về hành trạng của ông rằng: “Khảng khái cần vương dị; Thung dung tựu nghĩa nan” (nghĩa là: Khảng khái làm việc cần vương thì dễ, ung dung làm trọn đại nghĩa thì khó).

 

https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/cai-chet-bi-trang-cua-tien-si-ly-tran-quan-602506.ldo

Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết

Có thể bạn quan tâm

Lê Quý Đôn
Team Uống Trà Thôi TRUYỆN TÍCH CỰC & SUY NGẪM
1893 06:04, 12/06/2022
0 0 19,256 0.0
QUẢ BÁO

Lê Quý Ðôn (1726 - 1784) người tỉnh Thái Bình, con của Tiến sĩ Thượng thư Lê Phú Thứ đời Dụ Tông. Tuổi trẻ nổi tiếng là thần đồng. Lên năm tuổi học Kinh Thi, mỗi ngày thuộc cả chục dòng sách. Mười một tuổi, mỗi ngày học Sử ông thuộc tám, chín chương . Mười bốn tuổi đã thông hết Ngũ kinh, Tứ ...
Nàng công chúa Việt Nam bị chồng lạnh nhạt và cách ứng xử cao minh
Team Uống Trà Thôi DANH TƯỚNG & NHÂN VẬT VN
1706 13:38, 01/04/2022
0 0 3,199 0.0
Nàng công chúa Việt Nam bị chồng lạnh nhạt và cách ứng xử cao minh khiến chồng mến phục
Làm dâu nhà tướng, sóng gió buổi đầu
Lấy Đức phục người
Biến cố lớn khiến Trần Quang Khải muôn phần kính yêu vợ

Nhiều người Việt Nam đều biết đến Thượng tướng Thái sư, Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải, ...
ĐỒNG CHÍ LÊ ĐỨC THỌ ĐÈ BẸP KISSINGER TRONG MÀN ĐẤU TRÍ ĐẦY CĂNG THẲNG TẠI CUỘC ĐÀM PHÁN HIỆP ĐỊNH PARIS - NƠI QUYẾT ĐỊNH SỐ PHẬN CỦA CẢ MỘT DÂN TỘC
1539 07:10, 07/01/2022
1 0 3,378 0.0
Trở lại Paris sáng 8/1/1973 trên đường đến chỗ họp ở Gifsur Yvette, Cố vấn Lê Đức Thọ kéo ông ra một góc: “Hôm nay toàn đoàn ta không thèm ra cửa đón đoàn Mỹ như thông lệ nữa. Và hôm nay mình sẽ nói mạnh đấy. Mình nói thong thả và cậu cố dịch theo đúng tinh thần”.

Dù đã được dặn trước và đã trực ...
CÁI CHẾT CỦA VUA LÊ THÁNH TÔNG
Team Uống Trà Thôi DANH TƯỚNG & NHÂN VẬT VN
67 14:43, 26/05/2021
0 0 2,945 0.0
Lê Thánh Tông là một trong những vị vua sáng trong lich sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Có nhiều câu chuyện liên quan đên cuộc đời, sự nghiệp và công đức của ông, riêng về nguyên nhân cái chết của vị vua này, trong giới sử học còn những nhận định khác nhau.
Vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497)

Nhân duyên trời ...
Câu truyện về Vua Lê Thánh Tông
Team Uống Trà Thôi DANH TƯỚNG & NHÂN VẬT VN
66 14:39, 26/05/2021
0 0 3,453 1.5
Nhân dịp đầu năm mới, vua Lê Thánh Tông mặc thường phục vi hành để xem xét tình hình dân chúng. Ði tới đâu, nhà vua cũng thấy la liệt những câu đối ca ngợi cảnh thái bình thịnh trị, trong lòng vui mừng lắm. Riêng nhà nọ, chẳng treo đèn, kết hoa mà cũng chẳng thấy đối liễn gì hết…

Vua lấy làm ngạc nhiên, ...
GIỚI THIỆU CÁC TRÀ QUÁN
Giúp Uống Trà Thôi tốt hơn mỗi ngày
×
Uống Trà Thôi
Chỉ 30s tải app cực nhẹ và trải nghiệm!