/Uống trà thôi
Tải ứng dụng
Trang chủ / Chia sẻ

Nghệ thuật pha trà của người Việt

287 14:05, 11/06/2021
Team Uống Trà Thôi BÀI VIẾT

( từ)

Nghệ thuật pha trà của người Việt
Suốt bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, khắp ba miền Bắc - Trung - Nam, từ lầu son gác tía tới chốn Thiền môn, từ người nông dân đến bậc trí sĩ, dù lễ tết hay hiếu hỉ, người Việt đều uống trà, mời trà. Trà không còn chỉ là một thức uống mà đã trở thành một nét văn hóa xưa - nay.

Trong chốn cung đình xưa, các ông vua bà chúa thưởng trà rất cầu kỳ và công phu, trà được ủ từ hôm trước, nước pha trà được hứng từ những giọt sương trên búp sen vào sớm hôm sau. Khi pha xong, trà được rót ra tách sứ long phụng, dâng bằng hai tay một cách cung kính lên “ơn trên”.

Ở nơi dân dã, không một ngôi làng Việt Nam nào thiếu quán cóc dưới gốc đa, với một ấm trà, vài chiếc ghế, một ống điếu thuốc lào, người uống trà có thể nhấm nháp thêm kẹo lạc, kẹo vừng, bánh đậu xanh…

Uống trà có thể là độc ẩm (uống một mình), đối ẩm (hai người) hoặc quần ẩm (nhiều người), nên người xưa có câu: “Trà tam, rượu tứ”. Mỗi độ Xuân về, các tao nhân mặc khách lại tụ họp cùng nhau thưởng trà, ngắm trăng, bình thơ. Mời trà và dùng trà cũng là khởi nguồn để kết mối thâm giao, tri kỷ.

Theo đó, một cuộc trà đúng lễ phải hội đủ những tiêu chí: Nhất thủy (nước pha trà phải ngon), Nhì trà (loại trà tinh túy), Tam pha, Tứ bình (dụng cụ và cách thức pha trà phải chuẩn), Ngũ quần anh (tri kỉ cùng thưởng trà).

Theo những nghệ nhân sành trà, để pha được nước trà ngon thì cần phải chú ý các yếu tố sau:

Ấm và chén trà

Có rất nhiều loại ấm để pha trà nhưng dùng ấm sành hoặc ấm sứ là tốt nhất vì thời gian giữ được lâu. Người ta dùng nhiều loại ấm, chén với những tên gọi và phân loại cầu kỳ như “thứ nhất Thế Đức gan gà / thứ nhì Lưu Bội / thứ ba Mạnh Thần”. Nhiều nơi còn quy định màu sắc cho ấm pha trà. Chẳng hạn như muốn thưởng thức trà thật ngon thì màu ấm phải là màu gan trâu, gan gà, chu sa… Hình dáng ấm pha trà có những kiểu chính là: trái lê, trái cau, trái hồng, trái nhót…

Trong khi đó, ở các ngôi làng Việt cổ thì vẫn chuộng ấm trái quýt và chén hạt mít, hay còn gọi là chén mắt trâu. Hoặc ở thành phố, có khi người ta pha trà vào các bình nhựa hoặc bình inox có sẵn một cái giỏ lọc để chứa bã trà. Ở phía Nam người ta thích dùng trà đá, uống trong những cái ly cối to đùng. Nhìn đơn giản vậy nhưng mỗi loại lại có một vị ngon riêng.

Nước dùng để pha Trà

Ngon và tốt nhất sẽ là nước mưa. Nước mưa hứng ngay giữa trời là sạch nhất. Có thể dùng nước giếng mà là giếng đá ong càng tốt. Ngày xưa, những nhà giàu có thường cho người đi thu gom những hạt sương đọng trên tàu lá sen. Đó được coi là thứ nước đặc biệt, tinh khiết. Ở thành phố thì phải dùng nước máy. Nước máy phải để một thời gian cho bay hết mùi hóa chất khử trùng. Có thể dùng nước tinh khiết hoặc nước qua các bình lọc nước. Khi đun nước dùng bếp than hoặc bếp ga để tránh các mùi lạ thấm vào nước như mùi khói, mùi dầu hỏa… Trà thơm quí đến mấy mà nước lẫn mùi lạ thì không thể ngon được.

Pha Trà

Trước khi pha phải rót ít nước sôi tráng ấm, đổ đi rồi mới cho trà vào. Dùng thìa tre hoặc thìa gỗ để múc trà, không nên dùng thìa kim loại. Lần đầu rót một ít nước sôi tráng qua lớp trà rồi đổ đi, coi như “rửa” trà. Sau đó rót thêm nước sôi ngập lớp trà, để vài phút cho ngấm. Đến lần thứ ba mới rót đầy ấm. Sau đó để chừng 2 - 3 phút thì có thể thưởng thức.

Thêm nữa, không phải trà nào cũng dùng nước thật sôi. Các cụ sành trà rất khắt khe với nhiệt độ nước. Ví dụ loại Trà mộc thì nước sủi tăm là được (khoảng 80°C), nước pha trà hương chỉ cần sôi lăn tăn. Các loại Trà sợi rời như Trà móc câu, Trà mạn… thì phải dùng nước thật sôi… Không nên dùng nước ấm/nguội để chế vào trà vì có thể làm mất đi hương vị của trà.

Rót Trà

Nên tính xem bao nhiêu người uống thì ước lượng số nước sôi cần rót. Thông thường, nhà sản xuất đã tính sẵn số nước trong ấm vừa đủ cho số chén đi kèm trong bộ ấm chén. Nhưng nếu số người uống ít hơn thì không cần rót đầy ấm. Muốn uống nữa, rót tiếp nước sôi. Làm như vậy để trà khỏi chín nhừ không mất đi hương vị, lại tránh bị nồng.

Khi rót trà, chỉ rót mỗi chén một ít. Khi xong lượt đầu sẽ rót tiếp lượt hai. Như vậy sẽ không có chén nào nước bị loãng quá hoặc đặc quá. Cách rót trà cũng là một nghệ thuật cần phải học. Lúc đầu, miệng ấm kề sát với miệng chén, mấy giây sau, từ từ đưa ấm lên cao hơn, vừa đủ để có tiếng nước rót róc rách mà không bắn ra ngoài. Rót sao cho tất cả các mức nước trong từng chén đều ngang nhau. Từng thao tác phải thuần thục, uyển chuyển và duyên dáng. Ánh mắt chăm chú, miệng hơi mỉm cười… Đó chính là nghệ thuật rót trà…

Các tiền nhân sành sỏi trong nghệ thuật uống trà cho rằng: Trà có nhiều nước, nước đầu tiên là nước thiếu nữ, thanh khiết, ngọt ngào. Nước thứ hai là nước thiếu phụ, đậm đà, sâu thẳm, đó mới thực sự là hồn cốt tinh túy trong một ấm trà. Sau cái đắng chát là vị ngọt hậu cứ đọng mãi không tan.

Ngày nay, người sành trà Việt không chỉ uống trà tại gia mà còn muốn tìm đến các quán trà và những cửa hàng để thưởng thức vị trà tinh túy. Có thể kể đến Siêu thị chè Vinatea, số 46 Tăng Bạt Hổ - điểm hẹn của không ít người đam mê về trà, bởi không gian náo nhiệt nhưng lại có phần tĩnh lặng, du dương khiến tâm hồn thêm thanh tịnh, vứt bỏ xô bồ để lắng lòng thưởng thức những chén Trà mạn, Trà nhài, Trà Ô long… hòa quyện tuyệt vời với những câu chuyện thường ngày của cuộc sống.

(Theo Đời Sống Tiêu Dùng)
0 0 10,275 0.0
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết

Có thể bạn quan tâm

Nguồn gốc cách đặt tên các loại trà
Team Uống Trà Thôi BÀI VIẾT
3174 08:46, 06/02/2024
0 0 3,255 0.0
Theo những thống kê ban đầu thì cả thế giới có khoảng 3.000 giống và chi trà khác nhau. Thế nên tên của trà cũng muôn màu muôn vẻ. Có một số loại danh trà thì có cả một truyền thuyết hay câu chuyện lịch sử đằng sau cái tên, có loại thì cái tên đơn giản chỉ là mô tả ngoại hình hay nơi cây trà lớn lên. Tên ...
Lược Sử Của Trà (P5): Trà Thời Nhà Tống – Điểm Trà Pháp
Team Uống Trà Thôi BÀI VIẾT
3167 21:13, 02/02/2024
0 0 3,653 0.0
Dưới thời nhà Tống, Thiền tông trở thành tông phái Phật giáo lớn nhất và có mối quan hệ sâu rộng với chính quyền. Đạo giáo cũng trở thành tôn giáo có sức ảnh hưởng lớn, đặc biệt đối với tầng lớp tu sĩ muốn tu tiên để cầu trường sinh. Cả hai tôn giáo này đều coi trọng trà, vì thế vai trò và tầm quan ...
Lý do không nên uống trà khi đói bụng
Team Uống Trà Thôi BÀI VIẾT
3164 18:54, 31/01/2024
0 0 3,903 0.0
Trà có nhiều tác dụng với sức khỏe nhưng uống khi đói dễ gây kích ứng dạ dày, đau đầu, cản trở sự hấp thụ chất dinh dưỡng.

Tất cả chúng ta đều biết đồ uống ấm vào buổi sáng có thể có lợi cho quá trình trao đổi chất và hệ tiêu hóa. Nhưng điều đó có đúng với tất cả các loại đồ uống không? ...
Lược Sử Của Trà (P4): Trà Thời Nhà Đường – Tiên Trà Pháp
Team Uống Trà Thôi BÀI VIẾT
3157 21:30, 28/01/2024
0 0 3,756 0.0
Thời Đường được coi là thời đại mà lần đầu tiên văn hóa trà được chính thức ghi nhận, cùng với sự ra đời của “Trà Kinh” của Lục Vũ. Từ “Trà Kinh”, trà cũng mới được thống nhất gọi là “trà” (“茶”, chá), sau nhiều tên gọi khác nhau trước đó như “đồ” (“荼”, tú), “mính” (“茗”, ...
Bạch trà Shan tuyết Hà Giang - Niềm tự hào của Việt Nam
Team Uống Trà Thôi BÀI VIẾT
3152 09:27, 25/01/2024
0 0 2,930 0.0
Sự xuất hiện của Bạch trà Shan tuyết Hà Giang trong tiệc trà của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã góp phần giới thiệu đến bạn bè quốc tế về nét đẹp văn hóa trà của Việt Nam, đồng thời khẳng định vị thế của Bạch trà Shan tuyết Hà Giang trên bản đồ ...
GIỚI THIỆU CÁC TRÀ QUÁN
Giúp Uống Trà Thôi tốt hơn mỗi ngày
×
Uống Trà Thôi
Chỉ 30s tải app cực nhẹ và trải nghiệm!