/Uống trà thôi
Tải ứng dụng
Trang chủ / Chia sẻ

Street-art: từ luật… đường phố đến luật bản quyền

2886 09:31, 25/09/2023
Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC

( từ)

Street-art: từ luật… đường phố đến luật bản quyền
Street-art (nghệ thuật đường phố) thu hút sự chú ý của người yêu nghệ thuật, lẫn của người… không quan tâm đến nghệ thuật, không chỉ vì khía cạnh khiêu khích, nổi loạn của loại hình nghệ thuật này, mà còn vì các tác phẩm street-art luôn xuất hiện ở những nơi công cộng, đập vào mắt người qua lại.

- Phong trào nghệ thuật nổi bật nhất của thế kỷ 21?

Khởi đầu là một phong trào nghệ thuật bắt nguồn từ sự xuất hiện của bình xịt sơn aerosol vào những năm 1960, street-art dần phát triển ở Philadelphia, New York (Mỹ) cũng như ở Paris (Pháp) với những nghệ sĩ tiên phong như Cornbread (tên thật là Darryl McCray – người được coi là nghệ sĩ graffiti (graffiti writer) đầu tiên khi ông vẽ trên một bức tường ở Philadelphia vào năm 1965), Ernest Pignon Ernest, Keith Haring, hay Jean-Michel Basquiat.

Nếu như street-art mới lạ và hấp dẫn trong giới nghệ thuật, thì trong mắt phần lớn các cơ quan chức năng quản lý thành phố, street-art là một hình thức phá hoại mỹ quan đô thị, góp phần làm xuống cấp đường phố, nhiều khi tạo cảm giác không mấy… an toàn cho người dân.

Đối với nhiều người hâm mộ, street-art là một “phong cách sống”. Các nghệ sĩ street-art thường ít khi quan tâm tới khía cạnh khai thác thương mại, hay sự thán phục, công nhận của công chúng, mà chỉ quan tâm đến thông điệp họ muốn gửi đến xã hội – mà trong phần lớn các trường hợp là thái độ phản đối, nổi loạn.

Từ những năm 1980 phong trào nghệ thuật này ngày càng phát triển và lan mạnh tới nhiều thành phố trên thế giới và vào cuối những năm 1990, nhiều chính quyền thành phố quyết định đặt dấu chấm hết cho street-art. Vẽ graffiti trên tài sản công cộng có thể dẫn đến trách nhiệm hình sự, và hầu hết các bức tranh đều bị xóa bỏ.

Tuy nhiên, dường như càng bị cấm, thì các nghệ sĩ street-art lại càng… có cảm hứng hơn. Một nghệ sĩ graffiti nổi tiếng người Pháp tuyên bố “Nếu như một ngày kia graffiti không còn bị cấm, thì tôi cũng ngừng vẽ graffiti”. Tuy nhiên, nếu như phần lớn các tranh vẽ street-art bị xóa bỏ, thì một số tranh cũng được giữ lại, như tranh của Banksy – nghệ sĩ nổi tiếng nhất thế giới hiện nay trong lĩnh vực street art – chẳng hạn. Điều này cũng làm công chúng đặt ra câu hỏi thế nào là nghệ thuật đích thực.

Từ nhiều năm trở lại đây, street-art dần xóa bỏ được cái nhìn không mấy thiện cảm và nhiều chính quyền thành phố bỏ các khoản tiền khổng lồ để thuê các nghệ sĩ vẽ tranh… tô điểm thành phố. Các bức tranh street-art cỡ XXL xuất hiện trong những khu phố nghèo, ổ chuột cũng như ở những địa điểm thu hút khách du lịch nhất, góp phần đưa nghệ thuật đến tất cả mọi người.

Giờ đây, những nơi có tác phẩm street-art nổi tiếng thường thành những địa danh du lịch không thể bỏ qua, và chương trình du lịch “street-art tour” không còn hiếm ở những thành phố lớn trên thế giới. Năm 2023, chính quyền thành phố Paris cũng mời hai nghệ sĩ street-art Babs và Sarah Viault vẽ trong hơn 1.700 mét vuông đường hầm đi bộ Henri IV ở trung tâm Paris, với thông điệp đưa ra là bảo vệ môi trường và thay đổi khí hậu. Street-art Festivals cũng được chính thức tổ chức hàng năm với sự góp mặt của những nghệ sĩ nổi tiếng nhất thế giới, khẳng định vị trí của street-art trong làng nghệ thuật. Nhiều chuyên gia đánh giá rằng đây là phong trào nghệ thuật nổi bật nhất của thế kỷ 21.

- Luật bản quyền cũng không bỏ rơi street-art

Đứng ở góc độ của luật bản quyền, tất nhiên là street-art không hề bị… bỏ rơi. Nguyên tắc chính của luật bản quyền chính là bảo vệ sự sáng tạo, chứ không phân biệt hình thức thể hiện sáng tạo, như điều 2 (1) Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật có quy định rằng Công ước bảo hộ “tất cả các sản phẩm trong lĩnh vực văn học, khoa học và nghệ thuật bất kỳ được biểu hiện theo phương thức hay dưới hình thức nào”.

Tuy nhiên, đối với loại hình nghệ thuật street-art, việc các nghệ sĩ sử dụng tài sản công cộng hay tài sản cá nhân để thể hiện sáng tạo mà không có sự cho phép của chủ sở hữu tài sản cũng dẫn đến những hạn chế nhất định trong việc bảo hộ tác phẩm. Ví dụ như theo luật của Pháp, việc tác phẩm graffiti sáng tạo có được luật bản quyền bảo vệ hay không tùy thuộc vào việc hành vi sáng tác có được coi là hợp pháp hay không.

Cụ thể, nếu như chủ sở hữu tài sản cho phép nghệ sĩ sáng tác trên tài sản của mình, thì tranh graffiti có thể được luật bản quyền bảo hộ. Trong trường hợp ngược lại, tranh sẽ không được bảo hộ và chủ sở hữu tài sản có thể tự do hủy bỏ tác phẩm, đòi đền bù, đồng thời nghệ sĩ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự vì tội phá hoại tài sản.

Đây là giải pháp rút ra từ phán quyết năm 1999 của Tòa án Tối cao Pháp, liên quan đến bức tranh graffiti vẽ trên một bức tường thuộc tài sản công cộng ở Pháp. Trong trường hợp tác phẩm graffiti được luật bản quyền bảo vệ, thì hiển nhiên tác giả sẽ được hưởng quyền tài sản và quyền nhân thân đối với tác phẩm.

Gần đây nhất, vào tháng 7-2023, chính trị gia Pháp Jean-Luc Mélenchon và đảng LFI mà ông đứng đầu đã bị tòa án Pháp xử phạt tội vi phạm quyền tác giả và phải đền bù hàng chục ngàn euro vì đã sử dụng một số tác phẩm street-art của nghệ sĩ Combo trong chương trình tranh cử tổng thống mà không xin phép tác giả.

Một số tòa án nước khác cũng không ngần ngại công nhận nguyên tắc bảo hộ các tác phẩm street-art, như năm 1997, Tòa án Tối cao Đức công nhận bức vẽ graffiti trên Bức tường Berlin là tác phẩm được bảo vệ bởi luật bản quyền. Ở Mỹ, tòa án thành phố New York, Mỹ cũng kết luận rằng tác phẩm graffiti của nhóm nghệ sĩ đường phố 5Pointz là tác phẩm được bảo vệ bởi Luật Quyền tác giả tác phẩm nghệ thuật thị giác (Visual Artists Rights Act, gọi tắt là VARA).

Chính vì thế, việc chủ sở hữu tòa nhà hiện diện tác phẩm của 5Pointz – Công ty G & M Realty – xóa bỏ tác phẩm này vào năm 2013 bị tòa coi là hành vi vi phạm quyền nhân thân của nghệ sĩ – quyền cho phép nghệ sĩ bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Quyết định này cũng được sự đồng tình của tòa án phúc thẩm.

Vụ việc được đưa đến tận Tòa án Tối cao Mỹ, nhưng vào năm 2020 tòa án này đã chính thức từ chối xem xét kháng nghị của G & M Realty. Luật sư của các nghệ sĩ đã tuyên bố “quyết định của Tòa án Tối cao đã khẳng định nguyên tắc rằng nghệ thuật đường phố đáng được coi trọng, chứ không phải là xóa bỏ”.

Cũng phải nói rằng, trong thế giới nghệ sĩ đường phố, không hiếm trường hợp tranh street-art bị nghệ sĩ khác xóa và vẽ đè lên. Tuy nhiên, hiếm khi các tranh chấp này bị đưa ra tòa, vì thường các nghệ sĩ tự giải quyết với nhau theo… luật đường phố.

Street-art cũng mang đặc điểm là sự “phân chia lãnh thổ” giữa các nhóm nghệ sĩ, và việc vẽ tác phẩm ở nơi được coi là thuộc về một nhóm nghệ sĩ khác có thể bị coi là một hành vi “tuyên chiến” vô cùng nghiêm trọng. Vào những năm 2000, vụ đối đầu giữa Banksy và King Robbo, hai nghệ sĩ graffiti nổi tiếng của Anh cũng bắt đầu từ việc Banksy… khiêu khích, vẽ chồng lên tranh của King Robbo.

Cuộc chiến giữa hai nghệ sĩ cũng như giữa “phe Robbo” và “phe Banksy” kéo dài trong vài năm trời, với việc thay đổi hay xóa tranh của nhau. Chỉ đến khi Robbo qua đời vì tai nạn thì vụ đối đầu này mới chấm dứt với việc Banksy vẽ tranh tưởng niệm chính đối thủ của mình. Luật bản quyền không hề tồn tại trong thế giới của các nghệ sĩ “phi chính thống” này. Bản thân Banksy cũng từng tuyên bố rằng luật bản quyền chỉ để dành cho các nghệ sĩ “thất bại” (loser) mà thôi!

Street-art không còn là mới mẻ với giới trẻ Việt Nam, cho dù loại hình nghệ thuật này du nhập vào nước ta khá muộn so với những quốc gia khác. Sau những sự cố không tạo thiện cảm như vụ sơn đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông vào năm 2017 để công an phải vào cuộc, thì gần đây phong trào street-art phát triển hơn và dần được đón nhận, với những sự kiện có chất lượng nghệ thuật và thu hút được người xem.

Đặc biệt, một số nghệ sĩ đã đưa các yếu tố nghệ thuật truyền thống vào street-art, tạo nên một bản sắc riêng cho street-art Việt Nam. Tuy nhiên, để các tác phẩm street-art của mình tồn tại dài lâu, mang lợi ích cho xã hội, thì các nghệ sĩ cũng cần tôn trọng các quy định của pháp luật, và nên biết bảo vệ tác phẩm của mình bằng luật pháp, chứ không bằng… luật đường phố.

Uống Trà Thôi
Theo thesaigontimes
1 0 3,223 0.0
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết

Có thể bạn quan tâm

Bức chân dung tự hoạ bị giấu kín 63 năm
Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC
3398 15:51, 29/07/2024
1 0 1,929 0.0
Tròn 10 năm sau khi hoạ sĩ người Anh nổi tiếng thế kỷ 20, Norman Cornish qua đời, bức chân dung tự hoạ của ông được tìm thấy ở mặt sau của một tác phẩm nghệ thuật khác.

Nhằm chuẩn bị cho cuộc triển lãm sắp tổ chức, chuyên gia bảo quản tại bảo tàng Anh tháo tấm gỗ ở mặt sau bức tranh của Norman Cornish (1919-2014). ...
Bộ tranh 12 tháng từng treo trong cung điện Càn Long
Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC
3391 11:22, 23/07/2024
0 0 1,689 0.0
Bảo tàng Cố cung ở Đài Loan triển lãm tranh về 12 tháng, từng được treo trong cung điện thời vua Càn Long, Trung Quốc.

Theo The Paper, Thập nhị nguyệt nguyệt lệnh đồ được trưng bày ở Bảo tàng Cố cung Đài Bắc từ tháng 7 đến ngày 22/9. Bộ tranh tái hiện khung cảnh trong và ngoài cung đình từ tháng một âm lịch đến ...
BÌNH PHONG KHẢM TRIỀU NGUYỄN - NƠI ĐÔNG TÂY HỘI NGHỘ
Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC
3387 13:49, 18/07/2024
0 0 1,866 0.0
Chiếc bình phong khảm được làm năm 1877, cuối thế kỷ 19, thời Tự Đức thứ 30 với đề tài kiến trúc Vương cung thánh đường chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội

(Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn gọi tắt Nhà thờ Đức Bà)

Tổng kích thước với Chiều cao: 150cm, Chiều rộng: 60cm, cân nặng khoảng 30kg cùng ...
Cuộc đời thầm lặng của danh họa Dương Bích Liên
Team Uống Trà Thôi Dương Bích Liên
3379 09:59, 16/07/2024
0 0 383 0.0
Họa sĩ Dương Bích Liên của bộ tứ ''Nghiêm, Liên, Sáng, Phái'' nhiều lần từ chối Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm cho ông.

Danh họa sống không vợ con, ít bạn bè. Ông thân thiết hai họa sĩ Bùi Xuân Phái và Nguyễn Sáng. Trong căn nhà ở số 55 Bà Triệu, Hà Nội, đồ đạc của ông chỉ có một chiếc giường ...
Bức tranh bị Van Gogh ghét cay ghét đắng
Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC
3372 07:42, 08/07/2024
3 0 2,194 0.0
Trong loạt thư viết cho em trai, Vincent Van Gogh mô tả 'Quán cà phê đêm' là một trong những bức tranh xấu nhất mà ông từng vẽ.

Họa sĩ ghét tất cả mọi thứ liên quan tới tranh: màu sắc, con người, bố cục và ánh sáng. Các chi tiết khiến ông phát điên. Vài tháng sau khi hoàn thành tác phẩm này, Van Gogh đã cắt tai mình. ...
GIỚI THIỆU CÁC TRÀ QUÁN
Giúp Uống Trà Thôi tốt hơn mỗi ngày
×
Uống Trà Thôi
Chỉ 30s tải app cực nhẹ và trải nghiệm!