/Uống trà thôi
Tải ứng dụng
Trang chủ / Chia sẻ

MÂY TẦN, MÂY HÀNG...

2889 10:11, 26/09/2023
Team Uống Trà Thôi

( từ)

MÂY TẦN, MÂY HÀNG...

Điển hay tích lạ:

Hàn Dũ 韓愈 (768-824) tự Thoái Chi 退之 , người đất Nam Dương, Châu Đăng (nay thuộc tỉnh Hồ Bắc), làm quan về đời vua Đường Hiếu Tông (806-820).

Theo "Liệt tiên truyện" thuật lại: một hôm Hàn Dũ mở tiệc hạ thọ, có người cháu gọi Hàn là chú tên là Hàn Tương 韓湘 tu tiên trong núi về bái mừng. Hàn Dũ thấy cháu lông bông, không chịu học hành lập chí bèn ngỏ lời khuyên. Tương thưa với chú:

- Cháu có học, nhưng học lối xuất thế.

Hàn không bằng lòng cho là hoang đường. Tương lại thưa:

- Đó là túc căn của cháu, cháu phải theo.

Hàn hỏi:

- Học như thế có ích gì? Kết quả ra sao?

Tương thưa:

- Sự học của cháu mênh mông như biển xanh, bàng bạc như mây trắng, nói khôn xiết. Chỉ biết khi học được tất chiều được ý muốn mọi người. Như chú thích rượu ngon, cháu xin dâng. Chú thèm quả ngọt, cháu cũng có.

Nói xong, Tương lấy nước lã đổ vào bình to để trước án. Một lúc, Tương đem bình ấy rót dâng Hàn và tân khách trong tiệc. Mọi người nâng chén đưa lên ngửi thấy mùi thơm, nhấp vào môi thấy rượu ngon quý. Quả là một thứ rượu tuyệt ngon, trên đời khó kiếm nên lấy làm kỳ lạ.

Tương lại hỏi chú:

- Cháu thấy chú thích ướp trà sen, cháu xin dâng chú loại sen Đông hải để dùng.

Hàn ngạc nhiên:

- Nay cuối đông làm gì có sen. Vả lại sen Đông hải làm sao mà hái về được? Cháu đoạt được cả quyền của Tạo hóa hay sao?

Tương mỉm cười, đoạn lấy vuông lụa phủ lên một lọ cắm bông. Khoảnh khắc mở ra có bó bông sen, hương thơm nức khắp phòng. Bông tuy lớn nhưng cánh lại nhỏ, nhụy trắng toát. Rõ ràng là sen Đông hải.


 

Sen còn hàm tiếu nhưng chỉ một lúc sau, sen nở lớn. Lạ thay, nhìn vào bông sen lại có hai câu thơ:

Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại,
Tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền.

雲橫秦嶺家何在
雪擁藍關馬不前

Nghĩa:

Mây ngang Tần Lĩnh nhà đâu tá?
Tuyết phủ Lam Quan ngựa khó qua.

Xem qua hai câu thơ, Hàn nói:

- Hai câu thơ rất hay nhưng không có ý nghĩa gì cả.

Tương thưa:

- Xin chú cứ nghiệm về sau sẽ rõ.

Năm sau, nhân việc Đường Hiến Tông cho rước xương Phật vào cung để thờ, Hàn dân biểu can gián bằng những lời rất mạnh. Xin trích một đoạn:

"... Tự hoàng đế cho đến vua Vũ, vua Thang, vua Văn, vua Vũ đều hưởng thọ lâu dài, trăm họ yên vui mà thuở ấy chưa có Phật vậy. Đến đời vua Minh Đế nhà Hán mới có Phật pháp, về sau cứ loạn lạc mãi, các vua trị vì chẳng được bao lâu. Nhà Tống, nhà Tề, nhà Lương, nhà Trần cùng nhà Ngụy thờ Phật càng ngày càng thêm kính cẩn thế mà niên đại rất chóng. Duy có vua Vũ Đế nhà Lương ở ngôi được 48 năm, ba kỳ xả thân đi làm tăng, sau bị giặc Hầu Cảnh bức phải chết đói. Thờ Phật cầu phúc mà lại phải vạ. Lấy đó mà xem, thờ Phật không nên tin cũng khá biết vậy ..." (Bản dịch của Lệ Thần Trần Trọng Kim).

Vua Hiến Tông cả giận hạ lịnh đem Hàn ra xử tử. May nhờ tể tướng Bùi Độ và các quan đồng liêu hết sức kêu xin hàn mới thoát khỏi tội chết. Nhà vua liền giáng chức Hàn làm thứ sử ở Triều Châu (nay thuộc tỉnh Quảng Đông), và hạn trong 8 ngày phải có mặt tại sở nhậm. Nếu trễ sẽ chết chém.

Đường từ Trường An (kinh đô nhà Đường) ra đến Triều Châu đến 8 ngàn dặm, đường sá lại gập ghềnh hiểm trở, đèo núi cheo leo. Đi ngựa cả tháng chưa chắc đã đến nơi, thế mà lịnh vua chỉ có 8 ngày. Tuy vậy, Hàn không dám trái lịnh, lập tức cùng hai gia nhân lủi thủi lên đường. Bè bạn sợ vạ lây không ai dám đưa tiễn.
Ba thầy trò Hàn đi suốt ngày đêm, ăn cơm khô, uống nước bầu trên ngựa, không dám nghỉ ngơi quán dịch mà 8 ngày rồi, mới đến Lam Quan.

Lúc bấy giờ đương tiết đông, nơi cửa ải Lam Quan mưa dầm gió bấc, tuyết xuống đầy đường. Những tảng tuyết cao và trơn như mỡ, ngựa không thể nào đi được. Hàn và hai gia nhân đành phải xuống ngựa đi bộ. Chẳng may cả ba lại lạc vào rừng, bốn phía vắng tanh, tìm mãi không thấy lối ra và cũng chẳng gặp ai để hỏi.

Suốt bao nhiêu ngày gian lao như thế làm cho người Hàn sút ốm quá nửa, đầu cơ hồ bạc. Lòng Hàn bàng hoàng chán nản, tự nghĩ vì công danh mà chịu nỗi lao đao. Hàn bấy giờ có ý định bỏ quan vào rừng ẩn náu, thoát vòng cương tỏa.

Ý đã quyết, Hàn định trở lại nhưng không biết đường nào ra. Bốn phía tuyết phủ mịt mù, gió rít từng cơn. Trên đỉnh rặng núi Tần Lĩnh mây trắng lững lờ trôi, cố hương nào biết nơi đâu mà về?

 

Lúc ấy, Hàn mới chợt nhớ đến hai câu thơ trong bông sen năm trước mà cháu là Hàn Tương đã nhắc Hàn suy nghiệm về sau sẽ biết. Thật là đúng với quang cảnh của Hàn lúc này. Trong lúc tấn thối lưỡng nan, trời mịt mù sắp tối, tuyết đổ xuống càng dầy, gió thổi càng mạnh, mưa bay càng nặng, bỗng nghe như có tiếng gọi văng vẳng sau lưng. Hàn quay lại thì ra Hàn Tương.

Hàn Dũ mừng rỡ, biết cháu đến là có ý cứu mình bèn đem đầu đuôi câu chuyện thuật lại cho Tương nghe. Tương bảo:

Nếu thúc phụ muốn đến Triều Châu ngay bây giờ thì hãy bỏ ngựa đi thuyền. Đêm nay sẽ đến Triều Châu đúng hạn.

Hàn Dũ nghe lời. Tương đưa ba thầy trò ra khỏi rừng. Đến bờ sông Chương thấy sẵn có một chiếc thuyền cắm sào trên băng tuyết. Nước Chương giang đóng thành băng một giải liền như tấm lụa trắng. Tương bảo ba thầy trò Hàn vào trong thuyền ngồi và nhắm mắt lại để Tương đưa đi.

Ba thầy trò nghe theo nhắm chặt mắt lại, tai chỉ nghe tiếng gió thổi vù vù, tiếng thuyền rẽ sóng nước ào ào. Độ một giờ sau, thuyền ngừng lại, tiếng gió, tiếng nước vắng lặng, bấy giờ thầy trò mới mở mắt ra. Thì ra bến Triều Châu ở ngay bên cạnh. Cả ba mừng rỡ lên bờ vào dinh thứ sử Triều Châu nhậm chức.

Nhớ đến chuyện long đong, lận đận, nhứt là hai câu thơ trong bông sen ngày nọ đã tả đúng cảnh lạc loài cô đơn và nỗi nhớ nhà nơi rừng thẳm bên ải Lam Quan và núi Tần Lĩnh nên Hàn Dũ làm một bài thơ, nhan đề "Chế Lam Quan thị điệt Hàn Tương" (Đến Lam Quan bảo cháu Hàn Tương):

 

Sớm dân bản tấu vào cung khuyết, 

Chiều đất Triều Châu bị biếm ra. 

Muốn bỏ dị đoan cho đất nước, 

Quản chi suy hũ tiếc thân già. 

Mây ngang Tần Lĩnh, nhà đâu tá? 

Tuyết phủ Lam Quan ngựa khó qua. 

Hẳn cháu đến đây lòng đã định, 

Chướng giang rồi nhặt nắm xương ta. 

(Bản dịch của Bùi Khánh Đản)
 

Nguyên văn:

Nhất phong triêu tấu cửu hoàng thiên, 

Tịch biếm Triều Châu lộ bát thiên. 

Bản vi thánh triều trừ tệ sự, 

Cảm tương suy hũ tích tàn niên, 

Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại, 

Tuyết ửng Lam Quan mã bất tiền 

Tri nhữ viễn lai ưng hữu ý 

Hão thu ngô cốt Chướng giang biên.

 

一封朝奉九重天, 

夕貶潮州路八千。 

欲為聖明除弊事, 

肯將衰朽惜殘年。 

雲橫秦嶺家何在, 

雪擁藍關馬不前。 

知汝遠來應有意, 

好收吾骨瘴江邊。

 

Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn nói về Từ Hải biệt nàng Kiều, để Kiều nương mình trong gian nhà nhỏ ở Châu Thai, thui thủi trông chờ cùng Từ tái hợp. Trong lúc phòng không lẻ bóng, mỗi khi nhìn thấy giải mây bàng bạc xa xa, nàng Kiều lại nhớ đến gia đình, cha mẹ nên có câu:

Đoái trông muốn dặm tử phần,
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa.

"Mây Tần" là lấy ở ý câu thơ trên: "Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại", nghĩa là "Mây kéo phủ núi Tần Lĩnh, biết nhà ta ở đâu". Nghĩa bóng nói nhớ nhà.

Trong tác phẩm "Lục Vân Tiên" của cụ Nguyễn Đình Chiểu, đoạn nói về sự ghét thương của ông quán, có câu:

Thương ông Hàn Dũ chẳng may,
Sớm dâng lời biểu, tối đày đi xa.

cũng do điển tích trên.

 

"Mây Tần" nghĩa bóng chỉ nhớ nhà, nhớ quê hương, cha mẹ. Còn những tiếng "Mây trắng", "Mây Hàng", "Mây bạc", "Mây vàng" cũng để nói ý nhớ gia đình, nhớ cha mẹ, quê hương. Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh", đoạn nói về nàng Kiều lúc vào lầu xanh lần thứ nhứt ở Lâm Truy, gặp Thúc Sinh. Tên lái buôn này nhìn Kiều tắm, cảm hứng mới làm một bài thơ đoạn bảo Kiều họa lại. Kiều từ chối vì nỗi lòng nhớ quê hương, gia đình mà không còn ý nghĩ gì để làm được nữa, có câu:

Lòng còn gửi đám mây Hàng,
Họa vần xin hãy chịu chàng hôm nay.

Đời nhà Đường, Địch Nhơn Kiệt được bổ làm Pháp tào Tham quân ở thành Tỉnh Châu. Cha mẹ thì ở đất Hà Dương, xa Tỉnh Châu có mấy ngày đường. Một hôm, Địch lên núi Thái Hàng, nhìn thấy một đám mây trắng bay một mình (bạch vân cô nhi) bèn nói với cả tả hữu: "Nhà cha mẹ ta ở dưới đám mây trắng đó " (Ngô thân xé ư kỳ hạ).

Địch ngậm ngùi giờ lâu, đợi đám mây bay khuất mới về.

Cũng có bản chép là "Mây vàng": "Lòng còn gởi đám mây vàng", do câu thơ cổ:

"Thiên thượng hoàng vân ảnh du tử hà thơi qui", nghĩa là: "Trên trời bóng mây vàng, gã xa nhà bao giờ về".

Trong bài "Tôn phu nhân qui Thục" của Tôn Thọ Tường cũng có câu:
Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc.

"Mây bạc" cũng có nghĩa nhớ nhà, nhớ cha mẹ như điển tích trên.

(Sưu tầm trên mạng)

Ghi chú:

1. Bài thơ của Hàn Dũ cũng có tựa trong một cuốn sách khác là:

Tả thiên chí Lam Quan thị điệt tôn Tương 左遷至藍關示姪孫湘 • (Bị giáng chức đi xa, đến ải Lam dặn lại cháu Tương).

2. Tương là Hàn Tương, cháu của tác giả. Truyền thuyết cho rằng Hàn Tương là một trong bát tiên (Hàn Tương Tử 韓湘子)

 

Team Uống Trà Thôi sưu tầm

1 0 17,011 0.0
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết

Có thể bạn quan tâm

Bỏ đi tính nóng nảy là mấu chốt để bồi dưỡng chính khí
Team Uống Trà Thôi TRUYỆN TÍCH CỰC & SUY NGẪM
2130 15:17, 17/09/2022
1 0 12,925 0.0
Bỏ đi tính nóng nảy là mấu chốt để bồi dưỡng chính khí

Trong phần “Táo chi nhẫn” của cuốn “Khuyến nhẫn bách châm” khuyên rằng: “Dưỡng khí chi học, giới hồ táo cấp”, nghĩa là để bồi dưỡng hạo nhiên chính khí của bản thân thì mấu chốt là ở chỗ phải bỏ hẳn được tính cách nóng nảy vội vàng. ...
Câu chuyện thiền sư Thất Lý gặp đạo tặc
Team Uống Trà Thôi TRUYỆN PHẬT GIÁO
2129 15:10, 17/09/2022
0 0 2,640 0.0
Câu chuyện thiền sư Thất Lý gặp đạo tặc
Team Uống Trà Thôi sưu tầm

Một hôm Thiền sư Thất Lý đang ngồi đả tọa, một tên tặc khấu cầm dao tiến đến từ phía sau nói: “Mang hết tiền trong tủ ra đây, nếu không ta sẽ lấy mạng ngươi”.

Thiền sư Thất Lý đáp: “Tiền trong ngăn kéo, trong tủ không có tiền, ...
Ấm Bát Phương
Team Uống Trà Thôi SƯU TẦM
2128 14:41, 17/09/2022
1 0 5,473 0.0
Ấm Bát Phương
Đất: Lão tử nê
Dung tích: 270ml
Tác giả: Ngô Cần Phương
Sưu tầm: Quý III/2022.
Vol 25
Team Uống Trà Thôi THIỀN TRÀ
2127 13:53, 17/09/2022
1 0 4,100 0.0
“Khi gặp gió mưa thì tìm nơi trú ẩn; khi gặp gai góc thì tìm giày dép chắc chắn để đi; khi lạnh thì đốt lửa; khi nóng thì tìm nước. Những lúc như thế chỉ tìm cách để thích ứng, không nên oán trách hay sân hận.
Trong cuộc sống có những thứ phải nên như vậy, đem tình thương và sự hiểu biết của mình ra để ...
Hương sắc trà mùa thu
Team Uống Trà Thôi BÀI VIẾT
2126 08:46, 17/09/2022
1 0 8,606 0.0
Trà mùa thu có hàm lượng tinh dầu thơm cao hơn, được gọi là “hương thơm mùa thu” của trà. Thời tiết mùa thu trong lành và mát mẻ giúp tổng hợp và tích lũy chất thơm trà. Đối với nhiều loại trà thì mùa thu chính là thời điểm trà có hương vị có thể nói là tốt nhất chỉ sau mùa xuân, thậm chí trà thu còn có ...
GIỚI THIỆU CÁC TRÀ QUÁN
GIỚI THIỆU SÁCH HAY
×
Uống Trà Thôi
Chỉ 30s tải app cực nhẹ và trải nghiệm!