/Uống trà thôi
Tải ứng dụng
Trang chủ / Chia sẻ

THI PHẬT VƯƠNG DUY: NHỮNG BI KỊCH CUỘC ĐỜI HUN ĐÚC NÊN MỘT HỒN THƠ Ý HỌA

2944 14:38, 23/10/2023
Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC

( từ)

THI PHẬT VƯƠNG DUY: NHỮNG BI KỊCH CUỘC ĐỜI HUN ĐÚC NÊN MỘT HỒN THƠ Ý HỌA

THI PHẬT VƯƠNG DUY: NHỮNG BI KỊCH CUỘC ĐỜI HUN ĐÚC NÊN MỘT HỒN THƠ Ý HỌA

 

Có người nói đời người có bốn niềm vui lớn: Hạn lâu ngày gặp mưa; tha hương gặp cố nhân; đêm động phòng hoa trúc; thời khắc thấy tên trên bảng vàng. Người ta cũng nói đời người có bốn bi kịch lớn: Tuổi thơ mất mẹ, tuổi trẻ mất cha, trung niên mất vợ, tuổi già mất con. Nhưng nếu ông Trời gửi cả bốn niềm vui và bốn nỗi buồn cho cùng một người thì người đó sẽ ra sao, xưa nay chưa có ai nói ra được.

 

Vương Duy tiễn biệt bạn và viết bài thơ "Tống biệt". Bức tranh "Tầm Dương tống biệt đồ" của Cừu Anh thời nhà Minh - miền công cộng.


Vương Duy là người được ông Trời "ưu ái" như vậy. Nếu ông Trời đưa cho Vương Duy một chiếc kẹo ở tay này, thì ông Trời nhất định sẽ lấy đi quả táo ở tay kia.

Tuy nhiên, ông Trời vẫn dành một chút nhân từ đối với Vương Duy, để lại người mẹ cho ông, chính vì có mẹ là nguồn hy vọng nên Vương Duy cuối cùng đã trở thành nhà thơ lớn cùng với Lý Bạch và Đỗ Phủ trở thành Thịnh Đường Tam Đại thi nhân.

Nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ Vương Duy sinh cùng năm với Lý Bạch, nhưng hai người dường như đến từ hai thế giới khác nhau. Vương Duy luôn tạo cho chúng ta ấn tượng về sự điềm tĩnh và sảng khoái, phi phàm.

Vương Duy còn được gọi là Thi Phật, các tác phẩm của ông tràn đầy niềm tin vào Phật. Nét độc đáo của Vương Duy là: “Xem thơ mà thấy tranh, xem tranh mà nghe thanh”, có nghĩa là đọc thơ như đang chiêm ngưỡng một bức họa, ngắm tranh mà như nghe được thanh nhạc.


Xuất thân danh gia vọng tộc - tuổi thơ sớm chịu bất hạnh

Không ai nghĩ rằng cuộc đời ông lại đầy thăng trầm đến vậy. Năm 701, tại huyện Kỳ, Tấn Trung, Sơn Tây, Vương Duy được sinh ra với một chiếc thìa vàng trong miệng.

Ông sinh ra trong gia tộc họ Vương ở Thái Nguyên, đây là một trong năm gia tộc nổi tiếng mà mọi người đều ghen tị. Mẹ ông xuất thân từ một gia tộc nổi tiếng khác là họ Thôi ở Bác Lăng.

Vương Duy được thừa hưởng tài năng âm nhạc từ ông nội Vương Trụ, người mà ông chưa từng gặp mặt. Ông nội của Vương Duy từng là một quan âm nhạc trong triều đình, thuở nhỏ Vương Duy đã có thể chơi các giai điệu bằng cách chọn bất kỳ loại nhạc cụ nào.

Mẹ của Vương Duy vẽ tranh rất giỏi, đặc biệt là vẽ mực nước, Vương Duy thường cầm bút bắt chước cách vẽ của mẹ, ông có thể vẽ cả ngày mà không chán.

Cha của Vương Duy là Vương Xử Liêm, người đã nhanh chóng cung cấp cho Vương Duy một môi trường giáo dục tốt nhất, và đích thân dạy thơ văn cho Vương Duy. Ngoài ra, những đệ tử giỏi của ông nội đã dạy Vương Duy chơi các loại nhạc cụ, mẹ Vương Duy không chỉ dạy hội họa mà còn dạy kinh Phật cho Vương Duy.

Những ngày yên bình và tĩnh lặng này đã vĩnh viễn biến mất khi Vương Duy lên 9 tuổi. Cha của Vương Duy qua đời vì bệnh tật. Nhưng nhờ có mẹ, sáu anh em Vương Duy đã lớn lên khỏe mạnh.

Ngay cả khi có tai nạn xảy ra, mẹ Vương Duy cũng không bao giờ bộc lộ nỗi buồn trong lòng trước mặt con cái, bà phân tán gia nô, bán tài sản, đưa Vương Duy cùng bốn người em trai và một em gái trở về quê ngoại ở Bồ Châu 

(nay là thành phố Vĩnh Tế, Vận Thành, Sơn Tây).

Bà chưa bao giờ từ bỏ việc học hành của con cái, bà vẫn duy trì được cuộc sống hàng ngày như cũ.

Ngoài việc lễ Phật, tụng kinh, hàng ngày bà còn đi bán tranh thêu để trang trải cuộc sống cho gia đình. Hàng ngày Vương Duy bán những bức tranh của mình tại một gian hàng bên ngoài ngôi nhà. Người em trai kém ông một tuổi là Vương Tấn cũng thường người viết bài giúp người để kiếm tiền thù lao.


 


Thiếu niên xuất anh hào

Năm 15 tuổi, Vương Duy lên kinh dự thi, ông hào sảng làm bài thơ "Thiếu niên hành kỳ 1”

 

Tân Phong mỹ tửu đầu thập thiên,

Hàm Dương du hiệp đa thiếu niên.

Tương Phùng ý khí vị quân ẩm,

Hệ mã cao lâu thùy liễu biên.


Tạm dịch (Thi viện net):
 

Tân Phong rượu quý mười ngàn đấu,

Du hiệp Hàm Dương khách trẻ trung.

Tương phùng hào khí cùng bạn uống,

Bên lầu bờ liễu ngựa buông cương.


Vào dịp Tết Trùng Cửu, thấy gia đình người khác cao sang mà mình chỉ có một mình, ông không khỏi bùi ngùi, viết bài thơ "Tết Trùng Cửu nhớ huynh đệ Sơn Đông":
 

Độc tại dị hương vi dị khách,

Mỗi phùng giai tiết bội tư thân.

Dao tri huynh đệ đăng cao xứ,

Biến sáp thù du thiểu nhất nhân.


Tạm dịch (Bản dịch của Trác Văn Quân - Thi viện net):
 

Một mình phiêu bạt chốn tha phương

Cửu trùng tiết đẹp nhớ người thương

Nơi xa vẫn biết người phương ấy

Thù du cầm nhớ kẻ phong sương


Năm đó, ông mới mười bảy tuổi.

Sau khi đi ngao du vài năm, ở tuổi 21, ông đến Trường An và đã gây ấn tượng với Kỳ Vương Lý Phạm và Công chúa Ngọc Chân bằng ca khúc tỳ bà “Úc luân bào” do chính ông sáng tác và đã được tiến cử. Sau đó ông lại bằng thực lực của mình đã đỗ trạng nguyên “Đại khôi thiên hạ”.


Tài danh xuất chúng và hiểm họa quan trường

Vào năm Khai Nguyên thứ 9 (721), Vương Duy là một trong những học giả tài năng nhất Trường An.

Tại gia trạch của Kỳ Vương, ông cùng Cao Thích, Thôi Hạo, Bùi Địch, Lý Quy Niên, những danh nhân kiệt xuất nhất lúc bấy giờ, đã xướng bài thơ “Tương tư” của ông:

 

"Nước nam sinh đậu đỏ

Xuân về nở cành xinh

Chàng ơi hái nhiều nhé

Nhớ nhau tha thiết tình".


Nhưng số phận lại vô cùng nghiệt ngã với ông, nhanh chóng dội một gáo nước lạnh vào chàng trai trẻ tràn đầy sức sống và một tương lai tươi sáng này.

Vương Duy chơi đàn tỳ bà rất giỏi, vẽ tranh đẹp, làm thơ cũng hay, các quan lại ở thành Trường An đều tự hào khi được Vương Duy đến làm khách tại nhà.


 

Các quan lại ở thành Trường An đều tự hào khi được Vương Duy đến làm khách tại nhà. 

Chức quan của Vương Duy lúc đó là Thái nhạc thừa, chịu trách nhiệm chính trong việc diễn tập ca múa nhạc cung đình.

Đối với Vương Duy, người chưa bao giờ thiếu tài năng nghệ thuật, công việc này hoàn toàn không phải là một thử thách đối với ông. Tuy nhiên, không lâu sau, Vương Duy bị giáng chức, nguyên nhân là đội lễ nhạc của Vương Duy có diễn tiết mục múa sư tử vàng, vì từ “Hoàng - màu vàng đồng âm với Hoàng trong từ Hoàng đế” và sư tử vàng chỉ có thể múa khi có mặt Hoàng thượng.

Vương Duy mới vào quan trường và không hiểu được sự nguy hiểm của lòng người, đã bị giáng chức làm Tế Châu tham quân. Từ một quan chức ở kinh đô Trường An, đến Tế Châu xa xôi (nay là Tế Ninh, Sơn Đông) để phụ trách kho lương thực.

Ông không hiểu rằng đằng sau việc ông bị giáng chức có thể là sự nghi ngờ của Hoàng đế đối với Kỳ Vương, sự phòng bị đối với mối quan hệ rất thân thiết giữa Vương Duy và Kỳ Vương, sự oán hận của Ninh Vương đối với ông, và sự đố kỵ của các đồng liêu...

Những điều này đã làm tổn thương sâu sắc đến lòng tự trọng của chàng thanh niên quý tộc thông minh, nhạy cảm và đầy nhiệt huyết này, đồng thời cũng ảnh hưởng đến phong cách thơ của ông.

Ông nghĩ đến câu hỏi mà mẹ đã hỏi khi ông đứng trước mặt mẹ mà nước mắt giàn giụa: “Con có biết tại sao tên con lại được gọi là Vương Duy tự là Ma Cật không?”

Tất nhiên ông biết, “Duy Ma Cật” là một tăng nhân lỗi lạc người Ấn Độ, mẹ đặt tên cho ông theo tên của vị tăng nhân này và dạy ông trì tụng Kinh Duy Ma Cật từ khi còn nhỏ.

“Duy Ma Cật” có nghĩa là không có bụi bẩn, nghĩa là "sạch sẽ". Trong căn phòng của mẹ ông viết ba chữ lớn: Tịnh, Tĩnh, Cảnh.

Chỉ khi lòng “thanh tịnh”, tâm mới có thể “yên tĩnh” và đạt đến “cảnh giới” cao nhất của nhân sinh.


Khổ đau tột bậc - ngộ Đạo

Sau một thời gian làm công việc không liên quan đến tài năng và am hiểu âm nhạc cũng như văn học, Vương Duy quyết định từ quan về nhà đoàn tụ với vợ. Hồng nhan tri kỷ, cầm sắt hòa âm, đó là điều hạnh phúc nhất trên thế gian này!

Cuối cùng Vương Duy cũng sắp được làm cha. Trái tim từng rơi từ Thiên đường xuống địa ngục giờ đây tràn ngập niềm vui. Nhưng “Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu” (Trời Đất không có lòng nhân, coi vạn vật như vật hy sinh). Lần này định mệnh đã cướp đi sinh mạng vợ con ông, vợ của Vương Duy chết vì khó sinh.

Trong tình cảnh như vậy, ai có thể giữ cho tâm mình không động? Ai có thể thản nhiên niệm rằng:
 

Tất cả pháp hữu vi,

Như mộng, huyễn, bọt, bóng,

Như sương, như chớp loé,

Hãy quán chiếu như thế.


Mất vợ ở tuổi trung niên, tuổi già không có con, Vương Duy đã sống một mình trong ba mươi năm sau đó và không bao giờ kết hôn.

Vương Duy bi phẫn một mình đi đến phía nam sông Dương Tử, phong cảnh núi non nơi đây dần chữa lành trái tim đầy vết sẹo của ông. Trong chuyến đi này, ông đã viết "Điểu minh giản" và "Sơn cư thu minh" nổi tiếng.
 

Điểu minh giản:

 

"Nhân nhàn quế hoa lạc,

Dạ tĩnh xuân sơn không.

Nguyệt xuất kinh sơn điểu,

Thời minh tại giản trung".


Tạm dịch (Thi viện net):
 

Người nhàn hoa quế rụng

Đêm xuân núi đìu hiu

Trăng lên chim thảng thốt

Khe xuân vọng tiếng kêu.


Trong núi sâu, nghe tiếng chim hót, nếu không phải là người có tâm hồn thanh thản, xa rời trần tục thì làm sao cảm nhận được một sự tĩnh lặng thực sự giữa chốn xô bồ, tất bật?
 

"Sơn cư thu minh"

Không sơn tân vũ hậu,

Thiên khí vãn lai thu.

Minh nguyệt tùng gian chiếu,

Thanh tuyền thạch thượng lưu.

Trúc huyên quy hoán nữ,

Liên động há ngư chu.

Tuỳ ý xuân phương yết,

Vương tôn tự khả lưu.


Tạm dịch (Thi viện net):
 

Núi vắng cơn mưa ngưng

Chiều thu bóng xuống dần

Rừng tùng trăng sáng chiếu

Ghềnh đá suối xanh trong

Trúc vang hò giặt áo

Mạn thuyền sen nhẹ rung

Lòng theo xuân ngát tỏa

Vương tử khó quay chân.


 


Kể từ đó, từ "không" xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn trong thơ ca của Vương Duy. Đó chính xác là từ mà mẹ đã dành cho ông.

Trời đã muốn mình không có gì thì mình cũng chẳng ham muốn, chỉ ngồi ngắm sông núi, lặng lẽ thưởng ngoạn cảnh đẹp, tìm kiếm giây phút bình yên trong lòng.

Đúng lúc Vương Duy chán nản với quan trường và không còn hy vọng vào cuộc sống, ông nghe được một tin tốt: Trương Cửu Linh, một người nghiêm minh và chính trực được giữ chức tể tướng.


Tái gia nhập quan trường - bẩy nổi ba chìm

Vương Duy khi đó 35 tuổi, không thể kìm nén được sự phấn khích trong lòng, và ngay lập tức viết một bức thư cho Trương Cửu Linh, có nguyện ý được đi theo ông với nguyện vọng cống hiến cho đất nước.

Trương Cửu Linh ngay lập tức thăng chức cho nhân tài bậc nhất này, phong ông làm Hữu thập di, chức quan tuy không lớn nhưng có thể gần gũi với Hoàng đế, có nhiều cơ hội thăng tiến.

Vương Duy không phụ lòng mong đợi của Trương Cửu Linh, ngày càng thể hiện tài năng và trở thành phụ tá đắc lực của Trương Cửu Linh, từ một viên tiểu quan bát phẩm trở thành vị quan chính ngũ phẩm.

Trong thời kỳ này, Vương Duy đã mua một trang viên ở Võng Xuyên, Sơn Cốc (nay là phía tây nam huyện Lam Điền, tỉnh Thiểm Tây), trang viên này vốn thuộc sở hữu của nhà thơ Tống Chi Vấn, có núi hồ, rừng và thung lũng.

Vương Duy tự mình lên kế hoạch cho từng tòa nhà và thiết kế từng chi tiết, ông muốn xây dựng nơi này thành một “thế ngoại đào nguyên” của riêng mình.

Điều đáng nói là Vương Duy đã gặp Mạnh Hạo Nhiên trong dinh thự của Trương Cửu Linh.

Hậu thế thường nhắc đến họ với tên "Vương Mạnh", bởi vì cả hai đều nổi tiếng với thể loại thơ Sơn thủy. Kể từ khi Đào Uyên Minh khai sáng trường phái thơ Điền viên, chính Vương Duy và Mạnh Hạo Nhiên đã phát triển thơ Sơn thủy điền viên đạt đến đỉnh cao, từ đó không có ai có thể vượt qua.

Trên thế gian có một kiểu gặp gỡ mà gặp rồi liền thành tri kỷ, đó chính là tình bạn giữa Vương Duy và Mạnh Hạo Nhiên. Cuộc đời của Vương Duy tưởng chừng như bắt đầu suôn sẻ thì lúc này Trương Cửu Linh đã bị giáng chức.

Trương Cửu Linh bị giáng chức khiến Vương Duy hoàn toàn thất vọng về quan trường, ông cũng bị liên lụy và bị giáng chức đi sứ đến một nơi xa ngàn dặm ở biên cương.

Năm Khai Nguyên thứ 25 (năm 737), một hàng xe ngựa theo đường mòn chậm rãi kéo dài trong sa mạc sâu thẳm như một con rắn uốn lượn, nỗi bi thương tràn ngập trong tâm của người ngồi trong xe, mỗi lần có hy vọng thì bất hạnh cũng theo đó mà tới. Ông cảm thấy cả đời mình giống như cỏ bay, bất lực, không biết mình sẽ đi đến đâu.

Chợt trước mắt hiện ra một dòng sông dài, mặt trời tròn trịa, giữa sa mạc hoang vắng mênh mông cát vàng phẳng lặng, xa xa một làn khói cô độc chĩa thẳng lên trời như một lưỡi gươm sắc bén, cảnh tượng ấy chấn động lòng người.

Trước cảnh tượng tráng lệ ấy, tim ông bất chợt đập nhanh, ông muốn vẽ, ông muốn vẽ khung cảnh hoang vắng tịch mịch, lại vô cùng ấm áp! Ông đã vẽ nên bức tranh tuyệt vời ấy qua bài thơ:
 

"Sử chí tái thượng"

 

Đan xa dục vấn biên,

Thuộc quốc quá cư duyên.

Chinh bồng xuất Hán tái,

Quy nhạn nhập Hồ thiên.

Đại mạc cô yên trực,

Trường hà lạc nhật viên.

Tiêu quan phùng hậu kỵ,

Đô hộ tại Yên Nhiên.


Tạm dịch (Hoàng Nhất Phương - Thi viện net):
 

Dò đường xe ngựa lặng đi

Ta thân chinh đến biên thùy trấn an

Cỏ bồng vượt ải Hán quan

Tung trời Hồ nhạn cánh đàn về qua

Khói bay sa mạc trắng nhoà

Lặng thinh bóng ác chiều tà trên sông

Tiêu quan thám mã phi đồng

Nghiêm tâu Đô chỉ huy phòng Yến Nhiên


Bài thơ này kinh điển đến nỗi hậu thế nhắc đến sa mạc không khỏi nghĩ đến câu thơ truyền tụng muôn đời:
 

“Đại mạc cô yên trực,

Trường hà lạc nhật viên.”
 

Một phần bức “Sơn âm đồ” - Vương Duy, thời Đường 


Giờ khắc này, Vương Duy quyết định tiếp nhận sự an bài của thiên thượng: Chẳng phải là cỏ bồng bay đó sao? Sống cuộc đời này không phải là vô ích, có thể lênh đênh trên sa mạc và nhìn thấy cảnh đẹp như vậy cũng không uổng công.

Ông không ngờ một điều bất ngờ đang chờ đợi mình.

Ông còn gặp Hà Tây Tiết độ xứ Thôi Hy Dật và những người bạn cũ Sầm Tham, Thôi Hạo, Cao Thích! Gặp lại cố nhân nơi xứ lạ, mặc dù nơi đây cực lạnh, gió cát che khuất cả ánh mặt trời, nhưng trong lòng Vương Duy, điều này còn tốt hơn bao nhiêu lần so với cuộc sống như đi trên băng mỏng, đấu đá nhau trong triều đình!

Vương Duy chưa từng có bất kỳ một thời khắc nào giống như bây giờ, được sống thoải mái như vậy. Họ cùng nhau đi săn đại bàng, đuổi bắt thỏ, cùng nhau rong ruổi trên lưng ngựa, thưởng ngoạn cảnh đẹp nơi biên cương, để lại dấu chân khắp nơi trên sa mạc rộng lớn.

Ông không thể không vẽ cảnh săn bắn mà ông nhìn thấy:
 

"Quan lạp"

 

Phong kính giác cung minh,

Tướng quân liệp Vị Thành.

Thảo khô ưng nhãn tật,

Tuyết tận mã đề khinh.

Hốt quá Tân Phong thị,

Hoàn quy Tế Liễu dinh.

Hồi khán xạ điêu xứ,

Thiên lý mộ vân bình.


Tạm dịch (Thi viện net):
 

Gió mạnh cung sừng bật

Tướng quân săn Vị Thành

Tuyết tan chân ngựa nhẹ

Cỏ úa mắt ưng nhanh

Ghé chợ Tân Phong chút

Về dinh Tế Liễu quanh

Ngoảnh trông nơi bắn sẻ

Ngàn dặm phủ mây xanh.


Đối với Vương Duy, mỗi ngày đều mới mẻ, đầy phấn khích và thử thách.

Bạn bè ly biệt là điều khó tránh khỏi, một khúc tỳ bà vang lên có thể làm tan nát trái tim, gió xao xác trong đêm dài.

Dưới bầu trời, trong sa mạc và bên đống lửa trại, họ tiễn người bạn Nguyên Nhị đi nhậm chức ở Tây An Đô hộ phủ, và tiếng hát của họ vang vọng khắp bầu trời sa mạc.

"Vị Thành khúc"

Bản dịch Thi viện net:
 

Vị thành cát ẩm mưa rơi

Bên ngoài quán trọ liễu phơi mượt mà

Mời chàng chén tiễn cùng ta

Một mai Tây xuất ai là cố nhân.


Năm Khai Nguyên thứ 28 (năm 740), Vương Duy 40 tuổi lần lượt mất đi ba người bạn. Thôi Hy Dật bị viên phó quan hãm hại, hậm hực mà chết; Mạnh Hạo Nhiên chết vì nhọt độc trên lưng tái phát; người thầy và người bạn đáng kính nhất của ông Trương Cửu Linh cũng qua đời.

Vương Duy được chuyển về kinh đô, phát hiện ra rằng kinh thành rực rỡ này không còn là Trường An quen thuộc nữa. Lý Lâm Phủ mưu mô xảo quyệt, một tay che hết cả bầu che trời, quần thần im lặng.


Tuổi già thăng hoa, viên mãn

Vương Duy đã trải qua biết bao thăng trầm của cuộc sống, ông cảm nhận được sự vô thường của trần thế, ông chán nản và không còn quan tâm đến các vấn đề nơi quan trường. Từ đó về sau, có việc thì ông đến triều đình, lúc không có việc gì thì về nhà, dành thời gian vẽ tranh, nghiên cứu Phật Pháp, cẩn thận quản lý công việc của mình tại Võng Xuyên núi Chung Nam.


 

Ông thường lang thang một mình, lặng lẽ ngắm hoa nở hoa tàn, nhìn mây trôi lững lờ. (Tranh "Tùng Hạ Cao Sỹ" - Bảo tàng Cố Cung Đài Bắc)


Ông thường lang thang một mình, lặng lẽ ngắm hoa nở hoa tàn, nhìn mây trôi lững lờ. Dọc theo suối bên núi muốn đi đến tận cùng trong vô thức. Vậy khi đi đến tận cùng thì ngọn nguồn từ đâu mà có?

Vạn vật trên đời đều có nguồn gốc và đích đến riêng, khi núi sông cạn kiệt, chỉ cần ngước mắt nhìn mây trời biến đổi, nước tự nhiên sẽ thành mây, mây sẽ tự nhiên thành mưa, khe núi kia sẽ tự nhiên biến thành nước, sao phải lo nước từ đâu đến? Tình cờ gặp được ông lão trong núi mà đàm tiếu chuyện phiếm chả tốt sao?

Nhờ có sự ngẫu nhiên này mà chúng ta có thể được thưởng thức “Chung Nam biệt nghiệp” đã khiến bao người xúc động. Trong giây phút tuyệt vọng, khi nghĩ đến câu, khi nghĩ đến câu “Hành đáo thuỷ cùng xứ, Toạ khán vân khởi thì”, chúng ta sẽ có được sức mạnh bình an trong tâm hồn.

Bản dịch Thi viện net:
 

Trẻ từng yêu mùi đạo

Già ở núi Nam này

Lúc hứng riêng mình dạo

Khi vui chỉ tự hay

Ði theo nguồn nước đổ

Ngồi ngắm áng mây bay

Chợt gặp ông già núi

Quên về, nói chuyện say.


Sau tuổi trung niên, Vương Duy ngày càng gắn bó với Võng Xuyên, nơi sinh sống tinh thần và là thiên đường của ông.

Trong tác phẩm “Lộc trại” chúng ta có thể thấy một vùng đất ngập nước đầy rêu ở Võng Xuyên
 

Không sơn bất kiến nhân,

Ðãn văn nhân ngữ hưởng.

Phản cảnh nhập thâm lâm,

Phục chiếu thanh đài thượng.

 

Tạm dịch:

Núi trống vắng tanh người,

Chỉ nghe vọng nói cười.

Nắng vào trong núi thẳm,

Lên đám rêu xanh soi.

Vào những đêm trăng sáng, bên lũy tre xào xạc theo gió, Vương Duy ôm cổ cầm:

Bản dịch:

Một mình trong khóm trúc,

Gảy đàn rồi hát chơi.

Rừng sâu không kẻ biết,

Trăng sáng chiếu lên người.

                                                                              “Giang sơn tuyết tế đồ” - Vương Duy, thời Đường. 


Vạn vật yên tĩnh thanh tao, không có hoan hỉ, không có bi thương, mà là trường tồn bất diệt, làm cho người ta quên đi sinh tử, vạn niệm đều tĩnh lặng.

Sau này, Vương Duy đã nhìn ra rằng: Quá trình sống thực sự là một quá trình mất mát không ngừng.

Đã không ngừng bị mất đi, tại sao không buông bỏ hết? Ông thậm chí còn quyên góp Vọng Xuyên cho nhà chùa, nơi mà ông đã dày công vun đắp nhiều năm, kể từ đó ông chuyên tâm tu Phật.

Năm Thượng Nguyên thứ hai (năm 761), Vương Duy qua đời. Khi hấp hối, ông đã bình thản viết một bức thư từ giã tất cả bạn bè, rồi từ biệt cõi đời này với một nụ cười thanh thản.

Nếu nói rằng Lý Bạch là một con ngựa hoang mất cương, cuồng ngạo không trói buộc, thì Vương Duy là một viên ngọc trai dịu dàng, uyển chuyển và tinh tế.

Ông là một nhà thơ, một họa sĩ và một nhạc sĩ tài hoa. Tô Thức từng nói: "Thưởng thức thơ của Ma Cật, trong thơ có hoạ; ngắm họa của Ma Cật, trong họa có thơ".

Vương Duy cũng đã đạt được những thành tựu to lớn trong âm nhạc, ông có thể đánh giá các tiết mục đang biểu diễn chỉ bằng nhìn tư thế của mỗi người cầm nhạc cụ trong bức tranh, tài năng này thật đáng kinh ngạc.

Đúng vậy, đây chính là Vương Duy, lập thân giữa Trường An náo nhiệt, dung mạo như tranh vẽ, khí chất cao quý, tĩnh lặng và ưu nhã.

Vương Duy đã trải qua sự tột cùng của vinh quang và sau đó không có gì. Vào tuổi xế chiều, ông chống gậy tựa cửa, nhìn xa xa, nghe tiếng ve chiều trong gió, không màng vinh hoa, không cầu phú quý, chỉ cầu sự bình yên trong tâm hồn.

Tư tưởng của ông thật “thanh tịnh”, tâm linh của ông thật “bình an“, ông đã hoàn toàn trút bỏ tự ngã, thân tâm hòa nhập với thiên nhiên và vũ trụ, ông đã đạt đến “cảnh giới” cao nhất của sinh mệnh.

 

Lý Đông Kỳ 

Team Uống Trà Thôi sưu tầm

3 0 3,124 6.0
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết

Có thể bạn quan tâm

Tranh vẽ con riêng của Picasso được đấu giá
Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC
2487 08:42, 02/03/2023
0 0 4,873 0.0
Bức chân dung con riêng của Picasso - "Fillette au bateau, Maya" - dự kiến đạt giá 20 triệu USD (471 tỷ đồng).

Tác phẩm sơn dầu trên vải, kích thước 73,3x60 cm, được giới thiệu trong phiên The London Sales của Sotheby's, dự kiến diễn ra vào ngày 1 và 2/3. Tranh vẽ Maya Ruiz-Picasso - con riêng của Picasso - tóc xanh, mặc trang phục ...
Tranh cổ Nhật vẽ nhân vật 'Tam Quốc diễn nghĩa' thành phụ nữ
Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC
2482 08:55, 27/02/2023
0 0 5,013 0.0
Họa sĩ tên tuổi Nhật Bản Utagawa Kunisada vẽ Lưu Bị phiên bản nữ, ba lần thỉnh cầu Gia Cát Lượng xuất sơn.

Theo trang The Value, cuối tháng 1, bảo tàng nghệ thuật Ōta Memorial (Tokyo) triển lãm khoảng 90 tác phẩm từ thế kỷ 17 tới thời kỳ Minh Trị (1868-1912), của các tên tuổi lớn trong làng hội họa Nhật Bản gồm ...
12 con giáp trong tranh của Tề Bạch Thạch
Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC
2476 08:40, 24/02/2023
0 0 7,491 0.0
Họa sĩ Trung Quốc Tề Bạch Thạch vẽ con hổ mang nét hiền lành, hồn nhiên, con ngựa thoát dây cương phóng khoáng.

Mỗi dịp năm mới, bộ tác phẩm 12 con giáp của danh họa được nhắc đến nhiều tại diễn đàn, chuyên trang nghệ thuật. Những bức họa cũng được nhiều đơn vị sử dụng làm lịch Tết.

Bộ tranh gồm ...
Chuyện tình ngang trái trong bức tranh hơn 250 tuổi
Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC
2473 08:48, 21/02/2023
0 0 4,255 0.0
"Xích đu" được họa sĩ Jean-Honoré Fragonard vẽ theo đặt hàng, tái hiện tình nhân của một quý tộc.

Bức tranh là một trong tác phẩm nổi tiếng, thu hút người xem nhất ở bảo tàng The Wallace Collection, Anh. Ra đời khoảng năm 1767, Xích đu kể câu chuyện của giới thượng lưu.

Theo Art in Context, họa sĩ thực hiện bức tranh ...
Tài năng nghệ thuật của vua Hàm Nghi
Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC
2466 08:42, 17/02/2023
0 0 4,833 0.0
Vua Hàm Nghi vẽ tranh, sáng tác điêu khắc, lấy nghệ thuật làm niềm vui trong thời gian ở Algérie.

Triển lãm Vua Hàm Nghi, cuộc đời và nghệ thuật dự kiến diễn ra ngày 10/1 tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. Sự kiện được tổ chức sau khi Thừa Thiên Huế đón nhận bức tranh vua Hàm Nghi vẽ lúc bị lưu đày ở Algérie, ...
GIỚI THIỆU CÁC TRÀ QUÁN
Giúp Uống Trà Thôi tốt hơn mỗi ngày
×
Uống Trà Thôi
Chỉ 30s tải app cực nhẹ và trải nghiệm!