Khi đến Nhật Bản, trà được nâng lên một tầm rất cao, được gọi là Trà đạo với những quy tắc ứng xử, từ tư thế pha trà với các trà cụ tạo ra một chén trà không phải ngẫu nhiên mà đều có lý do riêng của nó. Khi trà ở Trung Hoa, tính chất biểu diễn lại được đặt làm yếu tố hàng đầu, mang màu sắc nhanh, gọn, lẹ qua các hình thức gọi là kungfu pha trà.
Trà đến Châu Âu phần lớn được thể hiện qua phong cách dùng trà chiều của người Anh, không cầu kỳ, tương đối đơn giản và có thể dùng với bánh cookie. Với người phương Tây, việc uống trà như cách thư giãn sau một ngày làm việc mệt mỏi.
Thế nhưng nhiều người tự hỏi, với người Việt, trà có ý nghĩa như thế nào, liệu có giống trà đạo của Nhật hay trà biểu diễn của Trung Hoa hoặc đơn giản như trà chiều của người Anh.
Câu trả lời là người Việt thưởng trà hoàn toàn khác. Như Lão Tử nói: “Đạo khả đạo phi thường đạo”, không phải đạo mà chính là đạo.
Nếu chúng ta cho rằng, đạo là con đường, là cung cách uống trà thì người Việt hẳn nhiên có trà đạo. Đó là cách uống trà của người Việt.
Cách uống trà đó giản dị, gần gũi, nhưng cũng rất đỗi tinh tế như tâm hồn người Việt nên nó không là một cái đạo như trà đạo Nhật Bản, không quá cầu kỳ như trà biểu diễn Trung Hoa, cũng không quá thực dụng như trà của người phương Tây. Người Việt mang yếu tố đơn giản hơn.
Còn nếu nói sâu xa hơn, đạo ở đây là gì?
Cái đạo ấy bình dị như trong cư trần lạc đạo của Trần Nhân Tông: “Đói ăn khát uống mệt ngủ liền”. Đó là khi uống một chén trà, người dân cảm thấy giải khát, sung sướng trong buổi trưa hè nắng nóng hay cảm thấy ám áp trong những ngày giá rét đêm đông.
Cây trà mọc lên từ đất (Thổ) lớn lên trong ánh mặt trời (Hỏa) và tắm mình trong gió trong mưa (Thủy), và được người dân thu hoạch cắt hái lặc bằng tay hoặc bằng dụng cụ hái trà (Kim) và bản thân cây trà chính là Mộc.
Theo Lão Giáo thì con người đươc cấu thành từ ngũ hành mà ra, vì vậy thưởng trà chính là chúng ta đang hòa với vũ trụ. Đại vũ trụ tạo ra cây trà và con người chúng ta là một tiểu vũ trụ, hay nói cách khác đây có phải là thiên nhân tương hợp hay không?
Khi nhấp một chén trà, chúng ta như gần với thiên nhiên hơn bao giờ hết. Ngũ hành như hòa vào bên trong thân tâm với niềm hạnh phúc lắng đọng.
Với người Việt, họ có thể dùng một chén trà ở mọi lúc mọi nơi, uống với bất kỳ vật dụng gì có được, đôi khi đó là cái chén, cái tô hoặc chiếc bình chè to… Không cần không gian, không trọng hình thức như trà Nhật hay không cầu kỳ biểu diễn như trà Trung Hoa, người Việt chỉ cần có trà, có ấm hoặc bất cứ thứ gì có thể pha chén trà.
Người Việt cũng có thể uống trà ở mọi nơi, khi ở ngoài cánh đồng cạnh đàn trâu, lắng nghe tiếng rì rào của bờ lúa, hay khi ngắm cánh diều đang bay, thả hồn vào những ước mơ bình dị, khoan thai nhìn thành quả làm việc trong năm. Đơn giản là vậy.
Đạo là đi về với tự nhiên không trọng hình thức bên ngoài, đạo không phải là uống chén trà hoặc bình trà bao nhiêu tiền, đạo không phải là loại trà gì mà đạo chính là tự nhiên không cưỡng cầu. Người Việt đã làm được điều kỳ diệu này. Đây chính là tinh thần đạo trong trà của người Việt.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã làm một bài kệ nói về trà cũng rất đơn giản:
Chén trà trong hai tay
Chánh niệm nâng trong đầy
Thân và tâm an trú
Bây giờ và ở đây.
Hay nói đơn giản hơn, đạo của trà Việt chính là sự bình dị và hạnh phúc ở nội tại.
Uống Trà Thôi
Theo kytracac