“Bách thiện hiếu vi tiên”, trăm nết thiện thì chữ Hiếu đứng đầu.
Trong “Hiếu kinh” có viết:
Thân thể phát phu, thụ chi phụ mẫu
Bất cảm hủy thương, hiếu chi thủy dã
Lập thân hành đạo, dương danh ư hậu
Dĩ hiển phụ mẫu, hiếu chi chung dã.
Nghĩa là:
Thân thể tóc da, nhận từ cha mẹ.
Chẳng dám hủy hoại, là hiếu khởi đầu.
Lập thân hành Đạo, nức tiếng đời sau.
Cha mẹ vẻ vang, tận cùng chữ hiếu.
Chữ Hiếu bắt đầu từ việc hiếu kính trong gia đình, tiếp tục là với quốc gia, và kết thúc bằng việc lập thân, vang danh thiên hạ.
“Nhị thập tứ hiếu” là một tác phẩm trong văn học Trung Hoa kể lại sự tích của 24 tấm gương hiếu thảo do Quách Cư Nghiệp vào thời nhà Nguyên biên soạn. Trong thời nhà Minh có đại văn nhân Lý Dực đã ghi lại câu chuyện về hai người con hiếu thảo trong tác phẩm “Giới Am lão nhân Mạn Bút”.
Người con ăn mày hiếu thảo làm trò cho mẹ vui
Có một người ăn mày thường hành khất tại Tô Châu. Một lần nọ, vào đêm trăng sáng vằng vặc, một người quyền quý trong thành đi ngang qua cầu, đột nhiên nghe thấy dưới chân cầu có tiếng hát vọng lại. Ông hiếu kỳ, bèn xuống dưới chân cầu xem thử, hoá ra đó là tiếng hát của người ăn mày thường xin ăn trong thành.
Lúc đó người ăn mày đang nâng một bát rượu xin được, quỳ xuống dâng lên một bà lão ngồi trên mặt đất. Người ăn mày vừa gõ bát rượu theo tiết tấu, vừa cất tiếng hát. Thấy có người tới, người ăn mày giật mình, định thần lại thì thấy một người quyền quý, bèn cười nói: “Tôi chỉ là một người nghèo, chỉ muốn mẫu thân vui vẻ chút thôi.” Người kia nhìn thấy cảnh này, cảm phục hồi lâu mới quay người bước đi.
Hôm sau, người quyền quý nọ kể lại chuyện hiếu thuận này với mọi người, ai nấy đều cảm thấy vô cùng xúc động. Từ đó về sau, có không ít người tới xem người ăn mày làm mẫu thân của mình vui lòng. Trong số họ có người nói: “Ta sống ngần này tuổi đầu, nhưng chưa từng làm mẫu thân được vui vẻ như vậy, dẫu chỉ một lần”.
Người dân cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của người ăn xin. Từ đó về sau, mỗi khi có người tổ chức tiệc, họ thường để lại một số hạt đậu và nói: “Chờ người ăn xin hiếu thảo đến lấy”. Câu chuyện này đã được người dân truyền miệng rộng rãi trong khắp thành Tô Châu.
Người con hiếu thảo giấu thức ăn cho mẹ
Tại Trường Hưng Lý, tỉnh Chiết Giang có một người con hầu hạ mẫu thân vô cùng tận tâm, nhưng trong nhà không giàu có lắm. Thúc phụ của anh lại là một người giàu sang. Một hôm, thúc phụ và vài người họ hàng thân thích cùng nhau mở tiệc rượu, bèn gọi vị hiếu tử này tới hầu rượu. Do trong số những người họ hàng này có rất nhiều người quyền thế nên bữa tiệc vô cùng long trọng.
Hiếu tử nhìn mâm cơm thịnh soạn trước mắt, chưa kịp ăn đã nghĩ: “Phải chi mang những món ngon này đặt trước mặt mẫu thân ta thì tốt biết bao”. Vậy nên sau khi bữa tiệc bắt đầu, chốc chốc ông lại nhìn trước ngó sau, nhân lúc người khác không để ý, bèn nhanh tay dùng giấy bọc chút đồ ăn ngon, giấu vào túi áo.
Khi bữa tiệc sắp kết thúc, chủ nhân cầm ly vàng rót rượu mời khách quý. Khách quý trốn uống rượu, bèn lặng lẽ giấu chiếc ly vàng dưới mái lầu, dùng ngói đậy lên và chạy về nhà. Người hầu sau đó báo có một ly rượu vàng bị mất, các vị khách đều được yêu cầu cởi áo ra kiểm tra.
Vị hiếu tử sợ bị lục soát người, lộ ra việc lấy đồ ăn về cho mẹ, mang tiếng xấu cho mẹ, bèn tự nhận mình ăn cắp chiếc ly, và nói bừa một chỗ giấu ly. Người hầu tới chỗ anh ta nói, nhưng không tìm thấy ly vàng. Hiếu tử lại nói, có lẽ đã bị người khác lấy mất. Thúc phụ đòi anh phải bồi thường, anh cũng đồng ý bán nhà, đền tiền, nhưng xin được gia hạn vài ngày, đợi tới khi thuê được nhà, lo liệu cho mẫu thân xong xuôi rồi sẽ bán.
Sau này, vị khách quý trốn rượu đó đã viết thư nói rõ nguồn cơn và nơi đặt chiếc ly vàng, chủ nhân cuối cùng cũng tìm được ly vàng. Hơn nữa vị thúc phụ còn tìm hiểu được nguyên do vị hiếu tử không muốn bị lục soát. Vị thúc phụ cảm động bởi tấm lòng hiếu thuận, bèn chia gia sản làm 3 phần, cho vị hiếu tử và hai người con trai của mình, mỗi người một phần. Từ đó người con hiếu thảo đã có cơ hội phụng dưỡng mẹ đến cuối đời.
Lan Chi biên dịch