Nếu Pablo Picasso (1881 – 1973) được suy tôn là họa sỹ vĩ đại nhất của thế kỷ 20, thì kiệt tác Guernica của ông có thể được coi là bức tranh kỳ diệu nhất thế kỷ cho đến tận giờ.
Guernica là bức vẽ nổi tiếng vẽ về đề tài chống chiến tranh. Tác phẩm được giới mỹ thuật đánh giá là một đỉnh cao trong nghệ thuật của Picasso.
Bức tranh được sử dụng chất liệu tổng hợp, khổ lớn gần ba chục mét vuông (349,3 cm x 776,6 cm), được vẽ vào đúng thời điểm thành phố Guernica (Tây Ban Nha) bị ném bom (1937). Hay tin Guernica bị tàn phá thảm khốc, nhìn cảnh đổ nát hoang tàn, danh họa không khỏi bàng hoàng. Với niềm đau thương căm giận vô hạn quân phát xít Đức và Phơ-răng-cô, ông chợt nảy ra ý tưởng vẽ bức tranh khổ lớn cho lầu Tây Ban Nha ở triển lãm quốc tế
Bức tranh Guernica được họa sỹ tối giản về màu sắc đến mức chỉ còn đen – trắng và vài vệt vàng nhạt. Sự tương phản sáng tối và những hình hài trừu tượng nhưng khúc chiết, Picasso đã thể hiện một cách mạnh mẽ đến cực độ nỗi kinh hoàng khủng khiếp của các nạn nhân chiến tranh. Với đặc trưng ngôn ngữ tạo hình, ông đã diễn tả được sự kiện nóng hổi: tố cáo tội ác của những kẻ sát nhân, hiếu chiến phát-xít Đức.
Picasso quan niệm vẽ về chiến tranh không phải là bom đạn, đao kiếm, mà chính là sự đau khổ, là địa ngục, tiếng gào thét của con người và cả động vật (là những em bé, phụ nữ, con ngựa, chim,…). Chỉ có con bò ngu ngốc thì trâng tráo yên lặng thế kia.
Những hình tượng được mô tả bi thảm và đau thương. Cảnh chết chóc biểu thị sự nguyền rủa, lên án kẻ gây tội ác, mặt khác còn nói lên sự quật cường của người bị nạn đang nỗ lực vươn lên chiến thắng bóng đêm và những bi thương.
Danh họa Picasso yêu hòa bình, phản đối chiến tranh không chỉ bằng hành động, lời nói mà bằng cả những nét vẽ của mình. Guernica đã có một hành trình thật dài đến với người xem nhiều xứ sở. Từ Paris, đến thủ đô các nước vùng bán đảo Scandinavia, London, Munich rồi trở lại Pháp. Sau khi tướng Franco nắm quyền tại Tây Ban Nha, bức tranh được đưa sang Hoa Kỳ để triển lãm gây quỹ cứu trợ cho những người Tây Ban Nha lánh nạn phát xít.
Khi Picasso đề nghị tìm một nơi an toàn cho Guenica, tác phẩm được giao cho Bảo tàng MoMa ở New York gìn giữ và bảo quản. Năm 1992, Guernica được đưa đến Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia mang tên hoàng hậu Reina Sofía cũng ở thủ đô Madrid (Thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất của Tây Ban Nha), bởi đây là nơi trưng bày các tác phẩm của thế kỷ XX.
Uống Trà Thôi
Theo redsvn