/Uống trà thôi
Tải ứng dụng
Trang chủ / Chia sẻ

GIÁ CAO KHÔNG ĐỒNG NGHĨA VỚI GIÁ TRỊ

3146 14:35, 22/01/2024
Team Uống Trà Thôi TRUYỆN TÍCH CỰC & SUY NGẪM

( từ)

GIÁ CAO KHÔNG ĐỒNG NGHĨA VỚI GIÁ TRỊ

Ông bà xưa đã đúc kết “Tiền nào, của nấy” không sai, tuy nhiên, không phải lúc nào giá cao cũng đồng nghĩa với giá trị.


Ví dụ rõ nhất là giá các loại bánh Trung thu. Mùa Trung thu năm nay, từ Sài Gòn đến Hà Nội đều than thị trường trầm lắng, sức mua giảm đến 50% so cùng kỳ, từ nhãn bình dân đến nhãn có thương hiệu.

Giá các loại bánh nướng dao động trên dưới 50,000 đồng – 500,000 đồng/cái, khoảng cách hơn 10 lần, vì có thêm loại nhân “bổ, khỏe” như sâm, nấm linh chi, cua hoàng đế, trà san tuyết, sò điệp, tôm hùm… và có chiết khấu rất cao cho người bán.

Thực tế thì người tiêu dùng có cần ăn bánh Trung thu để “bổ, khỏe” không? Câu trả lời là không.

Vì với sự phổ biến kiến thức về sức khỏe trên mạng, ai cũng hiểu bánh Trung thu rất ngọt. Bên cạnh đó, loại chế biến công nghiệp thường phải có chất bảo quản, lúc trước thời hạn sử dụng chỉ 27 ngày, giờ lên đến… 60 ngày!

Cả chất đường lẫn phụ gia bảo quản (hóa chất) có trong bánh Trung thu đều không tốt cho sức khỏe, đặc biệt với người bị tiểu đường, mỡ máu cao.

Bánh Trung thu nhiều năm nay ở Việt Nam chỉ là thứ bánh để đem biếu. Và vì đa số mua để biếu, người mua chú ý tới thương hiệu, bao bì và chấp nhận trả một cái giá phi lý. Thế nhưng, với người mua chỉ để ăn trong gia đình, họ đâu cần mua loại bánh đắt tiền (vì cái tên, vì bao bì, vì nhân bánh), nhất là khi có bánh Trung thu thủ công nhà làm rao bán đầy trên mạng xã hội.

Bánh thủ công kiểu nhà làm (ai đặt mới làm), một hộp chỉ độ chừng trên dưới 200,000 đồng, bánh size nhỏ (trên dưới 60gr), nhân chỉ có các loại đậu (hạt) và trứng muối, vừa ăn.

Chưa kể ngày càng có nhiều người học hỏi để tự làm bánh Trung thu (bánh nướng hoặc bánh dẻo) cho gia đình và biếu thân bằng quyến thuộc.


Một đứa cháu của tôi dù bận rộn với công việc hằng năm vẫn dành thời gian làm bánh Trung thu cho gia đình và bằng hữu. Cháu nói tự làm ăn an tâm hơn vì không có chất bảo quản, bánh có độ ngọt vừa phải, nhân bánh theo ý thích; ngoài ra tiết kiệm được nhiều tiền so với mua bánh để biếu.

Cháu so sánh nếu mua bánh bán bên ngoài để biếu, cũng phải mất từ 600,000 – 800,000 đồng một hộp, trong khi làm loại ngon nhất cũng chỉ 400,000 đồng/hộp thôi, biếu lại quý vì là “nhà làm”, an tâm không có chất bảo quản.

Mỗi năm, nhà tôi đều đem về hai cái bánh dẻo bạn đồng nghiệp tự làm cho, còn tôi có bánh nướng của nhỏ cháu cho, thế là đã có tết Trung thu, tết đoàn viên trong nhà. Cùng nhau sum họp gia đình, ăn miếng bánh nhỏ cháu làm, bạn cho, uống ngụm trà ngon, nếu may mắn có thể thưởng lãm ánh trăng rằm thì đó là hạnh phúc rồi, thế nên quan trọng gì hộp bánh giá bao nhiêu tiền?

Tết vừa rồi, tôi đến thăm vợ chồng một người bạn quý. Trên kệ, gần bàn tiếp khách, anh chị để một cây mai nhỏ rất xinh, cao khoảng 50cm, chỉ có vài nhánh nhỏ nhưng nhánh nào cũng có bông. Vỏn vẹn cây mai của anh chị chỉ có khoảng 10 cái bông, nhưng tôi vẫn thấy đẹp quá.

 

Cây mai để bàn nhỏ xíu, rẻ tiền, nhưng ra bông đều đặn những ngày tết cũng đủ đem lại niềm vui và hạnh phúc, đó là giá trị – Ảnh: Minh Anh


Tôi từng thấy rất nhiều cây mai bự, giá vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng, nhưng cây mai nhỏ xinh như ở nhà anh chị lần đầu tiên tôi thấy. Anh bảo: Trước tết mấy ngày, tôi ra khu chợ hoa Thành Thái quận 10 mua đấy. Giá chỉ có hơn 100,000 đồng thôi.

Tuyệt vời, tôi cũng thích chưng một cây mai nhỏ xinh như thế trong nhà của mình, mua chứ không thuê một cây to làm gì cho chiếm chỗ. Tôi hiểu ra việc có một cây mai to hay nhỏ, đắt hay rẻ không quan trọng bằng việc mình nhìn ra vẻ đẹp của cây và hài lòng với nó. Đó chính là giá trị.

Tôi nhớ đến vẻ mặt hạnh phúc của anh khi nhìn cây mai. Anh hài lòng vì mình đã chọn được cây mai vẫn còn bông để ngắm sau ba ngày tết.

Tôi cũng nhớ đến vẻ mặt hạnh phúc của cha tôi khi ông dạo quanh chợ hoa xuân của huyện và chở về nhà một chậu mai nhỏ giá hơn 300,000 đồng vào ngày 25 tết, trên cái cây toàn nụ đó có một bông mai đã hé nở. Ông bảo: Chậu này giá vừa tiền, dáng cây cũng đẹp, nên ba ưng.

Khi nhìn cha dọn chỗ để chậu mai, nhìn ông chăm sóc cây mai mỗi ngày, tôi thấy nét mặt vui tươi của ông có lẽ không thua kém bất kỳ ai có cây mai giá vài trăm triệu đến hơn 1 tỷ đồng.

Trước đó, từ ngày 23 tết, sân trước sân sau nhà ông đã rộn rã sắc màu vàng tươi của cúc, sắc màu đỏ thắm của thược dược. Bỏ ra chưa đến một triệu đồng, ông đã có cả một vườn hoa xung quanh nhà, và với ông, thế đã là tết.

Mỗi ngày đọc tin tức trên các báo, tôi phì cười khi thấy phóng viên trầm trồ giá cả các trang phục và phụ kiện mà giới nghệ sĩ, hot girl, siêu mẫu, cầu thủ… khoác vào người.

Cho dù có khoác trang phục cả tỷ đồng trên người thì chưa chắc người ấy đã đẹp, đã có giá trị trong mắt người khác. “Tiền nào, của nấy” không sai, nhưng một vật có giá cao không đồng nghĩa là vật đó có giá trị.

Giá cả và giá trị là khác nhau còn có thể nhìn thấy trong nhiều ví dụ khác. Chẳng hạn mỗi lần ra chợ, tôi thấy nhiều bà thích cò kè vài ngàn đồng với người bán hàng và hí hửng mỗi lần mua thực phẩm được bớt tiền hoặc thêm vào thứ gì đó, như mua rau thì đòi thêm hành, thêm rau thơm hay ớt…

Kinh nghiệm của tôi là khi không mặc cả với người nghèo bán ở chợ, bạn sẽ có được nụ cười vui vẻ của họ và lời chia sẻ bí quyết nấu món đó sao cho ngon. Giá trị của việc mua hàng ngoài chợ là như vậy.

 

Mua hàng ở chợ địa phương luôn mang lại niềm vui cho người bán và cả người mua, đó là giá trị .


Tôi ngẫm ra, khi mình không mặc cả, không “đòi thêm” bất cứ thứ gì mà luôn bỏ tiền mua dù chỉ là hành hay rau thơm, người bán hàng sẽ hào phóng hơn rất nhiều.

Họ sẽ ưu tiên để dành hàng ngon, sẵn sàng sơ chế thực phẩm trước cho bạn, thậm chí mang đến tận nhà khi bạn bận rộn không thể ra chợ. Điều đó vun đắp tình cảm giữa người mua và người bán ở chợ. Đó là thứ “văn hóa chợ” mà bạn sẽ không tìm thấy khi vào siêu thị hay cửa hàng tiện lợi.

Tương tự, tôi luôn nhìn thấy giá trị ở những chiếc xe đạp, mà không nhìn thấy giá trị ở chiếc xe gắn máy, cho dù giá của chiếc xe trên 50 – 100 triệu đồng. Người Việt hiện nay thường đánh giá người khác qua vẻ ngoài như người đó đi xe gì, mang túi xách hiệu gì, ăn uống ở đâu… để tôn sùng hoặc để… ganh ghét!

Xe đạp với tôi, có rất nhiều giá trị, như vừa ít chiếm chỗ trong nhà xe, vừa nhẹ (chả cần nhờ ai dắt hộ), vừa giúp bản thân rèn luyện được sức khỏe: khi ngồi lên xe là phải đạp tới để giữ cho xe luôn cân bằng, giống như cuộc đời luôn phải vận động tiến lên phía trước, cho dù tương lai chưa biết ra sao.

Vì hiểu được giá trị của chiếc xe đạp, tôi không quan tâm đến việc người ta nhìn mình như thế nào. Thời trẻ, khi chỉ có cái xe đạp, tôi ao ước có được cái xe gắn máy.

Sau hơn 20 năm đi xe gắn máy, tôi thật sung sướng khi thay cái xe gắn máy bằng chiếc xe đạp, chỉ để thấy mình luôn phải vận động mỗi ngày, không bị “ỳ” như khi ngồi lên xe gắn máy.

 

Ngày càng có nhiều người ở Sài Gòn chọn xe đạp làm phương tiện tập thể dục, số ít chọn xe đạp làm phương tiện đi lại như một cách giữ gìn sức khỏe, đó là giá trị – Ảnh: Minh Anh


Điều phiền toái nhất của việc đi xe đạp là mỗi lần ra trung tâm quận 1, Sài Gòn, kiếm được chỗ gửi xe đạp rất khó khăn, thường bị từ chối, dù tôi chấp nhận trả tiền giữ xe đạp như giữ xe gắn máy; thứ hai là mỗi lần xe đạp bị hư, kiếm được người chịu sửa xe cho mình cũng trần ai.

Giá trị của một con người theo tôi cũng không nằm ở chức danh mà họ có. Trên mạng xã hội, bạn có thể thấy nhiều người xưng danh là giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ, nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, coach, chuyên gia tâm lý… nhưng cũng có những người chỉ đơn giản là một cái tên (tên thật hoặc là nick ưa thích).

Có thể những người ghi thêm chức danh là do họ tự hào về nghề nghiệp, hoặc là do họ nghĩ ghi như thế để tăng thêm giá trị. Thế nhưng, điều quan trọng là họ thể hiện cái gì trên những “news feed”? Có phải họ đang trưng bày “cái tôi” của họ, với đủ thứ khoe khoang? Hay họ đang viết điều gì hữu ích cho cộng đồng, còn “cái tôi” của họ nép đâu đó đàng sau?

Cuối cùng thì bạn chọn đọc bài họ viết là vì cái gì? Có khi vì họ là người nổi tiếng mà bạn ngưỡng mộ, hay họ là thần tượng, mà cuộc đời bạn hướng đến? Điều này cũng tốt, nhưng với tôi, “nội dung” của một người thể hiện trên news feed (hay hành động họ làm trong thực tế) quan trọng hơn cái chức danh mà họ đính kèm đàng sau cái tên.

Chức danh suy cho cùng cũng chỉ là phù vân, vì mỗi người đều có thể tự xây dựng thương hiệu cho mình, bằng cái tên cha mẹ đặt cho mình hoặc bằng cái nick mình ưa thích, thế là đủ.

 

Trao quà từ thiện giá trị ở cách trao và cách chọn quà phù hợp mong muốn của người nhận chứ không phải dư thứ gì đem cho thứ ấy – Ảnh: Minh Anh


Giá trị của một việc làm từ thiện cũng vậy. Khi đưa tin về một chương trình từ thiện, truyền thông thường thích nhấn mạnh vào tổng số tiền hoặc số lượng phần quà mà một cá nhân hay một công ty cho đi, mà quên đi rằng niềm vui thật sự của người nhận có khi không nằm ở trị giá của món quà mà nằm ở chỗ món quà đó có đúng như mong muốn của họ không, có thực sự là điều mà họ cần không.

Nhìn những hình ảnh người nghèo xếp hàng nhận quà từ cá nhân hoặc công ty trên nhiều báo mạng Việt Nam, tôi chỉ thấy giả tạo, khuôn mẫu, giống như sự trình diễn. Tại sao các nhà hảo tâm không mang quà đến tận chỗ họ ngồi để trao cho họ, mà lại phải bắt họ đứng xếp hàng trên sân khấu để nhận?

Một người bạn mà tôi xem như một ông anh có lần nói với tôi: “Người ta thường lo trả giá (price) hoặc chỉ nhấn mạnh đến trị giá món đồ mà họ có, mà quên đi giá trị (value). Giá trị quan trọng hơn giá đắt hay rẻ, cũng như trị giá cao của món đồ không nói lên giá trị của người mang chúng”.

Bạn có thể không đồng ý, nhưng với tôi, điều này luôn luôn đúng: Giá cao không đồng nghĩa với giá trị, nên trong mọi việc, đi tìm giá trị của việc mình làm, giá trị của con người mình là ở đâu mới quan trọng hơn hết thảy.

 

Minh Anh

1 0 5,071 0.0
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết

Có thể bạn quan tâm

CHI LAN Ở DƯỚI NÚI SÂU, KHÔNG VÌ CHỐN VẮNG VẺ MÀ KHÔNG THƠM
Team Uống Trà Thôi TRUYỆN TÍCH CỰC & SUY NGẪM
3617 09:00, 21/12/2024
0 0 176 0.0
“Khổng Tử gia ngữ” có viết: “Chi lan sinh vu thâm cốc, bất dĩ vô nhân nhi bất phương. Quân tử tu đạo lập đức, bất vi bần khốn nhi biết tiết.” nghĩa là: Cây Chi Lan (thuộc họ hoa Lan) mọc ở trong núi sâu, không vì ở chốn không người mà không thơm; người quân tử tu Đạo lập đức, không vì khốn cùng mà thay ...
HỌC CÁCH LÀM GIÀU
Team Uống Trà Thôi TRUYỆN TÍCH CỰC & SUY NGẪM
3614 10:00, 20/12/2024
0 0 110 0.0
Bạn muốn giàu sang hay giàu có?Có nhiều định nghĩa về cái “giàu“. Định nghĩa nào cũng đúng, tùy theo tâm tư / suy nghĩ / ước mơ / hoài bão của mọi người. Sẽ đến lúc bạn nhận ra, giàu sang không phải là đích đến cuối cùng của mình... 10 năm trước đây, tôi định nghĩa “giàu” không phải là có ...
CỔ NHÂN QUÝ TIẾC THỜI GIAN
Team Uống Trà Thôi TRUYỆN TÍCH CỰC & SUY NGẪM
3613 10:00, 19/12/2024
1 0 384 0.0
Văn sử mạn đàm:CỔ NHÂN QUÝ TIẾC THỜI GIANCổ ngữ nói: “Thánh nhân không quý ngọc bích một thước, mà quý trọng một thốn thời gian“, nhấn mạnh sự quý báu của thời gian. Hành trình của đời người là do vô số thời khắc tổ hợp thành. Dòng sông dài của lịch sử cũng là do vô số thời khắc tổ hợp thành. ...
XÍ GIẢ BẤT LẬP, KHÓA GIẢ BẤT HÀNH
Team Uống Trà Thôi TRUYỆN TÍCH CỰC & SUY NGẪM
3612 10:37, 18/12/2024
0 0 373 0.0
 XÍ GIẢ BẤT LẬP, KHÓA GIẢ BẤT HÀNH企者不立,跨者不行 Mạnh Tử từng kể một câu chuyện như sau: Nước Tống có một nông phu nhìn thấy hoa màu nở trên đất người khác phát triển ngày một nhanh, còn hoa màu của mình thì chẳng phát triển tí nào, khiến anh ta lo lắng mất ngủ suốt mấy đêm liền.Một ngày ...
CÂU CHUYỆN VỢ CHỒNG
Team Uống Trà Thôi TRUYỆN TÍCH CỰC & SUY NGẪM
3611 15:35, 16/12/2024
0 0 4,491 0.0
Vào thời đại nhà Hán, gia đình họ Mạnh (Mạnh gia) sinh được một cô con gái tên là Mạnh Quang. Cô gái từ khi sinh ra đã có tướng mạo xấu xí nhưng lại khỏe mạnh, hiền thục, thông minh và hiểu biết lễ nghĩa.Gia cảnh nhà Mạnh gia cực kỳ giàu có, số người đến xin cầu hôn Mạnh Quang cũng không phải ít, nhưng ...
GIỚI THIỆU CÁC TRÀ QUÁN
GIỚI THIỆU SÁCH HAY
×
Uống Trà Thôi
Chỉ 30s tải app cực nhẹ và trải nghiệm!