TÂM SÂN HẬN VÔ CÙNG NGUY HẠI, LÀM SAO ĐỂ HÓA GIẢI?
Người xưa có câu “Sân là ngọn lửa trong tâm, có thể đốt cháy cả rừng công đức”, tâm sân hận vừa làm hại mình mà cũng hại người.
Sân là ngọn lửa trong tâm, có thể đốt cháy cả rừng công đức (ảnh minh họa Pinterest)
Nếu có thể đem lửa giận chuyển hóa thành dòng suối ngọt từ bi, dũng cảm hóa giải ngăn trở và thống khổ trong cuộc sống, đó mới là biểu hiện của người có trí tuệ. Nhưng làm sao để có thể hóa giải được tâm sân hận?
Tâm sân hận là gì?
Tâm sân hận, theo cách hiểu thông thường, thì chính là dễ tức giận, trách móc, oán hận người khác.
Phật giáo chia tâm sân thành “hữu lý sân” và “vô lý sân. Lúc có lý thì không buông tha cho người khác; lúc vô lý thì cũng cố gắng chiếm lấy ba phần, tự mình bao biện cho bản thân.
Người nổi lên tâm sân hận, thì sẽ bài xích những người, những gì mình không thích. Sân hận có thể lớn có thể nhỏ, nhỏ như than phiền, chỉ trích; ở mức giữa thì là phẫn nộ, chửi rủa; lớn nữa thì nổi lên tâm làm hại người khác.
“Phật thuyết di giáo kinh” nói: Tâm sân còn hơn là lửa dữ, nên phải thường xuyên phòng hộ, không để cho nó nhập vào. Kẻ cướp công đức, không có gì nhanh hơn cái tâm oán giận này.
Cho nên đối với người tu hành mà nói, tâm sân hận là một chướng ngại vô cùng lớn.
Sự nguy hại của tâm sân hận
“Đại trí độ luận” nói: Sân là cái gốc của độc, sân tiêu diệt hết thảy thiện.
Người có tâm sân hận sẽ có hậu quả gì? Đối với con người trên thế gian mà nói, một khi tâm sân hận nổi lên, nhẹ thì khiến làm việc không thuận, ảnh hưởng đến các mối quan hệ; nặng thì ảnh hưởng đến sức khỏe thân thể; hết thảy niềm an vui của anh ta sẽ bị phá hủy không còn gì.
Tâm sân hận nổi lên thì sẽ lập tức đánh mất sự bình an (ảnh minh họa Pinterest)
“Bản sư truyện” cũng nói: Người sinh tâm sân, khuôn mặt trong nháy mặt liền trở nên vô cùng xấu ác, cho dù bề ngoài có đeo đồ trang sức tốt như thế nào, cũng không biểu lộ ra được chút trang nghiêm gì; cho dù nằm ở trên giường báu thoải mái nhất, cũng ngủ không yên, trằn trọc trở mình như nằm trên cỏ gai…
Người thường xuyên oán hận sẽ dễ mắc phải các chứng bệnh như cao huyết áp, bệnh tim, dạ dày, chứng mất ngủ, tâm thần phân liệt… Cáu giận không chỉ làm tổn hại đến thân thể và tinh thần của bản thân, mà cũng sẽ làm người khác bị tổn thương.
Làm thế nào để hóa giải tâm sân hận?
Tu “an nhẫn” để trị “sân hận”
Trong “Cổ tôn túc ngữ lục” có một đoạn vấn đáp như sau:
Hàn Sơn hỏi: “Thế gian có người phỉ báng ta, ức hiếp ta, làm nhục ta, cười nhạo ta, coi thường ta, khinh rẻ ta, đối xử ác với ta, lừa dối ta, vậy nên làm như thế nào?”
Thập Đắc đáp: “Chỉ cần nhẫn với anh ta, nhượng bộ anh ta, thuận theo anh ta, tránh anh ta, chịu đựng anh ta, kính trọng anh ta, không cần để ý đến anh ta, đợi mấy năm sau, huynh lại đến gặp anh ta.”
Thông qua cuộc đối thoại của 2 vị thiền sư có thể thấy, con đường tu đạo có rất nhiều trở ngại, gặp phải sỉ nhục, phỉ báng, nhưng vẫn không oán, không giận, thuận theo, nhẫn chịu, tha thứ cho người, như vậy tâm mới có thể an ổn được; bên ngoài nhẫn chịu đói rét, bên trong nhẫn chịu thất tình lục dục, không sợ khó khăn, học đạo độ nhân như vậy mới có khả năng thành công.
Khi tâm sân khởi lên, lập tức lửa giận ngút trời, cửa nghiệp chướng mở ra, những chuyện không tốt đều có thể theo đó mà phát sinh, rất dễ tạo ác nghiệp.
Cho nên có câu: Sân là ngọn lửa trong tâm, có thể đốt cháy cả rừng công đức.
Từ bi có thể làm tan chảy băng tuyết trong lòng người khác (ảnh minh họa Pinterest)
Nhẫn nhịn chính là trí tuệ. Người học Phật càng phải chú ý, mỗi khi gặp chuyện không như ý, dùng nhẫn lực lớn nhất, không để tâm sân hận vọng động.
Nhẫn nhịn là phúc đức lớn nhất, người có thể nhẫn nhịn, phúc báo rất lớn, chẳng những nghiệp duyên được tiêu trừ, bình an vô sự, mà còn có thể kéo dài tuổi thọ.
Dùng lòng từ bi để hóa giải
Nếu dùng ác trị ác thì không thể nào trừ tận gốc của tà ác; khi một người có thể dùng lòng từ bi đi cảm hóa kẻ thù, thì năng lượng của nó còn mạnh mẽ hơn rất nhiều so với dùng vũ khí.
Dùng lòng khoan dung và nhẫn nhịn để tiếp nhận sự công kích của đối phương, dùng nụ cười để đáp lại sự châm chọc và mỉa mai của người khác, dùng lòng bao dung để đối đãi với sự hiểu lầm và sai trái của người khác. Không nóng vội, không gấp gáp, nhẫn nhịn, không tranh luận, cảm thông và thương xót cho nỗi khổ của chúng sinh, thản nhiên không sợ hãi, từ bi tường hòa, đó chính là tâm thái của bậc giác giả.
Từ bi đối đãi với người khác cũng không cần phải nói quá nhiều, chỉ cần khẽ mỉm cười thì cũng đã đủ để truyền đạt thiện niệm và lòng từ bi đến với người khác rồi. Từ bi là một loại năng lượng chân thực, nó có thể làm tan chảy băng tuyết trong lòng người khác.
Theo: Bannedbook