Vào thời nhà Nguyên, văn hóa trà không phát triển quá nổi bật nhưng lại có ý nghĩa kết nối giữa hai thời đại phát triển quan trọng của trà, đó là thời Tống của quá khứ và thời Minh trong tương lai. Vào cuối thời nhà Nguyên, đã có sự xuất hiện của trà lá rời, cũng như sự hoàn thiện của phương pháp sản xuất trà hoa, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển của văn hóa trà giai đoạn rực rỡ nhất là thời đại Minh – Thanh.
Người Mông Cổ nguyên là dân tộc du mục sống trên thảo nguyên, nên chế độ ăn uống của họ chủ yếu gồm nhiều thịt, bơ sữa và ít rau xanh. Khi đóng đô ở Trung Nguyên, họ có điều kiện tiêu thụ nhiều trà, vì trà là thức uống giải khát và có tác dụng trợ giúp tiêu hóa thức ăn nhiều đạm. Người Mông Cổ cũng tạo ra văn hóa trà độc đáo của riêng mình – đó là món trà bơ sữa (bánh trà được nấu cùng với sữa gia súc, bơ, bột, muối) – món thức uống bổ dưỡng chứa nhiều năng lượng.
Trà trở thành thứ thức uống quan trọng của người Mông Cổ nên thường lưu truyền câu nói “thà ba ngày không có lương thực, còn hơn một ngày không có trà” (Ninh khả tam nhật vô lương, bất khả nhất nhật vô trà). Giữa các tầng lớp người Hán thì văn hóa điểm trà từ thời Đường – Tống vẫn được bảo lưu và tồn tại.
Trà bánh vẫn là phương thức sản xuất và tiêu thụ chính, đặc biệt là ở trong hoàng tộc Mông Cổ và các tầng quý tộc, tuy nhiên ở trong dân gian đã xuất hiện cách sản xuất trà dạng lá rời (tán trà) và pha trà bằng cách rót nước sôi vào lá trà (trùng phao). Thời nhà Nguyên cũng là thời mà công nghệ sản xuất trà ướp hương (hoa trà) bằng cách ướp lá trà rời với hoa tươi đã trở thành hoàn chỉnh. Trà ướp hương đặc biệt được ưa chuộng giữa các tầng lớp văn nhân, ẩn sĩ lánh đời người Hán bất hợp tác với triều đình người Mông Cổ.
Uống Trà Thôi
Theo teacrop