Cho đến nay, trên thế giới vẫn chưa có kết luận nào khẳng định chính xác con người biết uống trà từ khi nào.
Cuối thế kỷ XIX, một số sách cho rằng, những nước chính sản xuất trà trên thế giới là Trung Quốc, Ấn Độ, Tích Lan (CEY-LAN), “Nam Kỳ” và Indonesia. Cuối thế kỷ XIX, các thương cảng của Việt Nam chưa phát triển, trừ cảng Sài Gòn bắt đầu từ cuối thế kỷ thứ XIX ít nhiều có xuất trà ra nước ngoài, gây cho người ngoại quốc ấn tượng: Nam Kỳ là một xứ sản xuất trà chính hiệu trên thế giới.
Tuy chưa biết xuất xứ trà từ nơi nào, có thể khẳng định, con người biết uống trà sớm hơn nhiều so với uống cà phê (ngay ở Việt Nam, từ thời nhà Lý, tức là thế kỷ thứ X, đã nói đến việc uống trà). Nước trà được sử dụng ở châu Á, rồi mới du nhập sang châu Âu vào nửa cuối thế kỷ thứ XVII dưới dạng nước trà đã pha sẵn đóng từ bình nhỏ.
Các loại trà được người sử dụng ưa chuộng gồm trà đen và trà xanh. Khi muốn để nước trà xuất sang châu Âu không bị hỏng, người ta đã ủ lá trà cho lên men, sau đó cho rang khô rồi đun sôi, do đó nước trà có màu đen, vị nước trà kém đi và hương trà hầu như không còn nữa. Người châu Âu căn cứ vào màu nước trà mà gọi đó là trà đen và từ thế kỷ XVII đã có tập quán uống trà đen.
Trà xanh là loại trà còn tươi, rửa sạch rồi đun chín bằng nước sôi, nước trà có màu xanh, có hương thơm và vị ngon của trà; loại trà này không qua khâu ủ lên men, chỉ rang khô rồi đem ra hãm nước sôi uống; màu trà cũng xanh và vẫn giữ được cả hương lẫn vị của trà.
Ở châu Âu trước thế kỷ XVII, người dân châu Âu có kiếm được một số lá (không phải lá trà) rửa sạch đun sôi và khi uống có tác dụng giải khát và chống một số bệnh cảm cúm nhẹ, những loại lá này được gọi là trà địa phương. Ở châu Á cũng vậy, bên cạnh trà xanh có từ lâu đời (pha đặc cũng có tác dụng chống cảm cúm hoặc bệnh tiêu chảy), người dân địa phương cũng tìm được một số lá, rửa sạch đun sôi làm nước trà. Ngay tại Việt Nam, ngoài trà xanh là phổ biến, người dân địa phương còn có các loại trà như trà mạn, trà vối, trà “Mùng Năm” hái trong dịp mùng 5/5 Âm lịch đúng Tết Đoan Ngọ một số lá hoa để làm trà uống.
Tại quán nước bình dân, người ta dùng cốc lớn, cốc nhỏ, hoặc dùng chén không có quai, dùng bát… để uống trà. Tại đây người ta uống nước trà tươi, trà xanh đã phơi khô, các loại trà giảm nhiệt vào mùa hè… Có những nơi như Quảng Châu (Trung Quốc), vào các buổi sáng Chủ nhật, ngày nghỉ, mọi người, kể cả người nước ngoài tập trung tại các quán, tiệm ăn để “nhấm trà"(tiếng Quảng Đông). Tại các quán này họ chỉ ăn điểm tâm chút ít, chủ yếu là uống trà.
Tại các buổi chiêu đãi, hầu hết các nước trên thế giới đều theo tập quán giống nhau như sau:
Uống trà vào cuối bữa tiệc và uống bằng cốc sứ loại vừa, có quai (cá biệt có nơi dùng cốc gốm tráng men, cốc thủy tinh). Cốc uống trà bao giờ cũng lớn hơn một chút so với cốc uống cà phê. Cốc uống trà phải có tách đi kèm.
Vào cuối bữa tiệc, khi các món ăn trên bàn tiệc đã dọn hết, người phục vụ lần lượt bày sẵn cốc tách kèm thìa nhỏ trên mặt bàn để uống cà phê hoặc trà.
Nếu uống trà xanh, người phục vụ rót trà xanh được để sẵn trên khay và không thêm một thứ gì vào để khỏi làm mất hương vị của trà. Ở nhiều nước, nhất là châu Á, thường uống trà xanh có ướp hương vị hoa nhài hoặc hoa sen. Cá biệt có khách nào muốn uống trà xanh với đường thì người phục vụ sẵn sàng thực hiện.
Nếu uống trà đen thì thông thường mỗi cốc trà đen đều có kèm một lát chanh và một ít đường. Có khách thích uống trà đen với sữa. Người phục vụ phải có tất cả thứ này trên khay và sẵn sàng phục vụ tùy theo sở thích của khách.
Có nơi trên thế giới, khi chiêu đãi một số lượng khách quốc tế không đông lắm, thí dụ ở Taskent (thủ đô Uzbekistan) thì chủ nhà thường mời khách ngồi xếp tròn ngay trên mặt giường đôi lớn có đệm nhung rất đẹp, kèm các gối xếp có bọc gấm màu sắc sặc sỡ để khách dùng làm chỗ tỳ tay. Giữa giường có để sẵn một khay. Cuối bữa tiệc, khách ngồi nguyên tại chỗ, chủ nhà đãi khách mỗi người một bát nước trà tươi (tức trà xanh) còn rất nóng, kèm theo đường hoặc một thứ gì khác.
Uống Trà thôi
Theo baoquocte