Trong tác phẩm ‘Quý cô và con chồn’, Leonardo da Vinci đã thể hiện mối quan hệ của người mẫu với một vị công tước giàu có.
Bức Quý cô và con chồn là bảo vật quốc gia của Ba Lan đồng thời là kiệt tác nghệ thuật phương Tây. Quý cô trong tranh là Cecilia Gallerani, một thiếu nữ người Italy khi đó mới 16 tuổi, nổi tiếng không chỉ bởi nhan sắc mỹ miều mà còn nhờ sự thông minh, năng khiếu thi ca, âm nhạc.
- Con chồn mang dáng vẻ kỳ lạ
Tác phẩm sơn dầu vẽ trên tấm gỗ óc chó có kích thước nhỏ 54×39cm vào năm 1489-1491. Trong tranh, Cecilia quay mặt về bên trái một góc ba phần tư như thể nghe thấy ai gọi tên mình. Nhà thơ Bernardo Bellioncioni ca ngợi cô có đôi mắt sáng khiến mặt trời chìm vào bóng tối.
Con chồn trong vòng tay của Cecilia dõi cùng hướng với cô. Mặc dù được vuốt ve, con vật vẫn toát lên dáng vẻ của kẻ săn mồi với đôi chân cơ bắp, móng vuốt sắc nhọn, ánh mắt cảnh giác.
Theo Daily Art, con chồn trên thực chất ám chỉ Ludovico Sforza, Công tước xứ Milan, người tình của Cecilia. Ludovico còn được gọi là Chồn trắng (Ermellino Bianco). Chính ông là người đề nghị họa sĩ Leonardo da Vinci vẽ Cecilia. Con chồn trong tranh thuộc giống Ermine là biểu tượng cho sự thuần khiết và chừng mực, người ta tin rằng nó thà đối mặt với cái chết còn hơn làm bẩn bộ lông trắng của mình.
Vì lý do chính trị, Ludovico kết hôn với Beatrice d'Este vào tháng 1/1491. Lúc này, Cecilia đã mang thai với vị công tước Italy. Bốn tháng sau, cô hạ sinh con trai đặt tên là Caesar. Nhưng rồi cô được gả cho Bá tước Bergamini. Khi đi lấy chồng, cô mang theo bức chân dung kỷ niệm.
Các chuyên gia còn phát hiện tác phẩm từng trải qua nhiều lần chỉnh sửa. Nền tranh có thể đã được sơn phủ xóa đi phần cánh cửa. Họa sĩ cũng thay đổi phần váy của Cecilia.
Năm 2014, nhà khoa học người Pháp Pascal Cotte tiết lộ rằng Leonardo da Vinci đã vẽ tác phẩm ở ba giai đoạn khác nhau rõ ràng. Phiên bản đầu tiên là bức chân dung đơn giản, không có động vật. Lần thứ hai, họa sĩ đưa vào một con chồn nhỏ màu xám. Ở giai đoạn cuối, con chồn được vẽ to hơn và có màu trắng.
Có lời đồn rằng, họa sĩ đặt con vật vào bức chân dung để che giấu việc Cecilia mang thai.
- Bức tranh lưu lạc hàng trăm năm
Sau cái chết của Cecilia, bức chân dung đã biến mất trong vài thế kỷ trước khi xuất hiện ở Ba Lan năm 1800. Hoàng tử Adam Jerzy Czartoryski mua bức tranh tại Italy để tặng mẹ là bà Izabela Czartoryska - một nhà sưu tập đầy đam mê. Tuy nhiên, bà Izabela lại cho rằng đây là bức chân dung vẽ tình nhân Vua Pháp Francis I.
Bức tranh ở Ba Lan cho đến những năm 1830 khi Hoàng tử Czartoryski lưu vong. Tác phẩm được lưu giữ ở khách sạn Lambert ở Paris, nơi ở của gia đình Czartoryski. Những năm 1870, họ trở về Ba Lan. Năm 1878, bức chân dung xuất hiện trong một cuộc trưng bày trước công chúng.
Nếu xét đến lịch sử Ba Lan trong thế kỷ 20, thật đáng kinh ngạc khi bức tranh vẫn tồn tại đến ngày nay mà chỉ có một vài hư hỏng nhỏ. Trong Thế chiến thứ hai, quân Đức chiếm đóng Ba Lan và cướp phá bộ sưu tập nghệ thuật của dòng họ Czartoryski. Trên bức tranh thậm chí còn có cả dấu chân của một người lính Đức.
Dù vậy, tác phẩm may mắn thoát khỏi sự tàn phá và lưu lạc tới Bảo tàng Kaiser-Friedrich ở Berlin (Đức) trước khi lọt vào tay Hans Frank - Thống đốc người Đức ở Ba Lan.
Hòa bình lập lại, tranh được trả cho Bảo tàng Czartoryski. Tháng 12/2016, bộ sưu tập của gia đình Czartoryski, bao gồm cả Quý cô và con chồn, được Chính phủ Ba Lan mua với giá 100 triệu euro.
Uống Trà Thôi
Theo vietnamnet