/Uống trà thôi
Tải ứng dụng
Trang chủ / Chia sẻ

Hội họa Phục hưng: Tiziano Vecelli bồi hồi giữa Thiên đường và thế tục

3240 13:58, 31/03/2024
Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC

( từ)

Hội họa Phục hưng: Tiziano Vecelli bồi hồi giữa Thiên đường và thế tục
Với kiến thức độc đáo, gần như Tiziano một mình chống lại trường phái Florence, trường phái đã xuất hiện rất nhiều cao thủ, mà không hề thua kém. Vì vậy, các thế hệ sau này coi Tiziano là người đứng đầu trường phái Venice!

Trước khi bắt đầu câu chuyện về Tiziano Vecelli, danh họa Italia thời Phục hưng, chúng ta nói một chút về Venice.

- Lợi thế địa lý của Venice trở thành trung tâm kinh doanh cho giới nhà giàu

Thành Venice nằm trên bờ biển Adriatic, góc tây bắc nước Ý. Trong hàng trăm năm, trước khi châu Âu bước vào những hành trình hàng hải xa xôi, Venice đã được hưởng những lợi ích tuyệt vời về vị trí địa lý độc đáo của nó, là đầu mối trong các tuyến vận tải đường bộ.

Một lượng lớn hàng hóa từ phương Đông sau khi đến Ba Tư và Thổ Nhĩ Kỳ theo con đường tơ lụa, được vận chuyển đến lục địa Châu Âu. Bạn có thể xem trên bản đồ để biết cách đi thuận tiện, tiết kiệm chi phí và nhân công nhất. Tất nhiên, khoảng cách đường thẳng bằng đường biển là ngắn nhất, nhưng không hiệu quả. bởi vì vận tải biển với công nghệ thời đó vừa không an toàn vừa tốn kém. Ngoài việc xảy ra vụ đắm tàu ​​bạo lực, còn có những tên cướp trên biển, bạn sẽ tiền mất tật mang.

Trong tác phẩm "Người lái buôn thành Venice" của Shakespeare, Antonio đã phải vay một khoản tiền lớn từ Anthony, một kẻ keo kiệt chuyên cho vay nặng lãi, để giúp anh trai lấy vợ. Sau đó, chính vì tàu buôn của anh gặp nạn trên biển và không thể hoàn trả số tiền như đã hẹn, nên mới bị Sherlock ép buộc, suýt nữa phải xẻ nửa cân thịt để trả nợ!

Do đó, nếu hàng hóa thời đó muốn đến lục địa Châu Âu một cách thuận lợi và chi phí vận chuyển thấp nhất, trước tiên họ phải vận chuyển hàng hóa đến Đế chế Byzantine từ Ba Tư, tức Đế quốc Đông La Mã nay là Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria và Serbia. Sau đó, vận chuyển hàng hóa dọc theo Biển Adriatic về phía Tây Venice. Venice là trung tâm phân phối hàng hóa quan trọng nhất vào thời điểm đó.

Dù đi bằng đường biển hay đường bộ, Venice đều là sự lựa chọn thuận tiện và tối ưu nhất để đi đến các thành phố lớn ở Châu Âu. Hơn nữa, ở châu Âu vào thời điểm đó, hiệu quả chiến đấu của hải quân Venice không ai sánh kịp, họ có thể bảo vệ các tàu buôn không gặp trở ngại ở Địa Trung Hải.

Với sức mạnh và tiềm lực tài chính mạnh, Venice từng thống trị Địa Trung Hải. Lúc ấy Venice, một thành bang ở được bồi lấp nhân tạo ở biển để chạy trốn tai họa chiến tranh và bệnh dịch, dựa vào lợi thế địa lý độc đáo của mình đã trở thành một trung tâm kinh doanh giàu có nhất một phương trời.

- Bầu không khí văn hóa tự do độc đáo

So với lục địa Châu Âu lúc bấy giờ, Venice có một vị trí rất khác. Do đặc thù của Venice khi nó được xây dựng, Nhà thờ Công giáo không có thẩm quyền ở đây. Mặc dù tất cả người dân Venice cũng tin vào Chúa, nhưng nó khác với tình trạng phần còn lại của lục địa châu Âu hoàn toàn bị che phủ bởi ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo. Sau khi Venice bầu ra Giám mục, Giáo hoàng cũng ban giấy ủy nhiệm, bày tỏ chúc mừng. Đã từng có một vị Giáo hoàng nói rằng: “Tôi là Giáo hoàng ở khắp mọi nơi, trừ Venice!”

Nói đến bối cảnh này là để nói với các bạn rằng, chính vì nằm ngoài sự kiểm soát quá mức của Giáo hội Công giáo nên Venice rất tự do trong lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa và tư tưởng, do đó đã hình thành một bầu không khí văn hóa độc đáo ở Venice. Đặc biệt là vào đầu thế kỷ XVI, với sự hưng thịnh của thời kỳ Phục hưng Văn nghệ, Venice cũng bước vào thời kỳ hoàng kim toàn thịnh.

Vào thời đó, Venice có quân sự hùng mạnh, thương nghiệp thịnh vượng, dân chúng giàu có, và một nền văn hóa cởi mở. Chính dựa trên nền tảng này mà trường phái hội họa Venice đã phát triển mạnh mẽ. Đặc điểm lớn nhất của những họa sĩ này là họ rất chú trọng miêu tả sự phồn vinh của thế giới hiện thực và sự phú quý chốn nhân gian. Khắp nơi ngựa xe như nước, y phục kiều diễm thơm tho, dáng vẻ ung dung nhàn nhã, điềm đạm và tươi đẹp. Một bầu không khí tự do và cởi mở như vậy rất hiếm thấy ở các nước châu Âu khác vào thời đó!

Vào thời điểm đó, không khí giàu có và thịnh vượng của Venice có thể dùng câu thơ của Lý Bạch để hình dung:

Ngũ lăng niên thiếu kim thị đông,
Ngân yên bạch mã độ xuân phong.
Lạc hoa đạp tận du hà xứ,
Tiếu nhập hồ cơ tửu tứ trung.
(Thiếu niên hành)

Dịch thơ (bản dịch của Lê Nguyễn Lưu)

Ngũ Lăng bạn trẻ chợ Kim gần
Ngựa trắng yên vàng lướt gió xuân
Giẫm nát hoa rơi đâu chỗ tới ?
Cười đùa vào quán rượu giai nhân.

Cảnh tượng Venice còn có thể dùng thơ Vương Duy hình dung như sau:

Tân phong mỹ tựu đấu thập thiên,
Hàm dương du hiệp đa thiếu niên.
Tương phùng ý khí vị quân ẩm,
Hệ mã cao lầu thuỳ liễu biên.
(Thiếu niên hành)

Dịch thơ (bản dịch của Mai Lang)

Rượu quý Tân Phong đấu vạn tiền,
Hàm Dương du hiệp vị thành niên.
Tương phùng ý khí vì người uống,
Ngựa buộc lầu cao liễu rũ bên.

Tiziano Vecelli được ủy thác sáng tác những bức tranh điện thờ được Hoàng đế Charles V ngưỡng mộ

Năm 1516, chàng trai 28 tuổi Tiziano nhận được một ủy thác quan trọng, Nhà thờ Thánh Mẫu Basilica S. Maria Gloriosa dei Frari đã ủy quyền cho anh sáng tác một bức tranh điện thờ. Đó chính là bức "Thánh Mẫu thăng Thiên".

Ý định ban đầu của Nhà thờ ở đây là muốn có một bức tranh tôn giáo về Thánh Mẫu trang nhã và uyển chuyển bay trên mây, đây là kiểu rất phổ biến vào thời đó. Nhưng Tiziano lúc này chỉ là một chàng trai trẻ, tràn đầy năng lượng, đầy sức sáng tạo, đầy hoài bão đi khắp thế gian! Hơn nữa, đây là khoản hoa hồng đầu tiên và quan trọng nhất mà Tiziano nhận được sau khi anh tách ra làm độc lập. Dù sao anh cũng muốn cho mọi người thấy được thực lực và tài năng của mình: Nếu vẽ một bức tranh Thánh Mẫu bình thường, đâu đâu cũng có thể nhìn thấy, thế thì không thể được. Mình phải vẽ một tác phẩm rung động lòng người. Thế là Tiziano nghiến răng hạ quyết tâm.

Hai năm sau, công trình hoàn thành. Venice rất coi trọng điều đó và đã sắp xếp một buổi lễ khai trương hoành tráng. Ngày hôm đó, trước cửa nhà thờ có một đám đông áo mũ đường đường, ngựa xe huyên náo. Họ bao gồm Thống đốc Venice, các quan chức cấp cao khác nhau, những người hiển đạt, đại diện của Giáo hoàng Leo X, và các sứ thần quan trọng của các nước châu Âu khác tại Venice.

Khi tác phẩm khổng lồ này được bày ra trước mặt mọi người, những lời cảm thán kinh ngạc nổi lên hết đợt này đến đợt khác như những con sóng. Tuy nhiên, Nhà thờ cùng với các tu sĩ cổ hủ thấy đây không phải là điều họ mong đợi, khống giống như họ tưởng tượng, và vô cùng thất vọng.

Đột nhiên, sứ thần của Hoàng đế La Mã Thần thánh Charles V đến gần và nói với vẻ ngưỡng mộ: “Ông có thể bán bức tranh này cho tôi được không? Hoàng đế của chúng tôi sẽ rất thích nó! Nói xong, sứ thần lấy ra một bao lớn những đồng tiền bằng vàng!”

Nhà thờ nghe thấy vậy thì bất ngờ, một bức tranh mới khai trương còn nóng mà đã có người đến đoạt lấy đi sao. Hơn nữa còn là sứ thần của Hoàng thượng!

Con người chính là vậy đó, khi không ai muốn thì chẳng ai coi trọng. Tuy nhiên, chỉ cần một người đến giật lấy nó, thì thứ này lập tức trở thành báu vật! Nhà thờ ngay lập tức từ chối sứ thần và nói lớn: “Chúng tôi rất, rất hài lòng với bức tranh này, và rất thích nó! Hoàng đế không thể dùng quyền lực để tước đoạt, phải không nào!”.

Sau này, Hoàng đế Charles V đã thực sự trở thành một người hâm mộ trung thành của Tiziano, và cũng là một trong những khách hàng quan trọng và cao quý nhất của Tiziano!

- "Thánh Mẫu thăng thiên" được ca ngợi là bức tranh đẹp nhất ở Ý

Hãy cùng xem bức tranh dưới đây. Trong bối cảnh không có bất kỳ khung cảnh nào, tất cả các nhân vật đều đứng lên một cách đáng kinh ngạc trong không gian trống rỗng, và toàn bộ bức tranh được chia thành ba phần. Trên đỉnh, Thiên Chúa đưa các Thiên Thần đến chào Thánh Mẫu đắc Đạo đang bay lên. Chính giữa là chủ thể của của bức tranh, Thánh Mẫu đang đứng trên một đám mây trắng được nâng đỡ bởi một nhóm Thiên Thần nhỏ dễ thương, từ từ bay lên, đầy cảm động. Đây là phần tỏa sáng nhất của toàn bộ bức tranh, là điểm sáng tạo nhất của Tiziano.

Thánh Mẫu được bao phủ bởi ánh sáng vàng kim, cả khuôn mặt rạng rỡ, và tự tin dang tay ra, sẵn sàng ôm Thiên Chúa. Hãy chú ý đến các Thiên Thần nhỏ đang đỡ những đám mây, cơ thể của họ tạo thành một chuyển động từ phải sang trái, và từ từ đỡ những đám mây bay lên. Kết quả là, Đức Mẹ Maria dường như đang quay mình cùng với những đám mây, nhìn lên Thiên Chúa trên bầu trời đang chào đón Bà!

Ở đây, Tiziano một lần nữa sử dụng kỹ thuật tuyệt vời để nắm bắt chuyển động nhất thời của các nhân vật, triển hiện một khung cảnh hùng vĩ và thiêng liêng!

Ở phía dưới bức tranh, có rất nhiều tín đồ đang hò reo vui mừng, họ vô cùng bất ngờ khi chứng kiến ​​kỳ tích Thánh Mẫu thăng thiên. Cơ thể rắn chắc và cánh tay mạnh mẽ của họ là sự thể hiện lý tưởng thời kỳ Phục hưng là Thần sáng tạo ra con người. Sự lạc quan và vui vẻ được thể hiện bởi những tín đồ trong thế giới này cũng là hiện thân cho tính cách tự tại của Tiziano.

Các nhà sử học sau này tin rằng, Tiziano hẳn đã tham khảo một kiệt tác của Raphael trong bố cục của bức tranh này, đó là bức "Tranh luận Thánh lễ" (Disputation of the Holy Sacrament), được vẽ trong bốn căn phòng của Raphael nổi tiếng ở Tòa thánh Vatican. Bức tranh “Tranh luận Thánh lễ” áp dụng cấu trúc bố cục ba giai đoạn.

Trong tác phẩm “Tranh luận Thánh lễ” này, bạn có thể thấy cả cấu trúc tinh tế và vững chắc của Raphael, cũng như bầu không khí tráng lệ và đầy cảm động của Michelangelo, đồng thời thể hiện đậm nét phong cách cá nhân độc đáo của Tiziano. Đặc biệt, màu sắc và độ đậm nhạt đã trở thành điểm đặc biệt nhất của Tiziano sau này. Tiziano sau đó đã hình thành phong cách màu sắc độc đáo của riêng mình.

Ông thích sử dụng một lớp màu đỏ làm màu nền, và sau đó bắt đầu vẽ trên màu nền đỏ. Vàng, đỏ và đen là ba màu phổ biến nhất mà Tiziano sử dụng. Vì vậy, các tác phẩm của Tiziano thoang thoảng một màu đỏ vàng rực rỡ, người ta gọi là “Màu đỏ Tiziano”.

Một điều nữa về "Tranh luận Thánh lễ" là việc Tiziano sử dụng kỹ thuật "pha màu" một cách táo bạo và thiên tài! Pha màu sắc là gì? Tất là lấy hai màu khác nhau để pha thành một màu khác. Ví dụ: đỏ và xanh lá cây, vàng và tím, nâu và xanh lam, v.v. Những màu này không thể dễ dàng kết hợp với nhau nếu không chúng sẽ trở nên xấu xí.

Bức tranh “L’Assomption de la Vierge” của Tiziano, họa sĩ tiêu biểu của Trường phái Hội họa Venice. Đây là bức tranh sơn dầu trên gỗ, khổ 690 × 360 cm, vẽ năm 1516-1518. Nhờ kỹ thuật làm trắng lớp đáy tuyệt vời của họa sĩ, bức tranh nổi tiếng này vẫn thể hiện màu sắc tươi sáng và sống động bất chấp sự thăng trầm của năm thế kỷ. (Wiki)Tuy nhiên, hãy nhìn vào "Thánh Mẫu thăng thiên" của Tiziano. Chúng ta hãy nhìn từ dưới lên. Trong số các nhân vật dưới đây, có hai tổ hợp phối hợp quần áo màu đỏ và xanh lá cây. Hãy nhìn cả hai phía của Đức Mẹ, bên tay trái là những Thiên Thần nhỏ với bộ quần áo màu xanh lá cây làm chủ đạo, bên tay phải là những Thiên Thần nhỏ với bộ quần áo màu đỏ làm chủ đạo. Ngay cả Thiên Chúa và các Thiên Thần ở trên cùng là sự kết hợp màu sắc của quần áo màu đỏ và xanh lá cây.

Điều này thật táo bạo làm sao! Nhưng toàn bộ bức tranh không cho người ta cảm giác bất hòa do việc pha màu sắc. Ngược lại, thông qua bố cục thiên tài và hiệu ứng kỳ diệu của những màu sắc tương phản mạnh, Tiziano khiến nhân vật chính - Đức Mẹ Maria trở nên thiêng liêng và trang nghiêm hơn, đồng thời mang lại tác động lên thị giác của mọi người.

Bức tranh tuy được chia thành ba lớp nhưng vẫn theo cấu trúc bố cục hình tam giác cổ điển; hiệu ứng hình ảnh tuyệt vời của nhiều Thiên Thần như đang chuyển động và khung cảnh tuyệt vời mà cổng trời sắp mở ra khiến người ta bất giác nảy sinh lòng tôn kính đối với Đức Chúa Trời và hướng đến Thiên đàng!

Vasari, người viết tác phẩm “Những danh nhân trong vườn nghệ thuật Ý”, sau khi tham quan bức tranh đã thốt lên: “Đây là kiệt tác đầu tiên của nước Ý”.

Sau khi xem bức tranh, lãng tử nổi tiếng, đồng thời là nhà văn người Anh Oscar Wilde đã hết lời khen ngợi bức tranh: “Bức tranh này chắc chắn là bức đẹp nhất ở Ý”.

Bức tranh này hiện đã trở thành điểm thu hút du khách ở Venice. Nếu muốn đi xem, tốt nhất bạn nên đi vào buổi chiều gần chạng vạng, tại sao? Bởi vì, bức tranh này nằm ở phía tây của Nhà thờ, có một cửa sổ kính lớn phía sau nó, khi mặt trời lặn, ánh vàng sẽ tràn ra từ cửa kính phía trên, và nó sẽ hòa hợp hoàn hảo với bức tranh này, như thể thực sự có một chùm ánh sáng vàng từ trên trời chiếu xuống, và nó bổ sung cho bức tranh này, thật là hoàn hảo!

Bức “Thánh Mẫu thăng thiên” này đã xác lập vị trí của Tiziano là họa sĩ số một ở Venice khi ống mới chỉ 30 tuổi. Những năm trước khi Tiziano trở nên nổi tiếng, Tiziano cũng đã nổi tiếng ở Venice, nhưng không phải với tư cách là một họa sĩ hạng nhất, mà với tư cách là nhân vật chính của vở kịch “tình thầy trò”.

- Tiziano theo sư huynh ra khỏi sư môn, đối đầu với thầy Bellini

Sau khi Tiziano và sư huynh Giorgione chống lại thầy, họ trở thành kẻ thù với người thầy của mình là Giovanni Bellini. Vào thời điểm đó, chính Bellini ngồi trên ngai vàng là đại sư danh họa số một ở Venice.

Các nhà sử học nghệ thuật sau này đã đánh giá rất cao Bellini. Công bằng mà nói, Bellini là người khai sinh ra trường phái Venice, nhưng ánh sáng của Tiziano sau này quá rực rỡ, điều này không chỉ khiến trường phái Venice nổi tiếng khắp thế giới, mà còn cả những người thầy và sư huynh của ông cũng trở nên nổi tiếng. Với kiến thức độc đáo, gần như Tiziano một mình chống lại trường phái Florence, trường phái đã xuất hiện rất nhiều cao thủ, mà không hề thua kém. Vì vậy, các thế hệ sau này coi Tiziano là người đứng đầu trường phái Venice!

Sau cái chết của sư huynh Giorgione, Tiziano không chỉ được thừa hưởng y bát của sư huynh, mà còn thừa hưởng tư cách để tiếp tục đọ sức với người thầy của mình là Bellini. Có một sự kiện trong thời kỳ này phản ánh tính cách của Tiziano.

Ở Venice thời đó có một danh hiệu do chính phủ ban hành mang tên: Họa sĩ Quốc gia Cộng hòa. Đây là một vị trí công chức suốt đời, thực chất là một họa sĩ thương mại do chính phủ ủy nhiệm. Nhưng vì tính chất danh dự đặc biệt, và các hợp đồng được nhận đều là hợp đồng của chính phủ, các đơn hàng này vừa ổn định vừa sinh lợi, nên hầu như tất cả các họa sĩ nổi tiếng ở Venice đều mong muốn có được danh hiệu này.

Tuy nhiên, danh hiệu này chỉ giới hạn ở 30 người, và người thầy của Tiziano, Giovanni Bellini là một trong số đó. Tất nhiên, Tiziano hy vọng có được bát cơm vàng đầy vinh dự này, nhưng chắc chắn người thầy Bellini không muốn Tiziano có được nó, vì thế Tiziano bắt đầu đấu trí đọ dũng với thầy.

Năm 1513, Tiziano gửi đơn cho nhóm mười thành viên ở Venice, nhóm mười thành viên này tương đương với Ủy ban thường vụ Bộ chính trị ở Venice. Mười người quyết định sự sống chết của Venice! Tiziano đã viết thư cho họ rằng: “Tôi chỉ mong các cơ quan chức năng có thể giao cho tôi trọng trách vẽ tranh tường trong hội trường quốc hội!”.

Bức thư này là một cuốn sách giáo khoa về hùng biện ngoại giao, nó không chỉ bộc lộ sự khôn khéo của một doanh nhân, mà còn thể hiện sự tự tin của một ngôi sao đang lên có uy tín, nó giống như một bậc thầy về mối quan hệ công chúng đầy kinh nghiệm về cách diễn đạt. Hãy xem bức thư này của Tiziano, một người khi đó mới 25 tuổi.

Đoạn đầu bức thư như thế này: “Từ khi còn nhỏ, tôi, Tiziano, đã dành hết tâm trí để học nghệ thuật hội họa. Tôi không tìm kiếm sự giàu sang phú quý, cũng không tìm kiếm danh tiếng trong giới họa sĩ”.

Điều này có nghĩa là tôi chỉ yêu nghệ thuật bằng cả trái tim mình, và tôi coi danh vọng, của cải và tiền bạc như bùn đất!

Đoạn thứ hai: “Trong suốt thời gian dài, Đức Giáo hoàng và các vị vua khác đã nhiều lần mời tôi phục vụ họ. Nhưng tôi lại nguyện ý làm một thần dân trung thành của Venice, và dốc hết sức mình cho thành phố vinh quang này. Tôi sẽ vui vẻ nhận công việc vẽ tranh tường, và tôi sẽ không quan tâm chút nào đến thù lao, bất kể trong con mắt người khác, thù lao đó có xứng đáng hay ít ỏi. Như tôi đã nói, tôi chỉ coi trọng danh dự của mình, và tôi chỉ muốn kiếm sống, để làm hài lòng nước Cộng hòa của chúng ta”.

Hãy xem xem, chỉ vài lời ngắn ngủi đã biểu đạt ra rằng: Có thấy không, tôi đã từ chối hết thảy đề nghị, tôi chỉ nghĩ tới Venice! Ngoài ra, tôi không quan tâm đến thù lao! Và yêu cầu duy nhất của tôi là yêu cầu các vị ban cho tôi vinh quang tối cao này. Ồ, lời nói này quả là có trình độ cao.

Đoạn cuối: “Tại đây, tôi xin các vị hãy giao cho tôi nhiệm vụ vẽ bức tranh tường, đồng thời giao cho tôi những nghĩa vụ và quyền lợi mà Giovanni Bellini hiện đang được hưởng”.

Sau khi nhấn mạnh ý thức đạo đức và sứ mệnh, cuối cùng anh không quên đưa ra yêu cầu của chính mình: Tôi tốt như vậy, nên đối xử về mọi mặt cũng phải giống như sư phụ của tôi! Nó dường như là một sự tự quảng cáo không thể cưỡng lại, chặt chẽ về mặt logic. Tóm tắt là: Nếu bạn không chọn tôi, bạn sẽ bị thiệt thòi. Hơn nữa, bức thư còn tiết lộ một ý nghĩa: Bellini đã lỗi thời, và tôi, Tiziano, là người đang được yêu thích nhất!

Bằng cách này, Tiziano đã thay thế Bellini để có được hợp đồng với chính phủ. Bellini nôn ra máu khi biết điều đó, nhưng ông hoàn toàn bất lực. Chưa kể năng khiếu hội họa của Tiziano lúc đó đã thuộc hàng xuất sắc nhất thế giới, chưa kể Tiziano mới chỉ 25. Trẻ là vốn, trẻ là sức cạnh tranh, trẻ là tương lai!

- Trở thành họa sĩ trưởng của quốc gia Cộng hòa năm 28 tuổi

Ba năm sau, vào năm 1516, người thầy Bellini qua đời, Tiziano cuối cùng đã tiếp quản vị trí và trở thành họa sĩ trưởng của nước Cộng hòa, năm đó anh mới 28 tuổi. Nhưng sau khi đọc kinh nghiệm nửa sau cuộc đời của anh ấy, tôi thấy rằng Tiziano đã và đang làm ba việc, đó là: nhận đơn đặt hàng, trì hoãn bản vẽ phác thảo và thu tiền thanh toán.

Khỏi phải nói, đơn hàng nhận được mỏi cả tay, kinh doanh cực kỳ phát đạt.

Trì hoãn bản vẽ phác thảo, là vì có thể nộp đơn xin Kỷ lục Guinness Thế giới. Đối với một số bản vẽ phác thảo, Tiziano có thể kéo hơn 20 năm. Bản vẽ phác thảo nào bị trì hoãn lâu như vậy? Đó là bản vẽ phác thảo vẽ bích họa cho Hội trường Quốc hội mà anh giành được với lá đơn xin việc sử dụng từ ngữ nghiêm cẩn này!

Sau khi Tiziano nhận được hợp đồng, ông bắt đầu viện đủ mọi lý do để trì hoãn, dù đã hai mươi năm trôi qua, các nghị sĩ Venice vẫn phải họp trong Hội trường Quốc hội được che bằng bạt và giàn giáo, giống như một cái lán làm việc lớn vậy!

Tại sao Tiziano lại trì hoãn bản vẽ phác thảo? Bởi vì ông nhận thấy rằng việc nhận việc ủy thác tư nhân không chỉ vui hơn, ít tốn công sức hơn mà còn mang lại nhiều lợi nhuận hơn!

Tiziano không chỉ rất giỏi trong việc kéo bản nháp mà còn rất giỏi trong việc nhắc nhở trả tiền. Có một điều mà các sử gia nghệ thuật vẫn nhắc đến là vào năm 1571, Tiziano đã viết một bức thư cho Vua Tây Ban Nha, trong đó Tiziano nói rằng, ông đã là một ông già 95 tuổi và cuộc sống rất khó khăn, thường xuyên ăn bữa này rồi không có bữa tiếp theo!

Những người biết Tiziano hẳn đã tròn mắt khi nhìn thấy bức thư này! Lúc đó Tiziano đã 95 tuổi đâu! Titian sinh năm 1488, như vậy tính đến năm 1571, ông 83 tuổi. Phóng đại thêm 12 tuổi. Nói rằng mình nghèo? Rất đơn giản! Căn biệt thự lớn mà ông đang sống là một trong những biệt thự tốt nhất ở Venice. Sở dĩ ông viết cái này chắc là để thúc giục bên kia thanh toán nhanh thôi!

- Bức tranh "Đám cưới ở Cana" của Veronese, đệ tử của Tiziano

Nói về sự giàu có và tiêu diêu của Tiziano, tôi sẽ tóm tắt nó một chút. Tiziano sau đó đã nhận một đệ tử, tên là Paulo Veronese, người sau này là một trong “Tam Kiệt của Trường phái Venice”. Veronese có một bức tranh rất nổi tiếng tên là “Đám cưới ở Cana”.

Hiện bức tranh này đang được treo đối diện với Mona Lisa trong bảo tàng Louvre ở Paris, nó là tác phẩm lớn nhất trong toàn bộ bảo tàng Louvre, và nó cũng rất thú vị. Nhưng thật đáng tiếc là bởi vì nàng Mona Lisa xinh đẹp nhỏ bé đối diện đã lấy đi sự chú ý của mọi người, cho nên trước bức tranh khổng lồ có kích thước bằng một hai phòng ngủ này, hóa ra lại là một khoảng trống hờ hững và thiếu sự quan tâm của mọi người! Thật đáng tiếc thay.

Tại sao lại nói về bức tranh này? Bức tranh này vẽ cảnh Chúa Giê-su tham dự lễ cưới của một môn đồ tên là Cana. Ở giữa tiền cảnh của bức tranh, có hai nhân vật rất dễ thấy: Ông già bên phải mặc áo choàng đỏ, để râu và chơi đàn Cello được vẽ theo dáng vẻ của Tiziano. Ở phía đối diện là ông mặc áo choàng trắng, đó chính là họa sĩ Veronese. Tiziano trong tranh đó chính là cuộc sống thường ngày của ông. Những năm tháng sau này, Tiziano thường tham gia tiệc tùng ở nhà, tuyệt nhiên không thể có chuyện ăn bữa này thiếu bữa sau!

- Người quan trọng nhất trong cuộc đời Tiziano

Quý nhân trong trọng nhất trong cuộc đời của Tiziano là Hoàng đế của Đế quốc La Mã Thần thánh vào thời điểm đó. Danh hiệu của ông quá dài. Khi ông ở Augsburg, thủ đô của Đế chế La Mã Thần thánh, tước hiệu là Charles V; nếu đến Tây Ban Nha, tước hiệu Carlos I. Ở Naples, tước hiệu Carlo IV. Ở Hà Lan và các khu vực khác, tước hiệu của ông rất nhiều, không thể nhớ nổi!

Dù sao, người ta nói rằng ông có trên 70 danh hiệu. Những quốc gia và khu vực đề cập đến ở trên đều thuộc về lãnh thổ của Hoàng đế lúc bấy giờ. Nói như người phương Đông là: “Khắp thiên hạ, đều là đất của vua, trong vùng đất đó, ai ai cũng là thần dân của vua”. Đây đều là đất của ông đứng tên. Đúng vậy, ông là người con đáng tự hào của thời kỳ hoàng kim của gia tộc Habsburg: Charles V.

Charles V sinh ra ở Ghent, Flanders, nay là Bỉ. Ông học tiếng Pháp, rất yêu thích đất nước Tây Ban Nha đầy nắng, tuy nhiên, ông lo cho nước Đức trong một thời gian dài sau khi lên ngôi. Vì vậy, ông đã từng nói một điều khiến người Đức rất khó chịu: “Tôi cầu nguyện Chúa bằng tiếng Tây Ban Nha, tán tỉnh một phụ nữ bằng tiếng Ý, chào một quý ông bằng tiếng Pháp, và dạy ngựa của tôi bằng tiếng Đức”.

Năm 1547, Charles V ngự giá chinh phạt, dẫn quân chống lại cuộc nổi dậy, đánh bại quân nổi dậy ở Muhlberg. Để chứng tỏ uy lực Đế quốc và lập bia đá, lúc này Charles V rất cần một vị đại sứ tuyên truyền, Hoàng đế bệ hạ nghĩ đến Tiziano. Vì vậy, vào một đêm gió xuân ngây ngất, sứ thần của Bệ hạ đã gõ cửa dinh thự của Tiziano và trực tiếp trao mẫu quà tặng như sau: danh hiệu hiệp sĩ của Golden Spurs, danh hiệu họa sĩ Hoàng gia, và số tiền thù lao 1000 đồng tiền vàng.

Bạn có thể cưỡng lại được sự cám dỗ của danh lợi, nhưng bạn không thể cưỡng lại được sự chân thành! Ngay sau đó Tiziano đến Augsburg, thủ đô của đế chế, và bắt đầu hoàn thành kiệt tác kinh điển này cho Charles V. Người ta kể rằng một ngày nọ, Tiziano vô tình làm rơi cọ xuống đất khi đang vẽ tranh. Ngay lập tức, một cảnh kinh ngạc xuất hiện: Hoàng thượng lập tức đứng dậy, tiến lên, sau đó cúi xuống nhặt cọ vẽ, ân cần đưa cho họa sĩ.

Câu chuyện Hoàng thượng đích thân đi lấy cọ vẽ cho đại sư đã trở thành giai thoại, nó còn hơn cả mọi lời nói! Tiziano đã cố gắng hết tài năng của mình để vẽ hình ảnh Charles V cưỡi ngựa kinh điển này, hình tượng một vị hoàng đế anh minh thần vũ đang ngồi ngay ngắn trên lưng ngựa.

Người trong tranh đội mũ sắt, mặc áo giáp, dáng hiên ngang, điềm đạm kiên nghị, uy nghiêm thần vũ, tay cầm giáo dài, thần thái sinh động trên lưng ngựa. Quả đúng là con ngựa đen to lớn mà ông đã dùng tiếng Đức để huấn luyện. Bối cảnh là khu rừng gần Pháo đài Mill.

Bức họa này hiện giờ khiến chúng ta, những người hiểu nhiều biết rộng ở thời hiện đại, tưởng chừng như không có gì đặc biệt, nhưng nó chắc chắn là một sự kiện lớn trong lịch sử quảng bá hình ảnh hoàng đế lúc bấy giờ! Tiziano đã đặt định phong cách chính cho “Chân dung nhân vật thể loại ca tụng”: cảnh tượng tráng lệ, nhân vật thanh cao, oai phong, anh hùng, ngụ ý sâu xa! Kể từ đó, cưỡi trên mình một con ngựa có hình lõm đã trở thành cách thể hiện của vô số vị hoàng đế trong tương lai! Ngay cả bức "Washington vượt sông Delaware" cũng là một bản sao của phong cách cổ điển này. Và nguồn gốc của những bức chân dung kinh điển này chính là Tiziano!

Thêm một câu chuyện bên lề, Charles V, người sinh ra trong gia đình Habsburg, cũng thừa hưởng một căn bệnh gia đình: bệnh gút. Vì vậy, người ta nói rằng vào thời điểm xảy ra Trận chiến Fort Mill, vị hoàng đế đang bị bệnh. Do đó, hoàn cảnh lịch sử có thật là Charles V dùng cáng ra trận để chỉ đạo trận chiến trên tiền tuyến.

Nhưng dù thế nào đi nữa, Charles V cũng rất thích bức chân dung mà Tiziano đã vẽ, và phong cho con trai của Tiziano một danh hiệu cao quý. Đồng thời, ông tuyên bố chỉ cho phép Tiziano vẽ chân dung của mình trong cuộc đời này.

Kể từ đó, danh tiếng của Tiziano đã lên đến đỉnh cao, và việc có thể mời Tiziano vẽ chân dung đã trở thành một biểu tượng địa vị. Tiziano càng ngày càng ‘hot’, thù lao được duy trì ở mức khá cao. Những bức chân dung mà Tiziano vẽ có thể được gọi là “Danh sách danh nhân” của Châu Âu vào thế kỷ 16. Điều này có giống với họa sĩ phong cách Baroque là Rubens. Dường như hạnh phúc trên đời đều giống nhau!

Trong số rất nhiều bức chân dung của Tiziano, tôi muốn giới thiệu với các bạn một bức, đó là bức chân dung của Giáo hoàng Paul III mà ông đã vẽ cho Giáo hoàng Paul III (Portrait of Pope Paul III).

Sau này ở Anh, có một nhà sử học nghệ thuật tên là Gombrich, ông đã có hai nhận xét về bức tranh này, có thể gọi là chính xác. Lần đầu tiên ngưỡng mộ tài năng hội họa tuyệt vời của Tiziano, ông nói: “Thật khó tin rằng đôi mắt dịu dàng và ranh mãnh ấy lại là màu sắc được vẽ trên một tấm vải thô ráp”. Sau đó, ông tiếp tục nói: “Tiziano đã khiến vị Giáo hoàng già nua khôn ngoan sống trong bức tranh!”

Trên đời không tồn tại sự hoàn hảo, khi ông Trời ban cho bạn cái này thì sẽ luôn lấy đi của bạn một thứ khác. Cuộc sống của Tiziano có thể miêu tả một mình là "thành công, thuận lợi", ông đã bắt kịp thời cơ và gặp được những người thầy giỏi nhất. Cùng với vẻ ngoài điển trai, phong độ ngời ngời, tất nhiên điều quan trọng nhất là có khả năng vẽ thiên phú và óc sáng tạo dồi dào. Tuy nhiên, Tiziano sống lâu năm đã phải nếm trải sự cô đơn một mình trong những năm tháng cuối đời, vì người bạn đời và các con đã rời bỏ ông từ sớm.

Vào cuối mùa hè năm 1576, một trận dịch hạch lại tàn phá Venice, lần này Tiziano không qua khỏi, hưởng thọ 88 tuổi. Để giảm tình trạng lây nhiễm bệnh dịch hạch, chính quyền Venice đã cấm mọi lễ tang vào thời điểm đó, nhưng với tư cách là niềm tự hào của Venice, Tiziano không chỉ được phép chôn cất tại nghĩa trang Nhà thờ mà còn được tổ chức một lễ tang hoành tráng.

Bệnh dịch này là Cái chết đen nổi tiếng, đã cướp đi gần một phần ba dân số Venice. Sau đó, với sự trỗi dậy mạnh mẽ của hàng hải, các lợi thế địa lý của Venice đã biến mất, và mô hình địa chính trị của châu Âu đã có những thay đổi to lớn. Kể từ đó, Venice lụi tàn và sự thịnh vượng của nó biến mất.

Uống Trà Thôi
Theo ntdvn
Hội họa Phục hưng: Tiziano Vecelli bồi hồi giữa Thiên đường và thế tục
Hội họa Phục hưng: Tiziano Vecelli bồi hồi giữa Thiên đường và thế tục
Hội họa Phục hưng: Tiziano Vecelli bồi hồi giữa Thiên đường và thế tục
Hội họa Phục hưng: Tiziano Vecelli bồi hồi giữa Thiên đường và thế tục
3 0 2,336 0.0
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết

Có thể bạn quan tâm

Bộ tranh 12 tháng từng treo trong cung điện Càn Long
Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC
3391 11:22, 23/07/2024
0 0 1,612 0.0
Bảo tàng Cố cung ở Đài Loan triển lãm tranh về 12 tháng, từng được treo trong cung điện thời vua Càn Long, Trung Quốc.

Theo The Paper, Thập nhị nguyệt nguyệt lệnh đồ được trưng bày ở Bảo tàng Cố cung Đài Bắc từ tháng 7 đến ngày 22/9. Bộ tranh tái hiện khung cảnh trong và ngoài cung đình từ tháng một âm lịch đến ...
BÌNH PHONG KHẢM TRIỀU NGUYỄN - NƠI ĐÔNG TÂY HỘI NGHỘ
Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC
3387 13:49, 18/07/2024
0 0 1,818 0.0
Chiếc bình phong khảm được làm năm 1877, cuối thế kỷ 19, thời Tự Đức thứ 30 với đề tài kiến trúc Vương cung thánh đường chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội

(Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn gọi tắt Nhà thờ Đức Bà)

Tổng kích thước với Chiều cao: 150cm, Chiều rộng: 60cm, cân nặng khoảng 30kg cùng ...
Cuộc đời thầm lặng của danh họa Dương Bích Liên
Team Uống Trà Thôi Dương Bích Liên
3379 09:59, 16/07/2024
0 0 379 0.0
Họa sĩ Dương Bích Liên của bộ tứ ''Nghiêm, Liên, Sáng, Phái'' nhiều lần từ chối Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm cho ông.

Danh họa sống không vợ con, ít bạn bè. Ông thân thiết hai họa sĩ Bùi Xuân Phái và Nguyễn Sáng. Trong căn nhà ở số 55 Bà Triệu, Hà Nội, đồ đạc của ông chỉ có một chiếc giường ...
Bức tranh bị Van Gogh ghét cay ghét đắng
Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC
3372 07:42, 08/07/2024
3 0 2,132 0.0
Trong loạt thư viết cho em trai, Vincent Van Gogh mô tả 'Quán cà phê đêm' là một trong những bức tranh xấu nhất mà ông từng vẽ.

Họa sĩ ghét tất cả mọi thứ liên quan tới tranh: màu sắc, con người, bố cục và ánh sáng. Các chi tiết khiến ông phát điên. Vài tháng sau khi hoàn thành tác phẩm này, Van Gogh đã cắt tai mình. ...
Tranh Picasso ước tính hàng chục triệu bảng
Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC
3368 16:55, 04/07/2024
2 0 1,750 0.0
Bức ''Guitare sur un tapis rouge'' của danh họa Picasso dự kiến đạt 10-15 triệu bảng (khoảng 323-484 tỷ đồng) tại phiên của Sotheby's ngày 25/6.

Tác phẩm của Pablo Picasso nằm trong số tranh có mức ước tính cao nhất phiên đấu giá. Bức họa vẽ năm 1922, chất liệu dầu trên vải, kích thước 80,7x116,3 cm, có chữ ký của họa ...
GIỚI THIỆU CÁC TRÀ QUÁN
Giúp Uống Trà Thôi tốt hơn mỗi ngày
×
Uống Trà Thôi
Chỉ 30s tải app cực nhẹ và trải nghiệm!