Mặc dù trà là loại thức uống phổ biến, có nhiều tác dụng trong việc hỗ trợ phòng và chữa bệnh. Song, không phải bất cứ ai cũng có thể dùng trà hàng ngày, thậm chí nếu uống sai cách còn có thể gây hại cho sức khỏe.
Người bị sốt: Chất caffein trong lá trà không những khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao, mà còn làm giảm hiệu quả của thuốc.
Người mắc bệnh gan: Các chất có trong lá trà bao gồm caffein đại đa số đều phải chuyển hoá qua gan. Do đó, nếu gan có bệnh, lượng trà uống vào quá nhiều so với khả năng chuyển hoá sẽ làm tổn thương các mô gan.
Người bị viêm xoang và viêm đường hô hấp: Những người mắc bệnh này cần tránh uống trà đá vì sự khác biệt nhiệt độ sẽ là nguyên nhân tạo ra kích thích đối với niêm mạc vùng hầu họng và đường hô hấp, khiến cho người đang mắc bệnh lại càng nặng hơn.
Người suy nhược thần kinh: Caffein trong trà có tác dụng làm hưng phấn trung khu thần kinh. Khi thần kinh suy nhược nhưng vẫn uống trà đặc vào buổi chiều và tối, sẽ dẫn tới mất ngủ, khiến bệnh tình trầm trọng hơn. Người bệnh nên uống trà hoa vào buổi sáng và trà xanh và trưa muộn để có được tinh thần tỉnh táo phấn chấn.
Người bị loét dạ dày: Trà là một loại chất kích thích bài tiết axit dạ dày. Uống trà có thể làm tăng lượng axit dạ dày, kích thích cho bề mặt loét. Vì vậy, thường xuyên uống trà đặc sẽ khiến bệnh tình tồi tệ hơn. Nhưng đối với những người bị loét nhẹ, có thể thưởng thức trà loãng sau khi uống thuốc 2 tiếng.
Người bị thiếu máu: Chất tanin trong trà có thể kết hợp với sắt để tạo thành các hợp chất không hoà tan, khiến cơ thể không nhận được đủ nguồn cung cấp sắt, vì vậy người thiếu máu không nên uống trà.
Người bị sỏi tiết niệu: Sỏi tiết niệu thông thường là sỏi canxi oxalate. Trong trà có chứa axit oxalic, sẽ kết hợp với canxi trong nước tiểu bài tiết,hình thành sỏi. Vì vậy, người bị sỏi tiết niệu được khuyến cáo không nên uống trà.
Người bị động mạch vành: Đối với người mắc bệnh động mạch vành có nhịp tim nhanh, đập sớm hoặc rung tâm nhĩ, chất caffein, theophylline trong trà gây hưng phấn, có thể tăng cường chức năng của tim, uống quá nhiều trà đặc sẽ khiến bệnh tái phát hoặc tăng nặng.
Người bị cao huyết áp: Khi pha, mỗi gam trà chỉ dùng dưới 50 ml nước sôi được coi là “trà đặc”. Bệnh nhân cao huyết áp nếu uống quá nhiều trà đậm đặc, do tác dụng gây hưng phấn của chất caffein sẽ dẫn tới huyết áp tăng cao, không có lợi cho sức khoẻ.
Phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt, mang thai, sắp sinh, cho con bú, tiền mãn kinh: Ở thời kỳ kinh nguyệt, cơ thể cần bổ sung sắt. Trong khi đó, trà chứa nhiều tanin và acid oxalic làm hạn chế niêm mạc dạ dày hấp thu sắt. Khi phụ nữ sắp sinh nở mà uống nhiều trà sẽ gây mất ngủ, mệt mỏi, mất sức.
Chất tanin của trà hòa vào tuần hoàn máu sẽ gây ức chế hormone kích thích bài tiết sữa, làm thiếu sữa. Thậm chí, chất tanin, cafein còn có thể qua sữa mẹ truyền sang cơ thể bé, gây kích thích làm trẻ quấy khóc không rõ nguyên nhân. Do vậy phụ nữ đang cho con bú không nên uống trà. Phụ nữ tiền mãn kinh hay có các rối loạn về tim mạch cũng không nên uống trà.
Người già, trẻ nhỏ: Người già, uống nước trà sẽ gây căng thẳng khó ngủ do chất cafeine trong trà. Trà cũng không thích hợp cho trẻ nhỏ vì trong trà có chứa axit tannic. Khi chất này được đưa vào dạ dày sẽ phản ứng với sắt có trong thức ăn tạo ra những chất bất lợi khiến cho lượng sắt trong cơ thể trẻ bị thiếu hụt, thậm chí dẫn đến chứng thiếu máu.
Nguồn: internet