Bút danh: Hồng Nam
Ngày sinh: 21 tháng 7 năm 1892 tại Hà Tĩnh
Ngày mất: 22 tháng 11 năm 1984 tại Hà Nội
Phong cách nghệ thuật: Chất liệu chính là lụa. Chủ đề chính là người nông dân, đặc biệt là phụ nữ nông dân và trẻ em
Tác phẩm chính: Em bé bên chú chim, Người bán ốc, Thợ nhuộm, Người bán gạo, Chơi ô ăn quan, Người hát rong, Hầu đồng, Cô gái hát ví dặm, Bữa cơm ngày mùa thắng lợi, Vườn trẻ, Lớp mẫu giáo, Cô hàng xén
Theo nhìn nhận của những người thân trong gia đình danh họa Nguyễn Phan Chánh thì ông là người có khả năng kiếm tiền từ nhỏ.
Năm 1929, khi đang là sinh viên Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Nguyễn Phan Chánh tham dự cuộc thi vẽ mẫu tem của Bưu chính Đông Dương và bức tranh ông vẽ một người nông dân quần xắn đầu gối đang lom khom cấy lúa đã giành giải Nhất cuộc thi. Tiền thưởng cuộc thi khá lớn: 90 đồng Đông Dương. Theo thời giá bấy giờ, với số tiền này, người ta có thể mua được hơn 3 tấn gạo.
Sau cuộc triển lãm ở Paris năm 1931, tranh lụa Nguyễn Phan Chánh đã gần như trở thành một thứ “hàng hiệu” với giới sưu tập tranh phương Tây. Với một họa sĩ, tranh vẽ xong đã có người hỏi mua ngay (mà lại trả giá cao) hiển nhiên là một niềm vui, nếu không nói là đáng tự hào. Song với Nguyễn Phan Chánh, sự thể không phải lúc nào cũng vậy. Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào bản lĩnh cứng cỏi, cốt cách thanh cao của ông.
Sở dĩ cứ nhắc đến tranh lụa, người ta lại nhắc đến Nguyễn Phan Chánh bởi ông là người đã có công tìm tòi, khai phá ra kỹ thuật vẽ tranh lụa hiện đại. Mặc dù tranh lụa đã xuất hiện tại Việt Nam từ thời nhà Lê qua hai tác phẩm chân dung Nguyễn Trãi và chân dung Phùng Khắc Khoan, nhưng phải đến thời của Nguyễn Phan Chánh, tranh lụa mới thực sự được biết đến. Ngắm nhìn tranh của ông, người ta cảm thấy sự nhẹ nhàng, bay bổng, trầm ấm nhưng vô cùng thanh thoát. Cái tài của danh họa còn được thể hiện ở không gian nửa hư, nửa thực khiến cho người xem cảm giác “lạc lối” trong các tác phẩm. Cả một đời, ông là người chăm chỉ, bình dị và yêu cuộc sống. Vốn có năng khiếu bẩm sinh về hội hoạ, điều đó chẳng những nâng đỡ tinh thần ông mà nó còn trực tiếp cùng ông kiếm kế sinh nhai, nét vẽ tài hoa của ông đã để lại cho hậu thế một dòng tranh lụa dạt dào thấm đậm tính dân tộc.
Với những thành tựu trong sự nghiệp sáng tác, Nguyễn Phan Chánh được mời tham gia giảng dạy Mỹ thuật tại một số trường học như Trường Bưởi và Trường Đại Học Mỹ Thuật Hà Nội, góp phần đào tạo nhiều thế hệ họa sĩ Việt Nam sau này. Suốt cuộc đời làm nghệ thuật, Nguyễn Phan Chánh đã để lại một sự nghiệp đồ sộ với số lượng ước khoảng trên 170 tác phẩm. Ông là người đang giữ kỷ lục về số tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Uống Trà Thôi
Theo designs