Một thời gian dài trước đây, một người ăn xin bẩn thỉu đã xuất hiện ở một vùng nông thôn nghèo. Hắn gầy trơ xương, một chân khập khiễng, trông thật tội nghiệp. Nhưng khi anh ta hé đôi môi khô nứt nẻ, run rẩy cầu xin người khác, mọi người lại lắc đầu xua tay, không ai chịu bố thí cho hắn. Người ăn mày hai tay ôm cái bát vàng rực rỡ, lần lượt đi đến từng nhà một van xin. Hắn đi khắp nơi nhưng vẫn không thể có được bất cứ thứ gì!
Đánh cược chiếc bát vàng với hạnh phúc
Tại sao người ta không cho người ăn xin thứ gì đó để ăn? Thì ra vùng này có một phong tục cổ xưa, không được cho những người giàu có hơn mình ăn miễn phí, nếu không sẽ gặp xui xẻo. Khi mọi người nhìn thấy người ăn xin cầm bát vàng, họ đều nghĩ rằng “hắn là kẻ trá hình, là người giàu giả dạng”. “Ngươi có bát vàng còn muốn xin gì nữa, rõ ràng muốn mang phiền toái xui xẻo cho chúng ta mà”, cho nên ai cũng cự tuyệt hắn.
Kỳ thực, người ăn xin này chính là một tên ăn mày thật sự, hắn chẳng qua là cùng phú hào đánh cược.
Chuyện kể rằng, tên ăn mày này thường đến nhà một người giàu có để xin ăn, trong lòng rất ghen tị với cuộc sống hạnh phúc của gia đình này, thường xuyên xin ăn và ăn xong cũng không chịu rời đi, hắn đứng ở góc đường xa xa quan sát bóng dáng người giàu có ra vào tấp nập. Quay đi quay lại làm phiền người giàu.
Một ngày nọ, phú hào nói với người ăn xin: “Chúng ta hãy đánh cược, nếu ngươi thắng, ta sẽ cho ngươi một vạn ha đất đai màu mỡ, và ngươi sẽ sống một cuộc sống sung túc, giúp ngươi thoát khỏi cảnh ăn xin. Nếu thua, ngươi đi ăn xin ở nhà người khác, không tới nhà ta nữa, được chứ?”. Tên ăn mày thầm nghĩ: “Thua cũng bất quá chỉ đi nơi khác, thắng thì mình liền phát tài, đánh cược thì đánh cược, nên đồng ý ngay”.
Người giàu đưa chiếc bát vàng cho người ăn xin và nói:
“Bắt đầu từ ngày mai, hãy cầm chiếc bát vàng này đi xin ăn. Trong vòng 3 ngày, chỉ cần có thể xin được một hạt gạo là ngươi giành chiến thắng. Đến lúc đó chẳng những ngươi có được ruộng đất mà cái bát vàng đó cũng để lại cho ngươi làm kỷ niệm”.
“Chuyện này còn không dễ dàng sao? Tôi lớn lên bằng cách đi ăn xin cả trăm nhà rồi chứ”. Kẻ ăn mày trong lòng mừng thầm, liền bắt đầu đi ăn xin 3 ngày. Không ngờ, thời gian 3 ngày rất mau chóng trôi qua, cái bát vàng trong tay hắn vẫn trống rỗng, một hạt gạo cũng không có.
Có người táo bạo trong làng dò xét anh ta và nói: “Cái bát vàng của anh bán cũng có thể đổi không ít tiền, tại sao anh lại xin chúng tôi thức ăn?”.
Người ăn xin liếc nhìn anh ta một cách khinh bỉ, nghĩ thầm “Ngươi thì biết cái gì? Nếu cái bát bị bán đi, thì tôi có thể lấy được hàng vạn mẫu đất màu mỡ không?” Người ăn mày có nỗi khổ không nói nên lời, anh ta sợ nói ra chuyện cá cược, nhỡ có kẻ ăn mày khác cướp lấy cái bát này, một hạt gạo đổi lấy một thửa ruộng, nên không dám nói ra sự thật, chỉ có thể cá cược đến cùng.
Bí mật của người giàu
Thấy mặt trời sắp lặn, thời hạn 3 ngày đang đến gần. Người ăn xin muốn thử vận may của mình ở một ngôi làng khác. Hắn đang đi trên đường núi, chiếc bát vàng trên tay bị một nhóm cướp nhìn chằm chằm. Bọn cướp bao vây người ăn xin, đánh đập hắn, giật lấy chiếc bát vàng và chửi rủa: “Đồ ăn mày thối tha, mày đáng được một cái bát tốt như vậy sao”.
Người ăn mày cầu xin đến hơi thở cuối cùng: “Cho tôi xin một hạt gạo được không? Chỉ một hạt gạo thôi”.
Bọn cướp hét lớn: “Lại lắm lời nữa thì mất mạng, còn không mau đi!”
Người ăn mày thất hồn lạc phách, bất tri bất giác vô tình lại đến trước cửa nhà người giàu một lần nữa nhưng lại ngất đi vì đói. Khi tỉnh dậy, người giàu đã lấy sẵn một ít thức ăn, đưa cho anh ta và nói: “Có chơi có chịu, ta cho ngươi những đồ ăn này, và từ nay về sau ngươi đừng bao giờ đến nơi này của ta nữa. Cái bát đó, ta coi như đã bị mất rồi, cũng sẽ không để ngươi bồi thường đâu”.
Trong cơn tuyệt vọng, người ăn xin hỏi: “Ông đã biết trước là tôi sẽ thua đúng không? Xin hỏi, nếu là ông, làm sao ông có thể dùng bát vàng để xin thức ăn?”.
Người giàu nói: “Những người giàu có như chúng ta đều biết rằng tiền bạc không được tiết lộ. Nếu là ta, ta sẽ trát cái bát vàng bằng bùn. Người khác sẽ cho rằng đây là cái bát làm bằng đất sét, vì vậy họ sẽ cho ngươi thứ gì đó để ăn. Nếu ngươi cầm bát vàng đi xin ăn, chẳng những làm người ta đề phòng, còn làm cho người ta hoài nghi, đụng phải người xấu thì suýt chút nữa mất mạng … Đi thôi, đừng để ta nhìn thấy ngươi nữa”.
Tại sao người ăn xin bỏ lỡ hạnh phúc
Người ăn xin hối hận không thôi, từ đó biến mất, không biết đi đâu. Thế nhưng câu chuyện cầm bát vàng đi xin ăn dần dần lan truyền rộng. Những người khác nhau tìm thấy những thật khác nhau trong đó.
Có người nói: Người ăn mày quá tham lam, muốn cả bát vàng lẫn đất đai ruộng vườn cùng một lúc, nhưng cuối cùng lại chẳng được gì.
Có người nói hạnh phúc của con người luôn luôn được cảm nhận trong trái tim của người khác, khi người ăn mày cầm bát vàng đi xin ăn, không biết có bao nhiêu người cho rằng người ăn mày đó vô cùng may mắn, mà anh ta không biết.
Người khác nói, hạnh phúc là gì? Bất hạnh là gì? Hạnh phúc là do chính mình phấn đấu và đạt được, còn bất hạnh bắt đầu từ sự đố kỵ, ghen tị với người khác. Khoảnh khắc người ăn xin trong lòng đố kỵ với người giàu, đã định trước bi kịch của mình.
Đối với hạnh phúc, mỗi người sẽ có câu trả lời khác nhau, nhiều người giống như bưng bát vàng đi cầu xin, có khi cả đời cũng không biết đến. Tại sao chúng ta luôn nhìn vào hạnh phúc của người khác mà không nhìn thấy giá trị của chính mình?
“Tu dưỡng mình kính cẩn” Khung cảnh cuộc sống là vô tận
Trong “Luận ngữ, hiến vấn 14″, Tử Lộ hỏi Khổng Tử: “Hạnh phúc là gì?” Khổng Tử trả lời: “Tu kỷ dĩ kính”, nghĩa là “tu dưỡng mình kính cẩn”. Thế mới nói, hạnh phúc đơn giản lắm, hãy cứ là chính mình và hoàn thiện những đức hạnh của riêng mình là được.
Con người đến với thế gian này, ai cũng có con đường riêng để đi, ai cũng có tâm trạng nhiều phiền muộn, ai cũng có vấn đề riêng, sau một hành trình dài, mỗi người đều tìm được câu trả lời riêng của họ. Vì vậy chúng ta không cần bắt chước người khác, hãy đi con đường của riêng của mình và không đố kỵ.
Nơi có ánh sáng ắt có bóng tối, hạnh phúc và khó khăn song hành. Chúng ta ghen tị với niềm vui và hạnh phúc của người khác, nhưng lại không biết rằng dưới ánh mặt trời ai cũng đều có ưu phiền, dưới nụ cười của người khác, có thể còn ẩn giấu nỗi đau sâu sắc hơn bạn.
Có câu nói rất hay, chúng ta ngưỡng mộ hạnh phúc của người khác, đột nhiên nhìn lại, mới thấy mình đang bị người khác đố kỵ. Hạnh phúc ở quanh ta, chỉ là bạn chưa khám phá ra. “Không cần phải đố kỵ với người khác, bản thân mình cũng là phong cảnh rồi”. Đời người ngắn ngủi, tựa như thoáng qua, thay vì nhìn người khác, tốt hơn hết là sống cuộc đời của mình như một phong cảnh tươi đẹp.
Kỳ Mai biên dịch