/Uống trà thôi
Tải ứng dụng
Trang chủ / Chia sẻ

3 Cách Nhìn Người của Người Xưa

3386 13:10, 18/07/2024
Team Uống Trà Thôi TRUYỆN TÍCH CỰC & SUY NGẪM

( từ)

3 Cách Nhìn Người của Người Xưa

Hàng ngày chúng ta đều phải làm việc, giao tiếp, hợp tác với rất nhiều người có tính cách khác nhau, chẳng lẽ ta không có một chút khái niệm về “cách nhìn người hay sao? Vậy chúng ta phải nhìn người như thế nào?

Kết bạn không cẩn thận sẽ không thấy được bộ mặt thật của người được gọi là “bạn”. Do vậy, thường khi bị “bạn” làm hại người ta phải thốt lên: “Đúng là tôi không có mắt!”. Nghe cách nói, nhìn cách thức và sự biểu lộ tình cảm của một ai đó ta có thể phán đoán tính cách của người đó.

Nếu như bạn không có khả năng nhìn người  thì bạn sẽ gặp phải những người “xấu”. Hàng ngày chúng ta đều phải làm việc, giao tiếp, hợp tác với rất nhiều người có tính cách khác nhau, chẳng lẽ ta không có một chút khái niệm về “nhìn người” hay sao? Vậy chúng ta phải nhìn người như thế nào?

 

1. Dùng thời gian nhìn người

Dùng thời gian để nhìn người là ám chỉ sự quan sát lâu dài, không phải là ngay từ lần đầu gặp mặt đã vội vàng đưa ra kết luận tốt xấu về một người nào đó. Kết luận vội vàng sẽ dẫn đến việc nhìn nhận lầm giữa kẻ xấu và người tốt, từ đó ảnh hưởng đến sự giao tiếp của mình với người đó sau này.

Ngoài ra con người còn vì lợi ích sinh tồn, đa số đều mang trên mình một chiếc mặt nạ. Khi gặp bạn họ thường đeo một chiếc mặt nạ giả. Đây là một hành vi có ý thức. Những chiếc mặt nạ chỉ có thể dùng khi gặp bạn, và chỉ thể hiện ra ở những góc độ mà bạn thích.

Nếu bạn chỉ căn cứ vào những điểm này mà phán đoán sự tốt xấu của một người, từ đó quyết định mức độ giao tiếp với người đó thì bạn có thể mắc phải sai lầm.

Dùng thời gian để nhìn người tức là sau lần gặp đầu tiên cho dù giữa bạn và người đó “Mới gặp mà như đã quen thân nhau từ lâu!” hay là “Không hiểu sao không thích người này!” đều cần phải có một khoảng trống, không nên để cho yếu tố tình cảm chủ quan tốt xấu được chen vào. Sau đó mình sẽ bình tĩnh quan sát hành vi của đối phương.

Thông thường, con người dù có che giấu tính cách của mình thế nào rồi cuối cùng sẽ lộ ra bộ mặt thật. Vì đeo mặt nạ là một hành vi có chủ ý nên lâu ngày sẽ tự mình cảm thấy mệt mỏi. Do vậy không còn cách nào khác cuối cùng đành tự tháo mặt nạ, từ đó tính cách thật cũng lộ ra.

Nhưng người đó không hề biết rằng bạn đang kề bên bình tĩnh quan sát hành vi và cách cư xử của anh ta. Tục ngữ có câu: “Thức lâu mới biết đêm dài, chơi lâu mới biết là người cố nhân”. Dùng thời gian để nhìn người chính là để áp dụng câu châm ngôn trên.

Dùng “thời gian” thường rất dễ để nhận ra mấy loại người dưới đây:

  1. Người không thành khẩn: Vì anh ta không thành thực, do vậy lúc đầu rất nhiệt tình, sau đó lại thờ ơ; lúc đầu thân thiện, sau lại xa lạ. Dùng “thời gian” để nhìn nhận ta có thể nhận ra sự thay đổi này.

  2. Người nói dối: Loại người này thường không ngừng dùng sự dối trá để che lấp những lời nói dối. Nói dối lâu, sau đó sẽ lộ ra kẻ hở từ đầu đến cuối. Dùng “thời gian” chính là công cụ sắc bén để kiểm nghiệm những lời nói dối đó.

  3. Người lời nói không đi đôi với hành động: Loại người này nói và làm là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

Dùng “thời gian” để nhìn nhận có thể phát hiện ra sự không đồng nhất trong lời nói và hành động.

Tóm lại, trên thực tế, dùng “thời gian” có thể nhìn ra bất kể loại người nào, bao gồm cả kẻ tiểu nhân và người quân tử.

Phải mất một thời gian dài mới có thể nhìn ra được tính cách thật của một người. Ở đây không có một tiêu chuẩn nào, mà chúng ta phải hoàn toàn dựa theo những tình huống khác nhau. Cũng có thể nói, có người ngay từ lần tiếp xúc thứ hai, thứ ba đã bị ta hiểu thấu bên trong.

Nhưng cũng có người mà chơi với họ hai, ba năm, con người thật của họ vẫn còn nằm trong vòng “bí mật”. Họ có tài che giấu hoặc có cái gì đó sâu kín bên trong làm cho ta không thể nào hiểu rõ họ được.

Do vậy tiếp xúc với người lạ, giống như tiếp xúc với một miền đất mới, không nên quá vồn vã, nên lùi vài bước, dành cho mình thời gian để nghe ngóng, quan sát. Đây là cách bảo vệ bản thân tối thiểu nhất mà bạn cần phải làm.

 

2. Dùng “nghe ngóng” để nhìn người

Dùng “thời gian” để nhìn người cũng có điểm tốt, nhưng cũng có lúc không đáp ứng được yêu cầu cấp bách: Chỉ qua một vài ngày phải quyết định có nên hợp tác với một người nào đó hay không, nhưng lại không hiểu người đó là người thế nào. Nếu dùng thời gian quan sát lâu dài thì không thể nào kịp được.

Gặp phải tình huống này, có người hoàn toàn dựa vào trực giác của mình: cho rằng tốt là tốt, không tốt là không tốt. Liên quan đến trực giác, có người khá chính xác, đây là hiện tượng tâm lý rất hay, rất khó giải thích được. Nhưng cũng cần khuyên bạn nên ít dùng “trực giác” để nhìn người. E rằng có những kinh nghiệm trực giác đã qua là chính xác, nhưng cũng có những kinh nghiệm đã qua có thể dẫn đến việc nhìn lầm người trong tương lai.

Vì tính nết của con người là vô cùng đa dạng, cái đúng với người này chưa chắc đúng với người khác, cái đúng trong quá khứ chưa chắc đúng trong tương lai. Vì trạng thái tâm sinh lý của con người bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh lúc gặp gỡ, tiếp xúc với nhau, nên có thể trực quan của bạn bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh. Trong trường hợp này nếu hoàn toàn dựa vào trực giác sẽ rất nguy hiểm.

Cách thức nhìn người bổ ích mà ta có thể dựa vào là nghe ngóng từ mọi phía. Con người ta luôn phải giao tiếp với người khác, đồng thời bản tính dễ bị lộ ra bởi người thứ ba không liên quan. Cũng có thể người mà ta quan sát không biết người thứ ba, nhưng người thứ ba này lại biết người mà ta đang quan sát. Người thứ ba này sẽ giúp ta quan sát hành vi và cách cư xử của anh ta.

Con người làm sao đeo mặt nạ mãi được. Khi mà không có đối thủ trên vũ đài thì chiếc mặt nạ kia sẽ được gỡ xuống, lúc đó mọi người đều có cơ hội nhìn thấy bộ mặt của anh ta. Khi một người giao tiếp, hợp tác với người khác, mọi người sẽ có những ấn tượng khác nhau về người đó.

Bạn nên nghe ngóng những ý kiến khác nhau về hành vi và cách cư xử của anh ta. Đáp án của mọi người sẽ có sự chênh lệch vì mỗi người đều có cách nhìn nhận tốt xấu không giống nhau. Bạn có thể tập hợp những điều nghe thấy lại, tìm ra những điểm tương đồng nhất, qua đó bạn sẽ có thể hiểu một cách khái quát về tính cách thật của anh ta.

Điểm tương đồng giữa các nhận xét cũng có thể là điểm chủ yếu trong tính cách của anh ta. Nếu trong 10 người có 9 người nói “xấu”, vậy bạn cần phải cẩn thận. Nếu trong 10 người có 9 người nói “tốt”, vậy quan hệ với anh ta không có vấn đề gì cả.

Nhưng nghe ngóng cũng cần phải xem đối tượng. Nếu bạn nghe từ bạn thân của anh ta thì đương nhiên bạn chỉ nghe những lời nói tốt. Hãy nghe từ những đối thủ của anh ta bạn sẽ nghe được những lời nói xấu. Tốt hơn, bạn nên hỏi những người không có quyền lợi hay lợi ích gì khi quan hệ với anh ta, không nhất định phải là bạn bè, mà có thể là đồng nghiệp, bạn cùng lớp, cùng xóm… ai ta cũng có thể hỏi.

Quan trọng là phải tổng hợp lại những điều đã hỏi, không nên chỉ nghe từ một phía, từ một cá nhân nào đó. Lẽ đương nhiên nghe ngóng cần có kỹ xảo. Hỏi quá trắng trợn sẽ làm đối phương hoài nghi, không dám nói thật với mình.

Tốt nhất là dùng phương pháp nói chuyện rồi dần gợi chuyện để hỏi, kỹ năng này ta cũng cần phải luyện tập. Chúng ta thường nói “rau nào sâu nấy”, “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Điều này có nghĩa là người như thế nào sẽ chơi với người thế nấy.

Cách nhìn nhận và quan điểm sống của những người bạn chơi cùng nhau phải có những điểm tương đồng thì họ mới có thể chơi với nhau. Do vậy người có tính tình cương trực, thẳng thắn khó có thể hợp với người mưu lược; người thích rượu chè, cờ bạc không thể trở thành bạn thân của người mực thước. Quan sát bạn bè của một người, ta có thể biết được một cách khái quát về người đó.

Ngoài việc kết bạn, ta còn có thể nghe ngóng tình hình trong gia đình anh ta. Hãy xem anh ta cư xử với cha mẹ như thế nào, đối với anh chị em ra sao, đối với hàng xóm như thế nào. Nếu như bạn nghe được những điều không tốt về cách cư xử của anh ta trong gia đình thì bạn nên cẩn thận với người này.

Vì nếu đối xử với người thân không tốt thì làm sao có thể đối xử tốt với bạn được. Nếu người đó đối xử tốt với bạn tất nhiên là có một mưu đồ gì khác. Nếu anh ta đã có vợ con thì cũng có thể xem cách anh ta đối xử với vợ con ra sao. Nếu đối xử với vợ con không tốt, loại người này phải nên đề phòng. Nếu người mà bạn quan sát là phụ nữ, thì cũng phải quan sát cách cư xử của cô ta với chồng con, lý do cũng giống ở trên.

 

3. Dùng “điểm tương đồng, sở thích” để nhìn người

Có nhiều cách để nhìn nhận và đánh giá một con người, nhưng không phải ai cũng hiểu và áp dụng được một cách thành thục những cách này.

Có một câu chuyện trong  ngụ ngôn Hy Lạp rất đáng để tham khảo, câu chuyện như sau:

Có một vị quân vương nuôi vài con khỉ trong nhà. Anh ta luyện cho chúng cách nhảy múa, và mặc cho chúng những bộ quần áo tuyệt đẹp, đeo cho chúng những chiếc mặt nạ hình mặt người. Khi lũ khỉ nhảy múa trông rất giống như những con người thật đang nhảy múa vậy.

Một ngày kia, vị quân vương bắt bọn khỉ nhảy múa để cho các triều thần được thưởng thức. Sự diễn xuất điêu luyện của lũ khỉ đã nhận được những tiếng vỗ tay khen ngợi từ mọi người. Nhưng trong số các triều thần, có một vị đã cố ý làm rơi một trái chuối trên sàn nhà. Những con khỉ thấy vậy đã tháo lớp mặt nạ, lao vào để tranh nhau trái chuối. Kết quả là cuộc trình diễn tinh vi của lũ khỉ đã trở thành trò chế giễu cho mọi người.

Câu chuyện ngụ ngôn này nói rõ bản tính của khỉ không thể thay đổi dù đã được học nhảy múa và đeo mặt nạ. Khỉ vẫn là khỉ, nhìn thấy trái chuối sẽ lộ nguyên hình.

Cũng vẫn đúng nếu ta đem so sánh giữa con người với các chú khỉ ở trên. Con người ta hàng ngày không phải đang đeo những chiếc mặt nạ để đóng các vai và để biểu diễn trên sân khấu của cuộc đời hay sao?

Do vậy kẻ tiểu nhân đang đeo mặt nạ nhiều khi sẽ làm cho bạn lầm tưởng đó là quân tử. Kẻ ác đeo mặt nạ nhiều khi làm cho bạn nhầm tưởng đó là người lương thiện. Kẻ háo sắc đeo mặt nạ làm bạn tưởng nhầm là người đoan chính, tử tế.

Những chiếc mặt nạ mà con người đang đeo làm chúng ta không thể đề phòng và lường trước được nhiều tình huống. Chúng ta đối nhân xử thế, tất nhiên không muốn làm hại đến ai, nhưng việc phòng ngừa người khác rõ ràng là điều cần thiết để tự bảo vệ mình. Do vậy khả năng nhận biết được những chiếc mặt nạ cũng là một kỹ năng sống quan trọng mà chúng ta cần rèn luyện.

Bài học từ câu chuyện ngụ ngôn về lũ khỉ kể trên là một kinh nghiệm đáng lưu tâm trong cách nhìn nhận và đánh giá con người. Khỉ không thay đổi bản tính thích ăn trái cây, do vậy khi nhìn thấy trái chuối nó quên ngay rằng nó đang nhảy múa mua vui mọi người.

Biểu hiện của con người có thể không trực tiếp giống như khỉ, nhưng cho dù anh có cải trang thế nào, gặp phải thứ trong lòng yêu thích, anh ta sẽ vô thức và hiện rõ bộ mặt thật của chính mình.

Do vậy kẻ háo sắc bình thường rất tử tế nhưng nhìn thấy người đẹp, hai mắt sẽ dán chặt vào người đẹp, ngôn từ thất thái; kẻ thích đánh bạc bình thường không đam mê, nhưng nhìn thấy chiếu bạc không thể kìm nén được bản thân. Không phải họ không biết nếu lộ những bản tính này ra là không tốt, nhưng một khi đã gặp phải sở thích của mình họ liền lộ ra ngay bộ mặt thật cũng giống như lũ khỉ kia vậy.

Áp dụng trên thực tế, bạn có thể chủ động tạo tình huống để người đó bộc lộ những sở thích, ham muốn của mình. Có thể đưa ra ví dụ như, nếu bạn muốn tìm hiểu tính cách tốt xấu của một người, bạn có thể chủ động sắp xếp để người đó có cơ hội được bộc lộ con người thật của mình, không cần phải bộc lộ những mặt giả, thậm chí anh ta còn quên mất mình là ai, từ đó lộ rõ bộ mặt thật của anh ta.

Trong những tình huống đó anh ta có thể thoải mái làm những điều mình muốn, mình thích. Qua những tình huống, những hoàn cảnh mà con người được sống thật là mình bạn có thể hiểu thêm về những tính cách khác của người này và lấy đó để tham khảo cho việc kết giao với anh ta.

Có một số nhà kinh doanh đã dùng phương pháp này để nắm bắt tâm lý khách hàng. Nếu bạn không có năng lực sắp xếp tình huống, vậy thì bạn nên tận dụng mọi cơ hội để quan sát anh ta trong những tình huống mà anh ta không ngờ nhất, như khi tiếp xúc với một người phục vụ, một người ăn xin, một đứa trẻ con, một người xa lạ…

Quan sát này có ý nghĩa sâu sắc hơn so với sự sắp đặt vì đối tượng bị quan sát không phòng bị, bộ mặt thật lộ ra tương đối sát thực.

Nhìn người thông qua những sở thích, điểm tương đồng của một người không nhất thiết có thể giúp bạn nhận ra anh ta là người quân tử hay kẻ tiểu nhân, nhưng có thể giúp bạn thấy được nhân phẩm, mà nhân phẩm của một người ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi và cách cư xử của người đó, thậm chí ảnh hưởng đến sự lựa chọn giữa thiện và ác của người đó. Cho dù để kết bạn hay để tìm đối tác, đây là những tiêu chí tham khảo rất quan trọng.

 

Team Uống Trà Thôi sưu tầm

4 0 4,871 0.0
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết

Có thể bạn quan tâm

Thomas Edison - Người Học Trò Hư Nhất
Team Uống Trà Thôi TRUYỆN TÍCH CỰC & SUY NGẪM
911 15:19, 13/08/2021
0 0 19,255 0.0
Thomas Edison - Người Học Trò Hư Nhất

Thomas Edison là một nhà kỹ thuật nổi tiếng của Hoa Kỳ hồi đầu thế kỷ thứ 20. Người ta kể rằng số lượng những phát minh sáng chế của ông nhiều đến nỗi, chỉ riêng những vết chân ông đi từ nhà đến phòng cấp bằng phát minh cũng đủ làm mòn cỏ để tạo nên một con ...
Sự tích Vu Lan báo hiếu
Team Uống Trà Thôi TRUYỆN TÍCH CỰC & SUY NGẪM
898 13:22, 09/08/2021
1 0 15,984 0.0
Sự tích ngày lễ Vu Lan báo hiếu và nghi thức 'Bông hồng cài áo'

Tháng 7 âm lịch hàng năm là mùa Vu Lan báo hiếu. Thường vào thời điểm này trong năm những người con thảo cháu hiền không ai bảo ai, tự nhiên cảm thấy lòng mình lâng lâng nỗi niềm bâng khuâng tưởng nhớ đến ông bà cha mẹ. Dưới đây là sự tích về ...
Tình Mẫu Tử - Câu Truyện Mùa Vu Lan
Team Uống Trà Thôi TRUYỆN TÍCH CỰC & SUY NGẪM
894 10:43, 09/08/2021
0 0 14,901 0.0
Lễ Vu Lan - Lễ báo hiếu cha mẹ là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo trùng với Rằm tháng bảy Xá tội vong nhân của người Á Đông.
Trong không khí của mùa Vu Lan những ngày tháng 7 âm lịch này, xin kính mời quý vị đến với một câu chuyện vô cùng cảm động về tình mẫu tử.

Ở xứ sở hoa anh đào năm ...
Đừng bỏ quên cha mẹ - Tập truyện Mùa Vu Lan
Team Uống Trà Thôi TRUYỆN TÍCH CỰC & SUY NGẪM
893 10:33, 09/08/2021
0 0 14,463 0.0
Câu chuyện xúc động mùa Vu lan: Đừng bỏ quên cha mẹ!
Team Uống Trà Thôi sưu tầm

Tôi còn nhớ như in mùi mồ hôi, chiếc xe dream cũ và mái đầu đã phủ bạc ngày hôm ấy, bác xe ôm già với tấm lưng gầy gò khiến tôi nhớ da diết người bố đã khuất của mình.
"Cháu ơi, cháu đi xe ôm thì đi đâu bác đưa đi này, bác ...
Ý nghĩa của việc thỉnh chuông
Team Uống Trà Thôi TRUYỆN TÍCH CỰC & SUY NGẪM
892 09:47, 09/08/2021
0 0 16,506 0.0
Ý nghĩa của việc thỉnh chuông
Tiếng chuông chùa cũng là Pháp âm, nên sự chú tâm thành kính trong thỉnh chuông, không những giúp cho người dương thức tĩnh, lâng lâng cõi lòng, hướng tâm về cõi thiện lành, mà còn giúp cảm hóa cho cõi âm được nhẹ nhàng siêu thoát.

Chuông là một pháp khí linh thiêng, quan trọng trong nghi ...
GIỚI THIỆU CÁC TRÀ QUÁN
GIỚI THIỆU SÁCH HAY
×
Uống Trà Thôi
Chỉ 30s tải app cực nhẹ và trải nghiệm!