Quảng Đức là tên gọi một làng gốm ở xã An Thạch huyện Tuy An tỉnh Phú Yên. Cách đây hơn 300 năm, gốm Quảng Đức rất nổi tiếng không chỉ bởi kiểu dáng độc đáo mà còn do cách nung riêng biệt bằng vỏ sò đầm Ô Loan và đất sét An Định.
Gốm Quảng Đức có mặt ở khắp nơi trong cả nước, nhưng nhiều nhất là ờ các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Giờ đây, gốm Quảng Đức đã thất truyền và sản phẩn chỉ còn lại trong các bộ sưu tập cá nhân.
Ghè rượu cổ bằng gốm Quảng Đức có men màu hồng
Hiện nay ở Tuy An vẫn còn làng gốm nhưng chỉ sản xuất đồ đất nung chứ không làm loại gốm tráng men như trước đây. Theo những cụ già trong làng kể lại, cách nay trên 300 năm có một dòng họ Nguyễn từ Bình Định di cư đến đây, họ mang theo nghề làm gốm từ làng Gò Sành. Đây là nơi sản xuất một loại gốm rất có tên tuổi và được ưa chuộng.
Nhà sưu tầm, “Vua đồ cổ” Đinh Công Tường sắp xếp đồ gốm Quảng Đức trong kho
Tuy nhiên, do cách nung riêng nên gốm Quảng Đức khác hẳn gốm Gò Sành và các loại gốm khác như Bàu Trúc, Bát Tràng hay Sa Huỳnh. Gốm Quảng Đức nhìn chung thô mộc, không cầu kỳ nhưng màu sắc rất khác lạ thâm chí là bí ẩn đến độ huyền bí.
Theo nhà sưu tầm – “Vua đồ cổ”, Đinh Công Tường thì gốm Quảng Đức cơ bản có các màu như: xanh ngọc, nâu, gan gà, nâu vàng… nhưng nâu huyết là quý nhất. Bởi vì loại gốm màu này được hình thành khi nung với vỏ sò, huyết trong vỏ sò tan chảy hòa trộn với men gốm mà tạo nên màu men độc đáo này.
Những món đồ cổ bằng gốm Quảng Đức rất quý hiếm
Gốm Quảng Đức được nung trong lò có nhiệt độ lên đến trên 500 độ C, từ loại củi cây bằng lăng, kết hợp với thứ vỏ sò huyết chỉ có ở vùng đầm Ô Loan tỉnh Phú Yên và thứ đất sét xanh, đất sét vàng ở An Định. Vỏ sò huyết gặp nhiệt độ cao tan chảy, quyện vào đất sét tạo ra thứ men độc đáo không nơi nào có được. Đất sét xanh để làm các loại gốm thông thường còn đất sét vàng để chế tác các sản phẩm gốm cao cấp.
Ghè cổ gốm Quảng Đức với hoa tiết hoa văn lạ, độc đáo
Sản phẩm gốm Quảng Đức theo Kỷ lục gia Đinh Công Tường thì rất đa dạng. Bao gồm ghè đựng rượu cần cho người dân tộc thiểu số trên Tây Nguyên, lọ đựng nước, chén, nồi, bình trà, nậm rượu đến trã kho cá, lu đựng nước, chậu…
Hiện tại số cổ vật thuộc dòng gốm Quảng Đức còn lại rất ít, nhất là các sản phẩm gốm có chất men màu xanh ngọc, màu đỏ huyết. Chỉ những nhà sưu tầm tâm huyết và có nghề mới tìm được – nhưng cũng không nhiều, những món đồ thuộc loại độc nhất vô nhị này. Mới đây, một người ở thành phố Tuy Hòa đã sưu tầm được 2 chiếc bình vôi nằm trong bộ sưu tập của Ngô Đình Cẩn-một nhà sưu tầm cổ vật nổi tiếng ở miền Trung trước đây. Chứng tỏ gốm Quảng Đức đã được quan tâm từ rất sớm.
Bình đựng nước gốm Quảng Đức cổ
Trong bộ sưu tập hàng vạn món đồ cổ về gốm sứ của Đinh Công Tường, số đồ cổ thuộc làng gốm Quảng Đức cũng chỉ có khoảng vài chục món và anh luôn rất quý trọng gìn giữ. Ngoài chiếc ghè màu huyết độc đáo và quý hiếm, Đinh Công Tường còn có chiếc ghè cổ trang trí hoa văn, họa tiết tinh tế và sang trọng và cả những chiếc lọ trơn rất giản dị, mộc mạc nhưng đẹp kỳ lạ.
Ché rượu gốm Quảng Đức màu men xanh ngọc
Gốm Quảng Đức là di sản văn hóa rất độc đáo và đã bị thất truyền. Chính vì vậy, lưu giữ, bảo tồn và quảng bá rộng rãi sản phẩm gốm Quảng Đức là việc cần phải làm ngay. Việc khôi phục lại làng gốm Quảng Đức ở Phú Yên có thể nói là không thể. Bởi vì cho đến nay những nghệ nhân biết cách làm gốm Quảng Đức gần như đã không còn và quy trình sản xuất cũng bị mai một. Thiết nghĩ, Nhà nước nên mua lại sản phẩm gốm Quảng Đức của các nhà sưu tầm để bảo quản tránh việc buôn bán trái phép sẽ tổn thất rất lớn vì không thể tìm lại được. Nhà nước cũng nên sưu tầm, triển lãm để quảng bá đến nhiều người dòng gốm quý coi như đã không còn trên thế gian này.
NGỌC TÁNH
Theo baodansinh.vn