Gốm Gò Sành là một “ngôi sao” rực sáng trên bầu trời khu vực lúc đương thời và lụi tàn nhanh chóng chỉ sau hơn một thế kỷ tồn tại, để lại biết bao lời giải thích mà vẫn không mấy thỏa mãn với người hậu thế.
Gò Sành là một loại gốm được sản xuất ở vùng đất thuộc thôn Phú Quang, xã Nhơn Hòa, cách huyện lỵ An Nhơn, tỉnh Bình Định 7km về hướng Tây - Nam, sát với Sông Côn.
Cho đến nay, gốm Gò Sành đã trải qua 4 lần khảo cổ học, vào những năm 1991, 1992, 1993 và 1994, chưa kể những cuộc điều tra điền dã không chính thức vào giữa thập kỷ 70 và những năm đầu thế kỷ 21.
Những cuộc nghiên cứu này cho hay, đây là một trung tâm sản xuất gốm rộng lớn, khoảng 30 ha, với nhiều gò thấp - loại địa hình khá thuận lợi cho việc tạo dựng lò nung gốm. Lò nung ở đây đều là lò ống có một bầu nung, cho dù chất liệu và kỹ thuật xây cất có nhiều khác biệt đáng kể giữa các lò.
Hiện vật gốm Gò Sành trưng bày trong bảo tàng.
Sản phẩm gốm Gò Sành tìm thấy phong phú về chủng loại, có thể tạm gom thành ba nhóm: vật liệu xây dựng, đồ gia dụng, vật dụng sử dụng cho nghề gốm. Với bốn lần khai quật, thu được 5922 tiêu bản, gồm hai dòng chủ yếu là gốm men và đất nung. Qua nghiên cứu, có thể thấy, gốm Gò Sành có mặt không chỉ ở Bình Định, mà còn ở Thừa Thiên Huế, Hội An, Bình Thuận, Lâm Đồng… và vươn ra các nước trong khu vực, như Tiuman (Malaysia), Calatagan (Philippines), Borno (Indonexia) và đến với vùng Trung Cận Đông xa xôi, như AlTur (Sinai), Junfar (Ả Rập)… chứng tỏ Gò Sành là một trung tâm sản xuất gốm khá quy mô, sầm uất, từng có tiếng tăm và đã giao lưu rộng trên thị trường gốm quốc tế lúc đương thời.
Với vị trí và ảnh hưởng đối với gốm thương mại nên kể từ khi được khai quật cho đến nay, gốm Gò Sành đã gây được sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để luận bàn, kiến giải về những vấn đề liên quan như quy trình kỹ thuật sản xuất, thị trường tiêu thụ, đặc biệt là chủ nhân, niên đại tồn tại, nguyên nhân lụi tàn… của gốm Gò Sành trong lịch sử.
Về chủ nhân, còn nhiều ý kiến khác nhau. Ba yếu tố văn hóa của ba tộc người Hoa, Việt và Chăm đều có mặt trên các sản phẩm gốm Gò Sành là một thực tế không thể phủ nhận. Tuy nhiên, qua những cứ liệu lịch sử, những người chủ chính thức là người Chăm có vẻ như hợp lý hơn cả. Những yếu tố Hoa - Việt là một tất yếu của giao lưu, đan xen văn hóa.
Về niên đại, cũng không ít những cuộc tranh luận, nhưng đa số cho rằng khu lò này tồn tại từ cuối thế kỷ 13 đến năm 1471 niên điểm cuối cùng của thể chế chính trị quốc gia Chăm ở Bình Định.
Gò Sành tồn tại hơn một thế kỷ rồi lụi tàn dường như là một sự trùng hợp với sự chấm dứt thể chế chính trị quốc gia Chăm ở Bình Định. Đó cũng là cách giải thích và cách hiểu về lò gốm SoKhoThai (Bắc Thái Lan) có niên đại tương đồng với Gò Sành đã bị người Miến Điện tiêu diệt. Cách giải thích ấy chỉ một phần ổn thỏa, vì nếu như dân tộc Chăm vẫn tồn tại như một thực thể, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm gốm Gò Sành của dân chúng vẫn tồn tại như ở thời hoàng kim thì có thể gốm Gò Sành sớm tắt trên bầu trời gốm sứ thế giới cũng có thể không đơn thuần do chiến tranh, mà bởi chính sự cạnh tranh ngành nghề, khi chính sách “bể quan tỏa cảng” của Triều Minh (Trung Quốc) được dỡ bỏ, nghề gốm truyền thống vốn ưu việt của họ được phát huy và chiếm lĩnh lại thị trường khu vực, khiến cho gốm Đại Việt, gốm Xiêm và cả gốm Chăm không còn chỗ đứng.
Mọi chuyện vẫn như chưa có hồi kết. Những bí ẩn từ gốm Gò Sành còn khiến những thế hệ kế tiếp tốn nhiều công sức để khám khá.
TS Phạm Quốc Quân