Thay vì loại bỏ những món đồ gốm sứt mẻ hư vỡ, người Nhật lại có cách “hồi phục” cho những vật phẩm này bằng những đường ghép nối phủ vàng hay còn gọi là Kintsugi. Đồ gốm sau khi được sửa chữa mang trên mình những lằn chỉ vàng như một dấu ấn đầy vinh quang sau rạn vỡ- một cách tôn vinh vẻ đẹp của sự bất toàn.
Kintsugi dịch ra là Mộc Vàng, là một kỹ thuật phục chế tinh vi vốn biểu trưng cho phong cách sống khiêm nhường luôn vượt lên nghịch cảnh của người Nhật Bản. Người nghệ sỹ Kintsugi sử dụng mối nối vàng để hàn gắn lại những món đồ hư cũ. Những mảnh vỡ được thu nhặt lại rồi ghép dính với nhau bằng một hỗn hợp keo bí truyền trộn cùng vàng, bạc hoặc platinum. Không chỉ trả về hiện trạng nguyên vẹn cho chén đĩa, quá trình kintsugi còn tôn vinh lên những đường nứt, biến chúng trở thành dấu ấn của sự vĩnh cửu, của hồi sinh sau những rạn vỡ, và trở thành nét đẹp trân quý của sự độc bản, bất toàn. Mỗi một chiếc bát mang trên mình những đường nứt vỡ khác nhau, không chiếc nào giống chiếc nào, sau kintsuki những đường ấy trở thành vết chạm lịch sử. Vỡ nát tưởng chừng rơi vào kết thúc nay biến mình thành vàng son khắc nét khởi đầu cho một câu chuyện.
- Về cơ bản, Kintsugi có 3 kỹ thuật phục chế chính:
+ Phương pháp trám đường nứt rãnh (Crack): là quy trình cơ bản nhất thuộc Kintsugi. Nghệ nhân sẽ tìm cách ghép lại các mảnh vỡ, trám mịn các đường nứt rãnh thậm chí lấp các vùng sứt mẻ nhỏ bằng hỗn hợp vàng. Thành quả tạo được là đường vân nổi ánh kim tinh tế hoặc những mấu vàng chấm phá rất đẹp.
+ Phương pháp thay cả mảnh (Piece method): trong trường hợp mảnh vỡ bị thiếu quá lớn, nghệ nhân sẽ dùng loại keo vàng hoặc hợp chất vàng sơn mài để ốp lên thành mảng thay thế. Kỹ thuật này phô diễn trọn vẹn sự tỉ mỉ cùng tay nghề điêu luyện của nghệ nhân.
+ Phương pháp ghép lai (Joint call): là phương pháp để nghệ nhân trình diễn tài năng kết hợp cũng như con mắt thẩm mỹ tuyệt vời khi ghép một mảnh vỡ khác loại vào sản phẩm. Mảnh ghép lai này tuy khác biệt mà lại hoà hợp với tổng thể với những tương đồng trong màu sắc hoặc bố cục hoạ tiết đem lại một thành phẩm có giá trị sáng tạo độc đáo.
Nếu đã biết đến Kintsugi và những kỹ thuật tinh tế sau quá trình đó, bạn vẫn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi biết một vật phẩm Kintsugi trong thực tế trở nên giá trị hơn rất nhiều so với phiên bản lành lặn nguyên thuỷ của mình. Nếu mỗi mảnh vỡ còn sót lại đại diện cho sự quyết tâm, từ chối buông xuôi của người chủ thì keo và vàng là trọn vẹn tâm huyết, kỹ năng và tinh hoa của người nghệ nhân.
Không chỉ là một hình thức nghệ thuật đầy tinh vi sáng tạo, kintsugi còn là phần mở rộng của triết lý wabi sabi thiêng liêng và độc tôn trong quan niệm thẩm mỹ truyền thống của người Nhật Bản. Theo wabi sabi, không có gì trên đời là vĩnh hằng, bất biến, cũng không gì tồn tại mà trọn vẹn, hoàn hảo tuyệt đối. Mọi sự tất thảy đều vô thường và đôi lúc thậm chí dở dang. Thay vì tìm cách ẩn dấu, khuất lấp tài tình những khiếm khuyết trên đồ gốm như người phương Tây, người Nhật lại chọn cách chấp nhận và phô diễn những sai sót, tôn vinh chúng như một phần không thể thiếu của bản chất sự vật- đầy lỗi lầm nhưng cũng vô cùng chân thật.
Kintsugi từ một kỹ thuật sửa chữa gốm sứ nay đã được nâng lên thành một quan điểm sống, đó là yêu lấy những gì không vẹn toàn, chấp nhận nứt vỡ như một phần tất yếu của cuộc sống. Kintsugi giúp ta thấu hiểu được giá trị của sự bền bỉ và càng thêm khâm phục lối sống khiêm nhường, đối đãi rất trọng của người Nhật với mọi thứ xung quanh mình. Họ không bao giờ lãng phí và vô ơn với những gì mình được trao tặng, càng không vứt bỏ dễ dàng khi vướng phải nghịch cảnh, khó khăn.
Uống Trà Thôi
Theo ELLE Decoration