/Uống trà thôi
Tải ứng dụng
Trang chủ / Chia sẻ

Gốm sứ Việt xưa ở Nhật Bản

3523 08:09, 22/10/2024
Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC

( từ)

Gốm sứ Việt xưa ở Nhật Bản
Gốm sứ cổ Việt Nam có mặt ở rất nhiều nước trên thế giới, chủ yếu là do các nhà sưu tầm cổ vật hoặc các bảo tàng nước ngoài sưu tầm thông qua các hình thức mua bán, cả hợp pháp và bất hợp pháp, trong khoảng 50 năm trở lại đây. Tuy nhiên, gốm sứ cổ Việt Nam hiện diện ở Nhật Bản có sự khác biệt. Đó là gốm sứ khai quật được trong các di chỉ khảo cổ học ở Nhật Bản và gốm sứ được giới quý tộc và thương nhân Nhật Bản mua về để sử dụng trong nghi thức trà đạo trong từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII.

Gốm sứ Việt trong các di chỉ khảo cổ Nhật Bản

Năm 2013, khi thực hiện đề tài nghiên cứu “Quan hệ giữa Đàng Trong Việt Nam với Nhật Bản từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XVIII” do Sumitomo tài trợ, tôi đã đi đến các trung tâm nghiên cứu khảo cổ học và các di chỉ khảo cổ ở nhiều thành phố của Nhật Bản như: Sakai (phủ Osaka), Naha (tỉnh Okinawa), Dazaifu (tỉnh Fukuoka), Nagasaki (tỉnh Nagasaki), Machida (thủ đô Tokyo)… để nghiên cứu những đồ gốm Việt Nam được phát hiện ở những nơi này. Kết quả là tôi và các đồng nghiệp Nhật Bản đã xác định được nhiều gốm sứ Việt Nam (cả Đàng Trong và Đàng Ngoài) và gốm Champa, có niên đại từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII hiện diện tại các di chỉ vốn là cảng thị cổ và thành lũy cổ ở Nhật Bản. Ngoài ra, từ năm 1995 đến nay, hai nhà khảo cổ học Nhật Bản là Nishimura Masatoshi (đã qua đời vào tháng 6/2013) và Nishino Noriko cũng đã đi đến hầu hết các di chỉ có phát hiện gốm sứ Việt Nam ở trên toàn lãnh thổ Nhật Bản để nghiên cứu về gốm sứ cổ Việt Nam ở Nhật Bản. Kết quả nghiên cứu của tôi và của vợ chồng Nishimura - Nishino về gốm sứ cổ Việt Nam ở Nhật Bản có thể tóm lược như sau:

- Từ giữa thế kỷ XIV đến cuối thế kỷ XIV, đồ gốm Việt Nam đã du nhập vào Nhật Bản thông qua “con đường” Wako (Hòa khấu: cướp biển Nhật Bản), nghĩa là hải tặc Nhật Bản đánh cướp hàng hóa của các tàu buôn trên biển, trong đó có đồ gốm Việt Nam, rồi đưa về Nhật Bản. Tại các di chỉ ở Hakata, Dazaifu, Iki, Tsushima, Osaka, Hiroshima… các nhà khảo cổ học Nhật Bản đã phát hiện nhiều đồ gốm có niên đại vào nửa sau thế kỷ XIV, chủ yếu là gốm men trắng, gốm men nâu, gốm men ngọc và gốm men trắng vẽ lam thời Trần, tương tự với những đồ gốm phát hiện ở di chỉ Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội) và những đồ gốm phát hiện ở Thành nhà Hồ (Thanh Hóa).

- Đầu thế kỷ XV, gốm Việt Nam bắt đầu du nhập vào Nhật Bản thông qua con đường trao đổi hàng hóa. Tại Hakata đã phát hiện những đồ gốm Việt Nam có niên đại vào đầu thế kỷ XV, chủ yếu là gốm men ngọc thời Trần có đáy tô men nâu. Ngoài ra, vào đầu thế kỷ XV, vương quốc Ryukyu (Lưu Cầu, nay là tỉnh Okinawa) và phiên Satsuma (nay là tỉnh Kagoshima) đã có quan hệ giao thương với Việt Nam, vì thế đồ gốm Việt Nam bắt đầu nhập khẩu vào những nơi này. Những đồ gốm Việt Nam phát hiện ở Okinawa và Kagoshima chủ yếu là gốm men trắng và gốm men ngọc đáy mộc, niên đại vào nửa đầu thế kỷ XV. Ở Sakai, ngoài gốm Việt có xuất xứ từ Đàng Ngoài còn có gốm Champa có niên đại vào thế kỷ XV. Những đồ gốm men trắng vẽ lam và gốm men trắng vẽ men tam thái của lò Chu Đậu (Hải Dương), cùng các đồ gốm men ngọc, men trắng và men nâu… của dòng gốm Gò Sành (Bình Định) có niên đại khoảng cuối thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI cũng được phát hiện trong các di chỉ ở Sakai.

- Đồ gốm Việt Nam có niên đại vào nửa đầu thế kỷ XVI được phát hiện tại các di chỉ ở Sakai, Oita, Nagasaki, Kagoshima… chủ yếu là đồ gốm men trắng vẽ lam, có ve lòng, xuất xứ từ miền Bắc Việt Nam. Nhiều đồ gốm men trắng có hoa văn khắc chìm, niên đại khoảng giữa thế kỷ XVI, được phát hiện ở tỉnh Oita, trong khi, nhiều đồ gốm men trắng vẽ lam của các lò Chu Đậu và Hợp Lễ (Hải Dương) và gốm Gò Sành niên đại vào nửa sau thế kỷ XVI cũng được phát hiện ở Sakai. Đến cuối thế kỷ XVI, nhiều đồ gốm men trắng vẽ lam của lò Hợp Lễ tiếp tục được nhập khẩu vào Osaka, Sakai và Nagasaki, trong khi, gốm men trắng của Bát Tràng xuất hiện trong các di chỉ ở Oita.

- Sang thế kỷ XVII, đồ gốm men trắng vẽ lam của các lò Chu Đậu, Hợp Lễ, Bát Tràng… tiếp tục được du nhập vào Nhật Bản, được phát hiện tại các di chỉ ở Nagasaki, Fukuoka, Tokyo, Hakata. Ngoài ra, đồ gốm mộc không men của lò Phước Tích (Thừa Thiên Huế) có niên đại vào thế kỷ XVII cũng được phát hiện ở Nagasaki và Fukuoka.

Từ nửa sau thế kỷ XVII trở đi, do chính sách “tỏa quốc” (đóng cửa) chính quyền Nhật Bản nên các thuyền buôn Nhật Bản không được phép xuất dương buôn bán. Gốm sứ Việt Nam nhập khẩu vào Nhật Bản ngày càng giảm, đến đầu thế kỷ XVIII thì hoàn toàn chấm dứt.

* Con đường nhập khẩu đồ gốm Việt Nam vào Nhật Bản

Theo nghiên cứu của TS. Nishino Noriko, công bố tại hội thảo “Lịch sử và triển vọng mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản. Nhìn từ miền Trung Việt Nam” diễn ra tại Đà Nẵng vào cuối tháng 11/2013, thì con đường nhập khẩu gốm sứ Việt Nam vào Nhật Bản trải qua 4 thời kỳ: Thời kỳ thứ nhất là từ thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ XV, thông qua “con đường” Wako (cướp biển). Thời kỳ thứ hai là từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVI, thông qua con đường buôn bán với Ryukyu và Kagoshima. Thời kỳ thứ ba bắt đầu từ nửa cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII, thông qua “con đường” Shuin-sen (Châu ấn thuyền), thuyền buôn Nhật Bản trực tiếp buôn bán với Việt Nam. Thời kỳ thứ tư là vào nửa cuối thế kỷ XVII, khi Nhật Bản áp dụng chính sách “tỏa quốc”, đồ gốm Việt Nam nhập vào Nhật Bản chủ yếu do các thuyền buôn Trung Quốc hoặc thuyền buôn Hà Lan đảm nhiệm.

Trong 4 thời kỳ trên, thời kỳ Shuin-sen là thời kỳ Nhật Bản nhập khẩu nhiều gốm sứ Việt Nam nhất. Nguyên nhân là do đồ gốm Nhật Bản vào trước thế kỷ XVII chưa đạt chất lượng và thẩm mỹ cao như đồ gốm Việt Nam. Vì thế, người Nhật đã mua nhiều đồ gốm Việt Nam, không chỉ vì mục đích sử dụng mà còn để tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật làm gốm sứ của người Việt Nam. Gốm sứ Việt Nam lúc đó được giới quý tộc và thương nhân Nhật Bản đương thời rất ưa chuộng và trân quý. GS. Hasebe Gakuji, nhà gốm sứ học hàng đầu Nhật Bản nhận định: “Các thương thuyền shuinsen của Nhật Bản đã đến Việt Nam mua tơ sống, hàng lụa, hương liệu và các loại tạp hóa, đồng thời còn mua một số lượng lớn gốm sứ Việt Nam. Điều này có thể chứng minh bằng nhiều di vật còn nguyên vẹn hiện nay vẫn cất giữ ở Nhật Bản... Loại gốm sứ Việt Nam tiêu biểu hiện còn giữ tại Nhật Bản là những chiếc bát vẽ lam, là báu vật của gia đình tướng quân Tokugawa. Loại gốm sứ nổi tiếng thứ hai là chén uống trà ‘An Nam hồng’ của gia đình Owari Tokugawa”. GS. Hasebe Gakuji còn khẳng định: “Đã có tư liệu quý có thể xác định con đường đưa (gốm sứ Việt Nam) vào Nhật Bản: vào hồi đầu shuinsen, buôn bán thịnh vượng, nhiều người Nhật đã nhiều lần đến Hội An và đã ở lại một thời gian, trong đó có gia đình thương nhân Osawa Shirozaemon, hiện nay vẫn còn giữ mấy loại đồ sứ Việt Nam” (Hasebe Gakuji, “Tìm hiểu mối quan hệ Nhật - Việt qua đồ gốm sứ”, Ðô thị cổ Hội An, KHXH, Hà Nội, 1991).

* Trà đạo Nhật Bản và gốm sứ Việt Nam

Người Nhật mua gốm sứ Việt Nam về chủ yếu để dùng trong nghi thức trà đạo. Theo sách Trà hội ký, từ cuối thế kỷ XIV gốm sứ Việt Nam đã được người Nhật sử dụng trong các nghi thức hiến trà. Họ gọi những món đồ đó là Nanban Shimamono (nếu là đồ gốm) và An Nam (nếu là đồ sành sứ).

Trong các thời kỳ đầu, người Nhật chỉ mua đồ gốm Việt Nam về làm vật dụng phụ trợ trong nghi lễ hiến trà như lọ hoa, lọ trà… Nhưng đến thời kỳ thứ ba thì người Nhật đã “đặt hàng” cho người Việt làm các món đồ sành sứ cao cấp, mang kiểu dáng và hoa văn đặc trưng Nhật Bản để phục vụ cho nghi lễ hiến trà. Theo TS. Nishino Noriko, có nhiều khả năng vào nửa đầu thế kỷ XVII, người Nhật Bản đã trực tiếp sang Việt Nam chỉ đạo việc làm đồ gốm đặt hàng theo mẫu mã do họ yêu cầu. Sử sách cũng ghi lại sự kiện một phụ nữ Nhật Bản tên là Chiyo (1671 - 1741), con gái của thương gia Wada Rizaemon, đã kết hôn với một thợ gốm ở Bát Tràng (Việt Nam). Điều này góp phần chứng minh Wada Rizaemon là người trực tiếp buôn gốm sứ Việt Nam về bán cho người Nhật Bản. Nửa đầu thế kỷ XVII là thời kỳ các thuyền buôn shuinsen của Nhật Bản hoạt động mạnh ở Việt Nam. Và mặt hàng được ưa chuộng của các thương thuyền shuinsen khi cập cảng buôn bán ở Việt Nam chính là đồ gốm. Đó chính là nguyên nhân vì sao gốm sứ Việt Nam xuất hiện nhiều ở Nhật Bản, không phải bây giờ mà từ hơn 500 năm trước.

Uống Trà Thôi
Theo bảo tàng lịch sử quốc gia
Gốm sứ Việt xưa ở Nhật BảnẤm trà gốm men trắng, khắc chìm hoa cúc, thế kỷ 14, hiện vật của Bảo tàng thành phố Machida
Gốm sứ Việt xưa ở Nhật BảnKendi gồm hoa lam, vẽ hoa sen và dây lá liên hoàn, thế kỷ 15, hiện vật của Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka.
Gốm sứ Việt xưa ở Nhật BảnHũ gốm hoa lam Chu Đậu, thế kỷ 15, khai quật ở di tích thành Nakijin, tỉnh Okinawa.
Gốm sứ Việt xưa ở Nhật BảnBát gốm men lục, khắc chìm hoa văn hình cánh sen, thế kỷ 14, hiện vật của Bảo tàng thành phố Machida.
Gốm sứ Việt xưa ở Nhật BảnSưu tập gốm Hợp Lễ, thế kỷ 15, hiện vật của Trung tâm Khảo cổ học thành phố Nagasaki.
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết

Có thể bạn quan tâm

Nét thanh hoa trên gốm Tiều
Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC
3548 14:54, 03/11/2024
0 0 102 0.0
Cùng sử dụng một màu xanh, nhưng đan xen nhiều sắc độ đậm nhạt khác nhau, minh họa dẫn giải chuỗi đề tài thú vị, khi là Bát tiên quá hải, lúc là Trúc lâm thất hiền, Tiêu – Kê (con gà – bụi chuối), Long ngư hí thủy, Anh hùng độc lập, Tùng hạc diên niên… Những tích truyện xưa cũ ấy được làm sống động, ...
Thạp gốm hoa nâu Hiệp An - bảo vật thời Trần
Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC
3538 09:26, 30/10/2024
0 0 226 0.0
Thạp gốm hoa nâu Hiệp An có niên đại thế kỷ 13-14, được xác định dùng trong hoàng cung, cho tầng lớp quý tộc hoặc tế lễ.

Thạp (chum) được trưng bày tại chuyên đề Tinh hoa cổ vật xứ Đông - Hải Dương lần thứ nhất hôm 19/10, dịp tỉnh công bố quyết định công nhận bảo vật quốc gia do Thủ tướng ký hồi ...
Nét đẹp các trường phái gốm Lái Thiêu
Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC
3506 09:46, 15/10/2024
0 0 117 0.0
Gốm Lái Thiêu là một tên gọi chung, được phân thành ba dòng rõ rệt: Gốm Quảng, gốm Tiều (Triều Châu), và gốm Phước Kiến. Cách nhận dạng cũng rất đơn giản, gốm Quảng chuyên trang trí đình chùa, đồ đặt sân vườn. Đồ dùng nhà bếp, gia dụng, gốm trang trí do lò Triều Châu làm. Đồ dùng chứa đựng, kích cỡ ...
Tìm hiểu những dòng gốm sứ nổi tiếng Việt Nam hiện nay
Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC
3501 11:33, 09/10/2024
0 0 126 0.0
Gốm sứ là một trong những chất liệu quen thuộc của người Việt Nam. Gốm sứ ngày càng được ưa chuộng nhiều hơn bởi nét đẹp sang trọng, tinh tế lại có tính đảm bảo cao về độ an toàn sức khỏe.

Trong lịch sử, nghề gốm ở Việt Nam đã phát triển từ rất sớm từ thế kỷ thứ 1 với những lò gốm cổ ở ...
Kintsugi-nghệ thuật vá gốm bằng vàng tôn vinh vẻ đẹp của sự bất toàn
Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC
3494 14:01, 03/10/2024
0 0 144 0.0
Thay vì loại bỏ những món đồ gốm sứt mẻ hư vỡ, người Nhật lại có cách “hồi phục” cho những vật phẩm này bằng những đường ghép nối phủ vàng hay còn gọi là Kintsugi. Đồ gốm sau khi được sửa chữa mang trên mình những lằn chỉ vàng như một dấu ấn đầy vinh quang sau rạn vỡ- một cách tôn vinh vẻ đẹp ...
GIỚI THIỆU CÁC TRÀ QUÁN
Giúp Uống Trà Thôi tốt hơn mỗi ngày
×
Uống Trà Thôi
Chỉ 30s tải app cực nhẹ và trải nghiệm!