Cùng sử dụng một màu xanh, nhưng đan xen nhiều sắc độ đậm nhạt khác nhau, minh họa dẫn giải chuỗi đề tài thú vị, khi là Bát tiên quá hải, lúc là Trúc lâm thất hiền, Tiêu – Kê (con gà – bụi chuối), Long ngư hí thủy, Anh hùng độc lập, Tùng hạc diên niên… Những tích truyện xưa cũ ấy được làm sống động, tươi mới trên các tạo dáng cốt thai gốm khác biệt, từ ấm tích trà cỡ đại đến độc bình, Bá Huê Tôn, hồ lô, đĩa quả tử, bình đựng nước… Sự dụng công trong chế tác đã tạo nên những tác phẩm gốm xanh trắng đầy quyến rũ mang phong cách Lái Thiêu – Triều Châu.
Đỉnh cao trong nghệ thuật chế tác gốm Lái Thiêu thuộc dòng men xanh trắng (thanh hoa) bắt đầu từ những năm 1940. Dựa trên những hiện vật còn lưu lại, có thể nhận rõ nét hoa mỹ của kỹ thuật công bút, phóng bút rất tài tình điêu luyện, đạt trình độ của một họa sư hơn là thợ vẽ thông thường. Nghe lại chuyện xưa của những nghệ nhân gốm Tiều mới thấy mỗi nhân vật là một kỳ tài, một phong cách rất riêng biệt.
Trong số những “cây cọ” danh tiếng của gốm Lái Thiêu xưa phải kể đến nghệ nhân Ngô Khôn (Ngô Tòng). Ông là họa sĩ của lò gốm Nam Phong vùng Chợ Lớn, sau về Lái Thiêu vẽ cho lò Duyệt An, Thành An và các lò Tiều khác từ 1944 đến những năm 1960. Bút tích của Ngô Khôn thực sự góp phần tạo nên tính mỹ thuật đỉnh cao trong chế tác gốm gia dụng, cộng thêm những kỹ tính trong việc sàng lọc chất đất của chủ lò, tạo cốt thai chắc mịn, giúp cho những nét vẽ của họa sĩ lão luyện như Ngô Khôn có thêm điều kiện thăng hoa.
Một nghệ nhân tiêu biểu khác thuộc gốm thanh hoa Lái Thiêu chính là Lâm Đào Xương, cũng là chủ lò gốm. Ông chuyên chế tác và hoàn thiện trọn gói sản phẩm từ mẫu mã khởi đầu đến cốt thai, chế biến men, vẽ, nung lò. Sản phẩm tiêu biểu của ông có chiếc bình đựng nước dáng thanh thoát, cổ cao, bụng phình. Hay những gối ống, gối chữ nhật với đề tài Lan – Thạch, cổ đồ, thể hiện từng chi tiết mang nét bút sắc mạnh, bay bổng, hiện đều là tác phẩm đầy giá trị, hiếm gặp trên thị trường.
Nói về màu men cùng những nét vẽ tam lam tuyệt hảo, nguyên do thời cực thịnh, gốm Lái Thiêu nhập nguyên liệu với men thuốc (mực vẽ) từ Nhật. Thế nên các sản phẩm thanh hoa của gốm Lái Thiêu thoạt trông không khác gì với gốm Nhật thời đó cũng đã xuất hiện trên thị trường, nhưng sự ra đời của gốm Lái Thiêu được đón nhận phần mang vẻ đẹp khác biệt, phần nhờ mức giá cạnh tranh. Đến nay, sở hữu trong tay tác phẩm thanh hoa của dòng gốm Tiều là mơ ước của không ít giới sưu tầm cả nước.
Uống Trà Thôi
Theo elledecoration.vn