Bức “Phố Hàng Thiếc” được vẽ năm 1952. Đây là bức vẽ phố cổ Hà Nội được xem là có thâm niên lâu năm nhất mà người ta thấy của Bùi Xuân Phái.
Bức tranh này được treo mấy chục năm tại phòng khách của nhà văn Nguyễn Tuân. Đến năm 1984, cụ Tuân hay tin Bùi Xuân Phái lần đầu được phép ra mắt công chúng cuộc triển lãm cá nhân. Nhà văn đã rất phấn khích và đem bức “Phố Hàng Thiếc” đến tặng lại cho Bùi Xuân Phái để có phần đóng góp vào triển lãm cá nhân đầu tiên của bạn. Hôm cuối cùng tuyển chọn những tác phẩm để trưng bày, Bùi Xuân Phái nói với tôi: “Bức “Phố Hàng Thiếc” này đầy ắp kỷ niệm đối với bố. Xem lại thấy xúc động nhưng có lẽ không nên bày. Bố không muốn người ta sẽ đặt câu hỏi, vì sao năm 1952, Thủ đô chưa được giải phóng mà Bùi Xuân Phái đã có mặt ở Hà Nội rồi (năm 1952, vì lý do sức khỏe và người vợ trẻ sắp sinh con nên hai ông bà Bùi Xuân Phái đã rời kháng chiến để trở về Hà Nội).
Hôm nhà văn Nguyễn Tuân đem bức “Phố Hàng Thiếc” đến tặng lại cho tác giả, nhà văn nói:
– Tôi chơi và ngắm bức này đã lâu rồi, bây giờ nên để công chúng có cơ hội được thấy phố Phái ở thời kỳ đầu tiên, sau này ông vẽ đền cho tôi bức khác. Tôi thích có một bức chân dung Nguyễn Tuân do ông vẽ.
Bùi Xuân Phái vui vẻ nhận lời. Tôi vẫn nhớ hình ảnh nhà văn Nguyễn Tuân ngồi làm mẫu cho họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ chân dung. Ngày ấy, tôi còn khá trẻ nên việc có một chiếc máy ảnh là một ước mơ lớn. Vì thế, tôi đã bỏ lỡ rất nhiều hình ảnh quý giá ở những cuộc gặp gỡ tại nhà Phái của các văn nghệ sĩ thời đó. Khi bức chân dung nhà văn Nguyễn Tuân được hoàn thành, nhà văn Nguyễn Tuân đã rất hài lòng với bức chân dung đó, nhưng vì tranh vừa vẽ, sơn vẫn còn ướt nên không thể mang về ngay được. Nhà văn đành để lại, đợi khi nào tranh khô sơn thì đem về.
Vài hôm sau, nhà sưu tập Nguyễn Bá Đạm đến chơi. Ông Đạm thấy bức chân dung Nguyễn Tuân treo trên tường nhà Bùi Xuân Phái. Ông Đạm bị mê hoặc bởi nét vẽ xuất thần của họa sĩ, diễn tả được phong thái,tinh thần của Nguyễn Tuân thật sống động. Không cưỡng lại được sức quyến rũ của bức chân dung Nguyễn Tuân, ông Đạm đã hỏi mua và đưa ra một mức giá cao nhất so với những lần trước mà ông Đạm đã mua tranh của Bùi Xuân Phái. Trước tình huống đó, Bùi Xuân Phái thấy bối rối, bèn nói với ông Đạm:
– Bức chân dung này đã thuộc về nhà văn Nguyễn Tuân, và cần phải hỏi xem ý kiến của nhà văn xem thế nào.
Hôm nhà văn Nguyễn Tuân đến để đưa bức chân dung về, Bùi Xuân Phái kể lại câu chuyện với nhà sưu tập Nguyễn Bá Đạm khi ông này ngỏ ý muốn mua bức chân dung. Nhà văn Nguyễn Tuân cũng quen thân với nhà sưu tập Nguyễn Bá Đạm, nên lấy làm vui, ông bảo:
– Thôi bán cho lúy ông ạ. Đây là dịp tốt giúp ông có thể mua thêm được nhiều họa phẩm để tiếp tục sáng tác. Thôi cứ thong thả, hôm nào tôi lại đến làm mẫu cho ông vẽ bức chân dung khác.
Thế nhưng nhà văn Nguyễn Tuân đã không bao giờ có dịp trở lại xưởng vẽ của Bùi Xuân Phái để làm mẫu cho họa sĩ vẽ chân dung mình nữa. Nhà văn Nguyễn Tuân mắc bệnh nặng và lên đường sang thế giới khác vào năm 1987. Ngày tiễn biệt bạn, Bùi Xuân Phái tỏ ra buồn bã, ông than thở: “Thế là mình mang mãi món nợ với Nguyễn Tuân”.
Uống Trà Thôi
Theo Tạp Chí Mỹ Thuật