Sài diêu là một lò sứ danh tiếng lớn thời Ngũ Đại? Trong văn hiến cổ thấy so sánh Sài diêu ngang với 5 đại danh diêu đời Tống: Nhữ, Quan, Ca, Quân, Định. Tương truyền Sài diêu là ngự diêu của vua Thế Tông đời hậu Châu (954 - 959) tên Sài Vinh nên gọi tên lò là Sài diêu. Người đời xưng tụng màu men sứ xanh (thanh từ dứu) của Sài diêu là “Vũ quá thiên thanh” (màu xanh từ trời sau cơn mưa).
Theo sách Đào thuyết của Chu Đồng Xuyên ghi: “…Tương truyền màu men sứ xanh (thanh từ) do Thế Tông Sài Vinh phê bằng hai câu thơ:
Vũ quá thiên thanh vân phá xứ,
Giả ban nhan sắc tác tương lai.
(Mây tan mưa tạnh trời xanh ngát, Màu ấy về sau cứ vậy làm)…”
Sách Bác vật yếu lãm viết: “…Màu của khí vật Sài diêu, xanh như màu trời, sáng như gương, mỏng như giấy, kêu như khánh…”
Còn sách Di môn quảng độc thì viết: “… Đồ Sài diêu sản xuất nơi đất Bắc, sắc xanh da trời (thiên thanh), tươi nhuận, mát mịn, có rạn nhuyễn (tế văn), đáy lộ đất hoàng thổ (vàng),các đời sau khó gặp được loại sứ này…”
Trong sách Sự vật Cam Châu thì ngợi khen đồ Sài diêu là trên hết các loại đồ lò khác (chư diêu chi quán).
Đến sách Phẩu nhã của Trần Lưu đời Thanh viết nơi quyển trung: “… Màu men ‘Vũ quá thiên thanh’ đồ Sài diêu thời hậu Châu, khó có thể thấy được, thời Triệu Tống có phỏng tạo ra loại thanh từ (céladon) ngày nay gọi là đồ Đông thanh, sánh ngang với các đồ sứ Ca diêu, Đệ diêu, sắc xanh của những loại sứ này cũng từng làm say mê những người sưu tập đồ độc sắc (nhứt đạo dứu) trong suốt biết bao đời người mong cầu sờ mó hoặc nhìn thấy cho được món sứ màu xanh sau cơn mưa…”
Và Hứa Chi Hằng người thời mạt Thanh dường như có phần nào khẳng định cho chúng ta bớt đi mối nghi có không đồ Sài diêu ‘Vũ quá thiên thanh’, trong sách Ẩm lưu trai thuyết từ mục khái khuyết đệ nhứt viết: “… Sứ cổ chuộng xanh, phàm màu lục màu lam đều cho là thanh (xanh), nên trong bài phú của Phan Nhạc gọi ‘phiếu từ’ màu hồ thủy, Kỷ Trâu Dương chép là ‘lục từ’, trong ‘Trà kinh’ mục Phẩm trà Lục Vũ đời Đường xưng tụng ‘… chén men xanh trên hết…’, trong thơ của Tô Đông Pha đời Tống có câu: ‘…Thanh uyển phù hương…’. Các danh diêu thời Tống như Nhữ diêu, Ca diêu, Long tuyền diêu, Đông diêu đều sản xuất sứ xanh là chủ yếu, một minh chứng Tống trở về trước đều trọng màu xanh vậy…”.
Tóm lại đồ Sài diêu truyền thế thật hiếm?
Đời sau khó có được, nên trong dân gian có câu truyền tụng câu “Phiến Sài trị thiên kim” (Một mảnh Sài diêu đáng giá ngàn vàng). Di vật và di chỉ lò Sài diêu đến nay vẫn chưa được phát hiện, nên không ít người hoài nghi trong lịch sử có chăng loại hình sứ Sài diêu? Sách thì nói đồ Sài diêu sản xuất nơi đất Bắc, thậm chí có sách còn nói rõ địa danh như sách Đào nhã ghi: “…Sài diêu nằm trong dải Trịnh Châu tỉnh Hà Nam…”.Nhưng cả vùng Trịnh Châu chưa hề thấy dấu vết lò cổ Sài diêu bao giờ, Sài diêu có không? Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình? Hay một huyền thoại về một khí vật chưa hề có mà trong văn hiến thì có không ít người từng nói đến? Hoặc đó là một công án Thiền của ông vua sính thơ, tức cảnh sanh tình thẩn thơ buột miệng buông ra, rồi nhiều nhà theo đó dịch giải sớ sao tạo thành một khối nghi tình, quả vậy thì chúng ta những người săn lùng đồ xưa cũng nên ôm cái công án nầy rồi vào một “sát na” nào đó đúng cơ duyên khối nghi vỡ tung ắt sẽ thấy cái màu trời xanh nơi vân phá xứ? Và ngộ ra rằng ở đâu mà màu trời không “thiên thanh”.
Uống Trà Thôi
Theo cổ vật tinh hoa