Trên con đường nhân sinh, những người chịu đựng nghịch cảnh qua thời gian lâu thường dễ cảm thấy nản lòng bởi họ không nhìn thấy được tương lai tươi sáng phía trước. Tuy nhiên, nghịch cảnh đồng thời lại là cơ hội tuyệt vời để ma luyện ý chí của con người.
“Vật cực tất phản, bĩ cực thái lai”, đi đến tận cùng của nghịch cảnh, mọi việc ắt có chuyển biến
Nếu một người có thể giữ vững niềm tin của mình khi đối mặt với nghịch cảnh, có thể thản nhiên đối mặt với bóng tối trước mặt và có thể làm được như vậy một cách bền bỉ kiên trì, thì cuối cùng người đó sẽ có thể đi đến thành công.
Ngược lại, giống như câu nói “sinh trong hoạn nạn, chết nơi an lạc”, tâm thái nhàn rỗi quá mức cũng đủ chôn vùi tương lai của một sinh mệnh vốn có hy vọng tiến đến thành công.
Chuyện kể rằng trong những năm tháng chiến tranh loạn lạc, có một thương nhân nọ khi đang vượt qua một ngọn núi thì không may gặp phải tên thổ phỉ chặn đường cướp của. Thương nhân lập tức chạy trốn nhưng tên thổ phỉ cứ truy đuổi không tha. Khi chạy đến cùng đường, thương nhân bèn chui vào một hang núi để trốn, và tên thổ phỉ cũng chui vào hang để đuổi theo.
Đến khi vào sâu trong hang, thương nhân cuối cùng cũng không thoát khỏi sự truy đuổi của tên thổ phỉ và bị hắn tóm được trong bóng tối. Ngoài việc bị đánh đập tàn nhẫn ra, tất cả tài sản trên người cũng như ngọn đuốc mà anh chuẩn bị để soi đường trong đêm đều bị tên thổ phỉ cướp mất.
May thay tên thổ phỉ đã không giết anh, sau đó mỗi người họ tự tìm cho mình lối ra khỏi hang động. Cái động này vốn rất sâu và tối, hơn nữa trong động lại có động, các hang động ngang dọc nối nhau chằng chịt. Cả hai cứ mãi mò mẫm trong hang, như thể họ đang ở trong một mê cung dưới lòng đất.
Tên thổ phỉ nhờ ánh sáng từ ngọn đuốc mà hắn cướp được của thương nhân nên có thể đi lại trong động. Nhờ có ngọn đuốc mà mọi thứ trở nên thuận tiện hơn rất nhiều, hắn có thể thăm dò đá sỏi dưới chân, lại có thể nhìn rõ các vách đá chung quanh, nên hắn không bị va vào vách hay vấp phải đá. Nhưng hắn cứ đi tới lui mãi mà cũng không ra khỏi động được, cuối cùng đã chết vì kiệt sức.
Còn về phần thương nhân sau khi bị cướp mất ngọn đuốc thì không còn gì để rọi sáng nữa. Trong bóng tối anh mò mẫm đi lại, mỗi từng bước chân đều hết sức gian nan. Khi thì anh va phải vách đá, lúc thì vấp phải đá sỏi, trượt ngã đến mức dập cả mặt mũi.
Nhưng, cũng chính nhờ ở trong bóng tối nên mắt của anh có thể cảm nhận được một cách nhạy bén những tia sáng nhỏ nhoi chiếu qua miệng hang động, anh lần theo ánh sáng le lói ấy mà tìm đường đi, cuối cùng cũng thoát khỏi hang núi.
Giữa nghịch cảnh của cuộc đời, chìa khóa của một người để thoát khỏi bóng tối không phải là có được ngọn đuốc hay không, mà là chính thái độ sống và niềm tin của người ấy.
Thi nhân nổi tiếng thời Nam Tống Lục Du từng có câu thơ rằng:
“Sơn trùng thủy phục nghi vô lộ, liễu ám hoa minh hựu nhất thôn”
(Dịch thơ: Trùng điệp núi sông ngờ hết lối, Âm u hoa liễu lại một thôn).
Trong hiện thực cuộc sống của chúng ta vốn có không ít ví dụ về việc khi cùng đường lại tìm ra lối thoát như thế.
Tục ngữ có câu: “Đại nạn không chết ắt có hậu phúc”. Những người trong nghịch cảnh chỉ cần giữ vững niềm tin trong tâm mình và không từ bỏ bản thân, cố gắng cắn răng vượt khỏi bóng tối và vũng lầy của cuộc đời, thì điều chờ đợi họ nhất định là một tương lai xán lạn.
Team Uống Trà Thôi sưu tầm