Do cái lý-thuyết đã nói ở trên mà Dương-minh lập thành cái tâm-học. Học để biết rõ sự-vật mà thù-ứng cho hợp thiên-lý, tức là hợp với chân-lý. Sự biết ấy do cái tâm của người ta, hễ cái tâm đã sáng thì lo gì vật đến mà không soi rõ được. Vậy nên cái công-phu của sự học cốt ở sự làm cho sáng cái tâm. Kẻ học-giả chỉ lo cái tâm chưa sáng, chứ không lo không biết hết những sự biến-đổi của vật. Người ta lập chí dụng công ở sự học cũng như sự giồng cây vậy. Cây lúc đầu chỉ có mầm chưa có thân, hoặc có thân chưa có cành. Khi có cành rồi mới có lá, có lá rồi mới có hoa, có quả. Lúc đầu mới giồng cây, ta chỉ chăm lo sự tài-bồi bón-tưới, đừng tưởng đến cành lá hoa quả vội. Hễ cây tốt thì tự-khắc có cành lá hoa quả, chỉ lo bỏ quên mất cái công tài-bồi mà thôi. Sự tài-bồi việc học là sự làm cho sáng cái tâm. Tâm như nước, có dơ-bẩn lẫn vào thì nước đục ; hoặc như cái gương, có bụi bám vào thì gương mờ. Cái bẩn, cái bụi ấy là cái tư-dục của người ta. « Sự học của người quân-tử là làm cho sáng cái tâm. Cái tâm vốn không tối, chỉ vì cái tư-dục che đi, cái tập-tục làm hại, cho nên hễ bỏ được cái che và cái hại thì tâm lại sáng, chứ không phải là được ở ngoài cái tâm vậy. » (Văn-lục, IV). Sự học như người tập bắn. Bắn thì phải có cái đích. Cái đích của sự học là cái tâm. Vậy nên sự học của người ta là chỉ cầu ở cái tâm mà thôi. « Quân-tử chi học, cầu dĩ đắc chi ư kỳ tâm 君字之學俅以得之於其心 : cái học của quân-tử là cầu lấy được ở cái tâm của mình. » (Văn-lục, IV)
Cái tâm để làm cốt, thì học bao nhiêu cũng không rối, mà bao giờ cũng hợp cái lý nhất quán. Bởi vậy mới nói rằng : « Đức có cái gốc, mà học có cái cốt-yếu. Không do ở cái gốc, mà phiếm-nhiên tòng sự, thì cao lên là hư-vô, thấp xuống là chi-li, chung-qui thành ra lưu-đãng, mất cái tông-chỉ, nhọc mà không có cái sở-đắc vậy. » (Văn-lục, IV)
Có cái tâm-học, thì cứ theo cái chiêu-minh linh-giác 昭明靈覺 của tâm mà hành-động, chứ không câu-nệ gì cả. Dương-minh thường nói rằng : « Học là quí cái được ở tâm ; tìm ở tâm mà không phải thì dẫu lời của Khổng-tử nói ra, không dám lấy làm phải ; tìm ở cái tâm mà phải thì dẫu lời của kẻ tầm-thường nói ra, không dám lấy làm trái. » (Ngữ-lục, II). Sự học đã chủ ở tâm như thế, thì rất là ung-dung hoằng-đại, không câu-nệ điều gì, và không cố-chấp học-thuyết nào, hễ có điều phải là theo. Có người hỏi rằng : « Đạo Nho và đạo Phật khác nhau thế nào ? » Dương-minh nói rằng : « Không nên tìm cái đồng cái dị của đạo Nho, đạo Phật, tìm cái phải mà học là được vậy. » ; « Thế thì phải với trái biện-biệt ra làm sao ? » ; « Tìm ở tâm mà yên là phải. » (Văn-lục, IV)
Thuở ấy có người cho cái tâm-học của Dương-minh giống như Thiền-học bên Phật. Ông sợ người ta hiểu lầm ở chỗ ấy, cho nên ông giải-thích rằng : « Cái học của thánh-nhân không có người, không có ta, không có trong, không có ngoài, cho trời đất vạn vật làm một, để làm tâm ; cái học của Thiền-tông thì khởi ở sự tự-tư tự-lợi mà chưa khỏi phân ra trong ngoài ; đó là chỗ khác nhau vậy. Nay những người học về tâm-tính mà ra ngoài cái nhân-luân và bỏ các sự-vật, thì thật là Thiền-học ; nếu chưa ra ngoài nhân-luân không bỏ các sự-vật mà chuyên lấy tồn tâm dưỡng tính làm cốt, thì chính là cái học tinh nhất của thánh-môn » (Văn-lục, IV). Học-giả nên tế-nhận chỗ ấy mà phân-biệt cho rõ cái tâm-học của Nho-giáo và Thiền-học của Phật-giáo.
http://triethoc.edu.vn/vi/chuyen-de-triet-hoc/triet-hoc-dong-phuong/hoc-thuyet-cua-vuong-duong-minh-3-tam-hoc_1459.html