“Tỉnh trung lao nguyệt” (mò trăng dưới giếng) hay “Viên hầu thủ nguyệt” (khỉ vượn vớt trăng) là một ngạn ngữ của Trung Quốc tỷ dụ cho sự ngu muội vô tri hoặc nhằm ám chỉ việc hao tổn tâm sức cho những mục tiêu hư vọng. Câu ngạn ngữ này có nguồn gốc từ Phật giáo, trong luật Ma Ha Tăng Kỳ quyển 7 đức Phật kể rằng:
“Trong thời quá khứ tại thành Ba La Nại, nước Già Thi có năm trăm con khỉ sinh sống tại một khu rừng hoang vắng. Một hôm chúng đi đến một cây Ni câu luật. Dưới tán cây này có một cái giếng. Trong giếng có bóng trăng hiện ra. Con khỉ chúa khi thấy bóng trăng liền nói với đồng bọn: “Mặt trăng hôm nay rơi xuống giếng chết rồi, chúng ta phải vớt nó lên, chớ để thế gian sống trong tăm tối”.
Thế rồi chúng cùng bàn bạc: “Vớt lên bằng cách nào đây?”.
Khỉ chúa nói: “Ta biết cách đem lên. Ta nắm cành cây, các ngươi nắm đuôi ta, nối kết vào nhau thì có thể vớt lên được”.
Thế rồi lũ khỉ liền làm theo lời khỉ chúa, lần lượt nắm vào nhau, nhưng vì đám khỉ quá nặng còn cành cây thì yếu nên chưa kịp với tới nước thì cành cây đã gãy. Và thế là cả đàn khỉ đều rơi vào trong giếng nước.
Bấy giờ, thần cây liền đọc kệ:
“Một bầy thú lẩn thẩn
Ngu si nắm đuôi nhau
Tự mình gây khổ não
Làm sao cứu thế gian ?”.
Bấy giờ, Phật liền nói với các Tỳ kheo:”Con khỉ chúa thuở ấy nay là Đề Bà Đạt Đa, còn bầy khỉ lúc bấy giờ nay là nhóm Lục quần Tỳ kheo. Ngày xưa đã từng tùy thuận nhau mà chuốc lấy khổ não, rồi ngày nay cũng lại như thế”.
Trong kinh Niết Bàn quyển 9 Phật cũng nói:
"Kẻ đại tham làm việc ác mà không tự thấy, vì kẻ ấy có tâm kiêu mạn, tuy làm nhiều điều xấu ác nhưng không biết sợ hãi, cho nên không được thành Phật, ví như đàn khỉ bắt bóng trăng đáy nước".
Ở Nhật Bản các họa gia ảnh hưởng phong cách Thiền họa của Mục Khê Pháp Thường thời Nam Tống đã sáng tác rất nhiều tác phẩm lấy cảm hứng từ câu chuyện kể trên. Các tác phẩm này đa số được thực hiện bằng chất liệu thủy mặc đen trắng, bút mực giản kiệm, tinh thần phóng túng tự nhiên, khắc họa một hoặc một vài con vượn (hoặc khỉ) tay bám vào cành cây, tay vươn dài xuống dưới để vớt bóng trăng. Hình ảnh cái giếng trong chuyện luôn được lược bớt, thay vào đó các họa gia thường chỉ khắc họa một mặt nước thấp thoáng bóng trăng tròn hoặc đơn giản chỉ là một khoảng trống hư vô như trong các tác phẩm của Hasegawa Tohaku, Ito Jakuchu hay thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc (Hakuin Ekaku).