Tác phẩm sơn mài: Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ (1956)
Kích thước: 112,3cm x 180cm
Bức tranh là tác phẩm dựng lại thời khắc hào hùng của những người chiến sĩ Điện Biên ngay tại chiến trường với 3 nhóm nhân vật chính và phụ. Nhóm nhân vật trung tâm gồm ba chiến sĩ trong đó có một chiến sĩ trên đầu còn quấn băng với khẩu súng trong tay. Nhóm ba người này được liên kết chặt chẽ với hai chiến sĩ khác phía bên phải bức tranh bằng một cái bắt tay đầy quyết tâm. Toàn bộ khung cảnh buổi kết nạp đảng được diễn ra chóng vánh trong không gian chiến hào. Góc trái là một chiến sĩ đang dìu đồng đội bị thương cho thấy ranh giới của sự sống và cái chết thật mong manh. Nhưng phía hậu cảnh lại là một chiến sĩ khác hối hả ra trận như thể sự mất mát đó chính là động lực và nhấn mạnh thêm bối cảnh khẩn trương của cuộc chiến. Bức tranh là có thể xem là bản hùng ca của dân tộc giai đoạn kháng chiến chống Pháp, là hình ảnh tượng trưng cho tinh thần cách mạng cao cả và lẫm liệt.
Hình tượng các chiến sĩ Điện Biên đã được Nguyễn Sáng khắc họa bằng lối hình họa giản lược, chắc khỏe. Màu sắc trong tranh đơn giản, đa phần là các màu sắc trong hệ màu sơn ta truyền thống như đỏ son, vàng, bạc. Bức tranh đặc biệt có thêm một số màu mới như lam, lục được sử dụng thành công, đánh dấu mốc quan trọng vào lịch sử nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam.
Tác phẩm ghi lại chân thực hình ảnh một cuộc kết nạp đảng ở Điện Biên Phủ, phản ánh tinh thần hào hùng, quyết liệt của cuộc chiến lịch sử của dân tộc - kháng chiến chống Pháp. Bức tranh góp một phần quan trọng vào việc nghiên cứu các giá trị lịch sử căn bản để dẫn đến thắng lợi lừng lẫy của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Phong cách tiêu biểu của một họa sĩ bậc thầy của mỹ thuật Việt Nam, tác phẩm là sự kế thừa lối tạo hình của nghệ thuật phương Tây với thủ pháp hiện thực chắc khỏe, nhưng lại mang đậm tinh thần, màu sắc Việt. Tác phẩm là minh chứng căn bản cho khả năng biểu cảm đa dạng của nghệ thuật Sơn mài Việt Nam ngoài lối biểu hình kiểu trang trí trong mỹ thuật truyền thống. Tác phẩm đã tạo nên những ảnh hưởng mạnh mẽ đến xã hội như: cổ động tinh thần quân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ - thời điểm bức tranh ra đời; ảnh hưởng đến các thế hệ họa sĩ sau thời Nguyễn Sáng với tinh thần là bản hùng ca về chủ nghĩa yêu nước và tinh thần cách mạng của nhân dân Việt Nam.
Họa sĩ Nguyễn Sáng (1923 - 1988), quê ở Mỹ Tho, Tiền Giang, tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương năm 1943. Ông được đánh giá là một trong bốn nhân vật xuất sắc thuộc bộ tứ của nền mỹ thuật cận đại Việt Nam. Ông đã nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật trên lĩnh vực mỹ thuật năm 1996.