Chợ Lớn đời thường trong tranh của Trương Lộ
Team Uống Trà Thôi sưu tầm
Đó là một Bình Đông rộn ràng trên bên dưới thuyền, một bờ kênh in bóng cửa nhà lô xô, một đại lộ rộng người qua lại, một chợ Bình Tây xưa cũ từ cách đây cả đời người… tất cả những nhịp sống đời thường ấy vùng Chợ Lớn lần lượt hiện lên tranh qua nét vẽ của họa sư Trương Lộ. Chợ Lớn trong tranh của ông như diễn tả một hoài niệm, một quá khứ mượt mà, nhẹ nhàng, bình dị mà nay ít nhiều đã mai một.
Nhắc đến lối công bút tinh tế ấy ông tiết lộ: “Tôi theo học thư pháp trước, sau mới học vẽ thủy mạc. Sau này tôi vẽ nhiều tác phẩm theo lối ký họa, nhiều người không biết tưởng tôi học từ các trường lớp của mỹ thuật hiện đại. Kỳ thực từ khi học thủy mạc, các thầy dạy tôi một môn gọi là công bút, vẽ rất kỹ, tả đúng với cảnh thực, chẳng hạn muốn vẽ bông thì mua bông đem về đặt ở đó và vẽ theo. Nghệ thuật thư họa truyền thống gọi đây là Bạch Miêu (bạch là trắng, miêu là miêu tả), tức là vẽ không dùng màu, chỉ đi nét mực và chừa trắng. Ở hội họa hiện đại người ta gọi là ký họa. Nhưng cách vẽ không giống nhau, dù đều chú trọng vào nét nhưng tôi sử dụng kỹ thuật thư pháp, có thủ bút, hành bút, thu bút rõ ràng nên cách biểu đạt cũng sẽ khác so với ký họa thông thường”.
Trong số các thể Triện - Lệ - Khải - Hành - Thảo của nghệ thuật thư pháp, họa sư Trương Lộ sở hữu lối viết triện thư với những đường nét hoa mỹ, bút lực dồi dào, trở thành một tên tuổi nổi bật trong số các thư gia đương thời vùng Chợ Lớn. Bên cạnh thư pháp, các tác phẩm thủy mạc theo kiểu cổ điển, với các đề tài tứ bình, tứ thời, các tích truyện vẽ nên từ tiểu thuyết chương hồi cổ điển, sách thánh hiền… cũng là một mảng đề tài phong phú được họa sư Trương Lộ thể hiện để giữ lại những kỹ pháp hàm thụ từ thời niên thiếu. Tuy nhiên, những tác phẩm sáng tác mang nét đời thường vùng Chợ Lớn vẫn là bộ tranh độc đáo hơn cả của họa sư Trương Lộ.
Nhớ thời nhỏ theo học thư pháp, thủy mạc của các thư gia Chợ Lớn, họa sư Trương Lộ kể lại: “Thời đó các thầy khi dạy, thường cho học trò đi ngoại cảnh, vẽ núi non hùng vĩ, trong số các học trò chỉ có mình tôi là thích vẽ đời thường, đặc biệt là những ký họa về Chợ Lớn lúc đương thời. Giờ nhìn lại nhiều ký họa đó thì khung cảnh đã đổi thay, không còn như xưa nữa, nhất là hình thái kiến trúc nhà ở, chợ và các công trình công cộng khác”.
Lấy kỹ thuật “công bút” làm nền tảng, những đường nét của Chợ Lớn với các dãy nhà liên kế, với bổ trụ lan can quen thuộc, những tháp tầng bề thế của chợ Bình Tây của những năm 60 mà nay đã không còn, đến chi tiết cầu kỳ, tinh tế với trang phục sân khấu của đào kép trong nghệ thuật Hồ Quảng, cả những góc nhỏ tồi tàn của dãy nhà ổ chuột liêu xiêu trong xóm nước đen, hay giây phút lao động của người thợ điện nhỏ nhoi trước lô xô phố thị… tất cả được hiện lên rõ mồn một, biểu đạt tối đa vẻ đẹp của ngôn ngữ hội họa, từ đường nét, màu sắc, và lối làm chủ “mạc vận” - nét loang của mực trong từng nét để tạo nên chiều sâu cho tác phẩm.
Bên cạnh kỹ thuật “công bút”, những nét “ý bút” trong tác phẩm của họa sư Trương Lộ đã tạo nên chất thơ, đẹp mượt mà cho những khung cảnh mà không ai nghĩ nó sẽ long lanh đến thế khi vào tranh, chẳng hạn những khu nhà ổ chuột, những con thuyền san sát nơi bến Bình Đông. Chỉ với vài chấm phá uyển chuyển, dòng kênh đen trở nên thơ mộng, những rách nát của mái tôn, vách nhà quyện vào nhau, để người xem nhìn vào đều cảm ngay thực tế đô thị còn đó những vấn đề cần giải quyết, nhưng ở góc độ mỹ thuật, đó là một lối thể hiện đẹp và đầy nên thơ. Những nét cọ với “công bút”, “ý bút”, rồi “bán công ý” của họa sư Trương Lộ vẫn cứ thế bay bổng, miêu tả Chợ Lớn bằng một cảm xúc của người sinh ra và lớn lên trong đó, như một cách để lưu lại kỷ niệm, ký ức, lịch sử, cả những phản ánh thực tại cuộc sống Chợ Lớn dưới góc nhìn nghệ thuật. Chất đời ấy hẳn là một nét độc đáo riêng trong họa pháp của Trương Lộ, và cũng là một nét đẹp riêng giới thiệu vẻ đẹp Chợ Lớn xưa và nay bằng kỹ thuật thủy mạc truyền thống của người Hoa vùng Chợ Lớn.
Team Uống Trà Thôi sưu tầm