Hình 4-33: Ấm trà Thanh thuỷ nê
THANH THUỶ NÊ là khái niệm rất mơ hồ trong Tử sa. Về "Thanh thuỷ nê", có nhiều định nghĩa khác nhau trong các thời kỳ. Không có cái gọi là "Thanh thuỷ nê" vào thời nhà Minh và nhà Thanh. Loại đất sét được gọi là "thanh thuỷ nê" xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Hoa Dân Quốc, vì vậy ngày nay nó được gọi là "Thanh thuỷ nê thời Trung Hoa Dân Quốc." Màu đất sét sẫm và thô hơn so với màu "Thanh thuỷ nê" hiện đại (Hình 4-28). Không có quặng tử sa tên là "Thanh thuỷ nê". "Thanh thuỷ nê" là một cái tên mới xuất hiện. "Thanh thuỷ nê" ban đầu là khái niệm để nói về việc chỉ sử dụng một vật liệu quặng tử sa thô duy nhất, sau khi nghiền và xử lý, vật liệu đất sét được trộn trực tiếp với nước mà không trộn thêm bất kỳ vật liệu khoáng hoặc chất màu hóa học nào khác. Đất sét tử sa được tạo ra mà trong thành phần không có bất kỳ vật liệu khoáng hoặc hóa chất nào khác được gọi là "Thanh thuỷ nê".
Ví dụ, người ta có thể gọi đất sét tử sa làm từ quặng "đáy tào thanh" là "Thanh thuỷ nê", có nghĩa là "đáy tào thanh" có thể được coi là "thanh thuỷ nê" nhưng "thanh thuỷ nê" không nhất thiết phải là "đáy tào thanh".
Từ những năm 1960 đến những năm 1970, Xưởng tử sa Nghi Hưng đã trộn "Tử nê" dư thừa với "hồng nê" và đất sét có màu tím thông thường để sản xuất Chén tử sa và loại đất sét đã qua xử lý này được gọi là "thanh thuỷ nê", hay còn gọi là "Văn cách Thanh thuỷ nê" (Thanh thuỷ nê thời cách mạng văn hoá). Loại thanh thuỷ nê này được sử dụng chủ yếu để làm các sản phẩm cấp thấp như chậu hoa và là vật liệu khoáng đất sét cấp thấp.
Vào cuối những năm 1980, do nguồn khoáng tử sa chất lượng cao giảm đi tương đối, ngoài mục đích thẩm mỹ về kết cấu của vật liệu ban đầu, người ta dần dần dùng đến "Thanh thuỷ nê" (Tử nê) để chế tác nhiều sản phẩm hơn. Từ lúc này, "Thanh thuỷ nê" cũng bắt đầu trở nên quen thuộc. Lúc này những người trong nghề không phối thêm các vật liệu khoáng hay vật liệu hóa học nào khác, sau khi nung sản phẩm có màu tím đỏ thì được gọi là "Thanh thuỷ nê" hay còn gọi là "hồng thanh thuỷ" , sản phẩm có màu tím thì gọi là "tử thanh thuỷ". Có không ít loại khoáng tử nê được sử dụng để làm "thanh thuỷ nê". Mỏ Hoàng Long Sơn, các mỏ lân cận ở thị trấn Định Hồ và các khu vực lân cận Nghi Ninh đều có trữ lượng ít nhiều. Trong số đó, phải kể đến "Hồng bì long" Hoàng Long Sơn khai thác ở thị trấn Định Hồ là loại Tử nê đại diện tiêu biểu nhất.
HỒNG BÌ LONG là một loại khoáng tử nê thường được sử dụng trong các loại khoáng tử sa Hoàng Long Sơn. Trước đây người ta thường gọi "Hồng bì long" là “Dã Sơn hồng nê”, nhưng cách gọi này không có căn cứ. Bởi vì hồng nê khai thác ở Hoàng Long Sơn được gọi chung là "Bổn Sơn hồng nê" thì bản thân "Hồng bì long" sinh ra ở Hoàng Long Sơn, tại sao lại gọi là "Dã Sơn"? Mặc dù "Hồng bì long" có màu ngả đỏ sau khi được nung ra nhưng thực chất nó là Tử nê. Hồng bì long không được khai thác ở vùng núi Dã sơn (bên ngoài - ngoại sơn) và cũng không thuộc về hồng nê, vậy làm sao Hồng bì long có thể được gọi là “Dã Sơn hồng nê”? Gọi là "Dã Sơn hồng nê" là không chính xác trong việc phân loại và nguồn gốc của khoáng. Nếu hồng nê được khai thác bên ngoài Hoàng Long Sơn được gọi là "Dã Sơn hồng nê", thì đó mới là một cách gọi tên chính xác.
"Hồng bì long" thuộc về dòng "Tử nê", bởi vì tính chất tử nê, màu sắc xuất hiện của ban đầu và sự thay đổi màu sắc sau khi nung đều giống với Tử nê. "Hồng bì long" Hoàng Long Sơn phân bố dưới lớp sa thạch thạch anh ( khoáng tầng Thạch Hoàng, hình 4-29). So với các loại khoáng tử nê khác, "hồng bì long" là lớp quặng nông hơn. Quặng ban đầu có màu nâu tím, cấu trúc khối lớn dạng bột kết, đặc, rắn và cứng. Thành phần khoáng chất là hydromica, cao lanh, thạch anh, mảnh mica và ferit... Mica có nhiều tạp chất hơn. Thành phần hóa học chính và hàm lượng phần trăm của nó là: silicon dioxide (SiO2) 63,54%, oxit nhôm (Al2O3) 21,03%, oxit sắt (Fe2O3) 7,59%, oxit titan (TiO2) 0,25%, magiê oxit (MgO) 0,67%, Canxi oxit (CaO) 0,52%, kali oxit (K2O) 1,86%, natri oxit (Na2O) 0,31%, hiệu suất nung 6,48%. "Hồng bì long" là một loại khoáng tử nê tương đối phổ biến, còn được gọi là "Phổ tử".
Tử nê Hồng bì long có hàm lượng thạch anh tương đối cao, tỷ lệ hạt thô và mịn hợp lý, độ dẻo tốt, dễ kiểm soát khô ướt, dễ tạo hình, thích hợp làm các công trình lớn nhỏ. Hồng bì long có độ ổn định tốt, độ co ngót khi nung thấp và dễ dàng kiểm soát nhiệt độ, nhiệt độ nung là 1170°C ~ 1190°C. Sau khi nung, màu sắc bề ngoài chuyển từ đỏ nâu sang đỏ sẫm và đỏ tím (như hình 4-32). Hồng bì long là một trong những nguyên liệu khoáng tốt nhất để điều chế Thanh thuỷ nê, nhưng nó không phải là nguyên liệu khoáng duy nhất để điều chế Thanh thuỷ nê.
Trong những năm gần đây, trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng quốc gia và địa phương, nhiều loại khoáng tương tự như "hồng bì long" đã được phát hiện ở những vùng xung quanh núi Hoàng Long và các khu vực lân cận. Mặc dù thành phần tổng thể của các loại sét này tương tự như Hồng bì long, nhưng kết cấu sau khi nung thì không giống nữa hoặc giống thì lại rất khó pha trà.
Khi sử dụng "thanh thuỷ nê" để chế tác, cần chú ý là quá trình già hóa của thanh thuỷ nê, các chất hữu cơ trong thanh thuỷ nê rất dễ đóng cặn trên các bề mặt và
phải sử dụng nước sạch để rửa sạch, nếu không rất dễ tạo hiện tượng ám đen bề mặt. Những tác phẩm bằng "hồng bì long" mềm mại, đơn giản, tao nhã, dễ pha trà, màu tím đỏ giản dị, trang nghiêm cổ kính, được người uống trà yêu thích.
SG, 31/07/2021
(Lão Tà - An Nhiên Tịnh Quán dịch từ "Dương Tiện minh sa thổ" của Lưu Ngọc Lâm)